Kỳ vọng sửa đổi Nghị định 99 sẽ giúp tăng cường tự chủ đại học

22/06/2023 06:30
Thủy Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, để tạo chuyển biến rõ nét trong tự chủ đại học, phải tăng cường các giải pháp về chính sách.

Bên cạnh những đột phá trong hoạt động đào tạo và phát triển của các cơ sở giáo dục, tự chủ đại học hiện nay vẫn đứng nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ.

Thách thức học phí và cơ chế quản lý chưa phân định rõ ràng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh ý nghĩa của tự chủ đại học: “Chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ trong giáo dục đại học có vai trò quan trọng, giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy nội lực, khả năng sáng tạo, hoạt động một cách có hiệu quả và từng bước đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết nguồn nhân lực có chất lượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với vai trò, mục tiêu quan trọng như vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) đi vào cụ thể cho phép cơ sở giáo dục đại học tự chủ trên 3 phương diện.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Thủy Tiên.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Thủy Tiên.

Thứ nhất, tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn: Giúp các cơ sở giáo dục đại học được tự do xây dựng, thẩm định, ban hành các chương trình đào tạo mới phù hợp với xu hướng phát triển xã hội và nhu cầu của thực tiễn, chẳng hạn, xu hướng phát triển kinh tế số, xu hướng chuyển đổi số, xu hướng xã hội số, xu hướng quốc tế hóa hoặc xu hướng ứng dụng các thành tựu mới như công nghệ 4.0...

Đồng thời, các trường tự chủ được giao quyền tự quyết định nội dung đào tạo, mỗi trường sẽ có hướng đào tạo chuyên sâu và sắc thái đào tạo riêng, để phù hợp nhất với yêu cầu của người sử dụng lao động và xã hội. Như vậy, chương trình đào tạo được đa dạng hóa và bám sát đối tượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế cao.

Chính vì vậy, cơ cấu đào tạo đang có một xu hướng chuyển dịch rất rõ, có xu hướng giảm dần và không còn chuyện cơ sở đào tạo chỉ đào tạo cho có người học với những kiến thức, nội dung xa vời với thực tiễn, mà thay vào đó là chú trọng chất lượng và hiệu quả hơn, đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.

Thứ hai, về tổ chức bộ máy và nhân sự: Cho phép các trường thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, về số lượng người làm việc và vị trí việc làm, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn... dẫn đến các cơ sở đào tạo phải tái cơ cấu để các bộ máy gọn nhẹ nhất, hiệu quả nhất, không sinh ra những bộ phận không cần thiết.

Về đội ngũ giảng viên, vì phải đào tạo đáp ứng đúng yêu cầu người học, nên chọn lựa được những giảng viên có năng lực, trình độ, có khả năng đào tạo, mang lại giá trị cho người học. Cơ chế tự chủ về mặt tổ chức giúp chọn lọc được đội ngũ có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, định hướng đào tạo một cách tốt nhất. Trên thực tế, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ sở giáo dục đại học không tăng về số lượng, chỉ có sự chuyển đổi nâng cao chất lượng. Cơ sở giáo dục đại học có thể hợp đồng với nhiều chuyên gia quốc tế, thu hút được đội ngũ giỏi từ nước ngoài...

Thứ ba, tự chủ về tài chính và tài sản của trường đại học: Đây chính là điều kiện giúp các trường có được nguồn lực và chủ động sử dụng các nguồn lực để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo đặt ra. Cơ sở giáo dục đại học sẽ có quyền tự chủ về mặt tài chính, học phí, đầu tư, dẫn đến thay đổi nguồn lực của nhà trường.

Cơ cấu đào tạo đại học ngày càng chú trọng chất lượng và hiệu quả hơn, đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Ảnh: Thủy Tiên.

Cơ cấu đào tạo đại học ngày càng chú trọng chất lượng và hiệu quả hơn, đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Ảnh: Thủy Tiên.

Trong hầu hết các cơ sở giáo dục được giao tự chủ, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện... đều được nâng cấp, đổi mới và đầu tư theo hướng thiết thực nhất, phục vụ trực tiếp cho hoạt động giảng dạy và đáp ứng nhu cầu người học.

Bên cạnh đó, cũng tạo ra thu nhập và trả lương xứng đáng cho người lao động, đây là một trong những yếu tố thu hút nhân tài, chiêu mộ được những người có trình độ chuyên môn cao, đồng thời thanh lọc được những người năng lực, trình độ còn yếu.

Ngoài ra, tăng cường nguồn lực đồng nghĩa với các quỹ học bổng để hỗ trợ những sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cũng được tăng lên. Như vậy, lợi ích cả về phía nhà trường và phía người học (những đối tượng khó khăn) đều được đảm bảo”.

Về cơ hội đối với tự chủ đại học, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng: “Hiện nay, tự chủ đại học đang đứng trước rất nhiều cơ hội. Trước hết, xu hướng và nhu cầu của xã hội hiện nay về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi, “mở cửa” hội nhập quốc tế, với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế đang phát triển, đòi hỏi một nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn ngang bằng với quốc tế.

Đây chính là cơ hội cho cơ sở giáo dục tự chủ, bởi được quyền xác định mức học phí phù hợp để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, được quyền lựa chọn, tuyển dụng giảng viên, chuyên gia giỏi từ nước ngoài... giúp cơ sở giáo dục đại học có thể tạo ra các nguồn lực đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ hai, chất lượng sống của người dân Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, mức thu nhập, mức tiêu dùng ngày càng tăng lên, nhu cầu và nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục của cá nhân và gia đình cũng tăng theo, rất nhiều gia đình tích lũy để dành cho con em đi du học nước ngoài...

Đây chính là cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học trong nước “chuyển mình”, nếu chất lượng tốt ngang bằng các cơ sở quốc tế, thì sẽ thu hút được người học một cách hiệu quả. Xã hội sẽ sẵn sàng chi trả mức học phí tương xứng để học tập trong nước, không cần phải ra nước ngoài du học. Như vậy, không chỉ giúp cho cơ sở giáo dục đại học có được nguồn lực tốt mà còn thu hút được nhân sự vào các vị trí việc làm trong nước, giữ được nguồn tiền trong nước, không mang ra nước ngoài”.

Bên cạnh đó, vị Đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra, tự chủ đại học cũng đang đứng trước nhiều thách thức: “Thách thức đầu tiên mà các trường tự chủ đang gặp phải chính là nhu cầu đòi hỏi đầu tư cao, nhưng nguồn lực xã hội lại không có, bị cản trở về tâm lý xã hội.

Cụ thể, để nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết phải đáp ứng về cơ sở vật chất, trang thiết bị..., nhưng mức độ đầu tư hiện nay vẫn còn rất thấp và rất thiếu. Trong khi đó, vì tự chủ nên các trường phải tự lo, ngân sách Nhà nước không cấp nữa. Thách thức là thu phải đủ bù chi, nhà trường phải tự trang trải, tự đầu tư, tự đổi mới..., muốn làm được như vậy, phải tăng học phí, tuy nhiên, nếu tăng học phí cao, lại vướng phải áp lực về mặt tâm lý của xã hội. Những trường quốc tế, trường có vốn đầu tư nước ngoài có thể thu học phí cao, thậm chí lên đến 600-700 triệu đồng/năm, nhưng đối với các trường công lập, nếu chỉ thu khoảng bằng 1/10 số đó, đã có thể gặp phải sự phản đối từ dư luận, xã hội có thể không đồng thuận.

Thứ hai, từ bất cập trên, làm hạn chế cơ hội của người học được tiếp cận các hoạt động đào tạo mang tính thực tiễn, không được như các cơ sở đào tạo nước ngoài... Chính điều đó khiến cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao gặp khó khăn.

Thứ ba, là cạnh tranh quốc tế. Chẳng hạn, nếu cơ sở trong nước không đào tạo tốt, người học sẽ lựa chọn ra nước ngoài hoặc sang các cơ sở có yếu tố nước ngoài đầu tư ở Việt Nam để học. Với cạnh tranh thu hút người học như thế, nếu cơ chế không “mở” một cách tự do, sẽ rất khó khăn cho cơ sở giáo dục công lập trong nước.

Thứ tư, về mặt chính sách, hiện nay cũng còn nhiều quy định về luật pháp đang ràng buộc các cơ sở giáo dục đại học. Điển hình như cơ chế về tổ chức, nhân sự. Mặc dù nói là các trường tự chủ được tự quyết định về mặt nhân sự, nhưng trên thực tế, những người lao động đã là viên chức của cơ sở thì không dễ dàng đào thải, dù đủ năng lực, trình độ có đang chưa đáp ứng được hết yêu cầu. Bởi Luật Viên chức vẫn còn ràng buộc, nên việc thực sự đánh giá, phân loại, và đào thải lực lượng lao động không đáp ứng không phải là dễ đối với các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, các cơ sở đại học công lập có tài sản công, cơ sở vật chất kỹ thuật công, phải tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công. Học phí tự thu, nguồn tài chính tự các cơ sở tự đảm bảo, nhưng về đầu tư, mua sắm vẫn phải tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách như nguồn thu ngân sách công, nên cũng làm cho việc tự quyết định của các nhà quản lý gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hiện nay chưa được phân định thực sự rõ ràng giữa quyền của cơ quan chủ quản với quyền tự quản lý của nhà trường, điển hình như Hội đồng trường.

Chính vì chưa được phân định rõ ràng, nên nhiều hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học vẫn lệ thuộc cơ quan chủ quản. Mặt khác, hoạt động của Hội đồng trường vì chưa được phân định quyền hạn một cách thực sự rõ ràng, đầy đủ dẫn đến Hội đồng trường hoạt động nhiều khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả, chưa khẳng định được vai trò.

Có những nơi, có những chỗ, hoạt động của Hội đồng trường với hoạt động của Ban giám hiệu còn có sự chồng chéo, chồng lấn, thậm chí không ăn khớp, có thể có những mâu thuẫn, khúc mắc và xích mích gây ra cản trở. Đó là do cơ chế hiện nay vẫn chưa thực hiện một cách rõ ràng”.

Cơ chế quản lý đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hiện nay chưa được phân định thực sự rõ ràng. Ảnh: Thủy Tiên.

Cơ chế quản lý đối với các cơ sở giáo dục đại học tự chủ hiện nay chưa được phân định thực sự rõ ràng. Ảnh: Thủy Tiên.

Không “khoán trắng” khi giao quyền tự chủ

Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường đề cập đến một số giải pháp tháo gỡ: “Trước tiên, theo tôi, phải hoàn thiện lại thể chế chính sách quy định, phân định rõ quyền năng của cơ sở giáo dục đại học với cơ quan chủ quản.

Đồng thời, thay đổi lại các yếu tố về mặt pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học thực sự tự chủ về tổ chức, bộ máy, nhân sự.

Bên cạnh đó, tự chủ đối với các trường công lập, không có nghĩa là các trường phải hoàn toàn tự lo, mà nên theo nghĩa các trường được tự quyết định nhưng phải thực hiện theo đúng nhiệm vụ của Nhà nước giao, chẳng hạn đào tạo những ngành xã hội cần, nguồn nhân lực chất lượng tốt cho xã hội, song song với đó là đảm bảo quyền lợi cho người học có hoàn cảnh khó khăn... Nhà nước phải có nguồn đầu tư cho các cơ sở tự chủ, tất nhiên không phải bao cấp, mà có thể thông qua cơ chế đặt hàng, đầu tư theo các chương trình mục tiêu của dự án...

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, để thực hiện tự chủ đại học hiệu quả, Nhà nước phải có nguồn đầu tư cho các cơ sở tự chủ, tất nhiên không phải bao cấp, mà có thể thông qua cơ chế đặt hàng, đầu tư theo các chương trình mục tiêu của dự án... Ảnh: Thủy Tiên.

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, để thực hiện tự chủ đại học hiệu quả, Nhà nước phải có nguồn đầu tư cho các cơ sở tự chủ, tất nhiên không phải bao cấp, mà có thể thông qua cơ chế đặt hàng, đầu tư theo các chương trình mục tiêu của dự án... Ảnh: Thủy Tiên.

Đặc biệt, rất cần có quy định cụ thể hơn để phân định rõ ràng giữa hoạt động của Hội đồng trường với Ban Giám hiệu, khẳng định được vai trò, vị trí, hiểu rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng trường, phân định rõ vai trò của người học, vai trò của người lao động..., để những trường tự chủ thực sự trở thành nơi mỗi người tham gia đều được quyền quyết định”.

“Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Việc sửa đổi Nghị định 99 nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về tăng cường tự chủ đại học; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai. Để góp phần tháo gỡ những rào cản, cần có quy định cụ thể hơn về quyền hạn, trách nhiệm giải trình của Hội đồng trường, vị trí của Hội đồng trường trong mối quan hệ giữa nhà trường với cơ quan chủ quản và các cơ quan khác. Để Hội đồng trường thực sự đẩy mạnh quá trình tự chủ đại học và thực hiện một cách bền vững, Hội đồng trường cần được trao thực quyền từ cơ quan chủ quản...” - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh.

Thủy Tiên