Học sinh trung học cơ sở có nên đi học thêm với giảng viên đại học?

17/02/2024 06:36
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những học sinh cuối cấp thì mấu chốt cuối cùng là kỳ thi chuyển cấp phải hướng tới điểm số cao mới hy vọng đạt được mục đích của mình.

Gần 20 năm trong nghề, tôi chưa bao giờ mở lớp dạy thêm cho học sinh dù năm nào cũng có nhiều học sinh hỏi tôi. Nhưng, mỗi năm tôi đều phải dạy thêm 1 tháng theo kế hoạch của nhà trường cho học sinh lớp 9 thi vào tuyển sinh 10.

Trong quá trình giảng dạy tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện, nhiều kỉ niệm vui buồn cùng với học trò của mình, nhất là với những em học sinh nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường mà tôi được nhà trường phân công bồi dưỡng.

Địa phương nơi tôi công tác vừa công bố điểm thi học sinh giỏi cấp huyện, học sinh của tôi có em điểm cao nhất huyện nhưng cũng có em điểm thấp nhất huyện. Có điều, em học sinh có điểm thấp nhất huyện lại đang miệt mài đi học thêm với một giảng viên đại học.

18-1789-1306-1915.png
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Được điểm 2.0/20.0 môn Ngữ văn… không bất ngờ

Năm học 2023-2024 này, môn Ngữ văn mà bản thân tôi được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi có một học sinh khá đặc biệt. Em này không phải là học sinh lớp tôi dạy chính khóa nhưng em đăng kí ôn thi môn Ngữ văn và tất nhiên trên danh nghĩa là học sinh trong đội tuyển tôi ôn thi.

Tuy nhiên, suốt 5 tháng trời ôn thi cho đội tuyển, em học sinh này chỉ đến lớp một vài buổi mà thôi. Những buổi có mặt trong lớp, tôi vẫn kiểm tra kiến thức môn học nhưng phần lớn là em không trả lời được hoặc trả lời không đúng.

Hỏi lí do em không đi học đều đặn, em nói lịch thêm trùng với lịch ôn thi học sinh giỏi. Em còn hào hứng nói về việc mình đang học thêm với một thầy là giảng viên trường đại học. Em còn thật thà bảo, thầy dạy thêm nói không cần ôn ở trường vẫn đậu học sinh giỏi.

Thực lòng, đã nhiều lần tôi muốn báo cáo lên ban giám hiệu gạt tên em ra khỏi đội tuyển nhưng rồi vẫn không làm được bởi số lượng học sinh tham gia ôn thi chỉ bằng một nửa số lượng mà phòng giáo dục cho phép.

Hơn nữa, em đã đăng ký ôn thi và muốn dự thi để thử khả năng của mình nên cuối cùng tôi đành phải chốt danh sách gửi cho ban giám hiệu và gửi lên cấp trên để em tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.

Sau khi thi, em nhắn tin xin lỗi tôi và nói không làm được bài vì trong đầu trống rỗng, chẳng có gì để làm bài. Vì thế, đề Ngữ văn có 2 câu, em chỉ làm được phần mở bài của câu 8.0 điểm còn câu 12 điểm em bỏ trống.

Tôi không bất ngờ khi đọc tin nhắn của em và cũng không bất ngờ về kết quả điểm thi của em chỉ được 2.0/ thang điểm 20.0. Trong khi, những em còn lại đều đạt điểm cao, có em đạt điểm số cao nhất huyện và lọt vào danh sách tham gia học sinh giỏi cấp tỉnh tới đây.

Học sinh trung học cơ sở có cần thiết học thêm với thầy cô là giảng viên đại học?

Bản thân tôi không mở lớp dạy thêm cho học trò và cũng không bao giờ cổ xúy cho việc dạy thêm, học thêm của học sinh phổ thông hiện nay. Bởi tôi cho rằng, việc dạy thêm, học thêm cũng đang đan xen cả những mặt tích cực và tiêu cực.

Đặc biệt, một số học sinh đang có trào lưu đi học thêm với một số thầy cô có tiếng tăm hoặc được cha mẹ gửi gắm thầy cô ở các cấp học cao hơn với hy vọng những thầy cô này đang đào tạo giáo viên sẽ giỏi hơn. Tuy nhiên, thực tế không phải bao giờ cũng vậy.

Việc giảng dạy và chương trình ở đại học khác xa với chương trình trung học cơ sở cả về phương pháp và cách thức tiếp cận, khai thác kiến thức. Chương trình đại học là những kiến thức chuyên sâu, chương trình cấp trung học cơ sở là những kiến thức phổ thông nên không đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu như sinh viên đại học.

Chẳng hạn, khi tôi hỏi học sinh đang học thêm với một giảng viên đại học là em học đến bài nào rồi thì em trả lời thầy đã dạy đến bài Bến quê của Nguyễn Minh Châu. Trong khi, truyện ngắn này đã giảm tải từ nhiều năm học trước.

Điều này có nghĩa, thầy dạy thêm vẫn dạy tuần tự các bài học trong sách giáo khoa, trong khi sách Ngữ văn 9 đã được Bộ giảm tải rất nhiều lần. Một số bài học đã giảm tải hoàn toàn, một số bài học thì giảm tải một phần…

Năm học 2023-2024 này, cấp trung học cơ sở đang thực hiện giảm tải theo Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và công văn này được ban hành từ năm 2020.

Vì thế, những bài giảm tải từ nhiều năm trước, giáo viên sẽ không dạy nhưng những giáo viên dạy thêm không cùng cấp học mà không cập nhật hoặc không để ý sẽ không biết điều này.

Họ dạy thêm cho học trò những bài giảm tải cũng đồng nghĩa mất nhiều thời gian cho học trò ôn luyện nhưng lại không phục vụ cho việc học trên lớp và thi cử sau này.

Trong khi, học sinh lớp 9 có một lượng kiến thức khá nặng, nhất là môn Ngữ văn được biên chế 5 tiết/tuần - môn học có số tiết nhiều nhất ở lớp 9 và đây cũng là môn học được các địa phương lựa chọn là môn thi tuyển sinh vào lớp 10 trong những năm vừa qua.

Nếu học sinh học không có trọng tâm, trọng điểm và sa vào những bài giảng từ lớp học thêm không phải là giáo viên trung học cơ sở thì các em sẽ gặp khó khăn trong quá trình làm bài, kiểm tra, thi cử sau này.

Thực ra, kết quả thi học sinh giỏi cấp huyện của một học sinh mà người viết đã đề cập ở phần trên không hẳn là quá trình học tập của học sinh bởi suy cho cùng, kỳ thi học sinh giỏi cũng đơn thuần là một lần “thi nháp” cho kỳ thi tuyển sinh 10 ở phía trước và cũng là kỳ thi sát hạch về khả năng của học trò.

Nhưng, kết quả kỳ thi học sinh giỏi sẽ giúp cho học sinh đánh giá đúng về năng lực thực sự của mình để góp phần định hướng cho tương lai.

Việc học thêm hiện nay đang diễn ra ở các cấp học phổ thông nhưng thực tế chất lượng các lớp dạy thêm thế nào thì không có gì làm bảo đảm. Phần nhiều là trên tinh thần tự nguyện của cả hai phía.

Có cung ắt sẽ có cầu và tất nhiên thầy cô nào đứng ra dạy thêm cũng đều nói hay, nói tốt về mình để lôi kéo học trò. Tuy nhiên, nói gì thì nói, những học sinh cuối cấp thì mấu chốt cuối cùng là kỳ thi chuyển cấp phải hướng tới điểm số cao mới hy vọng đạt được mục đích của mình.

Vì thế, nếu đi học thêm, học sinh và phụ huynh cũng cần lựa chọn những thầy cô phù hợp đang dạy khối học đó, cấp học đó sẽ hữu ích hơn vì không ai hiểu rõ kiến thức, cấu trúc đề kiểm tra, đề thi như những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy ở cùng cấp học.

Bởi, một lẽ giản đơn là lượng kiến thức đó họ đang dạy hằng ngày và thậm chí dạy nhiều năm trời. Họ nắm bắt được những cái mới rõ nhất và họ cũng là người rõ nhất về kiến thức môn học, về tâm lý của học trò sẽ có những định hướng, phương pháp phù hợp nhất cho học sinh.

Ngược lại, học với những thầy cô ở cấp học khác, có thể họ có kiến thức sâu hơn, uyên thâm hơn, thậm chí là thầy của thầy cô ở các nhà trường phổ thông nhưng cách truyền đạt và phương pháp tiếp cận vấn đề chưa hẳn là hiệu quả vì mỗi cấp học có một đặc trưng và cách tiếp cận khác nhau.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG