WB đánh giá: Nguồn thu của các trường ĐH chủ yếu đến từ học phí, chiếm 70-80%

13/09/2022 06:47
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngân hàng Thế giới nhận định mức đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta đang thấp, cơ cấu thể chế yếu kém và manh mún.

Trong báo cáo “Giáo dục để tăng trưởng” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào tháng 8/2022, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đạt được kết quả tốt trong việc cung cấp giáo dục phổ thông có chất lượng cho người dân, nhưng chưa đạt được nhiều thành công trong giáo dục sau phổ thông (báo cáo tập trung phân tích giáo dục đại học, bao gồm bằng cấp đại học và cao đẳng, không bao gồm đào tạo kỹ thuật và đào tạo nghề).

Sự phối hợp giữa 2 bộ về quản lý giáo dục đại học còn chưa hiệu quả

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam đạt kết quả chưa được như mong muốn có thể do nguyên nhân ở cả yếu tố cung và cầu.

Trong đó, yếu tố cầu liên quan đến chi phí cơ hội cao và chi phí tài chính để theo học giáo dục đại học gia tăng, cũng như lợi ích kinh tế của giáo dục giảm dần. Yếu tố cung liên quan đến chênh lệch về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp với nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, mức đầu tư công ở mức thấp, cơ cấu thể chế yếu kém và manh mún ở cấp giáo dục đại học, dẫn đến kết quả thấp cả về số lượng và chất lượng.

Hệ thống giáo dục sau phổ thông ở nước ta hiện nay đang có 2 bộ quản lý: Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Hệ thống giáo dục sau phổ thông ở nước ta hiện nay đang có 2 bộ quản lý: Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhận định, để cải thiện kết quả giáo dục đại học cần ưu tiên cải cách căn bản về cơ cấu thể chế và quản trị.

Cụ thể, hiện ở nước ta vẫn chưa có một cơ quan quản lý tập trung và thống nhất toàn bộ hệ thống nghiên cứu và giáo dục đại học. Mặc dù có hai bộ khác nhau (Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phụ trách quản lý lĩnh vực giáo dục đại học và lĩnh vực dạy nghề và kỹ thuật (cao đẳng), nhưng sự phối hợp cấp bộ còn ít và sự kết nối giữa các trường còn hạn chế.

“Các trường đại học và các đơn vị nghiên cứu còn thiếu sự gắn kết. Vài trăm viện nghiên cứu của Nhà nước đang hoạt động độc lập với các trường đại học, với sự tách biệt giữa giảng dạy và nghiên cứu. Sự tách biệt như vậy ảnh hưởng đến cả hiệu quả và hiệu suất của hai loại hình đơn vị, dẫn đến nguồn nhân lực và tài lực bị phân tán cũng như thiếu khả năng tạo ra sự ưu tú trong nghiên cứu và giảng dạy”, các chuyên gia nhận định.

Hệ thống pháp quy phức tạp, manh mún và thiếu đồng bộ

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu: hiện nay hệ thống pháp quy còn phức tạp, manh mún và thiếu đồng bộ. Một vài bộ và cơ quan trung ương có thẩm quyền quản lý giáo dục đại học, bao gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Theo các chuyên gia, mô hình như vậy dẫn đến kiểm soát hành chính quá mức đối với các trường đại học và đôi khi các cơ quan khác nhau ban hành những thông tư/nghị định mâu thuẫn nhau.

Năng lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạch định tầm nhìn dài hạn cho ngành và thực thi còn yếu. Do thiếu khung lô-gíc hoạch định tốt và kế hoạch triển khai được đảm bảo nguồn lực nên quá trình phát triển lĩnh vực này còn gặp nhiều trở ngại.

Hiện nay, nguồn ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học còn hạn chế, chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Trong khi đó, nguồn thu hiện nay của các trường chủ yếu đến từ học phí (chiếm từ 70-80%). Nguồn ngân sách của tư nhân đầu tư vào giáo dục đại học vẫn chưa được phát huy hiệu quả. Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị đầu tư của tư nhân vào giáo dục đại học vẫn cần được thúc đẩy.

Ví dụ về cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong giai đoạn từ 2018-2021. Tổng hợp: Doãn Nhàn

Ví dụ về cơ cấu nguồn thu của Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong giai đoạn từ 2018-2021. Tổng hợp: Doãn Nhàn

Cuối cùng, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng công tác đảm bảo chất lượng cần được cải thiện căn bản. Hiện nay, lĩnh vực giáo dục đại học hiện chưa có Khung đảm bảo chất lượng Quốc gia (NQAF) tổng thể nhằm định hướng cho công tác đảm bảo chất lượng nội bộ (IQA) trong các trường đại học, cũng như nhằm hướng dẫn cho các hoạt động chứng nhận và đảm bảo chất lượng độc lập bên ngoài (EQA) do các trung tâm chứng nhận thực hiện.

Nhiều lý do được báo cáo đề cập tới, trong đó có 4 nguyên nhân chính:

Trước hết, các cơ chế đảm bảo chất lượng hiện nay chưa có những công cụ đánh giá và hướng dẫn cần thiết để phát triển về đảm bảo chất lượng nội bộ (IQA).

Hai là các công cụ đảm bảo chất lượng hiện nay được quy định tại nhiều văn bản pháp lý khác nhau và đôi khi xung đột với nhau, dẫn đến có nhiều bộ tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá khác nhau (cấp phép, công nhận, thanh tra, và chứng nhận) dẫn đến lúng túng.

Ba là hiện chưa có sự đồng bộ trong các phương pháp luận chứng nhận. Chỉ có khoảng 28% các trường khối giáo dục đại học được các trung tâm chứng nhận quốc gia cấp chứng nhận; ngoài ra còn có 14% khác được đánh giá độc lập nhưng chưa được chứng nhận. Phần còn lại 58% được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn mới. Như vậy là sau 14 năm hoạt động, hệ thống chứng nhận vẫn chưa được vận hành đầy đủ.

Bốn là mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao chức năng đảm bảo chất lượng độc lập bên ngoài cho nhiều cơ quan độc lập, nhưng các cơ quan chứng nhận này lại tuyển dụng cán bộ các trường giáo dục đại học làm chuyên gia đánh giá, tạo ra nguy cơ hiện hữu về xung đột lợi ích, do đó gây thiếu lòng tin và độ tin cậy.

Doãn Nhàn