Hội thi giáo viên dạy giỏi là một cuộc thi tay nghề có ý nghĩa rất thiết thực nhằm phát hiện, công nhận, tôn vinh những giáo viên giảng dạy giỏi. Cuộc thi cũng tạo động lực đổi mới, nhân rộng điển hình tiên tiến; góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy trong các nhà trường phổ thông.
Thông tư số 22/2019, ngày 20/12/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi có nhiều đổi mới.
Trong đó nêu rõ nguyên tắc: Dựa trên sự tự nguyện của giáo viên; không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên tham gia hội thi; đảm bảo tính trung thực, dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đảm bảo thực chất; giáo viên giảng dạy một tiết (được báo trước tối đa 02 ngày) và trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian không quá 30 phút…
Những quy định trên nhằm cho hoạt động thi giáo viên giỏi ngày càng đi vào thực chất hơn, tránh diễn kịch, tốn kém, xáo trộn, hiệu quả thấp.
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn |
Một điểm đáng chú ý nhất được đánh giá là có tính đột phá trong thông tư trên là dựa trên sự tự nguyện, không ép buộc, không tạo áp lực cho giáo viên. Nhưng trên thực tế, ở một số nơi lại rất khác.
Một số đồng nghiệp của tôi ở một số địa phương chia sẻ, giữa lúc đang cần triển khai nhiều công việc đầu năm, rất bề bộn, nhất là với chương trình giáo khoa mới thì công văn của Sở, Phòng gửi thông báo về việc tổ chức thi giáo viên giỏi.
Những công văn này cơ bản vẫn bám vào tinh thần và nguyên tắc tổ chức trong thông tư của Bộ. Tuy nhiên lại có quy định rất cụ thể số lượng giáo viên phải tham gia ở mỗi bộ môn và xếp thi đua cho các đơn vị. Phòng chỉ đạo xuống trường, trường chỉ đạo xuống tổ, xuống giáo viên. Đồng nghiệp chúng tôi hay chua xót cho rằng, cuộc “săn bắt” giáo viên đi dự thi bắt đầu từ đây. Nhiều cuộc họp từ cụm trường, đến trường rồi tổ/nhóm chuyên môn được tiến hành và bị kéo dài nhằm tìm sao cho đủ số lượng người tham gia và chọn được người có triển vọng nhất đem lại thành tích cho đơn vị.
Thông thường, những giáo viên giỏi lại chính là những giáo viên đã được khai thác hết mức để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có tính mũi nhọn của nhà trường. Bản thân họ cùng từng tham gia thi nhiều lần nên việc chọn giáo viên đi thi lại tiếp tục nhắm đến chính những giáo viên này. Điều này khiến họ rơi vào áp lực. Nếu giáo viên từ chối thì bị coi là trốn tránh trách nhiệm, không vì nhiệm vụ chung. Từ đó, sinh ra đùn đẩy trách nhiệm giữa các thầy cô. Những giáo viên giỏi làm việc có trách nhiệm thì ấm ức vì việc khó gì cũng đến tay mình, còn giáo viên khác thì rảnh rang.
Nhiều cuộc họp kéo dài quá giờ, không khí căng thẳng diễn ra giữa các đồng nghiệp. Ai cũng có lí do để tránh phải đi. Nhiều nơi không ai đi thì đành đem ra bốc thăm. Lãnh đạo thì cũng làm từng bước theo quy trình phân tích mổ xẻ, tuyên truyền, thuyết phục, động viên, hỗ trợ bằng mọi cách. Nhưng vì là nhiệm vụ cấp trên giao, phải có giáo viên dự thi nên khi không thuyết phục được thì dùng đến mệnh lệnh…
Một đồng nghiệp của người viết kể rằng trong cuộc họp chọn giáo viên dự thi, mọi người đều đổ dồn vào một giáo viên và lập luận được đưa ra, tất thảy đều là: “Đồng chí năng lực chuyên môn vững vàng, am hiểu chương trình, xử lí tính xuống tốt, phong thái tự tin, bình tĩnh,…khách quan mà nói chỉ đồng chí đi là hợp lí nhất, chúng tôi tin tưởng, tin tưởng…chỉ có đồng chí”.
Giáo viên được “trao gửi niềm tin” đáp lại: “Cảm ơn các đồng chí, giá những câu này mà tôi nhận được trong buổi bình xét thi đua, thăng thưởng thì quý hóa quá. Các đồng chí ghi nhận để rồi muốn tôi phải đi, để được việc cho các đồng chí thì ai chẳng nói được. Hiện tôi đang gánh nhiều nhiệm vụ, và cũng đi nhiều lần rồi. Tôi xin phép các đồng chí, tôi đi thì được việc cho nhà trường, cho các đồng chí, còn bao công việc, sức khỏe bản thân, gia đình tôi ai lo. Mà đi trong tâm thế như thế này, ai dám đảm bảo là có thể mang về kết quả tốt”.
Câu chuyện đại loại cứ mãi trong thế giằng co như thế, giáo viên thường ngày lên lớp vẫn vui vẻ, giờ giải lao còn rôm rả chuyện trò. Sau cuộc họp thì nhìn nhau với thái độ khác, chén nước mời nhau không còn tự nhiên mà gượng gạo, tiếng cười theo đó cũng bớt hẳn trên môi. Điều gì đã khiến cho giáo viên hằng ngày vốn thân thiện với nhau, nay lại trở nên ngấm ngầm nghi kị? Và rất có thể sự mất đoàn kết sẽ sinh ra từ đây như vậy?
Một môi trường tốt là môi trường mà ở đó tạo ra được nhiều động lực nhất để mỗi người có thể vinh dự, tự hào, tự nguyện cống hiến được nhiều nhất cho công việc mình đang làm và hiểu được vinh quang của những nhiệm vụ mà mình được nhận. L.Tolstoi đã từng nói: “Hạnh phúc chẳng phải là làm mãi thứ mình thích, mà là thích mãi thứ mình làm”. Rất tiếc, lẽ ra thông tư quy định nguyên tắc rất đúng đắn là việc tham gia dựa trên tinh thần tự nguyện của giáo viên, tránh gây áp lực cho giáo viên thì với cách triển khai ở một số nơi lại thành ra bao chuyện đáng buồn.
Thiết nghĩ đã là hội thì phải vui, vui từ lúc nhận nhiệm vụ; đã tự nguyện, không gây áp lực thì không nên quy định về số lượng cụ thể người tham gia, không xếp thi đua các trường, các phòng giáo dục mà chỉ xếp giải để trao thưởng, tôn vinh cho giáo viên nào muốn tham gia. Sứ mệnh của người đứng ra tổ chức hội thi (ở đây là Sở Giáo dục và đào tạo chẳng hạn) thì chỉ nên chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, tạo ra một luật chơi công bằng, khách quan, trung thực… Giáo viên nào thấy có nhu cầu muốn học hỏi kinh nghiệm, phát triển nghề nghiệp, muốn khẳng định bản thân,…đủ tiêu chuẩn mà hội thi đề ra, tự nguyện thì vui vẻ đăng kí tham gia.
Khi khu vườn đầy nắng, có hoa thơm, trái ngọt ắt bướm ong sẽ tự tìm đến. Như thế sẽ rất tươi tắn và ý nghĩa. Giáo viên không thấy áp lực và sống với nhau thân thiện để cùng nhau học hỏi, làm nghề và tiến bộ mỗi ngày.
Và quan trọng nhất là làm sao để tất cả giáo viên thấy được rằng, được tham gia thi giáo viên giỏi là một niềm vinh dự lớn trong đời làm nghề của mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.