Công khai tên, chức danh, học vấn đoàn kiểm định GD để tránh "thầy bói xem voi"

19/07/2023 06:46
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chỉ khi công khai, minh bạch các nội dung hoạt động kiểm định, nhân sự kiểm định, kết quả cuối cùng và các khuyến cáo thì mới loại bỏ được những nguy cơ tiêu cực.

Hoạt động kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục là một trong những khâu quan trọng thể hiện trách nhiệm giải trình của trường đại học với xã hội và người học.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, kiểm định chất lượng giáo dục đại học hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, kết quả kiểm định chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc trường đại học chịu sự kiểm định, đánh giá ngoài của một tổ chức kiểm định chất lượng được nhà nước cho phép thành lập và hoạt động thể hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học đó.

Quyền tự chủ càng cao thì trường đại học càng phải liên tục cải tiến chất lượng, đảm bảo cung cấp chất lượng dịch vụ giáo dục cho cộng đồng và điều này cần được đánh giá bởi bên thứ 3 là các tổ chức kiểm định giáo dục.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Nhưng hiện nay, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục còn một số tồn tại hạn chế ví như việc thành lập đoàn đánh giá ngoài, kiểm định chương trình đào tạo với thành viên chưa phải là những chuyên gia của ngành đào tạo đó, hay một người có thể tham gia kiểm định nhiều chương trình đào tạo không thuộc chuyên môn của mình liệu có đảm bảo độ tin cậy, trung thực của quá trình kiểm định...?

Minh bạch trong kiểm định giúp ngăn chặn nguy cơ tiêu cực

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc công khai, minh bạch hoạt động kiểm định, giải trình với các bên liên quan nhằm thúc đẩy tính cởi mở, chia sẻ thông tin trong các quy trình khác nhau. Chỉ khi công khai và minh bạch các nội dung hoạt động kiểm định, nhân sự kiểm định, kết quả cuối cùng và các khuyến cáo thì mới loại bỏ được những nguy cơ tiêu cực.

Khi công khai, người học và xã hội mới được biết đến và tiếp cận các thông tin, quy trình kiểm định, thúc đẩy việc tích cực chia sẻ thông tin, báo cáo kết quả với các bên liên quan và cộng đồng rộng lớn hơn.

Bên cạnh đó, cần phải minh bạch các quy trình, quá trình ra quyết định, cần giải thích rõ ràng và đảm bảo rằng các hành động và quyết định dễ hiểu và có thể theo dõi được.

Tính minh bạch thúc đẩy lòng tin, sự công bằng và trách nhiệm giải trình. Khi quá trình công nhận kết quả kiểm định được tiến hành một cách minh bạch và kết quả được công khai thì sẽ ngăn chặn các hành vi tiêu cực có thể xảy ra.

Công khai và minh bạch buộc các tổ chức kiểm định phải chịu trách nhiệm về các hành động và quyết định của mình. Khi quá trình và kết quả được công khai, các bên liên quan có thể đánh giá liệu tổ chức kiểm định chất lượng có hoạt động một cách khách quan và công bằng hay không. Điều này cũng giúp thúc đẩy hành vi đạo đức, tính liêm chính trong tổ chức kiểm định.

Ngoài ra, việc công khai và minh bạch đầy đủ thành phần đoàn kiểm định, kinh nghiệm, học vấn và nội dung kiểm định...cho phép các bên liên quan, bao gồm sinh viên, giảng viên, nhà tuyển dụng và công chúng, tham gia vào quá trình kiểm định, từ đó làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học và tổ chức kiểm định.

Sự tham gia và giám sát của họ góp phần phát hiện các hành vi tiêu cực, vì họ có thể cung cấp phản hồi, báo cáo các mối lo ngại hoặc cảnh báo nếu họ nghi ngờ hành vi sai trái.

Khi quy trình công nhận minh bạch sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức bên ngoài xem xét và đánh giá độc lập, chẳng hạn như Chính phủ hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Giám sát bên ngoài giúp đảm bảo rằng quy trình công nhận được tiến hành một cách công bằng và không thiên vị.

Khi các hoạt động công nhận được tiến hành một cách công khai và minh bạch sẽ nâng cao tính toàn vẹn và độ tin cậy của quy trình, giảm khả năng xảy ra hành vi sai trái và gian lận. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chính sách 3 công khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc công khai minh bạch hoạt động kiểm định thể hiện ở việc chương trình đào tạo có đáp ứng các tiêu chuẩn đã thiết lập do cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đặt ra hay không, cụ thể như: Chất lượng chương trình giảng dạy, trình độ giảng viên, dịch vụ hỗ trợ sinh viên, cơ sở vật chất và tình hình việc làm của sinh viên, chuẩn đầu ra và các yếu tố liên quan khác.

Báo cáo thẩm định của trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục cần nêu bật cả điểm mạnh và điểm yếu được xác định trong quá trình kiểm định. Điều này cung cấp một đánh giá chính xác về tổ chức hoặc chương trình, cho phép các bên liên quan hiểu được những lĩnh vực xuất sắc cũng như những lĩnh vực cần cải thiện.

Nếu xác định được bất kỳ thiếu sót nào, báo cáo nên bao gồm các khuyến nghị để cải thiện và các kế hoạch hành động của tổ chức để giải quyết các khuyến nghị đó. Điều này thể hiện cam kết cải tiến liên tục và cho phép các bên liên quan đánh giá mức độ đáp ứng của cơ sở giáo dục đối với các kết quả kiểm định.

Các báo cáo kiểm định phải đề cập đến việc trường đại học hoặc chương trình đào tạo có tuân thủ các yêu cầu pháp lý và quy định có liên quan hay không, chẳng hạn như: Các tiêu chuẩn kiểm định, Luật giáo dục đại học và các nguyên tắc đạo đức. Điều này đảm bảo rằng tổ chức hoạt động trong khuôn khổ quy định và đáp ứng các nghĩa vụ cần thiết.

Tính minh bạch phải bao gồm việc đưa ý kiến đóng góp của công chúng và sự tham gia của các bên liên quan vào quy trình công nhận. Báo cáo phản ánh những nỗ lực đã thực hiện để thu thập phản hồi từ sinh viên, giảng viên, nhà tuyển dụng và các bên liên quan khác. Điều này thể hiện cam kết về tính toàn diện và cho phép các bên liên quan đóng góp vào quá trình đánh giá.

Báo cáo cần nêu rõ tình trạng công nhận kiểm định của cơ sở giáo dục hoặc chương trình, bao gồm cả thời gian của giai đoạn công nhận. Thông tin này cho phép các bên liên quan hiểu được tính hợp lệ của việc công nhận và thời gian đánh giá lại.

Việc công khai các bằng chứng thu thập được từ các kiểm định viên trong các quy trình công nhận có thể góp phần tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khi các kiểm định viên tham gia vào đánh giá công nhận thì các phát hiện và bằng chứng của họ đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá chất lượng và sự tuân thủ của một tổ chức hoặc chương trình. Công khai những bằng chứng này có thể nâng cao uy tín và độ tin cậy của quá trình công nhận.

Cuối cùng, thành phần của đoàn đánh giá ngoài cần được công khai về tên, chức danh, học vấn, kinh nghiệm, chuyên môn, số nhân viên đánh giá ngoài phù hợp với kiểm định ngành đào tạo... để loại bỏ lo ngại về câu chuyện “thầy bói xem voi”.

Việc đánh giá chương trình đào tạo đòi hỏi người đánh giá ngoài chuyên môn kinh nghiệm còn phải là chuyên gia trong lĩnh vực phát triển chương trình giảng dạy (specialist) và đánh giá chương trình.

Về trách nhiệm của các bên liên quan, Tiến sĩ Vinh cho hay, các bên liên quan bao gồm cả bên trong và bên ngoài đều cần tham gia vào giám sát quá trình, bao gồm: Cơ quan quản lý (Bộ Giáo dục và Đào tạo), các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục, những người thụ hưởng như: Giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên, người sử dụng lao động,…

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đóng vai trò trung tâm trong việc giám sát quá trình đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục thông qua hoạt động đánh giá ngoài. Họ chịu trách nhiệm giám sát cơ sở giáo dục thông qua các quy định quản lý và các tiêu chuẩn kiểm định, tiến hành tổ chức đánh giá, đưa ra quyết định công nhận/không công nhận và giám sát các cơ sở giáo dục hoặc các chương trình được kiểm định.

Khi kiểm định cơ sở giáo dục hay các chương trình đào tạo, các trường cần cung cấp thông tin, trải qua đánh giá và thực hiện các cải tiến dựa trên kết quả kiểm định, phải thể hiện cam kết về chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn đã được thiết lập.

Chuyên gia đánh giá bên ngoài, là các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, chịu trách nhiệm thực hiện đánh giá các cơ sở hoặc chương trình. Họ xem xét tài liệu, thăm các trường và đưa ra đánh giá độc lập về việc tuân thủ các tiêu chuẩn công nhận.

Sinh viên và cựu sinh viên đóng vai trò quan trọng với tư cách là các bên liên quan trong quá trình kiểm định. Phản hồi, kinh nghiệm và kết quả của họ cung cấp những hiểu biết có giá trị về chất lượng và hiệu quả của đào tạo.

Người sử dụng lao động và đại diện của ngành có thể cung cấp thông tin đầu vào về mức độ phù hợp và hiệu quả của các chương trình giáo dục trong việc chuẩn bị cho sinh viên tham gia lực lượng lao động. Quan điểm của họ giúp đảm bảo rằng các tiêu chuẩn công nhận phù hợp với nhu cầu của ngành và sinh viên tốt nghiệp được trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết.

Đặc biệt, cơ quan quản lý có trách nhiệm giám sát trong quá trình công nhận. Họ thiết lập các chính sách, cung cấp khung pháp lý và đảm bảo rằng các tổ chức kiểm định hoạt động theo các quy định hiện hành đảm bảo tính liêm chính và trách nhiệm tổng thể của hệ thống kiểm định.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam đã tiến được bước dài, nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn của dư luận về tính công khai, minh bạch các hoạt động kiểm định, cũng như một số chính sách quy định rất cần phải điều chỉnh theo hướng tăng cường sự quản lý nhà nước một cách chuyên nghiệp hơn để các cơ sở kiểm định chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và trước cơ quan quản lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm rất tốt việc công khai minh bạch hồ sơ ứng viên và loại bỏ được những ứng viên có hành vi gian lận trong công bố công trình nghiên cứu khoa học. Việc này cần được vận dụng trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục.

Đặt lòng tin vào kết quả kiểm định chất lượng là rất đúng, nhưng phải là kiểm định nghiêm túc, có quy trình, giám sát và công khai kết quả kiểm định (Báo cáo thẩm định và cơ sở dữ liệu sau khi được đánh giá bởi kiểm định viên). Làm được như vậy, người học mới tin tưởng, mua dịch vụ giáo dục của trường đại học có chất lượng xứng đáng với “đồng tiền bát gạo" bỏ ra. Cơ sở giáo dục đại học không thể để người học "sống chết mặc bay", cung cấp dịch vụ giáo dục kém chất lượng trong khi học phí tăng dần.

Nguyên Phương