“Nếu không giữ được giảng viên giỏi làm nòng cốt thì khoa cứ ọp ẹp hoài”

19/07/2023 06:47
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Môi trường làm việc hay chế độ lương đều là những yếu tố được các giảng viên quan tâm khi tìm kiếm môi trường làm việc. 

Hiện nay, vấn đề giữ chân giảng viên giỏi trở thành bài toán với các cơ sở giáo dục đại học, ở cả môi trường giáo dục công lập và tư thục.

Vai trò nòng cốt phải là lực lượng giảng viên cơ hữu

Cũng trăn trở về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Võ Tòng Xuân (Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) đánh giá:

“Vấn đề “ganh” nhất hiện nay là làm sao thu hút được giảng viên giỏi công tác tại trường đại học. Đây là đội ngũ đóng vai trò nòng cốt, là động lực quan trọng nhất trong mỗi khoa. Những giảng viên giỏi sẽ có vai trò đào tạo, dẫn dắt các giảng viên trẻ, sinh viên của mỗi khoa. Từ đó, dần dần trường đại học đó mới có đội ngũ kế cận, phát triển thành một trường tốt, có uy tín, có chất lượng và vững mạnh”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Lấy thực tế tại Trường Đại học Nam Cần Thơ, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết: “Nếu không giữ được giảng viên giỏi làm nòng cốt thì khoa cứ ọp ẹp hoài!”.

Giáo sư nhận định tiền lương là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút được người tài giỏi thực sự cho cơ sở giáo dục. Phóng viên đặt vấn đề, với những cơ sở có nguồn lực lớn, vấn đề lương sẽ không quá khó khăn, tuy nhiên, với những trường nhỏ, nguồn lực hạn chế, để chi trả lương cao cho giảng viên, liệu có khả thi?

Bày tỏ quan điểm, Giáo sư Võ Tòng Xuân thừa nhận, tiền bạc là vấn đề khó khăn, tuy nhiên nếu người lãnh đạo biết chi tiêu hợp lý, thì tiền lương cho giảng viên không phải là vấn đề quá khó khăn.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng chia sẻ thêm, hiện phong trào thỉnh giảng rất nhiều, nhưng đội ngũ đóng vai trò nòng cốt vẫn phải là lực lượng giảng viên cơ hữu.

“Giảng viên thỉnh giảng thời gian ít, họ đến rồi đi. Cơ hội để sinh viên trao đổi thêm không có nhiều”, Giáo sư Xuân nói.

Tạo môi trường để các giảng viên nâng cao năng lực chuyên môn

Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục khác lại cho rằng lương chỉ là một khía cạnh, điều quan trọng hơn là môi trường để người giỏi được phát triển, phát huy được năng lực.

Vị chuyên gia cho rằng, để thu hút được giảng viên giỏi, trường đại học cần thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, tập hợp những giảng viên trình độ cao, các nhà khoa học giỏi để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Những nhóm nghiên cứu mạnh sẽ là môi trường giúp các giảng viên có cơ hội được học tập, phát huy và nâng cao năng lực chuyên môn hiệu quả.

Tạo môi trường làm việc thân thiện, hòa đồng, giúp các giảng viên có cơ hội phát huy chuyên môn cũng là giải pháp được Trường Đại học Đồng Nai đặc biệt quan tâm trong bối cảnh chế độ lương chưa phải là động lực hấp dẫn nhất.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Anh Đức - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây, nhà trường cũng gặp phải làn sóng các giảng viên có xu hướng rời đi. Theo số lượng thống kê gần đây, từ khoảng năm 2021 trở về trước, toàn trường có 14 giảng viên, các tiến sĩ đầu ngành rời đi. Tiến sĩ Lê Anh Đức chia sẻ thêm, lý do các giảng viên chuyển công tác có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Những năm gần đây, nhà trường đang đẩy mạnh các chính sách thu hút giảng viên giỏi, trong đó chú trọng tới môi trường làm việc.

Vị Hiệu trưởng chia sẻ, để thu hút, giữ chân giảng viên, có 3 yếu tố quan trọng cần quan tâm: Thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống; Có môi trường để giảng viên phát triển được về chuyên môn; Môi trường làm việc phải hòa đồng, thân thiện, cùng nhau hỗ trợ trong công việc.

Với Trường Đại học Đồng Nai, thu nhập hiện chưa phải là thế mạnh lớn nhất, tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường đã nỗ lực cải thiện chế độ làm việc, tạo mọi điều kiện để giảng viên được phát huy năng lực và nâng cao khả năng chuyên môn.

“Chúng tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để các giảng viên tham gia giảng dạy, và tham gia các hội nghị, hội thảo trao đổi chuyên đề với các trường khác. Khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học, các đề tài nghiên cứu gần gũi, tập trung làm lợi cho chính hoạt động dạy và học của giảng viên, sinh viên nhà trường”, Tiến sĩ Lê Anh Đức trao đổi.

Nhờ những nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, năm 2023, nhà trường đã tuyển mới được 4 Tiến sĩ cho 2 ngành mới là Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và Kỹ thuật cơ khí.

Đây đều là những giảng viên giỏi, đã có thời gian công tác tại các trường cao đẳng, các doanh nghiệp lớn. “Chúng tôi cam kết tạo môi trường thuận lợi cho giảng viên được làm việc, phát triển những đề tài, dự định đang ấp ủ. Hay tạo điều kiện để các giảng viên có cơ hội giao lưu với các trường đại học trong và ngoài nước, từ đó mở rộng thêm những hướng đi mới cho các đề tài, Tiến sĩ Lê Anh Đức nói.

Doãn Nhàn