Trường ĐH "chỉ tên" những khó khăn khi tiếp cận, gia tăng nguồn thu từ DN

24/09/2023 06:29
Thảo Ly - Hồng Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cơ sở giáo dục đại học có nguồn thu từ việc hợp tác với doanh nghiệp không nhiều, cần có cơ chế, chính sách gắn kết giữa doanh nghiệp và trường đại học.

Nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện nay đến từ ngân sách nhà nước, học phí và nguồn thu khác (trong đó có thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từ doanh nghiệp,…). Tuy nhiên, nguồn thu đến từ việc hợp tác với doanh nghiệp, các nguồn tài trợ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân,… còn rất thấp.

Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp trao đổi với Tiến sĩ Phùng Văn Ổn – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội).

Tiến sĩ Phùng Văn Ổn – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường.

Tiến sĩ Phùng Văn Ổn – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Trường Đại học Tài chính – Ngân hàng Hà Nội). Ảnh: Website nhà trường.

Theo thầy Ổn, việc hợp tác giữa doanh nghiệp với nhà trường đã tạo ra không ít những điểm thuận lợi trong quá trình tổ chức đào tạo, đặc biệt là lĩnh vực Công nghệ thông tin.

“Thứ nhất, xét về phương diện người được đào tạo, việc hợp tác với doanh nghiệp giúp sinh viên của trường có môi trường năng động để trải nghiệm và thực tập. Đây là điểm rất quan trọng, vì doanh nghiệp là môi trường lý tưởng để sinh viên làm quen với công việc và ứng dụng các kiến thức đã học vào thực tế khi đang ngồi trên ghế giảng đường.

Thứ hai, xét về phương diện cơ sở đào tạo, doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo gắn liền với quy định chuẩn đầu ra và gắn với các nhu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi sinh viên tốt nghiệp sẽ có được kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”, thầy Ổn thông tin.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng (gọi tắt là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, nhận thức được ý nghĩa và vai trò quan trọng của hợp tác doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã xem hợp tác doanh nghiệp là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng của nhà trường.

Hiện nay, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã tạo được mối liên kết chặt chẽ với rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc tiếp nhận sinh viên thực tập, đồng hướng dẫn các đề tài, các doanh nghiệp liên kết đã hỗ trợ nhà trường rất nhiều trong việc tài trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu và hỗ trợ học bổng cho sinh viên có thành tích tốt và sinh viên thuộc diện khó khăn.

Theo đó, nguồn thu của trường từ việc hợp tác với tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, nguồn tài trợ bên ngoài, tổ chức cá nhân chiếm gần 15% tổng nguồn thu hợp pháp của Nhà trường trong năm 2022.

Kể đến một số hoạt động cụ thể như hoạt động hỗ trợ nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sĩ, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và quỹ học bổng cho sinh viên xuất sắc, sinh viên nghèo đến từ doanh nghiệp.

Ngoài ra, trường cũng nhận tài trợ của các doanh nghiệp về trang thiết bị, phục vụ cho chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Website nhà trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng vẫn gặp không ít những khó khăn trong việc tiếp cận cũng như gia tăng nguồn thu từ hoạt động hợp tác doanh nghiệp.

Thầy Hiếu cho biết, hiện nay trường gặp 5 khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, hoạt động hợp tác chủ yếu dựa trên cơ sở kết nối thông qua các cựu sinh viên, học viên gắn bó với trường, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của chính các doanh nghiệp. Trong đó, nội dung hợp tác chủ yếu là tài trợ học bổng và tìm kiếm, tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nên hiệu quả hợp tác chưa cao.

Thứ hai, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đa số doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng tiêu cực và đang trong thời gian tập trung tái cấu trúc và phục hồi hoạt động. Vì vậy, sự đầu tư cho việc hợp tác với nhà trường bị sụt giảm.

Thứ ba, các hoạt động chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng chưa được đồng đều cho tất cả các ngành, lĩnh vực mà mới chỉ tập trung chính ở một số mảng như Công nghệ sinh học, Môi trường, Quản lý tài nguyên, Xử lý chất thải, Quản lý hệ thống điện, Xây dựng cầu đường, Tự động hóa,…

Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến việc ứng dụng nghiên cứu để cải thiện hiệu suất lao động, đa số vẫn sử dụng các công nghệ cũ. Trong khi đó, phần lớn các giảng viên trẻ của trường được đào tạo tại các nước tiên tiến, nghiên cứu theo các hướng mới, sử dụng công nghệ mới. Do vậy, cần có sự không đồng nhất về hướng nghiên cứu, phát triển giữa trường và doanh nghiệp.

Thứ tư, hiện nay, các công ty công nghệ cao chủ yếu là công ty có vốn nước ngoài, chỉ mới được thành lập hoặc mở chi nhánh trong nước cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự kết nối chưa chặt chẽ giữa trường và doanh nghiệp. Ngoài ra, các thủ tục hành chính liên quan đến việc nhận tài trợ, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài còn rườm rà, quản lý mang tính chồng chéo.

Thứ năm, thiếu sự đặt hàng tổng thể từ các doanh nghiệp/hiệp hội các doanh nghiệp trong việc tăng cường hợp tác trong đào tạo/nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Việc hợp tác trong đào tạo từ doanh nghiệp với Nhà trường và ngược lại, từ nhà trường tới doanh nghiệp còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Chưa hình thành doanh nghiệp trong nhà trường.

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc Gia Changwon - Hàn Quốc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Website nhà trường

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc Gia Changwon - Hàn Quốc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Website nhà trường

Nguồn thu chủ yếu của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng hiện nay là học phí, trong khi nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hiện chiếm tỷ trọng khá thấp.

Thầy Hiếu nhấn mạnh: “Hoạt động hợp tác của trường đại học với doanh nghiệp cần phải được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa vì đây là xu thế tất yếu, mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên tham gia. Để phát triển hợp tác này, nhà trường đóng vai trò chủ động, tích cực và doanh nghiệp đóng vai trò tiếp nhận, tương tác và cung cấp nguồn lực”.

Để đa dạng hóa nguồn thu từ việc hợp tác với doanh nghiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đề xuất xây dựng các chính sách, cơ chế và quy định về hợp tác, đãi ngộ giữa hai bên.

Theo đó, về phía cơ sở giáo dục đào tạo, cần xây dựng kế hoạch thiết lập mạng lưới doanh nghiệp, đối tác chiến lược để lựa chọn, củng cố và phát triển các mối quan hệ liên kết, hợp tác bền vững. Định kỳ tổ chức tọa đàm, gặp mặt giữa nhà trường và doanh nghiệp để tổng kết, góp ý các nội dung đang hợp tác, đồng thời điều chỉnh, đề xuất nội dung hợp tác trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, cơ sở giáo dục cần hoàn thiện đội ngũ chuyên trách là đầu mối giúp quản lý hoạt động hợp tác doanh nghiệp. Từ cách thức liên kết này, trường có thể thâm nhập sâu vào doanh nghiệp, nắm được yêu cầu cho nguồn nhân lực chất lượng cao, nhu cầu chuyển giao công nghệ,… Đây cũng là điều kiện để các trường đại học quản bá thương hiệu, nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư tài chính trước xu thế tự chủ đại học.

Còn về phía doanh nghiệp, để hạn chế, khắc phục tình trạng đào tạo lại sau khi tuyển dụng, các doanh nghiệp cần thiết lập bộ phận chuyên trách để phản biện, góp phần xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho trường đại học, định hướng theo nhu cầu sử dụng nhân lực từ phía doanh nghiệp.

Đồng thời, doanh nghiệp cần có chiến lược “nuôi dưỡng”, “ươm mầm” tài năng tại các trường đại học bằng hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính; đặt hàng cơ sở đào tạo giải quyết những vấn đề cần thiết mà doanh nghiệp đang và sẽ có nhu cầu.

Thảo Ly - Hồng Giang