Kiên trì mục tiêu đổi mới theo tinh thần NQ 29, nâng cao chất lượng nền giáo dục

16/11/2023 06:31
Phạm Minh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: "Đổi mới giáo dục có mục đích trước tiên và xuyên suốt là nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục".

Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29).

Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Song, thực tiễn vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức, hành trình đổi mới phía trước vẫn còn gian nan, còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi càng phải kiên định mục tiêu và kiên trì thực hiện đổi mới giáo dục.

Cùng nhìn lại hành trình 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nhìn lại hành trình 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, theo ông, giáo dục Việt Nam đã có những đổi mới quan trọng nào?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Phải khẳng định rằng, sự ra đời của Nghị quyết 29 với những định hướng quan trọng, tiến bộ, cấp thiết về đổi mới giáo dục đã giúp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước ta có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, trước nhất là về nhận thức. Đó là một nghị quyết mà đến nay và thậm chí trong những năm tiếp nữa cũng vẫn còn giữ nguyên giá trị cơ bản.

Để thực hiện Nghị quyết 29, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã có nhiều chương trình hành động, nhiều đề án, dự án… từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Có thể điểm qua một số việc mà chúng ta đã làm với các mức độ khác nhau.

Thứ nhất, các cơ quan nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, trong đó có việc quan trọng là sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học có những tiến bộ đúng hướng, mặc dù có thể thời gian tới còn phải bổ sung, điều chỉnh để tiếp tục hoàn thiện. Trong luật có ghi rõ về quyền tự chủ của các trường đại học và khẳng định vai trò quan trọng của Hội đồng trường. Đó là một tiến bộ đáng kể, dù việc thực hiện trên thực tế thì không phải không có vấn đề.

Thứ hai, việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và tiểu học đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Tất nhiên kết quả này là thuộc về phát triển giáo dục nói chung chứ không phải nhờ đổi mới, dù tinh thần đổi mới có coi trọng giáo dục mầm non và tiểu học. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đứng thứ 2 ASEAN (sau Singapore). Đây là điểm của giáo dục nước ta được các tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, World Bank đánh giá cao.

Thứ ba, đã ban hành và bắt đầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng có tiến bộ hơn trước, mặc dù thực tiễn triển khai vẫn còn những khó khăn, bất cập. Thời gian tới, chúng ta cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu để chỉnh sửa một số vấn đề.

Thứ tư, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa công việc làm sách là chủ trương phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và tinh thần Nghị quyết 29, khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học, đồng thời tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách giáo khoa, cung cấp cho xã hội những cách tiếp cận đa dạng đối với những mục tiêu thống nhất.

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa công việc làm sách là chủ trương phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và tinh thần Nghị quyết 29.

Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa công việc làm sách là chủ trương phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại và tinh thần Nghị quyết 29.

Thứ năm, công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá đối với giáo dục phổ thông được đổi mới một bước theo hướng đánh giá năng lực và bớt rườm rà, mặc dù sự tiến bộ vẫn còn ít, chưa đủ để gọi là căn bản.

Thứ sáu, tự chủ đại học đã có chủ trương chính thức, có nghị quyết của Trung ương và có luật quy định, 23 trường đã được Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn. Nhìn chung việc thực hiện thí điểm đã cho thấy, mặc dù còn rất nhiều trở ngại, nhưng kết quả có khá lên đáng kể so với trước, góp phần khẳng định một lần nữa bằng thực tế rằng tự chủ là một cơ chế đúng và cần thiết. Có trường được thí điểm tự chủ đã có sự bứt phá rõ rệt và phát triển mạnh mẽ trong đào tạo và nghiên cứu.

Thứ bảy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục đang diễn ra tích cực, ngày càng khẳng định tính ưu việt, kể cả trong điều kiện bình thường và nhất là trong điều kiện có dịch bệnh không dạy và học tập trung được. Đây là lĩnh vực sẽ ngày càng tiến bộ nhiều nữa, đến một lúc nào đó, từ tiến bộ của công nghệ thông tin sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản về phương thức hoạt động của con người trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục.

Phóng viên: Với những kết quả quan trọng đã đạt được kể trên, theo quan điểm của ông, hành trình đổi mới trong 10 năm qua mà chúng ta thực hiện đã được xem là thành công chưa?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đổi mới giáo dục, chúng ta đã làm được một số việc có thể nói là khá quan trọng về ý nghĩa, nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, những việc đã làm được còn chưa nhiều và cũng chưa phải các nội dung đó đều đã được thực hiện đến nơi đến chốn, chúng ta chỉ mới bước đầu triển khai thực hiện đổi mới, chưa gặt hái được nhiều thành tựu và chưa thể xem là đã thành công, đã xong rồi.

Việc đổi mới giáo dục còn chắp vá và thiếu đồng bộ, cá biệt có những việc làm chưa phù hợp tinh thần Nghị quyết 29, kết quả đổi mới đạt được không đáng kể.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo đất nước ta tuy vẫn có những bước phát triển nhất định, nhưng chúng ta cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại, tiếp tục thảo luận, đưa ra giải pháp hữu hiệu, để sự nghiệp giáo dục thực sự phát triển chắc chắn và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, giai đoạn mới.

Thời gian qua, chúng ta đã triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở một số lớp của cả 3 bậc học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông), song vẫn gặp không ít vấn đề bất cập, trở ngại. Điểm lớn đáng lưu ý là chương trình mới vẫn chưa phải đã thể hiện tốt yêu cầu về việc chuyển giáo dục từ truyền thụ kiến thức là chính sang giáo dục phát triển năng lực và bồi dưỡng phẩm chất. Thực hiện chương trình mới nhưng chưa có sự đồng bộ về đội ngũ, cơ sở vật chất, dẫn đến khó khăn trong triển khai ở các cơ sở giáo dục. Việc dạy học tích hợp như thế nào cho khoa học, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn cũng là vấn đề cần xem xét và bàn luận trong thời gian tới…

Câu chuyện thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn là vấn đề nan giải của ngành giáo dục trong nhiều năm qua. Đặc biệt trong giai đoạn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều môn học đang thiếu giáo viên trầm trọng, trong khi vấn đề quy hoạch và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm vẫn chưa được quan tâm đúng mực, chưa có giải pháp đồng bộ hiệu quả, các trường cao đẳng sư phạm, đại học địa phương đang gặp nhiều khó khăn; vấn đề đào tạo giáo viên vẫn đang gặp không ít những bất cập, vướng mắc.

Bước vào tiến trình tự chủ, giáo dục đại học Việt Nam từng bước có những chuyển biến nhất định, song cũng phải thẳng thắn thừa nhận, tự chủ chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Đa số các trường đại học đã thành lập Hội đồng trường nhưng nhiều nơi, Hội đồng trường không có thực quyền, chưa hoạt động hiệu quả. Thực hiện chủ trương tự chủ còn ngập ngừng, cùng lúc có cả hai cơ chế song song tồn tại ngay trong các trường được cho tự chủ là cơ chế chủ quản và cơ chế tự chủ mà chủ quản thì có quyền lực mạnh hơn.

Đầu tư cho giáo dục đại học vẫn còn hạn chế. Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đầu tư cho giáo dục đại học vẫn còn hạn chế. Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đầu tư cho giáo dục đại học vẫn còn hạn chế, trong khi các quy định hiện nay vẫn chưa đủ thoáng, mở để các trường có thể hợp tác, liên kết, …gia tăng nguồn đầu tư. Vấn đề hợp tác công tư (thực hiện Luật PPP) trong giáo dục đại học chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện và cá biệt cũng có ý kiến lo rằng hợp tác với nhà nước rồi đến lúc nhà nước bất ngờ thay đổi chính sách thì biết đâu mà lần.

Hệ thống giáo dục theo yêu cầu của Nghị quyết 29 là một hệ thống mở, liên thông và thực học thực nghiệp thì 10 năm qua ta đã làm gì cho nó? Yêu cầu thống nhất đầu mối quản lý nhưng hệ thống quản lý hiện nay thì cắt khúc nhiều hơn trước đây, làm mất tính hệ thống, khó khăn cho việc thực hiện liên thông và khó tổ chức thực hiện kế hoạch phân luồng. Ngay cả cao đẳng chuyên nghiệp vốn thuộc giáo dục đại học (người ta còn gọi là đại học ngắn) nhưng lại cũng bị cắt rời ra khỏi khối đại học?)…

Dạy nghề đương nhiên là việc rất cần thiết, đó là đào tạo ra những người thợ, nhất là thợ giỏi, bậc cao. Còn cao đẳng chuyên nghiệp như trước đây nước ta đã làm là đào tạo ra các kỹ thuật viên cao cấp, một dạng nhân lực rất quan trọng giữ vai trò kết nối giữa những người thợ với các kỹ sư trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp. "Cao đẳng" nghề hiện nay ở nước ta không thuộc giáo dục đại học, tức là không thuộc cấp độ đào tạo 5 (theo ISCED) mà đi theo hướng khác, rất khó liên thông lên đại học.

Dạy nghề là cần thiết, nhưng không phải từ đó mà bỏ cao đẳng chuyên nghiệp và cũng không mở lối cho các trường đại học đảm trách. Chúng ta đã chuyển mấy trăm trường cao đẳng chuyên nghiệp sang hướng dạy nghề. Thực chất là xóa hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp trước đây. Tất nhiên việc đào tạo cao đẳng cũng cần phải đổi mới nhiều chứ không thể y nguyên như ngày xưa, nhưng đổi mới gì thì nó cũng phải gắn bó kết nối với đại học, liên thông thuận lợi và dễ dàng để trong suốt cuộc đời ai cũng có thể tự nâng cấp khi nào muốn và có điều kiện.

Trước đây ta đã có loại hình trường dân lập. Điều đó rất đúng! Những năm sau này đã có chủ trương không còn dân lập nữa. Nhiều trường dân lập đã bị buộc phải chuyển sang tư thục, tức là thực hiện tư nhân hóa các trường ấy. Trường tư cũng tốt, nhưng tại sao phải tư nhân hóa trường dân lập? Trong cuộc sống, sẽ có và cũng cần những trường học mà xét về mặt sở hữu nó không phải của Nhà nước và cũng không phải của tư nhân thì đó là dân lập chứ gì. Có ý kiến cho rằng vì thấy có một số trường gọi là dân lập nhưng thực tế là tư nhân nên cần có chủ trương như vậy. Đó là việc khác, không thể lập luận như thế được. Sai đâu thì sửa đó chứ không nên quy nạp theo cách ấy. Còn những trường không như thế sao cũng phải chuyển? Tại sao sai trong thực hiện cụ thể ở một số nơi nhưng lại sửa bằng cách bỏ đi một chủ trương đúng.

Loại trường không vì mục đích lợi nhuận đang phát triển ở nhiều nước phát triển, qua quá trình tích lũy và hiến tặng không hình thành sở hữu tư nhân, cũng không phải sở hữu nhà nước, nó là của cộng đồng trường, thì nó sẽ là trường dân lập (chứ không phải tư thục như cách đang hiểu ở Việt Nam)

Cuối cùng, theo tôi nghĩ, mục tiêu đổi mới giáo dục không có gì nằm ngoài mục tiêu chất lượng. Đây là điều chúng ta cần trăn trở suy nghĩ, làm sao để việc dạy, việc học thực sự chất lượng, làm sao để sản phẩm của giáo dục và đào tạo đạt được chất lượng tốt nhất có thể?

Chất lượng là một trong các đặc tính đầu tiên của giáo dục. Giáo dục là nhằm nâng chất lượng người. Giáo dục là vì chất lượng của một cộng đồng, của một dân tộc. Ngay cả giáo dục đại trà cũng là vì muốn nâng chất lượng của cộng đồng. Nhiều vấn đề về số lượng cũng là để nói về chất lượng (ví dụ tỷ lệ người đi học, đã qua đào tạo…chẳng hạn)

Vấn đề số lượng trong giáo dục cũng là vì chất lượng, phải gắn với chất lượng. Không có chất lượng thì giáo dục không còn là giáo dục và thậm chí không còn có ích. Đổi mới giáo dục có mục đích trước tiên và xuyên suốt là nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục. Từ khi có Nghị quyết 29, ta đã làm những gì để bảo đảm và nâng cao chất lượng? Cần nhìn lại cho rõ và tìm giải pháp cụ thể để thực hiện yêu cầu nâng chất lượng của cả nền giáo dục nước nhà, đó là yêu cầu cốt lõi của Nghị quyết 29.

Phóng viên: Có thể thấy, dấu ấn nổi bật của việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 là đổi mới chương trình giáo dục ở bậc phổ thông và thực hiện tự chủ ở các trường đại học. Tuy nhiên, đây vẫn là những vấn đề nan giải từ thực tiễn triển khai, cần tiếp tục thảo luận, đưa ra giải pháp quan trọng trong giai đoạn tới. Ông nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Như tôi đã nói, việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục ở bậc phổ thông tuy có một số tiến bộ, nhưng nhìn chung vẫn chưa phải đã đạt yêu cầu đổi mới căn bản, còn việc thực hiện tự chủ đại học vẫn còn “nửa vời” và dập dừng lắm!

Đó là những vấn đề chúng ta cần nhìn thẳng, nói thật, để có những giải pháp tích cực, quyết liệt và hiệu quả hơn. Chúng ta không thể đổi mới nếu vẫn còn “loay hoay” trong vấn đề về chính sách, con người, …

Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục như thế nào khi đội ngũ giáo viên còn chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, khi các địa phương vẫn “đau đầu” với bài toán thiếu giáo viên. Đó là điều chúng ta phải tính đến, phải chú trọng vào công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên có hiệu quả thực sự.

Việc trang bị cơ sở vật chất, vấn đề về sách giáo khoa, dạy học tích hợp, sắp xếp tổ hợp môn học lựa chọn ở bậc trung học phổ thông cũng cần sớm có giải pháp. Cơ quan quản lý cần lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thầy cô để có những giải pháp điều chỉnh hợp lý. Từ chỗ một chương trình và một bộ sách giáo khoa do Nhà nước làm ra, đã đi đến chủ trương đổi mới là một chương trình và nhiều bộ sách được xã hội hóa do Nhà nước chủ trì thẩm định là một tư duy tiến bộ, cần tiếp tục hoàn thiện cách làm, chứ đừng thụt lùi quay lại như cũ.

Hành trình đổi mới giáo dục vẫn còn nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Hành trình đổi mới giáo dục vẫn còn nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Về vấn đề tự chủ đại học, đã đến lúc cần tích cực tháo gỡ những vướng mắc, cản trở để tiếp tục mở rộng diện các trường được tự chủ.

Khó khăn, trở ngại lớn nhất trong thời gian qua và cho đến hiện nay đối với việc thực hiện tự chủ là cùng một lúc đồng thời sử dụng cả cơ chế chủ quản và cơ chế tự chủ ở ngay các trường được tự chủ, trong khi hai loại cơ chế đó rất khác nhau, với cách tiếp cận khác nhau.

Nói cách khác là nói thì cho tự chủ nhưng thực chất vẫn chưa được tự chủ, vẫn còn nhiều “trói buộc” lắm!

Tôi đề nghị rằng, để thực hiện được tự chủ một cách đích thực, thì không sử dụng nữa cơ chế cơ quan chủ quản, không thể thực hiện đồng thời hai loại cơ chế đó như hiện tại, thậm chí cơ chế cơ quan chủ quản vẫn mạnh hơn, quyền lực hơn, có thể đánh bại cơ chế tự chủ khi muốn.

Cơ chế chủ quản đã xuất xứ và có nguồn gốc từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung mà trong lĩnh vực kinh tế đã có chủ trương xóa bỏ từ hơn 35 năm trước. Nhưng mãi tới nay trong giáo dục cơ bản và thực chất vẫn còn, mặc dù Nghị quyết các đại hội Đảng mấy nhiệm kỳ qua chủ trương phải đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần phải làm tốt công tác dự báo giáo dục trong 5 năm, 10 năm tới để thực hiện đổi mới giáo dục một cách đồng bộ hơn, hiệu quả hơn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần của Nghị quyết 29 là nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nước ta và hội nhập quốc tế.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Việt Nam phải trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Muốn phát triển kinh tế xã hội, việc đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng bậc nhất, và ngành giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm trước tiên cho chất lượng của nguồn nhân lực của đất nước.

Nói vậy để thấy rằng, vai trò của giáo dục và đào tạo là vô cùng quan trọng. Từ 30 năm trước, Đảng, Nhà nước ta đã xác định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Vì vậy, những chiến lược, chính sách về giáo dục cũng phải thể hiện được cái tầm cho “quốc sách hàng đầu” ấy.

Công tác dự báo là quan trọng, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải có một tầm nhìn chiến lược cho chính sách về giáo dục và có những giải pháp đồng bộ để thực hiện đổi mới giáo dục, từ nhận thức đến thực tiễn phải hiểu đúng thế nào là đổi mới giáo dục, đổi mới giáo dục như thế nào và vì mục tiêu gì.

Đổi mới không phải để mà thay đổi. Đổi mới là để phát triển mạnh hơn và tốt hơn. Đổi mới giáo dục là để phát triển giáo dục. Phát triển giáo dục là để phát triển con người, dân tộc và đất nước. Nước ta chỉ có thể trở thành một nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao khi có đủ điều kiện về nhân tố con người với nguồn nhân lực chất lượng cao. Giáo dục là giải pháp quan trọng nhất để đáp ứng điều đó. Nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể hoàn thành mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu ra.

Giáo dục phải lấy chất lượng làm đầu. Bản chất giáo dục là vậy. Nó tạo nên chất lượng con người, chất lượng dân tộc, chất lượng nguồn nhân lực. Ngay cả giáo dục đại chúng, giáo dục phổ cập cũng là vì chất lượng của một cộng đồng. Bản chất Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo là nâng chất lượng của nền giáo dục. Nếu nói Nghị quyết ấy gom lại trong một từ thôi thì theo tôi đó là Nghị quyết “nâng chất lượng” nền giáo dục. Nếu cần nhắc đến giá trị cốt lõi của Nghị quyết 29 thì tôi cho rằng, đó là chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục bồi dưỡng phẩm chất và phát triển năng lực Người, đồng thời xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông và thực học, thực nghiệp. Trong đó, có nội dung rất quan trọng về đổi mới và phát triển chương trình, về tự chủ đại học, đổi mới quản trị và chính sách thông thoáng.

Hoạt động đào tạo phải đáp ứng nhu cầu về nghề nghiệp để phát triển kinh tế-xã hội, nó không nằm ngoài và xa lạ với cơ chế thị trường. Nhưng mặt khác, giáo dục đầu tiên là giáo dục nhân bản, không nhân bản thì giáo dục sẽ hỏng. Với yêu cầu đó, giáo dục lại không phải là thị trường theo nghĩa thô thiển, trần trụi. Mọi thứ đều chạy theo lợi nhuận, làm tiền, thị trường hóa một cách quá đáng vấn đề giáo dục chắc chắn sẽ là một sai lầm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng!

Phạm Minh (thực hiện)