Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có đề xuất mở rộng không gian phát triển của các cơ sở giáo dục đại học tại địa phương lân cận hoặc tại địa phương chưa đào tạo nhóm ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và của vùng; Thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín tại các địa phương, khu vực không hạn chế phát triển.
Đại học Quốc gia Hà Nội tại cơ sở Hòa Lạc. (Ảnh: website Đại học Quốc gia Hà Nội) |
Thực tế, các trường đại học hiện nay chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn. Trong khi diện tích đất để xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành… có hạn.
Nên dịch chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Cao Vinh, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Hiện nay cần thống nhất chủ trương quy hoạch, tạo không gian phát triển cho các cơ sở giáo dục đại học; giảm tác động tiêu cực đến hạ tầng giao thông ở đô thị lớn. Tuy nhiên, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có vùng ngoại thành rộng lớn, nên quy hoạch các trường đại học ở đây thì sẽ thuận lợi hơn”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Cao Vinh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường) |
Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Việt Bảo, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Ở nội đô đất chật người đông nên việc chuyển các trường thực tế đã có dự kiến từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được đồng bộ.
Khi ở nội đô thì mật độ dân số quá cao và khả năng phát triển về không gian cũng bị hạn chế rất nhiều.
Một số trường đại học ở trong nội đô không còn không gian để phát triển, diện tích đất quá nhỏ. Thực tế, việc xây dựng phòng thí nghiệm, phòng thực hành cũng bị hạn chế. Hiện nay chỉ có thể xây dựng theo hướng chồng tầng lên nhưng không phải trường nào cũng có đủ kinh phí để thực hiện. Điều đó cũng gây gián đoạn quá trình học tập, thực hành của sinh viên".
Cũng theo thầy Bảo, riêng với Trường Đại học Thể dục Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã tọa lạc ở khu vực ngoại thành. Nhà trường nằm ở khu vực làng đại học Thủ Đức nên có nhiều không gian thông thoáng để phát triển, nhất là có không gian thực hành cho sinh viên học các chương trình về thể dục thể thao.
"Tôi rất tán thành chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nên chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô hoặc xuống các tỉnh thành lân cận để tránh áp lực lên môi trường đô thị và tạo không gian phát triển", thầy Bảo nhấn mạnh.
Cần có lộ trình chuyển đồng đều các trường chứ không nên thí điểm vài trường
Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh Phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Các trường đại học nằm trong khu vực nội đô là do quá trình lịch sử phát triển nhưng đến hiện tại chúng ta phải nhìn nhận lại. Thứ nhất là diện tích không gian để phục vụ cho môi trường giáo dục không đảm bảo. Thứ hai là gây áp lực lên nội đô cả về phương tiện, môi trường và sinh hoạt.
“Ví như, Đại học Quốc gia Hà Nội chuyển lên Hòa Lạc là có cả một khu đô thị đại học bên ngoài. Ở đó có môi trường học tập, sinh hoạt, rèn luyện, phục vụ nghiên cứu rất thuận lợi. Cho nên chủ trương dịch chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô, xuống các tỉnh hay các khu vực lân cận là rất đúng đắn.
Ngoài ra, khi các trường dịch chuyển ra khỏi nội đô thì quỹ đất bên trong thành phố nhằm xây dựng các công trình phúc lợi khác”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh Phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Nhật Lệ) |
Tuy nhiên, theo thầy Thìn việc đưa các trường đại học ra khỏi nội đô hay xuống các tỉnh thành lân cận như thế nào thì cũng cần có lộ trình.
“Hiện nay nhiều trường không muốn chuyển ra vì đã quen cũng như hoạt động ổn định trong môi trường đô thị và muốn giữ đất ở đây. Chưa kể, khi chuyển các trường ra ngoại thành thì sinh viên lại thích học tập và sinh hoạt ở trong các đô thị hơn nên việc tuyển sinh, thu hút sinh viên sẽ gặp khó khăn. Nhưng nếu chúng ta thực hiện quyết liệt, có lộ trình cụ thể, rõ ràng thì chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả.
Ngoài ra, nếu chuyển các trường đại học ra khỏi nội đô xuống các tỉnh thành hoặc các khu vực lân cận thì cần phải dịch chuyển hết để tạo công bằng cho các đơn vị đào tạo. Không có lý do gì một số trường chuyển khỏi nội đô nhưng nhiều trường khác vẫn ở trong nội đô gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường được thí điểm dịch chuyển. Bởi thay vì nộp hồ sơ vào các trường ở ngoại thành hay ở xa, thí sinh sẽ lựa chọn những trường khác ở trong nội thành. Vì thế chủ trường cần phải đưa các trường đại học ra khỏi nội đô, xuống các tỉnh thành hoặc các khu vực lân cận chứ không phải chỉ áp dụng với một số trường”.
Được biết, theo dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng sắp xếp cơ cấu và phân bố mạng lưới như sau:
Sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học theo hướng cơ bản giữ ổn định về số lượng và cơ cấu, tập trung tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô của các cơ sở giáo dục đại học. Đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng, trong đó:
Khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia;
Khoảng 100 cơ sở giáo dục đại học đầu mối khác trực thuộc các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương;
Ít nhất 70 cơ sở giáo dục đại học tư thục, bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.