Trong thời đại công nghệ 4.0, những nhu cầu ứng dụng của Toán học ngày càng nhiều. Vì thế, ngành Toán ứng dụng ra đời và được áp dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Ngành học gắn liền với quá trình chuyển đổi số
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Tài – Phó trưởng khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện nay, có thể chia các chương trình đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng và theo mô hình giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó, Toán học nói chung hay Toán ứng dụng nói riêng thường được xếp vào nhóm ngành đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng.
Ưu điểm lớn nhất của nhóm đào tạo này là dạy kiến thức rộng và giúp người học vận dụng kiến thức vào giải quyết những công việc khác nhau trong thực tế.
Hiện nay, đã có nhiều trường đại học đào tạo ngành Toán ứng dụng. Ảnh minh họa: PM |
Tuy nhiên, điểm hạn chế của nhóm ngành này là nếu công tác quảng bá không tốt sẽ làm cho người học, phụ huynh, hay người sử dụng lao động cảm thấy thiếu sự tin tưởng, vì họ cho rằng ngành học không gắn với một nghề nghiệp cụ thể ngoài xã hội, khó xin được việc làm...
"Do đó, mục tiêu đào tạo của ngành Toán ứng dụng đang hướng tới là vẫn giữ được khả năng nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, nhiều khía cạnh; đồng thời, bổ sung các học phần liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp thực tế như thực tập doanh nghiệp, tăng cường các chuyên đề ứng dụng Toán học vào giải quyết các vấn đề thực tế của xã hội.
Nghĩa là sẽ kết hợp giữa giáo dục khai phóng và giáo dục chuyên nghiệp để phát huy tối đa ưu điểm của cả hai hình thức giáo dục này, từ đó giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm được nhiều ngành nghề khác nhau”, Phó Giáo sư Võ Văn Tài giải thích thêm.
Riêng tại Trường Đại học Cần Thơ, ngành Toán ứng dụng bắt đầu được trường tổ chức tuyển sinh và đào tạo từ năm 2006.
Theo thầy Tài, giai đoạn đầu, chương trình đào tạo ngành Toán ứng dụng của trường nghiêng về phân tích dữ liệu bằng công cụ thống kê.
Tuy nhiên, qua quá trình phát triển, đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của dữ liệu và công nghệ thông tin, chương trình đào tạo ngành học này của trường đã, đang và sẽ tiếp tục bổ sung nhiều công cụ mới trong việc phân tích dữ liệu, kết hợp với các ngôn ngữ lập trình hiện đại như python, R, SPSS,…
Xuất phát từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, Trường Đại học Giao thông vận tải đã xây dựng chương trình đào tạo ngành Toán ứng dụng, chuyên ngành Toán – Tin ứng dụng và bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2018 – 2019.
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Long – Phó Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Giao thông vận tải, chương trình đào tạo ngành này được thiết kế theo hướng ứng dụng dựa trên các bài toán thực tế, giúp các sinh viên theo học có khả năng tư duy, phân tích, giải quyết các vấn đề trong các lĩnh vực ứng dụng về tài chính, giao thông vận tải một cách tối ưu và hiệu quả.
Điểm khác biệt quan trọng của chương trình đào tạo ngành Toán ứng dụng của trường là hướng tới ứng dụng trong các lĩnh vực nổi trội hiện nay như trong tài chính, bảo hiểm và đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Nói về sự hứa hẹn của ngành học, Phó Giáo sư Trần Văn Long nhận định: “Trong những năm gần đây, nhiều trường đã mở thêm (hoặc mở lại) ngành đào tạo Toán ứng dụng.
Điều này thể hiện nhu cầu cấp thiết của xã hội trong việc đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng, khai thác và ứng dụng các dữ liệu trong thời kỳ mới của chuyển đổi số.
Đồng thời, việc nhiều trường đại học mở ngành Toán ứng dụng là một tín hiệu tốt đối với ngành học, giúp xây dựng được một cộng đồng về Toán ứng dụng nói riêng và Toán học nói chung. Đây cũng là cơ hội tốt để các cơ sở giáo dục cùng nhau trao đổi và phát triển”.
Tăng cường thực tập, thực tế giúp sinh viên "gỡ khó" trong quá trình học tập
Cũng là một cơ sở có đào tạo ngành Toán ứng dụng, Tiến sĩ Hoàng Thị Mai – Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, khi theo học ngành học này, sinh viên sẽ được học khối kiến thức của các ngành liên quan đến Toán học.
Ngoài ra, sinh viên còn được học khối kiến thức chuyên sâu về Toán ứng dụng như lập trình giải bài toán thực tế, phân tích số liệu với R, tối ưu hoá…; và khối kiến thức về công nghệ thông tin theo hướng lập trình như lập trình di động, lập trình Java, đảm bảo chất lượng phần mềm, lập trình Web,…
Tiến sĩ Hoàng Thị Mai – Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: NVCC |
“Đối với ngành Toán ứng dụng của trường, hiện nay chúng tôi đang đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng.
Quá trình đào tạo ngành có sự tham gia sâu của đơn vị sử dụng lao động trong việc xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy, hay hướng dẫn thực tập và tuyển dụng. Điều này giúp sinh viên tiếp cận thị trường lao động sớm; tạo động lực học tập và việc làm đầu ra cho sinh viên.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ hiện đại, tiếp cận liên ngành đang là một xu thế tất yếu, thì định hướng của chuyên ngành là Toán – Tin ứng dụng.
Việc giảng dạy, sử dụng mô hình Toán học kết hợp công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề trong thực tế giúp sinh viên có những trải nghiệm thực tiễn, tự tin khi bước ra môi trường làm việc và cuộc sống hiện đại ngày nay” – Tiến sĩ Hoàng Thị Mai thông tin thêm.
Nguyễn Nhật Nam – cựu sinh viên ngành Toán ứng dụng khoá 42, Trường Đại học Quy Nhơn (hiện đang làm tại Tập đoàn TMA Solution, Bình Định) cho biết, bản thân bạn là người có hứng thú đối môn Toán và đam mê lập trình.
Tuy nhiên, Nam không thích việc học Toán theo kiểu lý thuyết khô khan, nên bạn đã chọn học ngành Toán Ứng dụng.
“Khi theo học ngành học này, bên cạnh kiến thức Toán học, mình còn được học cả Tin học. Điều này phù hợp với đam mê, sở thích của mình.
Đặc biệt, những kiến thức được học trên giảng đường giúp mình áp dụng được vào thực tế, phù hợp với xu thế, thời đại công nghệ thông tin như hiện nay” – Nhật Nam cho hay.
Nói về khó khăn trong quá trình học tập, Nam cho biết, bạn cảm thấy khó nhất là khi tìm hiểu sâu vào bản chất của Toán học, của Công nghệ thông tin và làm sao để móc nối các kiến thức với nhau, ứng dụng vào thực tế.
Tuy nhiên, nhờ được Trường Đại học Quy Nhơn thường xuyên tạo điều kiện cho tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức thực tập, thực tế sớm nên Nam càng yêu thích ngành học mình đã chọn.
“Trong một lần thực tập, mình được làm một dự án liên quan đến việc dự đoán hoạt động của động cơ máy bay. Từ cảm biến máy bay, chúng mình đưa những dữ liệu này về thành lý thuyết Toán rồi giải những lý thuyết đó. Thật sự đây là một trải nghiệm thú vị.
Hiện nay, xu hướng thực tế thay đổi nhanh chóng, nên bên cạnh việc học lý thuyết trong trường đại học, việc đi thực tập, thực tế nhiều giúp mình dễ hình dung môn học hơn, có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm” – Nhật Nam chia sẻ.
Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành Toán ứng dụng rất rộng mở
“Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp, công ty đã và đang thay đổi cách thức kinh doanh, sản xuất. Đây sẽ là cơ hội rất tốt giúp sinh viên ngành Toán ứng dụng có được những vị trí việc làm phù hợp, có điều kiện để phát triển tốt.
Để đáp ứng được công việc trong tương lai, bên cạnh kiến thức chuyên môn vững chắc (như Toán học, thống kê, ngôn ngữ lập trình...), một trong các yêu cầu của các nhà tuyển dụng đặt ra đối với sinh viên mới ra trường là thái độ đối với công việc.
Các em cần khẳng định năng lực bản thân, tinh thần học hỏi tiếp thu cái mới”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Long nhận định.
Trường Đại học Quy Nhơn cũng là một cơ sở đào tạo ngành Toán ứng dụng ở nước ta. Ảnh: NVCC |
Theo chia sẻ của các thầy cô, cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên ngành Toán ứng dụng những năm gần đây rất rộng mở.
Các vị trí tuyển dụng bao gồm các chuyên viên phân tích dữ liệu trong nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, các ngành khoa học kỹ thuật.
Cụ thể, với lĩnh vực kinh tế, sinh viên có thể phụ trách các vị trí như: Chuyên viên phân tích đầu tư, Chuyên viên kế hoạch tài chính, Chuyên viên phân tích hoạt động hoặc Chuyên viên thống kê tại các công ty chứng khoán, công ty, trung tâm tư vấn đầu tư tài chính – ngân hàng (dự báo những rủi ro, khủng hoảng về tài chính, kinh tế vĩ mô, phân tích xu hướng đầu tư, rủi ro tài chính ngân hàng)…; các công ty bảo hiểm, công ty xử lý số liệu, công ty nghiên cứu thị trường,…; Cơ quan Chính phủ, phi Chính phủ, tổ chức nghiên cứu, tổ chức học thuật (Chuyên viên phân tích ngân sách)...
Với lĩnh vực giáo dục, bằng những kiến thức về Toán học nói chung và Toán ứng dụng nói riêng đã được học, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành giảng viên/giáo viên Toán học; nhà Toán học trong các trường đại học, viện nghiên cứu.
Trong lĩnh vực kỹ thuật, cử nhân ngành Toán ứng dụng bằng tư duy Toán học, toán logic, toán rời rạc có thể làm việc với vai trò kỹ sư phần mềm, điện tử… Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin và mạng xã hội, những công ty về công nghệ rất coi trọng khoa học dữ liệu, vì vậy nhu cầu về nhân sự trong là rất cao.
Cũng theo thống kê của một số trường đại học có chuyên ngành Toán ứng dụng, mức lương khởi điểm cho sinh viên mới ra trường của chuyên ngành này dao động từ 10 đến 25 triệu đồng, tùy theo vị trí và công ty tuyển dụng. Sau thời gian 1 năm làm việc, mức lương này sẽ cao hơn rất nhiều.
Các giảng viên cũng nhận định, so với mặt bằng chung của sinh viên mới ra trường, mức lương trên của sinh viên ngành Toán ứng dụng là tương đối cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Tài cho rằng, đòi hỏi cuối cùng đối với người học khi tốt nghiệp là phải có kiến thức rộng, tư duy mở, khả năng thích ứng cao. Do đó, sinh viên trong quá trình học tập phải có ý thức, năng lực tự học, khả năng thích nghi cao để có thể ứng dụng Toán vào thực tế nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, thầy Tài mong muốn, để xây dựng ngành Toán ứng dụng ngày càng phát triển hơn nữa, hạn chế những quan niệm về học Toán là khó, là khô khan, thì cần thay đổi quan niệm ngay từ cấp học phổ thông về việc giảng dạy Toán học, giúp người học thấy rõ được tính ứng dụng và có hứng thú đối với môn học này.