Phải chăng chuyển "trường đại học" lên "đại học" chỉ để tăng thêm nguồn thu?

08/02/2023 06:45
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc nhiều trường ĐH có xu hướng chuyển thành ĐH có giúp nâng cao chất lượng đào tạo hay chỉ để tăng quy mô, tăng nguồn thu từ số lượng người học?

Sau khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách khoa Hà Nội, một số trường đại học khác như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Công nghiệp Hà nội, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội cũng đang có lộ trình để chuyển đổi thành đại học. [1]

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội) cho biết, việc đào tạo đa ngành đa lĩnh vực vốn là xu hướng chung của toàn cầu.

Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Nguồn: VNU).

Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Nguồn: VNU).

Theo Giáo sư, nếu trường đại học nào nhận thấy mình có đủ điều kiện để chuyển lên mô hình đại học như: đã và đang đào tạo đa lĩnh vực (khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, y dược,...); có quy mô số lượng sinh viên chính quy đáp ứng đủ theo quy định; mô hình đó mang lại thuận lợi hơn cho trường; giúp đào tạo người học được tốt hơn thì việc chuyển từ trường đại học lên đại học sẽ không gây ra vướng mắc gì cho hệ thống giáo dục đại học.

Hiện nay có trường đại học của Việt Nam đã và đang đào tạo gần như đa lĩnh vực, quy mô đào tạo lớn thì khi chuyển sang đại học sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, đa số các đại học trên thế giới đều đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ lâu rồi và việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực như vậy để phục vụ nền kinh tế thị trường nên hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Mặt khác, theo Giáo sư Đào Trọng Thi, còn nhiều trường nước ta đang đào tạo theo đơn ngành hoặc một vài ngành thì việc chuyển đổi thành đại học không cần thiết, không mang lại thêm lợi ích gì cho cả trường lẫn người được đào tạo.

Và không phải trường đại học nào muốn cũng có thể chuyển thành đại học mà phải đảm bảo đủ bộ tiêu chí theo các quy định hiện hành.

Do đó, nếu trường đại học nào thấy phù hợp với mô hình đại học, có đủ tiêu chí để chuyển đổi và có thể đào tạo tốt hơn khi chuyển đổi thành đại học thì có thể xây dựng lộ trình.

Cũng theo Giáo sư Đào Trọng Thi, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về bản chất thực sự của trường đại học và đại học. Đại học không phải to hơn trường đại học.

Hơn nữa, mặc dù cũng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng đại học khác với đại học quốc gia, đại học vùng. Bởi theo quy định, mô hình của đại học quốc gia, đại học vùng có cấp bậc về mặt hành chính, nhiệm vụ đào tạo chiến lược quốc gia, phát triển vùng khác so với đại học.

Giáo sư Đào Trọng Thi cũng cho rằng, việc các cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa lĩnh vực cũng là để phù hợp với nền kinh tế chuyển đổi hiện nay của Việt Nam nhưng đây sẽ là một quá trình lâu dài và cần chuyển đổi theo nhu cầu đào tạo.

Cũng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) cho biết, từ khi có Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều trường đại học hiện nay đang "chạy đà" để chuyển đổi thành đại học, mong muốn mở rộng quy mô, nâng cao số lượng sinh viên nhằm nâng cao nguồn thu cho trường.

Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An). (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An). (Ảnh: NVCC).

Theo Điều 4, Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học thì một trong các điều kiện là phải có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người.

“Việc thực hiện lộ trình chuyển đổi thành đại học của một số trường đại học chủ yếu để có tính chính danh trong việc tăng quy mô đào tạo hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hệ chính quy cho các trường chính là để đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo tôi, các trường đại học tăng quy mô lên quá lớn sẽ khó đảm bảo được chất lượng”, thầy Luyến nói.

Hiện nay nguồn thu chủ yếu của các trường đến từ học phí. Không giống như cơ sở giáo dục đại học trên thế giới có thể thu được thêm từ các dịch vụ tư vấn hay nghiên cứu khoa học... Vì vậy, có trường mong muốn tăng quy mô để tăng người học, giúp tăng thêm nguồn thu.

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, vấn đề quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam là mô hình quản trị đại học và đảm bảo chất lượng đào tạo chứ không phải danh xưng là đại học hay trường đại học.

“Theo tôi, việc phân ra đại học và trường đại học là không cần thiết, thậm chí tạo ra sự rối rắm trong thuật ngữ danh xưng. Trong khi đó, trước kia, chúng ta chỉ có trường đại học và trong trường đại học có các khoa đã rất dễ hiểu về mô hình rồi.

Nếu các trường cứ tiếp tục theo nhau trong xu hướng chuyển từ trường đại học thành đại học, sẽ không giải quyết được vấn đề căn cốt của chất lượng đào tạo bậc đại học mà chỉ thay đổi được danh xưng”, thầy Luyến bày tỏ quan điểm.

Điều 4 về giải thích từ ngữ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) nêu:

1. Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.

2. Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này.

3. Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

4. Đơn vị thành viên là trường đại học, viện nghiên cứu có tư cách pháp nhân, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, cho phép thành lập theo quy định của pháp luật; được tự chủ trong tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.

5. Đơn vị trực thuộc là đơn vị có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

6. Đơn vị thuộc là đơn vị không có tư cách pháp nhân của cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc thành lập; tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với quy định của pháp luật.

7. Trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học, do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định việc thành lập theo quy định của Chính phủ, tổ chức và hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Điều 7 về cơ sở giáo dục đại học của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) cũng nêu:

Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-tu-truong-dai-hoc-len-dai-hoc-can-thuc-chat-tranh-hao-danh-post990663.vov

Khánh An