Đại học CNTT và truyền thông có ngành tuyển vượt 268%, ngành không ai nhập học

26/12/2023 06:35
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2021-2022, ngành Thiết kế đồ họa nhà trường tuyển vượt 268%, đến năm học tiếp theo nhà trường vẫn tiếp tục tuyển vượt 15,5% ở ngành học này. 

Căn cứ theo khoản 3, Điều 10, Chương II, Nghị định 04/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 22/1/2021 và Nghị định 127/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền đối với hành vi tuyển sinh để đào tạo trình độ đại học vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo các mức phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 03% đến dưới 10%;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 10% đến dưới 15%;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 15% đến dưới 20%;

d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên.

Trước đó, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xử phạt hành chính một số cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng tuyển sinh vượt chỉ tiêu vẫn tái diễn.

Có ngành tuyển vượt tới 268%

Theo đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên được công bố ngày 30/6/2023 tổng hợp chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học 2 năm gần nhất, cho thấy 2 năm liên tiếp nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở một số ngành.

Cụ thể, năm học 2020-2021 nhà trường tuyển sinh vượt ở các ngành: Thiết kế đồ họa chỉ tiêu của trường là 50 nhưng có tới 184 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 134 sinh viên, tương đương 268%).

Ngành Thiết kế đồ họa nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp.

Ngành Thiết kế đồ họa nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp.

Ngành Công nghệ thông tin chỉ tiêu của trường là 560 nhưng có tới 631 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 71 sinh viên, tương đương 12,7%).

Ngành Kỹ thuật phần mềm chỉ tiêu của trường là 210 nhưng có tới 230 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 20 sinh viên, tương đương 9,5%)....

Năm học 2022-2023, nhà trường tiếp tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu ở ngành Thiết kế đồ họa. Theo đó, chỉ tiêu của trường được phê duyệt là 200 nhưng có tới 231 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 31 sinh viên, tương đương 15,5%).

Ngành Công nghệ thông tin chỉ tiêu của trường là 540 nhưng có tới 653 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 113 sinh viên, tương đương 20,9%).

Ngành Kỹ thuật phần mềm chỉ tiêu của trường là 200 nhưng có tới 225 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 25 sinh viên, tương đương 12,5%).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) cho hay:

“Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường dựa trên hai nguyên tắc: Thứ nhất là tuân thủ các quy định về nguồn lực đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và quy mô người học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ hai là theo dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội đối với ngành đang đào tạo và tuyển sinh.

Công tác dự báo của nhà trường khi xây dựng đề án tuyển sinh năm học 2021-2022 chưa tốt, nhà trường đã không dự báo được nhu cầu nguồn nhân lực một số ngành đào tạo của trường tăng đột biến, cũng như uy tín, thương hiệu của nhà trường đã được khẳng định và thu hút được thí sinh từ mọi miền Tổ quốc dẫn tới việc xác định chỉ tiêu một số ngành chưa hợp lý”.

Thầy Nghĩa thông tin thêm, với ngành Thiết kế đồ họa, mặc dù khả năng đáp ứng thực tế của trường là 193 nhưng nhà trường chỉ đăng ký 50 chỉ tiêu trong đề án tuyển sinh của năm học 2021-2022. Nhưng do nhu cầu nguồn nhân lực thiết kế đồ họa tăng mạnh và niềm tin ngày càng lớn của thí sinh và xã hội về chất lượng đào tạo của nhà trường nên tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Thiết kế đồ họa trong năm học 2021-2022 lên tới 396 thí sinh.

Với mục tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo tốt nhất theo năng lực đào tạo thực tế, nhà trường đã xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm xét tuyển, trúng tuyển cao hơn 2 điểm so với điểm trúng tuyển trung bình của các ngành khác.

Việc xác định điểm chuẩn dựa trên các phân tích, dự báo về số lượng thí sinh nhập học cũng gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ nhập học của sinh viên ngành này vào trường những năm học trước đó không cao.

"Sau khi công bố điểm trúng tuyển và hoàn thiện quá trình nhập học, đã có 201 tân sinh viên trúng tuyển và nhập học trên tổng số 396 thí sinh đã đăng ký xét tuyển”, thầy Nghĩa thông tin.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông, trên thực tế, với quá trình tổ chức đào tạo nghiêm túc đảm bảo chất lượng của nhà trường, sau 1 năm đào tạo, từ 201 thí sinh nhập học ban đầu, số lượng sinh viên ngành Thiết kế đồ họa đã giảm xuống chỉ còn 184 sinh viên. Như vậy, trong năm học 2021-2022, nếu tính theo chỉ tiêu đăng ký trong đề án tuyển sinh (50 chỉ tiêu) thì ngành Thiết kế đồ họa bị vượt 268% nhưng xét theo chỉ tiêu năng lực đáp ứng thực tế (193 chỉ tiêu) thì ngành này chỉ vượt xấp xỉ 4% chỉ tiêu.

"Đây là con số phù hợp với năng lực đào tạo thực tế của trường và có thể chấp nhận được do việc xác định tỷ lệ thí sinh nhập học khi quyết định ngưỡng điểm trúng tuyển dựa trên nguyên tắc dự báo nên không thể chính xác một cách tuyệt đối giữa số lượng thí sinh nhập học và chỉ tiêu tuyển sinh.

Ngoài ra, trong năm học 2021-2022, nếu xét theo chỉ tiêu đăng ký theo từng ngành thì còn một số ngành có số lượng sinh viên nhập học vượt so với chỉ tiêu đã đăng ký như ngành Công nghệ thông tin (vượt 12,7%); ngành Kỹ thuật phần mềm (vượt 9,5%); ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (vượt 10%); ngành Truyền thông đa phương tiện (vượt 14%)...

Tuy nhiên, theo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học này, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo khối ngành. Theo nguyên tắc xác định này thì số lượng thí sinh nhập học vẫn nhỏ hơn chỉ tiêu theo khối ngành. Cụ thể là: Các ngành Công nghệ thông tin; Kỹ thuật phần mềm; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử thuộc khối ngành V có tổng chỉ tiêu là 1.365; tổng số thí sinh nhập học là 1.252 (đạt 91,7%).

Ngành Truyền thông đa phương tiện thuộc khối ngành VII có tổng chỉ tiêu 195 và tổng số thí sinh nhập học là 143 (đạt 73,3%).

Trong năm học 2022-2023, nhà trường đã dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực và số lượng thí sinh nhập học của các ngành, khối ngành chính xác hơn nên một số ngành như Thiết kế đồ họa, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm có số lượng thí sinh nhập học chỉ vượt nhẹ so với chỉ tiêu đã đăng ký. Nhưng với nguyên tắc xác định chỉ tiêu theo khối ngành thì nhà trường đã đảm bảo tốt được chất lượng đào tạo theo quy mô tuyển sinh và quy mô người học hiện tại”, thầy Nghĩa thông tin.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Có ngành không có sinh viên nào nhập học

Bên cạnh những ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông còn có những ngành tuyển được rất ít sinh viên, thậm chí không có sinh viên nào trúng tuyển nhập học.

Căn cứ theo đề án tuyển sinh năm 2023 của trường, năm học 2021-2022, ngành Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn chỉ tiêu là 30 nhưng chỉ có 5 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 25 chỉ tiêu, chiếm 16,7%).

Ngành hệ thống thông tin chỉ tiêu của trường là 10 nhưng chỉ có 3 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 7 chỉ tiêu, chiếm 30%).

Ngành Kỹ thuật y sinh, chỉ tiêu của trường là 50 nhưng chỉ có 9 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 41 chỉ tiêu, tương đương 21,9%).

Ngành Kỹ thuật cơ điện tử thông minh và robot chỉ tiêu của trường là 50 nhưng chỉ có 4 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 46 sinh viên, chiếm 8%).

Ngành Công nghệ ô tô và giao thông thông minh chỉ tiêu của trường là 50 nhưng chỉ có 17 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 33 chỉ tiêu, chiếm 34%).

Ngành Kinh tế số, chỉ tiêu của trường là 50 nhưng chỉ có 2 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 48 sinh viên, chiếm 4%).

Năm học 2022-2023, những ngành này vẫn tuyển được rất ít sinh viên, thậm chí còn ít hơn năm học trước.

Theo đó, ngành Kỹ thuật y sinh chỉ tiêu của trường là 50 nhưng chỉ có 2 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 48 chỉ tiêu, chiếm 4%).

Ngành Hệ thống thông tin, chỉ tiêu của trường là 30 nhưng chỉ có 13 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 7 chỉ tiêu, chiếm 43,3%).

Ngành Kỹ thuật cơ điện tử thông minh và robot chỉ tiêu của trường giảm xuống còn 30 nhưng cũng chỉ có 6 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 24 chỉ tiêu, chiếm 20%).

Ngành Kỹ thuật điện tử và robot chỉ tiêu của trường là 20 nhưng chỉ có 2 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 18 chỉ tiêu, chiếm 10%).

Ngành Công nghệ ô tô và giao thông thông minh chỉ tiêu của trường là 30 nhưng chỉ có 16 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 14 chỉ tiêu, chiếm 53,3%).

Ngành Kinh tế số chỉ tiêu của trường là 30 nhưng chỉ có 10 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 20 chỉ tiêu, chiếm 33%).

Đáng chú ý ngành Truyền thông doanh nghiệp số chỉ tiêu của trường là 25 nhưng không có sinh viên nào trúng tuyển nhập học.

Ngành Truyền thông doanh nghiệp số năm 2022 nhà trường không có sinh viên nào nhập học. (Ảnh chụp màn hình)

Ngành Truyền thông doanh nghiệp số năm 2022 nhà trường không có sinh viên nào nhập học. (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa cho hay: Với tầm nhìn trở thành trường đại học ứng dụng, đa ngành trên nền tảng số và sứ mạng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học; bồi dưỡng ngắn hạn; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông trong những năm qua đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ mở các ngành đào tạo mới theo định hướng liên ngành, đa lĩnh vực trên nền tảng cốt lõi về Công nghệ thông tin và Truyền thông.

Trong những năm gần đây, bên cạnh những ngành/chương trình đào tạo của nhà trường tuyển sinh rất tốt ổn định như: Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Thiết kế đồ họa, Truyền thông đa phương tiện, Thương mại điện tử, Marketing số, Tự động hóa, Kỹ thuật Điện - Điện tử,… thì còn một số ngành/chương trình đào tạo có số lượng thí sinh nhập học không cao.

Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng chênh lệch về quy mô tuyển sinh giữa các ngành/chương trình đào tạo của nhà trường bao gồm:

Thứ nhất, đối với các ngành/chương trình đào tạo mới mở mặc dù có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng giữa định hướng phát triển của quốc gia, quốc tế với nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp cũng như niềm tin của thí sinh và phụ huynh đối với các ngành đào tạo mới mở bao giờ cũng có một độ trễ nhất định. Điều này đã được kiểm chứng qua số liệu về quy mô tuyển sinh các ngành đào tạo nhà trường mới mở tăng dần qua các năm trong bảng dưới đây.

Số liệu nhà trường cung cấp.

Số liệu nhà trường cung cấp.

Thứ hai, một số ngành bị giảm sức hút đối với thí sinh do các lý do khách quan. Trong năm học 2024-2025 tới đây, nhà trường sẽ tạm dừng tuyển sinh một số ngành như vậy để tập trung nguồn lực con người và cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho các ngành khác. Trong thời gian tạm dừng tuyển sinh, nếu nhu cầu nguồn nhân lực và sức hút đối với thí sinh tăng lên, nhà trường sẽ tuyển sinh trở lại đáp ứng nhu cầu của xã hội và người học.

Năm học 2024-2025, Nhà trường dự kiến sẽ tạm dừng tuyển sinh một số ngành giảm sức hút. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Năm học 2024-2025, Nhà trường dự kiến sẽ tạm dừng tuyển sinh một số ngành giảm sức hút. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Thứ ba, trong cùng một năm tuyển sinh, một số chương trình đào tạo thuộc cùng ngành, nhóm ngành hoặc lĩnh vực với các chương trình đào tạo khác có sức hút lớn nên việc thí sinh và gia đình lựa chọn các chương trình đào tạo khác trong cùng nhóm ngành hoặc ngành có sức hút lớn hơn cũng là điều dễ hiểu.

Ví dụ chương trình đào tạo Hệ thống thông tin thuộc cùng nhóm ngành Công nghệ thông tin và máy tính nên thí sinh có xu hướng chọn chương trình đào tạo Công nghệ thông tin hoặc Kỹ thuật phần mềm hơn là chương trình đào tạo Hệ thống thông tin.

Chương trình đào tạo Truyền thông doanh nghiệp số thuộc cùng nhóm ngành với chương trình đào tạo Công nghệ truyền thông và thí sinh có xu hướng chọn chương trình đào tạo Công nghệ truyền thông hơn là chương trình đào tạo Truyền thông doanh nghiệp số;

Chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn thuộc cùng nhóm ngành với chương trình đào tạo Khoa học máy tính nên thí sinh có xu hướng chọn chương trình đào tạo Khoa học máy tính hơn là chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn,…

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông cũng cho biết thêm nhà trường có kế hoạch dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo có quy mô tuyển sinh thấp và thuộc cùng ngành hoặc nhóm ngành với các chương trình đào tạo khác để tập trung nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho các ngành đào tạo khác.

Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông như sau:

Khối ngành II: Thiết kế đồ họa

Khối ngành III: Hệ thống thông tin quản lý, Quản trị văn phòng, Thương mại điện tử, Marketing số.

Khối ngành V: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính; Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu; Kỹ thuật phần mềm; Hệ thống thông tin; An toàn thông tin; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ kỹ thuật máy tính; Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông; Kỹ thuật y sinh; Công nghệ ô tô và giao thông thông minh; Kỹ thuật cơ điện tử thông minh và Robot; Công nghệ ô tô.

Khối ngành VII: Truyền thông đa phương tiện, Công nghệ truyền thông, Truyền thông doanh nghiệp số, Kinh tế số, Quản trị kinh doanh số.

Nhật Lệ