Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hậu Giang, Lạng Sơn chia sẻ về công việc trọng tâm năm 2024

15/02/2024 06:36
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Bên cạnh kết quả đạt được năm 2023, bước sang năm 2024, lãnh đạo sở giáo dục địa phương mong tháo gỡ khó khăn về thừa, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất đầy đủ hơn.

Đổi mới giáo dục phổ thông đã đi được một chặng đường. Ngành giáo dục các địa phương với sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm đổi mới đã gặt hái được nhiều kết quả.

Nhiều kết quả nổi bật

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Công Liêm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn bày tỏ: "Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020-2025 và các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thay mặt lãnh đạo ngành giáo dục Lạng Sơn, xin gửi lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất đến toàn thể cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên và học sinh trên toàn tỉnh".

Thầy Liêm cho biết, năm 2023, ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tập trung thực hiện đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất năng lực của người học. Thực hiện thành công Đề án thí điểm Giáo dục STEM và tiếp tục triển khai mở rộng trong toàn tỉnh những kết quả đạt được của đề án; đẩy mạnh giáo dục về địa phương, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các cuộc thi khoa học kỹ thuật, STEM Robotics…

Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 275 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 41,8%; vượt chỉ tiêu đề ra). Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học trong toàn ngành giáo dục tỉnh hiện nay đã đạt được khoảng 80%. Tỷ lệ huy động đầu cấp và duy trì sĩ số đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở chiếm 99,9%. Tỷ lệ hoàn thành chương trình các cấp học chiếm tỷ lệ cao, ổn định. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,24%.

Thầy Liêm nhấn mạnh, năm 2023, nhiều cơ chế chính sách phát triển giáo dục đã đi vào cuộc sống; chất lượng giáo dục các cấp học không ngừng được nâng cao; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tổ chức các hoạt động phong trào; hệ thống trường học được sắp xếp hợp lý, tăng cường xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Đặc biệt, năm vừa qua, ngành giáo dục tỉnh có sự đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đạt thành tích xuất sắc trong công tác thi đua, khen thưởng, sáng kiến và nghiên cứu khoa học. Bố trí giáo viên, nhất là số giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu trong tỉnh; trình độ đào tạo của giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng chia sẻ với phóng viên, cô Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang cho biết, năm 2024 là năm ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang tròn 20 năm xây dựng và phát triển.

Cô Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp

Cô Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang điểm lại chặng đường 20 năm qua. Năm 2004, tỉnh có 260 trường mầm non và phổ thông (trong đó có 8 trường chuẩn quốc gia), 27 xã chưa có trường mầm non, mẫu giáo, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn thấp so với quy định, chỉ có 2 giáo viên trình độ thạc sĩ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu trầm trọng. Chất lượng giáo dục thấp so với cả nước và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tỷ lệ học sinh bỏ học cao,...

Bằng sự nỗ lực, từ ngành giáo dục với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục thuộc hàng thấp nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đến nay ngành đã cơ bản hoàn thiện về đội ngũ có trình độ cao, mạng lưới trường lớp khá đồng bộ, chất lượng giáo dục được nâng cao. Đây là thành quả của quá trình chỉ đạo bền bỉ của lãnh đạo tỉnh, sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng của lãnh đạo ngành giáo dục, thầy cô giáo, học sinh và sự đồng thuận từ xã hội quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang phát triển toàn diện, dẫn đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (83,17%, tăng gần 80% so với năm 2004), tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng; giảm học sinh yếu kém. Toàn ngành giáo dục tỉnh hiện có 283 thạc sĩ và 123 nhà giáo ưu tú,...

Bên cạnh việc đầu tư mạng lưới trường, lớp học, ngành giáo dục tỉnh tích cực tham mưu để từng bước hoàn thiện công trình phụ như: nhà đa năng, hàng rào, sân chơi, nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch,... đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho học sinh, nhà vệ sinh trường mầm non, phổ thông.

Những công việc trọng tâm cần giải quyết trong năm 2024

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang còn đối mặt khó khăn, thách thức. Trong đó, mạng lưới trường, lớp học tuy đã được kiện toàn nhưng chưa thật tinh gọn, còn các điểm trường lẻ nên khó khăn trong việc quản lý và đầu tư phát triển.

Tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học do không có nguồn tuyển. Đầu tư thu hút xây dựng các trường tư thục được xem là giải pháp tối ưu nhưng khó thực hiện vì nhà đầu tư chưa mặn mà cho lĩnh vực giáo dục, nhất là đối với việc mở trường tư thục trên địa bàn tỉnh. Nguồn lực đầu tư chuyển đổi số chưa tương xứng với nhu cầu thực tế của ngành,...

Khắc phục những khó khăn, không đứng ngoài cuộc, thời gian qua, toàn ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang đã chủ động triển khai và thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện, hiệu quả và xem đây là bước đột phá, tạo nền tảng vững chắc trong công tác quản lý, giảng dạy.

Ngành giáo dục tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục cả về đại trà và mũi nhọn, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường, tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.

"Ngành giáo dục địa phương sẽ rà soát và đánh giá tính hiệu quả của việc sáp nhập một số cơ sở giáo dục trong thời gian qua; kịp thời tham mưu, đề xuất quy hoạch lại các cơ sở giáo dục, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng hệ thống trường ngoài công lập để giảm đầu tư công và giảm áp lực biên chế cho ngành", cô Hằng chia sẻ.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2023, chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn chưa có nhiều chuyển biến. Thiết bị dạy học của một số môn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn thiếu, chưa đồng bộ. Cơ sở vật chất của một số đơn vị xuống cấp, chưa có giải pháp khắc phục, nâng cấp kịp thời (sơn tường bị bong, nhà vệ sinh, bàn ghế xuống cấp). Một số đơn vị thiếu giáo viên so với biên chế được giao, cơ cấu bộ môn không đồng đều.

"Toàn tỉnh còn nhiều điểm trường lẻ; số lớp học ghép 2-4 độ tuổi vẫn chiếm tỷ lệ cao; một số nơi chưa có điện, chưa phủ sóng internet... là những khó khăn trong công tác tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục ở các nhà trường. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia một số nơi còn gặp nhiều khó khăn về tiêu chí cơ sở vật chất hoặc một số trường sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định", thầy Liêm chia sẻ.

Năm 2025 là năm lứa học sinh lớp 12 đầu tiên học sẽ dự thi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, thầy Hồ Công Liêm - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền tới người học, phụ huynh học sinh về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Đồng thời, Ban giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở và các trường cao đẳng có dạy chương trình giáo dục thường xuyên và cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch với mục tiêu chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 với tinh thần chủ động, quyết liệt, tự tin; làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cũng như dạy học phân hóa đối tượng.

Ngọc Mai