Đã có thầy cô nào trượt giáo viên chủ nhiệm giỏi chưa?

24/12/2022 06:45
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ cần có những cuộc thanh kiểm tra việc tổ chức các phong trào thi đua ở các cơ sở giáo dục, để những thay đổi căn bản từ Bộ được thực thi một cách tốt nhất.

Ngoài Hội thi giáo viên dạy giỏi, hàng năm các trường học vẫn tổ chức Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi dành cho những thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm. Điều đáng nói ở chỗ, nhiều trường học quy định cứng: ai làm chủ nhiệm cũng phải thi và đương nhiên, ai thi cũng sẽ đỗ.

Ảnh minh họa trên giaoduc.netẢnh minh họa trên giaoduc.net

Trước khi Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT ra đời

Trước đây, Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường phải trải qua 3 vòng thi như vòng sáng kiến kinh nghiệm, vòng thi năng lực và vòng kể chuyện trực tiếp trước giám khảo về những kỷ niệm sâu sắc trong công tác làm chủ nhiệm.

Nội dung thi Sáng kiến kinh nghiệm không ít ý kiến ì xèo là yếu tố "sáng kiến" mờ nhạt, yếu tố sao chép, copy trên mạng, gia công thay tên đổi họ chiếm phần lớn. Vòng thi năng lực, chủ yếu trả lời trắc nghiệm vài chục câu hỏi nội dung xoay quanh các thông tư, các quy định của ngành.

Phần thi kể những kỷ niệm sâu sắc trong công tác chủ nhiệm cũng có không ít thầy cô lấy trên mạng và biến thành của mình. Thế nên, mới có chuyện bi hài xảy ra ở một Hội thi khi có vài ba giáo viên lại kể cùng một kỷ niệm.

Năm nào cũng tổ chức thi giáo viên chủ nhiệm giỏi dẫn đến tình trạng, cùng lúc giáo viên phải gánh khá nhiều cuộc thi trong một năm học.

Cùng với đó, chất lượng hội thi lại mang nặng tính hình thức. Điều này không chỉ tạo ra áp lực, căng thẳng và mệt mỏi cho nhiều thầy cô giáo còn ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em học sinh.

Để giải toả những áp lực thi cử cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông nhằm siết lại một số quy định khi giáo viên tham gia hội thi này.

Sự thay đổi căn bản của Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi trong Thông tư 22

a/ Thay đổi về thời gian tổ chức hội thi

Thay đổi lớn nhất là của Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi theo Thông tư mới là giãn cách thời gian tổ chức hội thi lần sau. Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT quy định:

Khoản a, Điều 3, quy định: Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần.

b/ Thay đổi về nội dung hội thi

Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT quy định người tham gia dự thi phải thực hiện đúng 2 nội dung: Khoản a, b, Điều 6 quy định:

a) Thực hành một tiết tổ chức hoạt động giáo dục (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm hoặc tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra Hội thi.

b) Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc. Thời lượng trình bày không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi.

2 nội dung thi này, được giáo viên đánh giá là khá khó so với những quy định trước đây.

Nếu như viết sáng kiến kinh nghiệm không ít thầy cô giáo có thể sao chép trên mạng hay sao chép từ đồng nghiệp thì việc trình bày trực tiếp trước giám khảo một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp của cá nhân, tại cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang làm việc lại khó có thể vay mượn, copy của người khác.

Sau khi trình bày biện pháp giáo viên đã và đang áp dụng, giám khảo sẽ hỏi - đáp, chất vấn, nếu không phải là những giải pháp mình đã và đang làm mà là sản phẩm vay mượn của người khác, giáo viên sẽ rất lúng túng, khó mà che giấu được.

Việc thực hành một tiết tổ chức hoạt động giáo dục (tiết sinh hoạt lớp hoặc tiết hoạt động trải nghiệm hoặc tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) chắc chắn cũng gây không ít khó khăn cho một số thầy cô giáo. Bởi, tổ chức một tiết dạy sinh hoạt lớp ở một trường học khác với những học sinh xa lạ sẽ không hề đơn giản.

Hoặc tiết hoạt động trải nghiệm là môn học mới, giáo viên phần nhiều thiếu kiến thức và yếu cả kỹ năng truyền tải.

Nội dung yêu cầu của Hội thi đã khó nhưng được tham dự Hội thi lại càng khó hơn

Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT quy định rõ tiêu chuẩn tham dự Hội thi:

Giáo viên tham dự Hội thi cấp trường phải đảm bảo các tiêu chuẩn đạt chuẩn nghề nghiệp ở mức khá trở lên của năm liền kề năm tham dự Hội thi, trong đó các tiêu chí tại Tiêu chuẩn 3 (Tiêu chuẩn Xây dựng môi trường giáo dục) và Tiêu chuẩn 4 (Tiêu chuẩn Phát triển mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội) được quy định tại Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông đạt mức Tốt;

Cụ thể: Tiêu chuẩn 3. Xây dựng môi trường giáo dục

Thực hiện xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh dân chủ, phòng, chống bạo lực học đường. Ở tiêu chuẩn nghề nghiệp này, giáo viên phải đạt ở mức tốt.

(Mức Tốt: Là tấm gương mẫu mực, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường).

Ở Tiêu chuẩn 4. Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

Tham gia tổ chức và thực hiện các hoạt động phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong dạy học, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ở tiêu chuẩn này, giáo viên phải được xếp đạt ở mức tốt.

(Mức Tốt: Đề xuất với nhà trường các biện pháp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh và các bên liên quan).

Tuy thế, nếu xét một cách nghiêm túc, đúng quy định thì rất ít giáo viên đạt (tiêu chuẩn 3 và 4) ở mức tốt. Và như thế, cũng có rất ít giáo viên đủ điều kiện để tham gia dự thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường.

Minh chứng cụ thể nhất là ngay địa phương người viết công tác, nhiều trường học trong năm học 2020-2021 đã không thể tổ chức được Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi vì có trường không có giáo viên nào đủ tiêu chuẩn theo quy định để dự thi.

Việc ra đời của Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT đã giảm áp lực đáng kể cho giáo viên chủ nhiệm ở nhiều trường tiểu học, đồng thời cũng chọn ra được những giáo viên chủ nhiệm thực sự có năng lực.

Và khẳng định một điều, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cần có nền tảng nghề nghiệp vững vàng mới đủ điều kiện để tham gia Hội thi.

Nhiều trường học đã “lách” quy định của Bộ Giáo dục thế nào?

Ngay sau khi Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực, số lượng giáo viên đủ điều kiện tham gia Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi đã giảm đáng kể. Có trường học, chỉ còn vài ba giáo viên, thậm chí có năm, không một thầy cô giáo nào đủ điều kiện để tham gia hội thi.

Tuy nhiên, tình trạng trên chỉ kéo dài trong 2 năm học đầu tiên. Từ năm học 2022, số giáo viên tham gia Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi ở nhiều trường học lại tiếp tục “phi mã’, có trường gần như tối đa giáo viên chủ nhiệm lớp đều tham gia Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Bí quyết được bật mí, vì không muốn tham gia hội thi nên cuối năm các thầy cô giáo đều tự xếp loại cho mình ở cả 2 tiêu chuẩn (tiêu chuẩn 3 và 4 Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT) đạt mức Khá. Tuy nhiên, chuyên môn nhà trường đã đồng loạt xét lên mức Tốt. Thế là, thầy cô giáo nào cũng đủ điều kiện để tham gia hội thi.

Rõ ràng, về quy định, Bộ Giáo dục đã giảm khá nhiều áp lực thi cử cho giáo viên, đã dần đưa các hội thi vào nền nếp, chất lượng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục vẫn tìm mọi cách lách luật.

Trước thực trạng trên, nhiều thầy cô giáo mong muốn rằng, Bộ Giáo dục cần có những cuộc thanh kiểm tra đột xuất về việc tổ chức các phong trào thi đua ở các cơ sở giáo dục hiện nay, để cho những thay đổi căn bản từ Bộ Giáo dục được thực thi một cách tốt nhất.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2019-tt-bgddt-quy-dinh-ve-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-179675-d1.html

Phan Tuyết