Đề xuất công khai các đơn vị, cá nhân dạy thêm, học thêm được cấp phép

12/05/2023 06:38
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lĩnh vực dạy thêm, học thêm khi được quy định chặt chẽ bằng luật pháp sẽ tránh trường hợp tổ chức dạy học tự phát, thiếu tổ chức và kiểm soát .

Vấn đề dạy thêm, học thêm lại một lần nữa nóng lên khi mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Hoạt động dạy thêm, học thêm nếu được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ tạo ra những hiệu quả quản lý như thế nào? Để tìm hiểu rõ hơn về mặt pháp lý, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Việt Nam đã có cuộc trao đổi một số chuyên gia để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Cần cân nhắc một cách kỹ lưỡng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam Việt Nam, Tiến sĩ Trần Văn Biên - Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật cho biết, điều kiện kinh doanh nói chung và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục nói riêng là những yêu cầu mang tính bắt buộc của Nhà nước áp dụng đối với một hoạt động kinh doanh cụ thể nhằm mục đích bảo đảm các lợi ích công cộng.

Tiến sĩ Biên phân tích: “Khi nền kinh tế thị trường được xây dựng, quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân được khuyến khích tối đa nhưng nó cũng có nguy cơ ảnh hưởng tới lợi ích của xã hội nói chung nếu một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh không được nhà nước can thiệp bằng quyền lực công. Vì vậy, các điều kiện kinh doanh được thiết lập với vai trò là một công cụ quản lý nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích chung của xã hội, đồng thời duy trì điều kiện ổn định thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, trong đó có giáo dục”.

Tiến sĩ Trần Văn Biên - Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trần Văn Biên - Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật. Ảnh: NVCC

Nhận định các điều kiện kinh doanh bản thân nó luôn hàm chứa các hành vi, tác động can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh doanh thông thường, luôn tiềm ẩn tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh của các chủ thể, do vậy, đối với đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật cho rằng “cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng”.

“Đề xuất mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, xuất phát từ những yêu cầu khách quan, tức là trên cơ sở những lý do và những mục đích chính đáng. Mục đích chính đáng được xác định dựa trên các nguyên tắc nhất định về vai trò, chức năng của Nhà nước trong việc đảm bảo các lợi ích công cộng, lợi ích chung của phụ huynh và học sinh với tính chất là bên trực tiếp tham gia vào quan hệ dạy thêm, học thêm, rộng hơn là cộng đồng, xã hội.

Hơn nữa, việc đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn đòi hỏi về “sự cân xứng”, nghĩa là sự phù hợp của giới hạn, mức độ giới hạn, sự cân bằng giữa lợi ích thu được và thiệt hại từ việc hạn chế quyền tự do kinh doanh.

Các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, dù được ban hành dưới bất kỳ hình thức nào cần phải coi đó là giới hạn quyền tự do kinh doanh, để xác định liệu khả năng Nhà nước được phép can thiệp vào hoạt động kinh doanh của người dân và phải xác định được biện pháp can thiệp, mức độ can thiệp tương xứng”, Tiến sĩ Biên nêu ý kiến.

Đánh giá về hiệu quả tác động của đề xuất mới này, Tiến sĩ Biên nhận định, đề xuất đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ đạt hiệu quả quản lý và kiểm soát tốt đối với các cơ sở giáo dục, còn với cá nhân nhỏ lẻ thì rất khó.

Đề xuất xây dựng cổng thông tin công khai các đơn vị dạy thêm, học thêm đã được cấp phép

Cũng bàn luận về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Nhật Bảo - Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao và ủng hộ đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

“Nếu hoạt động dạy thêm, học thêm được quy định là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nghĩa là được ghi nhận trong pháp luật về đầu tư. Điều này phù hợp với xu hướng xã hội hóa giáo dục, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực giáo dục vốn được quy định trong Luật Giáo dục năm 2019”.

Thạc sĩ Lê Nhật Bảo - Giảng viên Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Lê Nhật Bảo - Giảng viên Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Vị giảng viên cho rằng, lĩnh vực dạy thêm, học thêm khi được quy định chặt chẽ bằng luật pháp sẽ là cơ sở giúp góp phần xây dựng hoạt động này phát triển có quy củ và bài bản hơn, tránh trường hợp tự phát, thiếu tổ chức và kiểm soát.

Thạc sĩ Lê Nhật Bảo nhấn mạnh tới các yếu tố về chủ thể thực hiện, điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình giáo dục, mục tiêu đầu ra,…

“Luật đầu tư hiện hành quy định chủ thể được đầu tư kinh doanh là nhà đầu tư, như vậy điều kiện quan trọng đầu tiên là nhà nước cần làm rõ những loại nhà đầu tư nào được tiến hành hoạt động này.

Theo cá nhân tôi, để thực hiện được việc này, chúng ta cần có lộ trình lâu dài, trong đó, bên cạnh các tổ chức thực hiện, ở giai đoạn đầu nên mở rộng thêm, tạo điều kiện cho các cá nhân tham gia”, chuyên gia đề xuất.

Lý giải nguyên nhân, Thạc sĩ Bảo phân tích, hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay phần lớn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, quy mô nhỏ hoặc siêu nhỏ do các thầy cô tự mở lớp giảng dạy. Do vậy, ở giai đoạn đầu nhà nước nên tạo điều kiện cho các thầy cô cùng tham gia, với các yêu cầu đảm bảo đi kèm như về trình độ chuyên môn, các bằng cấp chứng chỉ liên quan,...

Đối với các tổ chức thực hiện, Thạc sĩ Bảo kiến nghị các yêu cầu về điều kiện nên cao hơn so với yêu cầu đối với cá nhân.

“Tổ chức phải có đăng kí ngành nghề liên quan tới động giáo dục, đáp ứng được điều kiện của hoạt động giáo dục đó thì họ mới có thể tiến hành dạy thêm, học thêm. Hay điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình giáo dục, mục tiêu đầu ra,... Đây đều là những điều kiện mang tính chất nghiệp vụ mà nhà nước cần làm rõ.

Hay các điều kiện về đội ngũ giáo viên, nên cân nhắc điều kiện giáo viên dạy tại cơ sở giáo dục đó làm việc bán thời gian hay giáo viên cơ hữu, đây cũng là nội dung chúng ta cần phải thảo luận chi tiết để làm rõ”, vị giảng viên nhấn mạnh một số lưu ý thực hiện đối với các tổ chức muốn kinh doanh lĩnh vực dạy thêm, học thêm.

Việc xem xét đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được kỳ vọng là một trong những giải pháp nhằm quản lý và kiểm soát tốt hơn hoạt động này - vốn đang là một thực tế “nhức nhối” trong xã hội từ nhiều năm qua.

Để tăng cường hàng rào pháp lý giúp quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm học thêm, theo Thạc sĩ Lê Nhật Bảo đó là công tác hậu kiểm, tuy nhiên vị giảng viên cũng thừa nhận:

“Hiện nay, tất cả các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ở Việt Nam chúng ta thì công tác hậu kiểm nói chung luôn là một lĩnh vực nan giải, cơ quản quản lý rất muốn làm nhưng thiếu thốn nhiều nguồn lực”.

Nếu học thêm, dạy thêm được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để quản lý tốt trước tiên đòi hỏi là tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn. Theo đó, các đơn vị như Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cần có biện pháp đẩy mạnh công tác hậu kiểm, công tác tiền kiểm cũng quan trọng tuy nhiên không nên quá khắt khe.

“Khi tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện thì nên cho phép sớm thực hiện để đáp ứng cho người dạy, người học; Mặt khác, chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn công tác hậu kiểm, thường xuyên kiểm tra để có giải pháp quản lý, điều chỉnh hợp lý.

Ngoài ra, ở các địa phương, nếu có điều kiện nên xây dựng cổng thông tin công khai về những đơn vị dạy thêm học thêm đã đáp ứng điều kiện trên các nền tảng công khai để học sinh, phụ huynh có thể theo dõi và nắm bắt được việc chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức dạy thêm”, Thạc sĩ Bảo nêu ý kiến đề xuất.

Chia sẻ thêm, Tiến sĩ Biên cho rằng, để quản lý triệt để hoạt động dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay, không chỉ từ quy phạm pháp luật, mà Nhà nước cần lưu ý tới các quy phạm khác như đạo đức, tâm lý phụ huynh, cơ chế thi cử, chương trình học,...

Doãn Nhàn