Một số băn khoăn về sách giáo khoa Ngữ văn cấp Trung học cơ sở

14/10/2023 06:26
Nguyên Khang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những văn bản, từ ngữ, đơn vị kiến thức mà ngay đến cả giáo viên giảng dạy còn gặp khó khăn thì học sinh chắc gì đã hiểu được.

Bắt đầu từ năm học 2021-2022, cấp Trung học cơ sở thực hiện giảng dạy và học tập chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 và đến năm học 2023-204 này đang triển khai ở lớp 8 nhưng chuyện tranh luận về một số tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn vẫn liên tục xảy ra.

Khi đọc cả ba bộ sách Ngữ văn 6 (Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống), chúng tôi cảm nhận thấy các tác giả biên soạn, minh họa giữa kênh chữ và kênh hình khá hài hòa và đẹp mắt. Tuy nhiên, chúng tôi còn băn khoăn một số điều đối với một số văn bản, một số từ ngữ trong sách giáo khoa.

Có những văn bản, từ ngữ, đơn vị kiến thức mà ngay đến cả giáo viên giảng dạy còn gặp khó khăn thì học sinh chắc gì đã hiểu được. Hoặc, cả thầy và trò đều hiểu một cách khiên cưỡng, dạy và học cho qua bài.

Một số khái niệm khá mới so với trước đây (Ảnh: Nguyên Khang)

Một số khái niệm khá mới so với trước đây (Ảnh: Nguyên Khang)

Nhiều tác phẩm văn học gây tranh cãi

Đối với sách giáo khoa Ngữ văn(bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) do tác giả Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên kiêm Chủ biên đã dạy đến năm thứ 3 nhưng những ngày gần đây thì bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh lại đang làm nóng dư luận vì nội dung bài thơ, từ ngữ trong bài có những chỗ không thực sự thuyết phục.

Một số ý kiến cho rằng một số từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ gượng ép như: “bắt nạt” ; “ăn mù tạt”; “dễ lây”; “rất hôi”… Đặc biệt, cuối bài thơ kết luận bằng câu: “Vì bắt nạt rất hôi”.

Bên cạnh đó, bài thơ Con chào mào của nhà thơ Mai Văn Phấn cũng đã và đang nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau. Mặc dù bài thơ mang đến cho người đọc cảm giác yên bình, trong lành, lanh lảnh tiếng chim.

Nhưng, liệu học sinh lớp 6 có đủ khả năng để hiểu được bản ký xướng âm giọng của tiếng chim chào mào ở câu thơ: “triu… uýt… huýt… tu hìu…” hay không?

Chúng tôi nghĩ, đây là một bài thơ khó cho học trò lớp 6 và ngay cả với giáo viên cũng không dễ dàng để giải thích cho học trò những từ ngữ trong câu thơ này như từ “triu”, từ “hìu”…

Mặc dù theo tác giả đó tiếng chim kêu nhưng giảng thơ, cảm thơ, theo người viết - một giáo viên bậc Trung học cơ sở, từ ngữ phải rõ nghĩa mới mang lại hiệu quả cho giờ học, nhất là đối với học sinh lớp 6 ở nhiều vùng, miền khác nhau, cách cảm thụ khác nhau.

Nếu học trò mà yêu cầu thầy (cô) giải thích từ “triu”, từ “hìu” trong câu thơ này thì chúng tôi tin rằng thầy (cô) sẽ rất khó trả lời vì chúng tôi tra trong từ điển tiếng Việt cũng không thấy có 2 từ này.

Đặc biệt, văn bản Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam ở trang 71 có những từ ngữ khá nhạy cảm, khi dạy sẽ có nhiều cô giáo phải…đỏ mặt, tía tai nếu như học trò đề nghị cô giải thích từ ngữ này. Đó là khi nhân vật Sơn hỏi người vú già: “-Thế bây giờ làm thế nào, hở vú?”.

Nói thật, khi đọc từ “hở vú” ở câu văn này- người viết bài cảm thấy…sốc bởi từ “vú” ở đây được chú thích ở trang 68 của sách Ngữ văn 6 này như sau: “Vú già: cách gọi người phụ nữ có tuổi đã từng đi ở để có trẻ bú trong xã hội cũ”. Như vậy, từ “vú” là chỉ “người vú già” trong truyện.

Thế nhưng, khi đọc từ “hở vú” ở câu văn này thì không ít thầy cô, học sinh và người đọc có thể hiểu đến bộ phận nhạy cảm của người phụ nữ là điều khó tránh khỏi bởi “giấy trắng mực đen” rõ mười mươi như vậy.

Có những bài học, đơn vị kiến thức đang làm khó cả thầy và trò

Hiện nay, sách giáo khoa Ngữ văn 8 (bộ Chân trời sáng tạo)- năm đầu tiên đang giảng dạy cũng có những bài thực sự gây khó cho cả trò và thầy. Đó là bài 2: Những bí ẩn của thế giới tự nhiên.

Bài này có 4 văn bản, trong đó có 1 văn bản thơ và 3 văn bản văn xuôi. Các văn bản văn xuôi gồm: Bạn đã biết gì về sóng thần?; Sao băng là gì và những điều cần biết về sao băng; Những điều bí ẩn trong tập tính di cư của các loài chim.

Cả 3 văn bản thông tin đều giải thích về hiện tượng tự nhiên. Trong đó, kiến thức về địa lý; thiên văn; sinh học; vật lý khá nhiều. Dạy các văn bản này, nói thật là giáo viên hiểu khá lơ mơ, nhất là hiện tượng sao băng, mưa sao băng.

Có lẽ, nếu cần văn bản thông tin sẽ phù hợp hơn lựa chọn một số hiện tượng xảy ra trong nước và có tính văn học hơn.

Cũng trong sách Ngữ văn 8 (bộ Chân trời sáng tạo), nhiều tên gọi quen thuộc cũng được thay đổi, làm mới. Trước đây, hàng chục năm qua, giáo viên dạy chương trình 2006 sẽ dạy học sinh viết đoạn văn theo kiểu diễn dịch; quy nạp, song hành, tổng phân hợp.

Nhưng, sách Ngữ văn 8 (bộ Chân trời sáng tạo) bây giờ gọi đoạn văn “song hành” là song song, đoạn văn “tổng phân hợp” là phối hợp.

Bao nhiêu năm qua, người dạy, người học quen với thể thơ “Đường luật” thì bây giờ sách Ngữ văn 8 (bộ Chân trời sáng tạo) gọi là thơ luật Đường. Những tên gọi mới như vậy rõ ràng khiến cho giáo viên gặp khó khăn vì trước đây họ học, hàng chục năm qua dạy và gọi bằng một tên khác, bây giờ chương trình 2018 gọi khác.

Hơn nữa, thể thơ “Đường luật” và luật Đường của 3 bộ sách giáo khoa Ngữ văn đang gọi không thống nhất với nhau. Chẳng hạn, sách Kết nối tri thức vẫn gọi là “Đường luật” chứ không phải là luật Đường như sách Chân trời sáng tạo.

Việc không thống nhất theo tên gọi sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định khi học sinh học ở các cấp học cao hơn hoặc khi học bộ sách khác.

Dù chúng tôi luôn biết rằng việc biên soạn sách giáo khoa rất khó, biên soạn sách Ngữ văn lại càng khó hơn, nhất là trong việc lựa chọn tác phẩm văn học đưa vào sách giáo khoa.

Chính vì thế, những nhà biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn cần phải cố gắng chắt lọc hơn và đặc biệt là những thầy cô thẩm định sách cần cẩn trọng để những bài học trong sách giáo khoa phải là những bài học hay, bổ ích và không phải đón nhận những ý kiến trái chiều từ bạn đọc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyên Khang