Giảng viên được cử đi học tiến sĩ, học xong hơn một nửa rời khỏi trường

11/07/2023 06:43
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài toán về việc giữ chân nguồn giảng viên chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn đang cần lời giải thỏa đáng.

Dự thảo thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được một số góp ý, kiến nghị từ nhiều lãnh đạo của các cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, tại các trường đại học địa phương đang nhận thấy nhiều vướng mắc tại một số tiêu chuẩn, đặc biệt là về việc đảm bảo tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại trường đại học địa phương.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: Doãn Nhàn).

Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang. (Ảnh: Doãn Nhàn).

Nên xây dựng quy định chuẩn cho 2 dạng đại học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang cho biết, hiện nhà trường không đào tạo trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên, hàng năm trường đều cử giảng viên đi học tại các cơ sở giáo dục đại học nhằm đảm bảo số lượng tiến sĩ trong nhà trường.

Theo thầy Thịnh, về tổng thể Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học hình thành nên một bộ khung điều kiện cơ bản nhằm hướng đến hoạt động đào tạo, nghiên cứu, phục vụ cộng đồng có chất lượng cao tại các trường đại học hiện nay. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn một số yếu tố chưa rõ ràng và có sự chồng chéo giữa các quy định.

Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tiền Giang nhận định, Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đã có yêu cầu cụ thể mỗi ngành cần đảm bảo có bao nhiêu giảng viên trình độ tiến sĩ, điều kiện về cơ sở vật chất cần thiết.

Trong khi đó, Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học lại tiếp tục đưa ra các quy định về những vấn đề này. Từ đó tạo nên sự chồng chéo, dễ tạo ra mâu thuẫn giữa các văn bản.

Vì vậy, khi đã có quy định (tại Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT) số lượng tiến sĩ, điều kiện về cơ sở vật chất cần thiết để mở một ngành đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ cụ thể thì không nên đưa nội dung tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo và nghiên cứu vào Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Thầy Thịnh phân tích, hiện nay Việt Nam đang có 2 dạng đại học là cơ sở đại học định hướng nghiên cứu và cơ sở đại học định hướng ứng dụng.

Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có nêu rõ: “Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu phải đảm bảo tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư không thấp hơn 20% tổng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học”.

Như vậy, Luật hiện hành chỉ quy định tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ hay chức danh giáo sư đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu mà không có quy định tỷ lệ này đối với cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng.

Điều này là hợp lý vì nhiệm vụ chính của tiến sĩ là nghiên cứu, nhiệm vụ giảng dạy phải xếp sau nhiệm vụ nghiên cứu.

Nghiên cứu sinh được công nhận là tiến sĩ thông qua việc bảo vệ thành công luận án với tính mới, được phát hiện ở tầm quốc tế.

Sự nghiệp nghiên cứu của tiến sĩ sẽ ngày càng phát triển thuận lợi nếu được làm việc trong một môi trường thích hợp, đó thường là cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu hoặc viện nghiên cứu có đủ uy tín.

Trong khi đó cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng không nhất thiết phải có quy định tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ vì thạc sĩ hay kỹ sư, cử nhân vẫn có thể nghiên cứu ứng dụng, giải quyết vấn đề thực tiễn ở địa phương, vùng miền tốt.

Ví dụ, tại Trường Đại học Tiền Giang có một số giảng viên là thạc sĩ nhưng làm nghiên cứu ứng dụng rất tốt.

Nói như vậy không có nghĩa cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng không cần tiến sĩ mà vẫn rất cần nhưng cần đến mức độ nào còn tùy thuộc sứ mạng, đặc thù của từng trường.

Từ đó, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang kiến nghị cần có sự thay đổi phù hợp hơn về tỷ lệ tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục đại học theo Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Trong trường hợp là cơ sở đại học định hướng nghiên cứu yêu cầu “tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học” theo Nghị định 99, hoặc có thể yêu cầu trên 80% theo sứ mệnh của đại học định hướng nghiên cứu, còn đối với cơ sở đại học định hướng ứng dụng thì không cần quy định tỷ lệ tiến sĩ vì vấn đề này đã được đề cập trong quy định mở ngành đào tạo.

Điều cần thiết hơn là ban hành Chuẩn cơ sở đại học dành riêng cho cơ sở đại học định hướng nghiên cứu và cơ sở đại học ứng dụng để có sự cụ thể, rõ ràng.

Các cơ sở giáo dục đại học hiện có 3 nhiệm vụ chính là đào tạo, nghiên cứu - chuyển giao và phục vụ cộng đồng. Nhiệm vụ phục vụ cộng đồng suy cho cùng cũng trên cơ sở nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu – chuyển giao.

Như vậy, theo thầy Thịnh việc Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đề cập đến nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí chỉ là điều kiện cần. Trọng tâm hơn là trên cơ sở Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, các trường đại học phải đặt ra mục tiêu cốt lõi là đào tạo ra sinh viên tốt nghiệp hay nghiên cứu – chuyển giao được xã hội chấp nhận, hoan nghênh.

Từ đó Dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cần đề cập đến tỷ lệ sinh viên có việc làm và chất lượng của việc làm (có thể đánh giá theo mức thu nhập); tỷ lệ đề tài/dự án được chuyển giao và chất lượng đề tài/dự án được xã hội đánh giá tốt; …

Khó khăn trong việc giữ chân tiến sĩ tại trường

Hiện nay tại Trường Đại học Tiền Giang đảm bảo nguồn giảng viên có trình độ tiến sĩ để giảng dạy. Tuy nhiên, thầy Thịnh cho rằng việc giữ chân giảng viên ở lại trường công tác hiện nay là một vấn đề nan giải.

Xuất phát điểm là trường đại học địa phương nên đa số nguồn kinh phí vẫn còn khá hạn hẹp.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang cho biết, trong khoảng 18 năm (từ khi thành lập trường đến nay) có 64 giảng viên đã được trường cử đi đào tạo tiến sĩ thành công, tuy nhiên trong đó lại có tới hơn một nửa rời khỏi trường.

Lý giải về hiện thực đáng buồn này, thầy Thịnh nhận định do cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình nghiên cứu của nhà trường còn hạn hẹp. Đồng thời, mức thu nhập dành cho tiến sĩ vẫn còn khiêm tốn so với nhiều cơ sở đào tạo đại học khác.

Ngoài ra, chính sách thu hút tiến sĩ lại càng khó khăn hơn khi trường phải cạnh tranh rất nhiều với các cơ sở đào tạo khác.

Mặc dù, nhà trường đang có nỗ lực nhất định, chính sách của tỉnh nhà cũng đang có sự quan tâm thu hút đội ngũ có trình độ tiến sĩ, tuy nhiên việc chiêu mộ tiến sĩ về trường chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Hiện nay, cơ sở vật chất của trường khá phong phú, đất đai rộng, phòng học bình thường rất khang trang, tiện nghi.

Tuy vậy, các phòng thí nghiệm chuyên sâu phục vụ cho chuyên môn của các tiến sĩ còn thiếu thốn, eo hẹp.

Phần lớn cơ sở chỉ đảm bảo phục vụ cho việc đào tạo là chính, còn nghiên cứu – chuyển giao lại khá hạn chế.

Ngoài ra, thầy Thịnh cũng bày tỏ đồng cảm với những giảng viên tham gia làm nghiên cứu sinh gặp khó khăn về tài chính, chuyên môn.

Từ đó, nhà trường đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho cho nghiên cứu sinh như giảm bớt giờ dạy, tạo môi trường thuận lợi, giúp giảng viên lựa chọn các cơ sở đào tạo tiến sĩ miễn phí hoặc có trợ cấp kinh phí.

Lý giải về nhiều giảng viên bị kéo dài thời gian học tiến sĩ, thầy Thịnh cho rằng đến từ độ khó của đề tài nghiên cứu. Cụ thể, giảng viên gặp khó khăn khá nhiều về chuyên môn khiến thời gian thường bị kéo dài hơn so với quy định.

Từ thực tiễn trên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh kiến nghị, địa phương cần có chủ trương đầu tư phòng thí nghiệm chuyên sâu, không gian trải nghiệm nghề nghiệp phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu chuyển giao mới có thể thu hút được nhiều tiến sĩ về trường công tác cũng như giữ chân tiến sĩ trong giai đoạn tới.

Phương Nga