Hiện nay, chất lượng và bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học được xem là vấn đề mang tính “sống còn”. Trong đó, kiểm định chất lượng là một nội dung quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng bên ngoài cho các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cơ sở giáo dục đại học, công tác kiểm định chất lượng đang tạo ra áp lực không nhỏ về chi phí Do đó, nhằm giảm bớt áp lực tài chính trong bối cảnh số lượng chương trình đào tạo ngày càng nhiều, có ý kiến đề xuất rằng nên cho phép trường đại học được tự kiểm định chương trình đào tạo thay vì trung tâm kiểm định ngoài như hiện nay.
Trước ý kiến này này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư - Tiến sĩ Đinh Thành Việt, Trưởng Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng cho biết, trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (gọi tắt là Luật 34) hiện chưa có nội dung “tự kiểm định chất lượng”.
Cụ thể, theo quy định của Luật 34, ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đại học; quyết định hoặc cho phép thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Đinh Thành Việt, Trưởng Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NVCC |
Trường đại học có nên “tự kiểm định” chương trình đào tạo?
Theo đó, Phó giáo sư Đinh Thành Việt cho rằng đề xuất “trường đại học được tự kiểm định chương trình đào tạo” cần phải được nghiên cứu một cách cẩn trọng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia đã có triển khai, đồng thời phải xây dựng được các hướng dẫn về “tự kiểm định chương trình đào tạo”, đảm bảo sự minh bạch, tin cậy, tính giải trình, và quan trọng là sự công nhận của xã hội đối với việc “tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo”.
Để có thể làm được việc này phải có một hệ thống các quy định rất cụ thể, chẳng hạn như trường đại học phải đạt tiêu chuẩn như thế nào thì được quyền tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo? Năng lực và số lượng các kiểm định viên của trường đại học ấy phải ra sao liệu có đủ bao phủ việc kiểm định các chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đó hay không? Làm thế nào để đảm bảo sự khách quan trong đánh giá đối với những người trong cùng một cơ sở giáo dục, làm sao để đánh giá chương trình đào tạo ở mức độ chuyên môn sâu?
“Giả định một cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa ngành gồm Kinh tế, Ngoại ngữ, Y khoa,… được tự kiểm định chương trình đào tạo, vậy làm sao để các kiểm định viên trong trường có chuyên môn về Kinh tế, Ngoại ngữ có thể đi kiểm định sâu về chất lượng đào tạo ngành Y khoa của trường đó hoặc ngược lại?”, chuyên gia đặt vấn đề.
Phó giáo sư Đinh Thành Việt cho rằng, ưu điểm của việc “tự kiểm định chương trình đào tạo” sẽ là sử dụng các kiểm định viên của trường, giảm được số lượng kiểm định viên bên ngoài, và tương ứng giảm được chi phí hậu cần như đi lại, ăn ở.
Tuy nhiên cho dù trường đại học có được phép “tự kiểm định chương trình đào tạo” thì cũng phải có một bộ phận chuyên trách kiểu như “Trung tâm kiểm định của trường”, cũng phải có chi phí quản lý, vận hành cho Trung tâm này và vẫn phải mời thêm các kiểm định viên có chuyên môn sâu ở bên ngoài đến kiểm định, tương tự như hoạt động của Trung tâm kiểm định do Bộ cấp phép hiện nay.
Bên cạnh đó, nếu ít tận dụng đội ngũ các kiểm định viên trong phạm vi cả nước, các kiểm định viên có năng lực tốt trong trường cũng sẽ rất mệt mỏi nếu phải thường xuyên đi kiểm định các chương trình đào tạo trong khi họ cũng còn bận rộn với nhiều công việc, nhiệm vụ khác đối với trường; còn nếu cũng sử dụng nhiều các kiểm định viên ngoài trường thì “Trung tâm kiểm định của trường” cũng không khác mấy so với các Trung tâm kiểm định do Bộ cấp phép trong khi sẽ bị quan ngại về tính khách quan trong “tự kiểm định”.
“Nếu cơ sở giáo dục đại học tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, cơ chế công nhận kết quả tự kiểm định, tự công nhận chất lượng có được xã hội dễ dàng chấp nhận trong bối cảnh hiện nay hay không, phụ huynh và sinh viên có thực sự tin tưởng vào chất lượng chương trình đào tạo được “tự kiểm định” bởi chính cơ sở giáo dục đại học đó hay không?”, Phó giáo sư Đinh Thành Việt đặt vấn đề.
Theo chuyên gia, khi nào văn hóa chất lượng được nâng lên ở mức độ cao thì lúc ấy mới nên xem xét việc “tự kiểm định chất lượng chương trình đào tạo”. Song, nếu có đi nữa thì cũng chỉ nên thực hiện đối với một số các chương trình đào tạo nhất định; một số các chương trình đào tạo khác vẫn nên được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định bên ngoài có tính chuyên sâu về ngành nghề.
Thông tin thêm, Phó giáo sư Đinh Thành Việt chia sẻ, ở Hoa Kỳ, việc thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục là theo hình thức tự nguyện. Song, kể cả đại học có uy tín hàng đầu thế giới như Harvard vẫn có hoạt động kiểm định chất lượng chương trình đào tạo do các tổ chức kiểm định có uy tín cao như ABET, AACSB,… thực hiện. Điều này giúp cho Đại học Harvard có được sự công nhận chất lượng một cách chính thống từ bên ngoài, đồng thời trường nhận diện được một cách khách quan các điểm mạnh và những hạn chế để thực hiện quá trình cải tiến liên tục chương trình đào tạo.
“Tuy nhiên rõ ràng là các chuyên gia bên ngoài đến kiểm định các chương trình đào tạo cho Đại học Harvard phải ở một đẳng cấp rất cao và có khả năng mang lại các khuyến nghị có giá trị cho Đại học Harvard, đặc biệt là các chuyên gia đến từ doanh nghiệp, công nghiệp, thực tiễn”, chuyên gia nhấn mạnh.
Đề xuất kéo giãn chu kỳ kiểm định lại
Trong thời gian qua, giáo dục đại học Việt Nam đã có những thành tựu nhất định trong lĩnh vực kiểm định chất lượng, vì vậy nên tiếp tục phát huy được những thành tựu đó, đồng thời có các giải pháp cải tiến hợp lý để hoạt động kiểm định chất lượng ngày càng đi vào thực chất, mang lại giá trị thực sự cũng như giảm bớt các gánh nặng về chi phí cho các cơ sở giáo dục đại học.
Ảnh minh họa: TL |
Thầy Việt cho rằng, để giảm bớt chi phí kiểm định chất lượng cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trong bối cảnh đội ngũ kiểm định viên kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của cả nước còn mỏng, có thể xem xét kéo giãn chu kỳ kiểm định lại đối với các chương trình đào tạo đã được đánh giá ở mức độ tốt.
Một cơ sở giáo dục đại học dù rất tốt vẫn có chất lượng của các chương trình đào tạo ở mức độ không đồng đều, có chương trình đào tạo là thế mạnh của trường nên chất lượng rất tốt, song cũng có thể có chương trình đào tạo có chất lượng chỉ ở mức độ bình thường.
Do đó, Trưởng Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục Đại học Đà Nẵng cho rằng đã có dự thảo, và trong thời gian tới có thể hoàn thiện được quy định sao cho kết quả đạt kiểm định chất lượng chia ra làm 2 mức độ: mức độ 1 (bình thường) và mức độ 2 (tốt). Thời gian kiểm định lại các chương trình đào tạo đạt mức 1 thực hiện theo chu kỳ bình thường là 5 năm, thời gian kiểm định lại các chương trình đào tạo đạt kiểm định mức độ 2 có thể kéo dài hơn, (chẳng hạn như 7-8 năm).
Trong quá trình đó, chương trình đào tạo đạt mức độ 2 vẫn phải định kỳ tự đánh giá, báo cáo kết quả tự đánh giá cho tổ chức kiểm định, và nếu muốn thì vẫn có quyền đăng ký tái kiểm định sau 5-6 năm chẳng hạn. Cơ chế này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học giảm bớt chi phí kiểm định cũng như trong điều kiện số lượng kiểm định viên của Việt Nam còn hạn chế như hiện nay.
“Theo Thông tư số 38/2013/TT-BGDĐT thì chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là 5 năm/lần. Việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo để thế nào là đạt mức độ 1 hay mức độ 2 có thể thực hiện được, chẳng hạn như thông qua mức độ đạt một số các chỉ số cốt lõi của chương trình đào tạo và mức điểm đánh giá đối với các tiêu chí, tiêu chuẩn. Việc điều chỉnh chu kỳ kiểm định lại theo hướng linh hoạt như vậy chỉ cần thực hiện qua sửa đổi Thông tư”, Phó giáo sư Đinh Thành Việt phân tích.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng cần tận dụng tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quá trình tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo, đảm bảo thu thập được các dữ liệu, chỉ số quan trọng, đồng thời báo cáo tự đánh giá cần viết cô đọng, súc tích.
“Có thể so sánh, báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước có giới hạn số trang là 200 trang, trong khi theo tiêu chuẩn AUN-QA phiên bản 3.0 (tương tự như tiêu chuẩn trong nước) của khu vực Đông Nam Á chỉ là 50 trang.
Như vậy, nếu các báo cáo tự đánh giá được viết ngắn gọn, chỉ các minh chứng quan trọng được chọn lựa trong tự đánh giá và kiểm định thì công việc của các cán bộ tự đánh giá trong trường đại học cũng như của các kiểm định viên sẽ được giảm nhẹ và đi vào thực chất. Đây cũng là một giải pháp giúp giảm bớt chi phí tự đánh giá và chi phí kiểm định”, Phó giáo sư Đinh Thành Việt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học cần xem công tác bảo đảm chất lượng bên trong là việc cần thiết, phải làm thường xuyên chứ không nên dồn lại đến khi gần kiểm định mới tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện.
Việc ban hành những quy định, hướng dẫn cho hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong rất quan trọng. Thay vì để 4-5 năm mới cấp tập rà soát, tự đánh giá chương trình đào tạo thì cơ sở giáo dục nên định kỳ rà soát để điều chỉnh cải tiến, khắc phục ngay điểm yếu, đưa hoạt động này vào kế hoạch bảo đảm chất lượng hằng năm. Việc bồi dưỡng tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ giảng viên các năng lực thiết yếu như thiết kế và phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy tích cực, kiểm tra đánh giá đáp ứng chuẩn đầu ra, đo lường đánh giá chuẩn đầu ra,… cũng là biện pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.
“Chi phí nhỏ” phân bổ định kỳ hằng năm cho việc nâng cao chất lượng một cách thực chất sẽ hợp lý, dễ được chấp nhận hơn là “chi phí lớn” cho tự đánh giá và đánh giá ngoài của cơ sở giáo dục đại học tập trung cấp tập vào đợt kiểm định”, chuyên gia đưa ra khuyến nghị.
Một yếu tố hết sức quan trọng khác là kiểm định viên, cần đảm bảo chọn được kiểm định viên có năng lực, có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, có thể mang đến những khuyến nghị có giá trị thực sự cho chương trình đào tạo được kiểm định.
“Có thể do dịch bệnh Covid-19 nên trong các năm qua đội ngũ kiểm định viên chương trình đào tạo chưa tăng lên do chưa tổ chức được các cuộc thi cấp thẻ kiểm định viên. Chúng ta nên quan tâm bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho các kiểm định viên, cố gắng để có được sự phân bố hợp lý số lượng kiểm định viên có năng lực ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Với cơ chế đấu thầu, các Trung tâm Kiểm định cũng phải tính toán để chọn lựa các kiểm định viên ở các tỉnh thành lân cận cơ sở giáo dục đại học có chương trình đào tạo được kiểm định để tiết giảm chi phí đi lại. Bên cạnh đó, cũng nên có chiến lược hình thành dần các tổ chức kiểm định nghề nghiệp có thể kiểm định chuyên sâu chương trình đào tạo trong một số lĩnh vực như Kế toán, Kỹ thuật, Y khoa,…; nên có chính sách khuyến khích, tăng cường các kiểm định viên từ các doanh nghiệp chứ không chỉ từ các cơ sở giáo dục đại học”, chuyên gia nói thêm.
Phó giáo sư Đinh Thành Việt bày tỏ, mong rằng trong thời gian tới, giáo dục đại học Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công và đạt được những bước tiến mới trong lĩnh vực bảo đảm và kiểm định chất lượng.