Những lý do nên tạm dừng hội thi giáo viên giỏi trong giai đoạn hiện nay

21/11/2022 06:42
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh không cần học với giáo viên giỏi mà chỉ cần được học với giáo viên có tâm trong sáng, có tinh thần trách nhiệm, yêu thương học sinh.

Hiện nay, việc thi giáo viên giỏi văn hóa, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp (gọi chung là giáo viên giỏi) được thực hiện theo Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông tư ra đời đã hơn 3 năm nhưng quá trình triển khai tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Trong muôn vàn áp lực bủa vây, khiến giáo viên nghỉ việc ngoài đồng lương chưa tương xứng còn có những việc “không tên” trong đó có các hội thi giáo viên giỏi, các phong trào hình thức khác.

Giáo viên mong được đồng hành, chia sẻ của các cấp - Ảnh minh họa TTXVN

Giáo viên mong được đồng hành, chia sẻ của các cấp - Ảnh minh họa TTXVN

Những lý do nên tạm dừng hội thi giáo viên giỏi trong vài năm tới

Quá trình triển khai các cuộc thi giáo viên giỏi còn nhiều tồn tại, bất cập, vướng mắc như: giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi nhưng quá trình dạy trên lớp có thể lại không “giỏi”, học sinh học với giáo viên giỏi nhưng cũng không “giỏi”; sau cuộc thi chưa tìm được giáo viên giỏi thật sự như mục đích của cuộc thi,…nói chung là chưa đạt mục tiêu đề ra.

Dưới đây là các lý do nên tạm dừng hội thi giáo viên giỏi một thời gian để lấy ý kiến các chuyên gia, giáo viên để có hội thi giáo viên giỏi thực chất, tôn vinh giáo viên giỏi, tâm huyết.

Thứ nhất, dừng thi giáo viên giỏi để giáo viên chuyên tâm vào tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang triển khai ở bậc phổ thông theo hình thức cuốn chiếu và đến năm 2024-2025 sẽ triển khai ở toàn bộ cấp học, bậc học.

Hiện nay giáo viên đang rất vất vả với những việc bồi dưỡng chương trình mới, nghiên cứu bài giảng, tập huấn, bồi dưỡng, kiểm tra đánh giá mới,… nên giai đoạn này người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tạm dừng các hội thi giáo viên giỏi để giáo viên cần chuyên tâm vào thực hiện chương trình mới, giảm áp lực cho giáo viên.

Sau khi thực hiện toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những điều chỉnh về hội thi giáo viên giỏi để phù hợp chương trình mới và dần đi vào thực chất.

Thứ hai, một tiết giỏi không thể công nhận giáo viên giỏi

Theo Thông tư số: 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên giỏi các cấp để được công nhận giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, tỉnh đối với giáo viên mầm non, phổ thông chủ yếu gồm 2 phần: Trình bày giải pháp và giảng dạy một tiết dạy (hoặc sinh hoạt lớp), nếu đạt cả 2 phần sẽ được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường, huyện, tỉnh.

Về hình thức, áp lực thì đã giảm nhiều so với các Thông tư trước đây nhưng mục đích thì người viết cho rằng chưa đạt, vẫn rất hình thức.

Qua 3 năm triển khai Hội thi này, người viết nhận thấy ở 2 phần thi đều còn vướng mắc, phần trình bày giải pháp nhiều giáo viên sao chép, cắt dán các giải pháp của người khác hoặc trên internet để trình bày trước ban giám khảo,…

Phần trình bày 1 tiết dạy tại lớp, trường nơi công tác, tuy tránh xáo trộn, tránh việc giáo viên phải di chuyển đến nơi khác để dự thi nhưng việc “diễn” không chấm dứt, việc “mớm bài”, “gà bài”,…vẫn còn diễn ra.

Giáo dục là một quá trình, giáo viên giỏi cũng phải có quá trình phấn đấu, cố gắng giảng dạy từng tiết, từng bài, lồng ghép dạy người, dạy chữ,…kết quả của học sinh thành công, thành đạt mới đánh giá giáo viên giỏi thật sự.

Hiện nay, giáo viên “diễn” 1 tiết, trình bày một giải pháp được đánh giá giáo viên giỏi các cấp, chưa nêu đúng thực trạng tại trường học, chưa đánh giá đúng năng lực giáo viên.

Nhiều giáo viên chỉ giảng dạy xong 1 tiết thi giáo viên giỏi xong, được công nhận giáo viên giỏi, xem như là giáo viên giỏi suốt đời, không cần phấn đấu, tai hại vô cùng.

Thứ ba, giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi chưa thật sự “giỏi”

Thực tế tại ngôi trường mà tác giả công tác, sau khi triển khai Thông tư Số: 22/2019/TT-BGDĐT được 3 năm nhưng với chỉ tiêu mà nhà trường giao cho, mỗi năm dự thi ít nhất 5-6 giáo viên, thì hiện nay trường đã có 15 giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện theo Thông tư 22 này, đến 3 năm sau thì có thể sẽ có 100% sẽ đạt danh hiệu giáo viên giỏi theo Thông tư mới.

Nếu tính giáo viên giỏi theo các Thông tư trước đây, thì hiện nay tại ngôi trường người viết công tác đã có 100% giáo viên đã đạt cấp huyện, có người đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện đã 4-5 lần.

Giáo viên giỏi đông như thế, nhiều như thế nhưng chất lượng giảng dạy của giáo viên chưa được nâng lên.

Một số giáo viên dù có nhiều danh hiệu giáo viên giỏi các cấp nhưng chưa thật sự giỏi, bị phụ huynh, học sinh phản ánh do dạy và ứng xử chưa tốt.

Cả nước này, giáo viên giỏi rất nhiều, chiếm đa số nhưng các kỳ thi thật như thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông,…lại có điểm rất thấp, các vụ giáo viên vi phạm, học sinh vi phạm, bạo lực học đường,…nhiều hơn các năm trước.

Ra ngõ…gặp giáo viên giỏi, nhưng chất lượng thật sự đến đâu là chưa thể định lượng chính xác.

Tổ chức hội thi, tốn kém không chỉ kinh phí cho người dự thi, khen thưởng, tôn vinh mà còn tốn một lượng kinh phí cho tổ chức, ban giám khảo,…nhưng kết quả đạt được lại khá mờ nhạt, áp lực lên giáo viên, chưa được sự đồng thuận của nhiều giáo viên, nên được nghiêm túc xem xét, đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức.

Thứ tư, việc đánh giá giáo viên giỏi tính định lượng chưa rõ ràng

Đây cũng chính là băn khoăn, vướng mắc của kỳ thi giáo viên giỏi các cấp.

Chưa có định lượng rõ ràng, tiết dự thi trình bày giải pháp, thực hiện tiết dạy tại lớp đạt hay rớt là tùy thuộc vào cảm nhận chủ quan của ban giám khảo.

Ban giám khảo chấm thi giải pháp, chuyên môn thường là 3 người do Sở/ phòng giáo dục lựa chọn từ các trường, có giám khảo chấm dễ, có giám khảo chấm rất khó,…

Một số ban giám khảo còn chưa công tâm trong quá trình đánh giá, một số trường hợp do quen biết, thậm chí nghi ngờ có cả trường hợp “đi đêm” khi chấm thi giáo viên giỏi, khiến kết quả không khách quan, chưa phản ánh sự thật.

Thứ năm, không cần danh hiệu, chỉ cần giáo viên dạy hết mình trên lớp

Học sinh không cần học với giáo viên có danh hiệu này hay danh hiệu khác mà chỉ cần được học với giáo viên có tâm trong sáng, có tinh thần trách nhiệm, dạy và yêu thương học sinh hết mình.

Giáo viên cũng không cần đồng nghiệp có danh hiệu giỏi, chỉ cần đồng nghiệp là người hòa đồng, vui vẻ, có tinh thần trách nhiệm, không gây bè cánh, nói xấu nhau, yêu thương, giúp đỡ nhau, không vi phạm pháp luật.

Bản thân giáo viên cũng không cần được công nhận giáo viên giỏi mà chỉ cần được chia sẻ những áp lực, vất vả trong công việc và cuộc sống, mong được giải tỏa bớt những áp lực không đáng có, những áp lực không tên do các cuộc thi còn nặng tính hình thức mang lại.

Giai đoạn hiện nay rất quan trọng khi toàn ngành dành toàn bộ sức lực, trí lực cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, xin ngành giáo dục cùng nhìn lại những áp lực vô hình như các cuộc thi đang đè nặng trên đôi vai nhà giáo, mong được cởi bỏ để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cũng là những giải pháp để hạn chế giáo viên bỏ việc, nghỉ việc.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi