Một số băn khoăn về sách Ngữ văn, bộ Chân trời sáng tạo ở cấp THCS

30/01/2023 06:47
Hương Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên còn băn khoăn đối với môn Ngữ văn lớp 6, lớp 7 đang được giảng dạy hiện nay có một số chú thích về tác phẩm chưa rõ ràng, cụ thể.

Bắt đầu từ năm học 2021-2022, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được ngành Giáo dục triển khai giảng dạy ở lớp 6 và năm học 2022-2023 này đang thực hiện đối với lớp 7.

Điều mà nhiều giáo viên còn băn khoăn đối với môn Ngữ văn, bộ sách Chân trời sáng tạo lớp 6, lớp 7 đang được giảng dạy hiện nay có một số chú thích về tác phẩm chưa rõ ràng, cụ thể; hình ảnh, tiểu sử tác giả được đặt ở cuối các bài học nên dễ gây hiểu lầm cho người dạy và người học.

Việc lựa chọn những văn bản văn học cho từng chủ đề chưa phải là những tác phẩm hay, tiêu biểu cho từng thể loại và tính kế thừa các văn bản từ chương trình cũ không nhiều, đặc biệt là đối với sách giáo khoa Ngữ văn 7.

Chính vì thế, khi giảng dạy, giáo viên phải thực hiện theo nhiều thao tác để giải thích, hướng dẫn cho học trò. Trong khi, những cuốn sách giáo khoa đến tay giáo viên và học sinh đã qua rất nhiều khâu, đó là: biên soạn- biên tập- thẩm định- góp ý- ký duyệt- in ấn- phát hành.

Cách dẫn nguồn của sách Ngữ văn 7, bộ Chân trời sáng tạo có phần khó hiểu (Ảnh: Hương Mai)

Cách dẫn nguồn của sách Ngữ văn 7, bộ Chân trời sáng tạo có phần khó hiểu

(Ảnh: Hương Mai)

Chưa có chú thích rõ ràng ở một số văn bản trích, khiến cho người dạy, người học sẽ gặp khó khăn

Thông thường, khi lấy một đoạn văn bản trong một tác phẩm văn học thì việc đầu tiên tác giả sách giáo khoa phải chú thích rõ ràng từ nguồn nào. Đặc biệt, mỗi văn bản cần có một vài dòng chú thích về tác giả, tác phẩm để người dạy, người học nắm được những nét cơ bản về tác giả, tác phẩm.

Tuy nhiên, một số bài học ở môn Ngữ văn, bộ sách Chân trời sáng tạo sẽ khiến cho người dạy, người học rất khó hiểu được bản chất vấn đề.

Theo định hướng của các tác giả sách giáo khoa môn Ngữ văn, mỗi chủ đề sẽ có 4 văn bản. Trong đó, văn bản 1 và 2 sẽ là những văn bản trọng tâm, được giảng dạy, học tập sâu, kĩ nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chủ đề.

Văn bản 3, 4 là “đọc kết nối chủ điểm” và “đọc mở rộng theo thể loại” nên 2 văn bản này không dạy kĩ như văn bản 1, 2 và thường được bố trí 1 tiết/ văn bản.

Thế nhưng, sách Ngữ văn 7 (tập II), ngay bài đầu tiên của tập sách này đã khiến cho giáo viên phân vân về cách đoạn văn bản mà các tác giả đã đưa vào.

Ví dụ, văn bản 2 có tên là Bàn về đọc sách của tác giả Chu Quang Tiềm.

Đối với phần trích dẫn của văn bản này, các tác giả sách giáo khoa chỉ lấy có 3 đoạn văn (41 dòng- hơn 1 trang) và có phần cẩu thả khi không đưa ra một chú trích nào cho người dạy và người học.

Có 3 câu hỏi, giáo viên rất cần các tác giả sách giáo khoa chú thích cụ thể hơn.

Thứ nhất: Bàn về đọc sách được trích từ tác phẩm nào? Tác giả sách giáo khoa không cho biết.

Thứ hai: nguồn dẫn không rõ ràng.

Thứ ba: tác giả Chu Quang Tiềm là ai, người nước nào?

Bởi lẽ, nếu trình bày như sách giáo khoa Ngữ văn 7, bộ Chân trời sáng tạo nhiều giáo viên và học sinh sẽ mơ hồ vì phần trích này chỉ có 2 dấu […] ở cuối đoạn 1 và đoạn 2- nghĩa là sau 2 đoạn này bị lược bỏ bớt một phần.

Tuy nhiên, cuối đoạn 3 không có dấu […] nên có thể xem đây là văn bản đã hết vì trong phần ngữ liệu này không có từ “trích” như trước đây.

Nếu chỉ bố trí như thế này, nhiều giáo viên (không dạy chương trình lớp 9 hiện hành) và học sinh nghĩ rằng đã hết văn bản nhưng thực tế đây mới là phần đầu của văn bản Bàn về đọc sách.

Thứ nhất: văn bản Bàn về đọc sách đang được bố trí giảng dạy ở sách Ngữ văn 9 (chương trình 2006) gần 20 năm qua với dung lượng gần 3 trang và phía dưới tiêu đề có từ “trích” rất rõ ràng.

Có nghĩa, bản ở lớp 9 (chương trình hiện hành) gần 3 trang vẫn đang là “trích” nhưng lớp 7 (chương trình 2018) dễ gây hiểu lầm là chỉ lược bỏ phần giữa còn đầu và cuối đã đầy đủ vì không có chú thích gì thêm.

Thứ hai: sách Ngữ văn 9 (chương trình 2006) thì cuối văn bản đã chú thích như sau: “ (Chu Quang Tiềm*- trong Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui nỗi buồn của việc đọc sách, Bắc Kinh, 1995, Trần Đình Sử dịch)”. Phía dưới dấu *, sách giáo khoa Ngữ văn 9 đã chú thích rõ tác giả Chu Quang Tiềm.

Thế nhưng, sách Ngữ văn 7- tập II, bộ Chân trời sáng tạo thì chú thích ở cuối văn bản như sau: “ (Ngữ văn 9, tập hai, Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên), Trần Đình Sử dịch, NXB Giáo dục Việt Nam, 2011).

Với chú thích như thế này không khoa học, rất dễ gây hiểu lầm cho học sinh bởi chỉ còn 1 năm nữa là sách giáo khoa Ngữ văn 9 (chương trình 2006) sẽ hết sứ mệnh và thay thế bằng chương trình 2018.

Nếu đây là ngữ liệu cho một đề kiểm tra Ngữ văn thì chú thích nguồn như vậy là ổn nhưng lấy ngữ liệu sách giáo khoa hiện hành để chú thích cho sách giáo khoa mới e là…rất lạ. Bởi thực tế, ngay như ở một số văn bản khác thì nhóm tác giả bộ sách này đều dẫn nguồn từ một tác phẩm cụ thể, khoa học chứ không giống như ở bài học này.

Thứ ba: nếu đây là một đoạn ngữ liệu trong phân môn tập làm văn hay tiếng Việt thì không nói làm gì nhưng đây là văn bản của phần đọc hiểu. Vì thế, khi đưa ra tác giả Chu Quang Tiềm rồi không có một chú thích gì sẽ khiến nhiều giáo viên và học sinh dễ hiểu lầm.

Bởi lẽ, đây là một tác giả Trung Quốc nhưng tên đã được phiên âm sang tiếng Việt nên giống với tên người Việt. Đáng lẽ ra, tác giả sách giáo khoa chỉ cần thêm một dòng chú thích có lẽ sẽ thuận lợi cho cả người dạy và người học sau này.

Đội ngũ tác giả sách giáo khoa Ngữ văn, bộ Chân trời sáng tạo thay đổi qua từng kỳ

Sách giáo khoa phổ thông lâu nay đối với mỗi môn học sẽ có một nhóm tác giả thực hiện xuyên suốt cả cấp học, lớp học. Người chủ biên cũng sẽ “cầm cái” suốt cả cấp học nhằm đảm bảo tính hệ thống, logic với nhau giữa các đơn vị kiến thức.

Tuy nhiên, sách giáo khoa Ngữ văn, bộ Chân trời sáng tạo ở cấp Trung học cơ sở hiện nay đang thực hiện ở lớp 6 và lớp 7, thậm chí cả sách mẫu Ngữ văn 8 đưa vào giảng dạy ở năm học tiếp theo thì chúng tôi thấy có nhiều xáo trộn qua từng học kỳ.

Nếu như sách Ngữ văn 6 (tập I) có 6 tác giả; tập II có tới 9 tác giả và cả 2 tập sách này đều do tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam làm chủ biên. Lên lớp 7, tập I có 7 tác giả; tập II có 8 tác giả nhưng đồng chủ biên là tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam và Nguyễn Thành Thi.

Đối với sách giáo khoa Ngữ văn 8 vừa được Bộ phê duyệt thì tập I có 7 tác giả; tập II có 8 tác giả và cũng do 2 tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nam và Nguyễn Thành Thi làm đồng chủ biên.

Trong số những tác giả sách giáo khoa Ngữ văn, bộ Chân trời sáng tạo ở cấp trung học cơ sở (tính đến lớp 8), chúng tôi chỉ thấy có tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam là xuyên suốt khi làm chủ biên và đồng chủ biên.

Về lý, việc thay đổi một số tác giả biên soạn sách giáo khoa qua từng học kỳ có lẽ không sai vì ai viết cũng có thể được khi những tác giả này đều bám vào chương trình tổng thể, chương trình môn học.

Đặc biệt, chủ biên các cuốn sách giáo khoa này đều do tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam làm chủ biên hoặc đồng chủ biên. Tuy nhiên, đối với môn Ngữ văn, có lẽ việc ổn định các tác giả biên soạn sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc lựa chọn văn bản, đơn vị kiến thức và cách thức thể hiện từng đơn vị kiến thức đối với mỗi bài học.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của một giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở được tác giả Hương Mai ghi. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Mai