Trường ĐH Sư phạm (Thái Nguyên): Quy mô đào tạo giảm, tổng thu tăng mạnh

30/12/2023 06:23
Sao Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm học 2020-2021 (tổng 15.811 người) đến năm học 2021-2022 (tổng 11.708 người), quy mô đào tạo của Trường Đại học Sư phạm (ĐHTN) giảm hơn 4 nghìn người.

Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên tiền thân là Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc được thành lập ngày 18/07/1966 theo Quyết định số 127/CP của Chính phủ.

Đến năm 1994, Chính phủ thành lập Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc trở thành cơ sở giáo dục đại học thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên, có tên mới là Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên.

Trường có chức năng đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học, sau đại học cho các địa phương trong cả nước, đặc biệt là khu vực trung du, miền núi phía Bắc; bồi dưỡng chuẩn hóa và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các cấp; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.

Tầm nhìn đến năm 2035, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên trở thành trường đại học sư phạm trọng điểm quốc gia, ngang tầm với các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Trần Phương làm Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Xuân Trường làm Hiệu trưởng nhà trường.

Quang cảnh Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Ảnh trên website nhà trường

Quang cảnh Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Ảnh trên website nhà trường

Trường đào tạo sư phạm nhưng có duy nhất 1 giáo sư

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua báo cáo ba công khai các năm học 2020-2021, 2021-2022 và 2022-2023 của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cho thấy, quy mô đào tạo của trường từ năm học 2020-2021 đến 2022-2023 có xu hướng giảm.

Bảng thể hiện quy mô đào tạo của Trường Đại học Thái Nguyên thống kê qua các báo cáo ba công khai. (Bảng: Sao Mai)

Bảng thể hiện quy mô đào tạo của Trường Đại học Thái Nguyên thống kê qua các báo cáo ba công khai. (Bảng: Sao Mai)

Theo bảng số liệu trên, từ năm học 2020-2021 (tổng 15.811 người) đến năm học 2021-2022 (tổng 11.708 người), tức giảm hơn 4.000 người.

Chia sẻ về vì sao tổng quy mô đào tạo của nhà trường giảm mạnh như trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, nhà trường chưa khảo sát chính thức các bên liên quan cũng như nhu cầu xã hội nên chưa trả lời được vì sao quy mô đào tạo của trường lại giảm. Tuy nhiên, ở góc độ chủ quan, có thể có 2 nguyên nhân:

Một là, năm 2020 và năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác tuyển sinh của nhà trường gặp khó khăn. Hai là, từ năm 2020, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cũng giảm dần so với trước.

Cũng theo bảng số liệu trên, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo thạc sĩ giảm 350 người (từ 1.158 người giảm xuống còn 808 người).

Từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên có quy mô đào tạo tiến sĩ khối ngành I giảm 36 người (từ 52 người giảm còn 16 người).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trường cho biết, tương tự như tổng quy mô đào tạo của trường, do nhà trường chưa khảo sát các bên liên quan cũng như nhu cầu xã hội nên chưa lý giải vì sao quy mô đào tạo tiến sĩ khối ngành I và quy mô đào tạo thạc sĩ lại giảm.

Về số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên cho thấy, tổng số giảng viên của trường có sự biến động.

Bảng thể hiện tổng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên thống kê qua báo cáo ba công khai các năm học. (Bảng: Sao Mai)

Bảng thể hiện tổng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên thống kê qua báo cáo ba công khai các năm học. (Bảng: Sao Mai)

Quan sát bảng trên cho thấy, năm học 2022-2023, tổng giảng viên của trường là 278 thầy cô. Tuy nhiên, khi tính tổng giảng viên phân theo chức danh và trình độ đào tạo, nhà trường lại có 317 người, chứ không phải 278 người như trường thống kê.

Lý giải về con số này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Xuân Trường, trong báo cáo ba công khai năm học 2022-2023, tổng số giảng viên của trường là 278 người. Trong số 169 giảng viên trình độ tiến sĩ của năm học 2022-2023, nhà trường đã tính cả 1 giảng viên học hàm giáo sư và 38 giảng viên học hàm phó giáo sư. Nên nếu trừ đi số giảng viên học hàm giáo sư và phó giáo sư, thì số giảng viên trình độ tiến sĩ của trường năm học 2022-2023 là 130 giảng viên (tính đến tháng 5/2023).

Cũng theo thầy Trường, sau tháng 5/2023, nhà trường có thêm 5 giảng viên học hàm phó giáo sư. Như vậy, tổng số giảng viên học hàm phó giáo sư của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên hiện đã tăng từ 38 người lên 43 người.

Năm học 2022-2023, nhà trường có 1 giảng viên học hàm giáo sư (ngành Sư phạm Sinh học), các năm học trước, giảng viên học hàm giáo sư cũng chỉ có 1-2 người. Về thực tế này, hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên có số giảng viên trình độ tiến sĩ chiếm hơn 60% tổng giảng viên.

Đội ngũ giảng viên của trường đáp ứng đủ các yêu cầu theo Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Do đó, với số lượng giảng viên có học hàm giáo sư hiện nay không gây khó khăn cho công tác đào tạo đại học, sau đại học và mở ngành đào tạo của trường".

Theo Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó:

- Điều 4 quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu; có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình

- Điều 5 quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu.

- Điều 6 quy định điều kiện mở ngành đào tạo tiến sĩ có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu.

Hiệu trưởng Mai Xuân Trường chia sẻ thêm, hàng năm, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đều có giảng viên được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư (năm 2021: 3 giảng viên; năm 2022: 3 giảng viên; năm 2023: 5 giảng viên).

Tuy nhiên đồng thời với việc có thêm giảng viên học hàm phó giáo sư thì hàng năm trường vẫn có giảng viên học hàm phó giáo sư nghỉ hưu. Do đó, số lượng giảng viên học hàm phó giáo sư trong báo cáo ba công khai từng năm học có sự biến động tăng, giảm.

Đơn cử, từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022, số giảng viên học hàm phó giáo sư giảm 9 người (từ 43 người giảm còn 34 người); từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023, số giảng viên học hàm phó giáo sư tăng 4 người (từ 34 người tăng lên 38 người).

"Đến thời điểm hiện tại, tổng số giảng viên học hàm phó giáo sư của trường là 43 người. Sắp tới, nhà trường xây dựng chính sách để hỗ trợ, động viên, khuyến khích giảng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, giáo sư nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nhân lực cho đào tạo", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Xuân Trường chia sẻ.

Tổng thu năm 2022 tăng gần 39 tỷ đồng

Về tài chính, từ năm 2020 đến năm 2021, tổng thu của nhà trường tăng gần 19 tỷ đồng (từ 132,446 lên 151,347 tỷ đồng). Đặc biệt, từ năm 2021 đến năm 2022, tổng thu tăng gần 39 tỷ đồng (từ 1151,347 tăng lên 190,096 tỷ đồng).

Bảng thống kê nguồn thu của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) qua báo cáo ba công khai một số năm học gần đây. Bảng: Sao Mai

Bảng thống kê nguồn thu của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) qua báo cáo ba công khai một số năm học gần đây. Bảng: Sao Mai

Thầy Trường cho biết, tổng thu của nhà trường tăng gần 39 tỷ đồng từ năm 2021 đến năm 2022 do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do ngân sách nhà nước cấp cho trường để chi trả hỗ trợ chi phí sinh hoạt của sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

"Mỗi sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ sẽ được hưởng mức 3,63 triệu đồng/sinh viên/tháng (tổng 10 tháng/năm học). Tổng kinh phí chi cho 1 sinh viên/năm học là 36,3 triệu đồng. Nếu 1.000 sinh viên đăng ký thì con số sẽ tăng 36,3 tỷ đồng/năm học", thầy Trường chia sẻ.

Theo Điều 4, Chương II, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ sinh viên sư phạm là 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường;

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Thứ hai, tổng thu của nhà trường tăng do các khoản thu bị dồn lại từ năm 2021 (do dịch COVID-19) nên năm 2022 mới tiến hành thu.

Qua báo cáo ba công khai, thu từ nguồn thu hợp pháp khác của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên không ổn định qua các năm. Cụ thể, từ năm 2020 đến năm 2021, thu từ hoạt động này giảm gần 400 triệu đồng (từ 8,918 giảm còn 8,534 tỷ đồng). Tuy nhiên, từ năm 2021 đến năm 2022, nguồn thu này lại tăng hơn 6 tỷ đồng (từ 8,534 tăng lên 14,549 tỷ đồng).

Biểu đồ thể hiện tổng thu từ nguồn thu hợp pháp khác của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Biểu đồ: Sao Mai

Biểu đồ thể hiện tổng thu từ nguồn thu hợp pháp khác của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên). Biểu đồ: Sao Mai

Chia sẻ về việc thu từ nguồn thu hợp pháp năm 2022 tăng lên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Xuân Trường, nguồn thu hợp pháp của nhà trường đến từ ngân sách nhà nước cấp; nguồn thu từ hoạt động của các trung tâm như Trung tâm ngoại ngữ, Trung tâm tin học, Trung tâm phát triển kỹ năng sư phạm; từ hoạt động bồi dưỡng giáo viên; từ các hoạt động dịch vụ khác...

"Năm 2022, nguồn thu hợp pháp tăng so với năm 2021 hơn 6 tỷ đồng là do năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nguồn thu của 2 năm này chưa triển khai thu hết nên dồn đến năm 2022 mới thu", thầy Trường chia sẻ.

Theo Điểm c, Khoản 3, Điều 7, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, quy định công khai đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm công khai thu chi tài chính đối với "các nguồn thu từ các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất, tư vấn và các nguồn thu hợp pháp khác".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong các nguồn thu của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên năm học 2022-2023, thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không có cột thống kê.

Ảnh chụp màn hình báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) chỉ có 3 nguồn thu: từ ngân sách, từ học phí và từ nguồn thu hợp pháp khác, thiếu nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Ảnh chụp màn hình báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) chỉ có 3 nguồn thu: từ ngân sách, từ học phí và từ nguồn thu hợp pháp khác, thiếu nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ nguyên nhân vì sao không thống kê nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2022, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Xuân Trường cho biết, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được ghi nhận trên báo cáo ba công khai của trường là nguồn kinh phí ngân sách cấp từ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ trở lên.

Từ năm 2022, nguồn kinh phí này do cơ quan chủ quản (Đại học Thái Nguyên) quản lý và quyết toán. Do vậy, nhà trường không ghi nhận vào nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2022.

Chính vì thế, nguồn thu về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2022 không thống kê trong báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.

Sao Mai