Trường ĐH nói gì khi là cơ sở đầu tiên chuẩn bị đào tạo ngành Thể thao điện tử?

22/11/2023 06:35
Phạm Hằng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong 2 - 3 năm tới, Việt Nam cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành Game nói chung và ngành Thể thao điện tử nói riêng.

Với việc ký kết với Tổ chức Giáo dục Pearson (Vương Quốc Anh), Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị sẽ trở thành trường đại học đầu tiên ở nước ta đào tạo ngành Thể thao điện tử (eSport) theo chương trình BTEC.

Tiềm năng phát triển lớn trong nền kinh tế số

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị cho biết, với hạ tầng internet viễn thông tốc độ cao phát triển nhanh chóng, Thể thao điện tử đang trở thành một ngành rất tiềm năng và phát triển nhanh trên thế giới.

Có thể kể đến một số quốc gia có ngành Thể thao điện tử đi đầu như: Anh, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Tại các quốc gia này, ngành eSport đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị. Ảnh: NVCC

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành Game toàn thế giới ước tính đạt 187,7 tỷ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành Game tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỷ USD năm 2023.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành Game sẽ tăng lên con số 1 tỷ USD so với hiện nay là 600 triệu USD.

Tiến sĩ Phạm Kim Thư nhận định, Thể thao điện tử ở Việt Nam hứa hẹn sẽ là một thị trường phát triển mạnh mẽ hàng đầu khu vực với khả năng tiếp cận một lượng lớn khách hàng trẻ, tạo ra nhiều việc làm và doanh thu hằng năm nhiều tỷ đô cho hệ sinh thái kinh tế số. Trong 2 - 3 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành Game nói chung và ngành Thể thao điện tử nói riêng.

Nhận thức được nhu cầu này, trong vài năm trở lại đây, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị đã và đang phát triển các mối quan hệ với các công ty, tổ chức bao gồm nhà phát hành trò chơi và đại lý công nghệ trên toàn khu vực.

Trường có đội ngũ chuyên gia đã và đang nghiên cứu chương trình đào tạo ngành Thể thao điện tử của các trường đại học trên thế giới, tổ chức đối sánh giữa các chương trình đào tạo để xây dựng chương trình đào tạo tốt nhất, phù hợp với điều kiện tại Việt Nam cũng như nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.

Khi tham gia học ngành Thể thao Điện tử tại Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, sinh viên sẽ được đào tạo theo chương trình do BTEC cung cấp với các môn học như: Hệ sinh thái về Thể thao điện tử; Phân tích kỹ năng và chiến thuật; Lập kế hoạch cho một dự án; Phân tích trò chơi; Triết lý thiết kế trò chơi; Cách thức tổ chức sự kiện, giải đấu, livestream về Thể thao điện tử… cùng một số môn học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quá trình học tập được kiểm soát chặt chẽ bởi Tổ chức Giáo dục Pearson, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng của Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị và bằng cao đẳng BTEC của Vương quốc Anh. Bằng Cao đẳng BTEC được công nhận tại 340 trường đại học trên thế giới và tiếp nhận đào tạo chuyển tiếp đối với 1.500 bằng cấp chính quy.

Theo Tiến sĩ Phạm Kim Thư, mức lương khởi điểm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Thể thao điện tử có thể rơi vào khoảng 1.500 USD/tháng. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành kỹ thuật viên chuyên ngành Thể thao điện tử và có thể đảm nhiệm những công việc như: game thủ chuyên nghiệp; vận động viên Thể thao điện tử có thể thi đấu ở nhiều giải đấu khác nhau như SEA Games, hay các giải đấu do các Liên đoàn Thể thao điện tử tổ chức; huấn luyện viên Thể thao điện tử; nhà môi giới, nhà quản lý, người đại diện cho các công ty hay các vận động viên chuyên, huấn luyện viên chuyên về Thể thao điện tử; phóng viên, bình luận viên chuyên sâu tại các sự kiện, giải đấu Thể thao điện tử; thiết kế/lập trình game; người tổ chức các sự kiện về Thể thao điện tử; nhà quản lý truyền thông về Thể thao điện tử…

Khó chiêu sinh do “định kiến” xã hội

Nói về những thách thức khi đưa ngành học này về Việt Nam, thầy Thư cho biết, Thể thao điện tử là một ngành mới mẻ, được du nhập vào đất nước ta chưa lâu nhưng vẫn xảy ra một số tranh cãi trong xã hội.

Hiện nay, Thể thao điện tử Việt Nam phần nhiều mang tính tự phát hơn là theo quy mô, một số người thậm chí còn chưa biết đến thuật ngữ Thể thao điện tử. Những siêu sao game thủ tầm cỡ thế giới như Lee Chung Soo, ZiYi, Lena Lee... dường như còn xa lạ. Phụ huynh mong muốn con cái trở thành kỹ sư, bác sĩ… nhiều hơn việc thấy con mình trở thành một game thủ chuyên nghiệp.

Hơn nữa, nhiều phụ huynh đang lo ngại trước hiện tượng con em mình “nghiện” game online, vấn đề bạo lực của game đối với việc xây dựng nhân cách giới trẻ,... chưa phân biệt được ngành thể thao điện tử chính thống với các game online trên thị trường. Đây cũng là một trở ngại trong tuyển sinh ngành eSport.

Theo thầy Thư, để khắc phục những thách thức trên, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu nghị sẽ phối hợp với các cơ quan tổ chức như Liên đoàn Thể thao quốc gia, các sở giáo dục và đào tạo, trường trung học phổ thông, doanh nghiệp… để triển khai truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua ngày hội tư vấn hướng nghiệp… để phụ huynh thêm hiểu về ngành này và yên tâm khi cho con theo học.

Cần “cú hích” mạnh từ chính sách và môi trường pháp lý

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực ngành eSport ở nước ta hiện nay, thầy Thư cho biết, hầu hết nhân lực của ngành này không được đào tạo bài bản và thường chuyển từ ngành nghề khác sang. Đặc biệt nhiều người tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính chọn làm trái ngành, tìm đến những công việc liên quan đến Thể thao điện tử.

Trên thực tế, hiện có hai nhóm người đang có nhu cầu được đào tạo về Thể thao điện tử. Một là nhóm học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và những người đã đi làm nhưng có đam mê hoặc khả năng trong lĩnh vực Thể thao điện tử. Hai là nhóm lực lượng lao động làm thương mại qua phương thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội cũng rất đông đảo. Những đối tượng này cần được đào tạo bài bản các kỹ năng phục vụ công việc.

Để theo kịp xu thế và sự phát triển ngành Thể thao điện tử trên thế giới, theo thầy Thư, việc xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này là rất cần thiết.

“Với vị thế ngày càng quan trọng, đặc biệt khi Thể thao điện tử đã chính thức trở thành bộ môn thi đấu tại 2 kỳ SEA Games gần đây, xét từ góc độ kinh tế - xã hội, không những chúng ta cần chú trọng đào tạo ngành này mà còn cần một “cú hích” mạnh từ chính sách và môi trường pháp lý. Điều này sẽ giúp cho Thể thao điện tử trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế số của Việt Nam trong tương lai không xa”, thầy Thư nhấn mạnh.

Phạm Hằng