Cần có một nghị định riêng cho các trường đại học tự chủ

18/11/2023 06:37
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, đến nay, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về lượng và chất.

Trải qua chặng đường sau hơn 35 năm đổi mới, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong đó, thực hiện đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ được đánh giá là bước chuyển mang tính lịch sử.

Đặc biệt, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ra đời đã tạo ra luồng sinh khí mới cho giáo dục đại học. Trong đó, tự chủ đại học được coi là chủ trương nhất quán trong đổi mới giáo dục đào tạo.

Tự chủ đại học - bước đột phá chiến lược của giáo dục đại học

Sinh viên và giảng viên Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Ảnh: HTU

Sinh viên và giảng viên Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Ảnh: HTU

Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội là 1 trong 23 trường đại học trên cả nước thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.

Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục gắn với tự chủ đại học trong những năm qua, Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đội ngũ,... khẳng định vị thế là cơ sở đào tạo uy tín hàng đầu về cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dệt may ở Việt Nam.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội khẳng định, tự chủ đại học là giải pháp lớn, cần thiết và quan trọng giúp giáo dục đại học Việt Nam trưởng thành. Đặc biệt, Nghị quyết số 29 ra đời đã nhấn mạnh: “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường” - đây là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong định hướng tư duy đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ.

Theo đó, từ khi có Nghị quyết 29, một loạt các Nghị quyết, Luật được ban hành, tạo khung hành lang pháp lý, làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học tổ chức hoạt động tự chủ.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Ảnh: Ngân Chi

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Ảnh: Ngân Chi

Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 (Nghị quyết 77). Từ đây, một dấu mốc mới được mở ra, từ việc chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao, đến năm 2014, cả nước có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Tiếp đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) ra đời ngày 19/11/2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật 34 đã một lần nữa tái khẳng định quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước thực hiện quyền tự chủ ngày càng thực chất và sâu rộng hơn nữa.

"Nhờ thực hiện tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng học thuật"

Đánh giá cao những chuyển biến tích cực của giáo dục đại học Việt Nam kể từ khi thực hiện tự chủ đại học, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cho biết, nhờ thực hiện tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng học thuật.

“Một minh chứng dễ thấy nhất đó là từ chỗ không có trường đại học nào của nước ta được xếp hạng quốc tế, đến nay, tùy từng bảng xếp hạng, đã xuất hiện nhiều hơn các trường đại học của Việt Nam”, thầy Hiệp thông tin dẫn chứng.

Chủ trương đổi mới theo hướng tự chủ đã góp phần giúp các trường cải tiến được một phần thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường. Từ đó giúp trường đại học thu hút được nhiều hơn những nghiên cứu sinh, giảng viên giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tự chủ cũng là điều kiện quan trọng giúp các trường được chủ động về chiến lược phát triển, về công tác tuyển dụng, tuyển sinh,... Đây là cơ sở quan trọng giúp trường đại học linh hoạt trong tổ chức công tác đào tạo, nghiên cứu đáp ứng tốt hơn, nhanh hơn nhu cầu đa dạng của thị trường lao động.

Đặc biệt, quyền tự chủ về học thuật giúp cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Theo đó, trường đại học được quyền chủ động trong việc phát triển các chương trình đào tạo, mở các ngành học mới, cũng như chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học,...

Những giá trị lớn mà tự chủ mang lại là sức mạnh giúp các cơ sở giáo dục đại học nước ta phát huy nội lực và khả năng sáng tạo mạnh mẽ, tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Nhiều cơ hội rộng mở như vậy, song, tự chủ đại học cũng đặt các cơ sở giáo dục trước nhiều thách thức, khó khăn lớn.

Sinh viên khối ngành Cơ điện, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tại chung kết cuộc thi lập trình điều khiển robot 2023 do Trường tổ chức. Ảnh: HTU

Sinh viên khối ngành Cơ điện, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tại chung kết cuộc thi lập trình điều khiển robot 2023 do Trường tổ chức. Ảnh: HTU

Chỉ ra khó khăn lớn nhất hiện nay, theo thầy Hiệp đó là chính sách cho các trường tự chủ chưa được đồng bộ.

Theo đó, tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật 34 mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Công chức - viên chức… dẫn đến chồng chéo, vướng mắc cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ.

Chẳng hạn, về chính sách đầu tư công, dù tự chủ song hiện nay các trường chưa được quyền tự quyết các đầu tư công mà vẫn phải trình lên cơ quan chủ quản.

Về giảng viên cơ hữu, mặc dù trường công lập tự chủ hoạt động mô hình giống như các trường đại học tư, song đội ngũ giảng viên cơ hữu của các trường công lập tự chủ vẫn phải theo quy định là 60-62 tuổi đến tuổi nghỉ hưu; trong khi đó, giảng viên cơ hữu các trường tư thục lại không có giới hạn về độ tuổi.

"Chính sách đặt hàng hiện nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi và tạo thuận lợi cho các trường đại học".

Hay vấn đề về thuế đất, hiện nay các trường công lập tự chủ dù không phải nộp thuế đất, nhưng vẫn phải làm các thủ tục để chuyển từ không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất. Thủ tục này làm mất khá nhiều thời gian và gây bất cập, khó khăn cho các trường.

Một khó khăn khác là chính sách đặt hàng hiện nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi và tạo thuận lợi cho các trường đại học. Cụ thể, trường đại học công lập vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị là tuyển sinh những ngành học thiết yếu mà xã hội cần, song không phải tất cả các ngành đều thu hút được người học. Trong bối cảnh thực hiện tự chủ, ngân sách còn hạn chế, điều này cũng gây ra không ít khó khăn cho trường đại học.

Bên cạnh đó, việc không được tăng học phí trong những năm học gần đây cũng khiến các trường đại học tự chủ gặp khó.

“Chính sách không tăng học phí của Chính phủ nhằm mục đích chia sẻ với xã hội, song với các trường đại học tự chủ, việc không tăng học phí cũng khiến trường gặp rất nhiều khó khăn. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, khả năng đầu tư các phòng thí nghiệm và phòng thực hành hiện đại cho cách mạng công nghiệp 4.0 cũng bị hạn chế, từ đó gây khó khăn cho quá trình giảng dạy.

Ngoài ra, một mặt trái phát sinh là thực trạng một số đơn vị đẩy mạnh tuyển sinh nhiều, thậm chí vượt chỉ tiêu để lấy nguồn thu bù vào ngân sách. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo”, thầy Hiệp phân tích.

Bước ngoặt từ khi có Nghị quyết 77

Được chọn là 1 trong 23 cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, trong những năm qua, Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực hoạt động của nhà trường.

Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng hàng đầu của Việt Nam, tiên phong trong lĩnh vực dệt may, phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp nhận định, kể từ khi hoạt động theo mô hình trường công lập tự chủ (năm 2015) đến nay, đặc biệt giai đoạn 5-6 năm trở lại đây, nhà trường đã có những bước chuyển vững chắc, khẳng định vị thế là cơ sở đào tạo chủ lực cung cấp nhân lực cốt lõi cho ngành công nghiệp dệt may.

Hiện nay, trường là cơ sở giáo dục đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo nhân lực trình độ cao phục vụ cho mô hình “Chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh” từ khâu thiết kế đến marketing, bao gồm 9 ngành đào tạo đại học như: Thiết kế thời trang, Công nghệ Sợi Dệt, Công nghệ May, Quản lý công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Kế toán, Marketing, Thương mại điện tử.

Quy mô đào tạo hiện nay của Trường là gần 5.000 sinh viên. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường đạt trên 95%, với mức thu nhập cao nhất là 30 triệu đồng/người/tháng, mức thu nhập bình quân là 9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, khoảng 5%-7% sinh viên tự khởi nghiệp khởi nghiệp, không chỉ tự tạo công việc cho mình mà còn góp phần tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội; Tỷ lệ sinh viên làm đúng ngành đạt trên 80% với các vị trí quản lý, kỹ thuật chủ chốt trong các doanh nghiệp dệt may.

Về đội ngũ giảng viên, thầy Hiệp cho biết, hiện toàn trường có 266 giảng viên, trong đó 83,3% giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trung bình tăng khoảng 1%-2% mỗi năm.

Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, Trường có trên 400 giảng viên, trong đó 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên và 35% giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Những năm qua, bên cạnh công tác đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cũng đạt nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học. Thầy Hiệp cho biết, doanh thu từ nghiên cứu khoa học của Trường đã tăng từ khoảng 2% (trên tổng nguồn thu của trường, năm 2018) lên khoảng 4%-5% giai đoạn năm 2021-2022.

Về nguồn thu tự chủ, thầy Hiệp cho biết nguồn thu tự chủ của Trường trung bình tăng 10%/năm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Tương tự, thu nhập của cán bộ, giảng viên, nhân viên cũng tăng từ 7-10%/năm trong vòng 5 năm gần đây (khoảng từ năm 2018-2022).

Trung tâm Sản xuất dịch vụ với dây chuyền sản xuất hiện đại, là nơi thực tập, thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Ảnh: HTU

Trung tâm Sản xuất dịch vụ với dây chuyền sản xuất hiện đại, là nơi thực tập, thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội. Ảnh: HTU

Kiến nghị không nên thu thuế giá trị gia tăng với các hoạt động sản xuất kết hợp với thực tập

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cho rằng, thực hiện tự chủ cần phải có lộ trình cụ thể, không thể thực hiện theo kiểu đốt cháy giai đoạn được.

Trên cơ sở đó, đề xuất một số kiến nghị để thực hiện tốt tự chủ đại học trong giai đoạn sắp tới, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội chia sẻ 5 đề xuất lớn:

Thứ nhất, cần ban hành một Nghị định riêng về tự chủ đại học đối với các cơ sở giáo dục công lập tự chủ.

“Hiện nay, hệ thống văn bản chi phối các trường đại học tự chủ và không tự chủ giống nhau ở đa số các văn bản, trong khi phương thức hoạt động giữa 2 loại trường này rất khác nhau. Do vậy, hoạt động triển khai trong thực tiễn tồn tại rất nhiều khó khăn, bất cập. Vậy nên, các trường đại học công lập tự chủ cũng cần một nghị định riêng để đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần và nguyên tắc tự chủ”, Tiến sĩ Hiệp đề xuất.

Thứ hai, cần có chính sách đầu tư phòng thực hành, thí nghiệm cho cơ sở giáo dục có đào tạo các lĩnh vực mới gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất xanh,...

“Chi phí đầu tư cho những phòng thí nghiệm, thực hành,... như vậy rất lớn. Trong khi đó, các trường tự chủ hiện nay vẫn chưa đủ điều kiện để có thể tập trung nguồn lực đầu tư cho những hạng mục này. Do vậy, trường đại học vẫn rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xã hội”, vị lãnh đạo phân tích.

Thứ ba, thầy Hiệp kiến nghị, Nhà nước cần nghiên cứu giảm nhẹ thủ tục xin miễn thuế đất cho các cơ sở giáo dục đại học công lập khi chuyển từ chưa tự chủ sang tự chủ, giảm bớt các thủ tục hành chính cho trường đại học.

Thứ tư, kiến nghị không nên thu thuế giá trị gia tăng với các hoạt động sản xuất kết hợp với thực tập. Theo thầy Hiệp, hoạt động này chủ yếu mang ý nghĩa về mặt đào tạo, do vậy đề nghị xem xét không thu thuế gia tăng, tạo thuận lợi hơn cho trường đại học trong hoạt động đào tạo sinh viên.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ có chính sách đặt hàng đào tạo đối với những ngành xã hội cần nhưng khó tuyển sinh; Đặc biệt, cần có thêm các hướng dẫn về thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định 32).

“Thực tế triển khai chính sách về đặt hàng đào tạo tương đối khó khăn và chưa thể triển khai rộng được. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần có thêm các hướng dẫn về việc thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP”, thầy Hiệp đề xuất.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho rằng, việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học thời gian qua đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, khẳng định là bước đột phá chiến lược của ngành giáo dục. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc. Do vậy, trong thời gian tới, để tự chủ đại học bước vào giai đoạn mới, thực chất, hoàn thiện và hiệu quả hơn, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc “rốt ráo” của cả hệ thống chính trị.

Minh Chi