Viện Nghiên cứu KH&CN thể thao khó khăn cả về kinh phí lẫn nhân lực

11/10/2023 06:31
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu nhà nghiên cứu... là những khó khăn mà Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ thể thao đang gặp phải.

Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ thể thao trực thuộc Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, là tổ chức khoa học và công nghệ thể thao có tư cách pháp nhân độc lập, có con dấu riêng chuyên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Thực hiện 4 nhiệm vụ chính

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về quá trình hoạt động của Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ thể thao, Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hạnh, Viện trưởng cho hay: Viện đang thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản bao gồm: hoạt động khoa học và công nghệ; hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; hoạt động tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ thể thao; hoạt động hợp tác quốc tế.

Về hoạt động khoa học và công nghệ, Viện xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ hàng năm. Từ đó tham gia đăng ký, đấu thầu các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu các cấp và tổ chức thực hiện khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trúng thầu hoặc được cấp phép triển khai.

Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ thể thao ngoài chức năng nghiên cứu còn có chức năng đào tạo. (Ảnh: Viện cung cấp)

Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ thể thao ngoài chức năng nghiên cứu còn có chức năng đào tạo. (Ảnh: Viện cung cấp)

Đồng thời, Viện còn xây dựng kế hoạch ứng dụng, triển khai và chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Và đề xuất kế hoạch, dự án liên kết, tham gia với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu, mạng lưới hoạt động khoa học công nghệ hoặc các hiệp hội khoa học công nghệ chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Viện còn tổ chức thẩm định các bài báo, báo cáo khoa học, chương trình, dự án cũng như tổ chức hội thảo, hội nghị hay các diễn đàn khoa học.

Về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cô Hạnh cho biết, Viện phối hợp với Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chương trình, trực tiếp đào tạo các khóa ngắn hạn cũng như đào tạo đại học và sau đại học; Biên soạn, biên dịch, ấn hành các tài liệu hướng dẫn, tham khảo, giới thiệu kết quả nghiên cứu về khoa học và công nghệ thể thao; Cấp giấy chứng nhận đã qua tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật đo, phân tích, kiểm tra… thuộc lĩnh vực chuyên ngành cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu đã tham gia học tập.

Về hoạt động tư vấn, dịch vụ khoa học và công nghệ thể thao, Viện làm nhiệm vụ tư vấn, huấn luyện kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về khoa học và công nghệ thể thao cho các cá nhân, tổ chức.

Đồng thời, tư vấn, xây dựng quy trình, giám định khoa học trong lĩnh vực thể thao, phản biện các chương trình, chính sách, quy định hành chính về khoa học và công nghệ thể thao.

Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hạnh và sinh viên khoa huấn luyện thể thao trong lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Lê Thị Mỹ Hạnh và sinh viên khoa huấn luyện thể thao trong lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ký kết các hợp đồng nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện, tư vấn, giám định khoa học trong lĩnh vực thể thao và các hợp đồng khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của viện.

Ngoài ra, Viện cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Xây dựng chương trình hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, tư vấn, giám định trong khoa học và công nghệ thể thao.

Các cán bộ, giảng viên cũng thường xuyên được cử đi học tập, bồi dưỡng, dự hội thảo, hội nghị khoa học trong và ngoài nước.

Viện thực hiện kiểm tra, đánh giá trong một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. (Ảnh: Viện cung cấp)

Viện thực hiện kiểm tra, đánh giá trong một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. (Ảnh: Viện cung cấp)

Còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ thể thao khẳng định việc thành lập viện trực thuộc trường đại học góp phần thúc đẩy và tạo kiện thuận lợi trong công tác nghiên cứu. Từ đó, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đưa Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm khoa học ứng dụng, liên kết chặt chẽ với các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và các địa phương.

Chia sẻ về quá trình hoạt động của Viện, cô Hạnh thông tin: Viện nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường và khuyến khích của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn trong giảng dạy và huấn luyện các công trình đã được nghiệm thu.

Nhà trường cũng đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại cho viện phục vụ công tác nghiên cứu như: Hypoxic chamber, THP2 system, công nghệ phân tích hình ảnh 3 chiều, Biodex…

Viện sở hữu đội ngũ giảng viên có trình độ cao cùng nhiều chuyên gia đầu ngành. (Ảnh: Viện cung cấp)

Viện sở hữu đội ngũ giảng viên có trình độ cao cùng nhiều chuyên gia đầu ngành. (Ảnh: Viện cung cấp)

Đặc biệt, Viện sở hữu đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ cao (thạc sĩ trở lên) và có sự đóng góp của các chuyên gia đầu ngành.

Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, hiện tại điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng. Vấn đề về kinh phí cũng như nhân lực tham gia nghiên cứu là khó khăn của Viện.

“Trang thiết bị nghiên cứu khoa học và đào tạo còn thiếu và lạc hậu. Tài liệu nghiên cứu trong nước và nước ngoài về lĩnh vực thể thao còn ít, chưa thực sự đủ điều kiện để hội nhập theo xu thế toàn cầu hoá về giáo dục và theo nhu cầu của người học.

Đa số các cán bộ nghiên cứu đều ở ngạch giảng viên nên rất ít cán bộ đi sâu trong nghiên cứu mà phần lớn dành thời gian cho công tác giảng dạy. Nguồn nhân lực chất lượng cao tiếp cận trình độ quốc tế còn hạn chế.

Đội ngũ viên chức đảm nhận các nhiệm vụ phụ trách về nghiên cứu khoa học (bảo quản trang thiết bị, vận hành máy, giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn nghiên cứu…) hiện đang đi học hoặc đã hết hợp đồng làm việc.

Kinh phí hỗ trợ nghiên cứu còn hạn hẹp nên phần nào làm chậm tiến độ và gặp khó khăn trong việc hoàn thành nghiên cứu”, cô Hạnh thông tin.

Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giao công nghệ từ các đề tài được tổ chức dưới hình thức hội thảo khoa học nên chưa đem lại nguồn thu.

Nhật Lệ