Tại Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, Tiến sĩ Lê Yên Dung, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng của hoạt động đào tạo lĩnh vực STEM.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã được Chính phủ giao thực hiện nhiều đề án quan trọng để phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực các ngành STEM.
Phiên thảo luận tại Hội thảo khoa học. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan, phụ trách hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo STEM, STEAM trong các trường phổ thông.
Cần sự đồng hành của các trường đại học trong đào tạo STEM
Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, đào tạo STEM đang là một trong những vấn đề được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm, từ khâu tuyển sinh đầu vào, nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân trong bối cảnh đẩy nhanh việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa đất nước phát triển bền vững.
Phó Giáo sư Nguyễn Anh Dũng cho rằng, chúng ta cần có nhận thức, đánh giá rõ hơn về vai trò của đào tạo lĩnh vực STEM trong sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước
Chia sẻ về bức tranh đào tạo lĩnh vực STEM, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, các cơ sở giáo dục đại học dù tuyển sinh các ngành STEM còn gặp khó khăn, nhưng nhìn từ giai đoạn năm 2019 đến 2022, số sinh viên tuyển mới của giáo dục STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, mức tăng này so với mức trung bình của hệ thống là cao hơn.
Phó Giáo sư Nguyễn Anh Dũng chia sẻ về bức tranh đào tạo STEM trong thời gian qua. |
Trong lĩnh vực STEM cũng có những ngành tăng trưởng mạnh, trong đó cụ thể như ngành Máy tính và Công nghệ thông tin là 17,1%, Công nghệ kỹ thuật là 10,6, Kiến trúc và Xây dựng là 10,2%. Mức này cao hơn mức trung bình rất nhiều, và cao trong nhóm ngành STEM.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn khó khăn, điển hình lĩnh vực như Khoa học sự sống lại tăng trưởng âm.
Xét trên tổng số sinh viên tuyển mới, lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật có tỷ trọng tăng đáng kể, đóng góp 2/3 số sinh viên STEM cả nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên theo học STEM cũng có chênh lệch giữa các vùng miền và cũng có sự khác biệt. Ví dụ với 2 trung tâm đầu tàu về kinh tế của cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, thì Thành phố Hồ Chí Minh có tăng mạnh hơn Hà Nội.
Và tỷ lệ sinh viên theo học STEM vùng Đông Nam Bộ cao hơn vùng đồng bằng sông Hồng, trong khi quy mô đào tạo, năng lực đào tạo và mức độ tập trung của các cơ sở giáo dục đại học đào tạo STEM lại tập trung nhiều ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Ở một khía cạnh khác, nếu thống kê người học theo địa phương trong khối STEM thì cao nhất (năm 2022) là Hưng Yên, tiếp đến là Hải Dương, thứ 3 là Thái Bình.
Trong khi đó, những địa phương có GDP cao so với cả nước như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai trong những năm vừa qua, số người học quan tâm theo học theo khối ngành STEM lại không cao như các tỉnh trên.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, đối với các vùng kinh tế lớn trong cả nước, có một sự chuyển dịch rất lớn, chuyển dịch cơ học về nguồn nhân lực.
Việc các địa phương như Hưng yên, Thái Bình, Hải Dương, nguồn học sinh theo học STEM rất cao, con số thống kê không chỉ một năm mà trong nhiều năm, cho thấy tại đây đã có sức hút người học STEM khi nhận thức của người học ở khu vực đó có sự thay đổi.
Trong cùng một làng, cùng xã, họ nhận thấy học STEM có cơ hội tốt thì tạo ra hiệu ứng và sức hút với những ngành học này, dù thực tế, những người này sau khi ra trường không về địa phương làm việc, mà sẽ tham gia lao động ở khu vực kinh tế khác, nơi có sức hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM như Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, Hà Nội,…
Phó Giáo sư Nguyễn Anh Dũng cho rằng, việc nhìn bức tranh tổng thể trong đào tạo STEM sẽ giúp chúng ta có định hướng chính sách đúng trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Từ việc quy hoạch mạng lưới, định hướng phát triển, định hướng đầu tư trong đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực STEM.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học thông tin thêm, quy mô đào tạo sau đại học với lĩnh vực STEM ở Việt Nam so với các nước có cùng mức phát triển đang rất thấp.
Chính vì vậy, cần phải có kiến nghị đề xuất, các giải pháp cho vấn đề này, trong đó cần có sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, sự vào cuộc của các đơn vị đầu mối, có vai trò dẫn dắt hàng đầu như hai đại học quốc gia, các đại học vùng, để đảm bảo cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được giao nhiệm vụ thực hiện một số đề án quan trọng để phát triển giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Phó Giáo sư Nguyễn Anh Dũng chia sẻ mong muốn sự đồng hành, vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học để cùng chia sẻ khó khăn, có các chiến lược phát triển nguồn nhân lực.
Ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học vẫn còn thấp, chính vì thế, các cơ sở giáo dục đại học cùng đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan bộ, ngành, Trung ương cũng cần có sự quan tâm hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục đại học, vì giáo dục đại học có vai trò, sứ mạng quan trọng, đặc biệt là vai trò dẫn dắt, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Quy mô đào tạo sau đại học thấp ảnh hưởng tới nghiên cứu khoa học
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam cũng đã nêu ra một số vấn đề khó khăn trong đào tạo STEM hiện nay.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Vũ Hoàng Linh chia sẻ tại Hội thảo. |
Thứ nhất, trong lĩnh vực STEM, một số ngành rất thu hút người học nhưng cũng có những ngành khó tuyển sinh, và chất lượng đầu vào không đồng đều.
Tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, một số ngành khoa học cơ bản tuyển sinh tương đối tốt như Toán, Vật lý nhưng các ngành Khoa học trái đất, Khoa học khí tượng, Tài nguyên nước,... lại chưa được người học quan tâm, dù đây là những ngành quan trọng, cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Giáo sư Vũ Hoàng Linh kiến nghị có chính sách thu hút người học vào các ngành học quan trọng này.
Thứ hai, cần xây dựng chuẩn chương trình đào tạo với các khối ngành đào tạo. Với lĩnh vực STEM phải chú trọng đến nội dung, phương pháp giảng dạy môn Toán, đặc biệt ở các ngành khoa học kỹ thuật.
Cần rà soát, cải tổ lại nội dung, phương pháp giảng dạy môn Toán, và một số trường đại học công nghệ kỹ thuật hàng đầu Việt Nam phải đi tiên phong trong vấn đề này.
Thứ ba, theo thống kê, quy mô đào tạo sau đại học lĩnh vực STEM đang giảm và ở mức rất thấp, điều này là vấn đề đáng lo ngại đối với phát triển nguồn nhân lực cũng như phát triển nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực STEM. Giáo sư Vũ Hoàng Linh cho rằng, cần phải có cơ chế để các sinh viên tài năng được có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học và tiếp cận với đào tạo sau đại học.
Thứ tư, trong tuyển sinh hiện nay, nhiều trường đại học lo bị vượt chỉ tiêu trong suốt quá trình lọc ảo. Vì vậy, Giáo sư Linh đề xuất, muốn mở rộng quy mô đào tạo các ngành STEM, với một số ngành trường đại học tuyển sinh tốt, có thể giao cho các trường tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện trách nhiệm giải trình và được tuyển vượt chỉ tiêu trong ngưỡng nhất định.
Bởi hiện nay, một số ngành khoa học cơ bản tuyển sinh thấp nhưng vẫn có ngành người học quan tâm nhiều, thế nhưng trường đại học rất lo bị “tuýt còi” nếu lỡ tuyển sinh vượt chỉ tiêu.