Những ngành học hot của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội có điểm chuẩn bao nhiêu?

18/02/2024 06:36
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Các ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Thiết kế đồ hoạ và chuyên ngành Công nghệ đa phương tiện luôn nằm trong top những ngành có điểm chuẩn cao.

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 181/CP ngày 17 tháng 9 năm 1969 của Hội đồng Chính phủ. Trường thuộc Bộ Xây dựng, chịu sự quản lý Nhà nước về chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Trụ sở đào tạo chính của Trường Đại học Kiến trúc tại Hà Nội có địa chỉ ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Hiện nay, trường còn có cơ sở ở số 24 Nguyễn Văn Linh, phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Với sứ mạng “cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng và phát triển đất nước theo hướng hội nhập quốc tế”, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực, hội nhập, có bản sắc, lấy giá trị cơ bản của con người làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Hiện, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Trọng Thuật. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Quân giữ chức Hiệu trưởng nhà trường.

đh kiến trúc (2).jpg
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trở thành trường đại học theo định hướng ứng dụng đa ngành, đa lĩnh vực. Ảnh: Website nhà trường

Về công tác hợp tác quốc tế, nhà trường có quan hệ hợp tác với gần 100 trường đại học và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác, tiêu biểu như: Trường Đại học Kiến trúc Toulouse (Pháp); Trường Đại học Melbourne (Úc); Trường Đại học Tổng hợp Barcelona (Tây Ban Nha); Trường Đại học Mỹ thuật Milan (Ý); Trường Đại học Hawaii (Mỹ); Trường Đại học Nottingham (Anh); Đại học Kiến trúc Matxcơva (Nga);...

Mở thêm nhiều ngành/chuyên ngành đào tạo mới

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua đề án tuyển sinh của trường, ngoài những ngành/chuyên ngành đã có, năm 2020, nhà trường bắt đầu tuyển sinh chuyên ngành Công nghệ cơ điện công trình thuộc ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng.

Năm 2021, trường tuyển sinh thêm chuyên ngành Thiết kế đô thị thuộc ngành Quy hoạch vùng và đô thị; chuyên ngành Quản lý dự án xây dựng thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng; chuyên ngành Quản lý bất động sản thuộc ngành Quản lý xây dựng; chuyên ngành Công nghệ đa phương tiện thuộc ngành Công nghệ thông tin.

Năm 2022 trường bắt đầu tuyển sinh thêm chuyên ngành Quản lý vận tải và Logistics, chuyên ngành Kinh tế phát triển thuộc ngành Quản lý xây dựng; chuyên ngành Kinh tế đầu tư thuộc ngành Kinh tế xây dựng.

Năm 2020 và năm 2021, trường thực hiện 4 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển bằng kết quả học tập của 5 học kỳ đầu tiên bậc trung học phổ thông; Xét tuyển thẳng; Thi tuyển kết hợp với xét tuyển đối với các ngành/chuyên ngành năng khiếu có tổ hợp xét tuyển V00, H00.

Đối với tổ hợp xét tuyển V00, kết hợp thi tuyển bằng môn thi Vẽ mỹ thuật với điểm thi các môn Toán và Vật lý của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đối với tổ hợp xét tuyển H00, kết hợp thi tuyển bằng các môn thi Hình họa mỹ thuật và Bố cục trang trí màu với điểm thi môn Ngữ văn của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đến năm học 2022-2023, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong Đề án tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội quay trở lại sử dụng với 4 phương án tuyển sinh như năm 2020 và 2021 trước đó. Tuy nhiên, cũng trong năm học này, nhà trường bổ sung một số tổ hợp xét tuyển mới cho các ngành/chuyên ngành năng khiếu như V01, V02 và H02.

Đối với tổ hợp xét tuyển V01, kết hợp thi tuyển bằng môn thi Vẽ mỹ thuật với điểm thi các môn Toán và Ngữ văn của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đối với tổ hợp xét tuyển V02, kết hợp thi tuyển bằng môn thi Vẽ mỹ thuật với điểm thi các môn Toán và tiếng Anh của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đối với tổ hợp xét tuyển H02, kết hợp thi tuyển bằng các môn thi Hình họa mỹ thuật và Bố cục trang trí màu với điểm thi môn Toán của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong nhiều năm qua, nhà trường sử dụng kết quả miễn thi bài thi Anh Văn để xét tuyển; có bảo lưu điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của hai năm trước đó, nhưng không bảo lưu điểm thi các môn năng khiếu.

Chỉ tiêu tuyển sinh không có nhiều biến động

Để có góc nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, phóng viên thống kê về số chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo qua các năm để thí sinh tiện theo dõi.

đh kiến trúc (3).jpg

Theo số liệu nêu trong đề án tuyển sinh của các năm, có thể thấy, chỉ tiêu của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội không có nhiều biến động qua thời gian. Nếu chỉ tiêu tuyển sinh của trường giữ ở mức 2.180 trong cả hai năm 2020 và 2021, thì chỉ tiêu ở hai năm 2022 và 2023 đều là 2.280 sinh viên.

Tuy nhiên, nếu từ năm 2020 đến năm 2021, quy mô đào tạo bậc đại học chính quy có sự giảm nhẹ (ở mức 11.455 xuống còn 10.411). Ngay những năm học sau đó, quy mô đào tạo đối với đại học chính quy tăng mạnh lên 12.887 vào năm 2022 và tăng lên 13.904 trong năm 2023.

Đáng chú ý, trong 5 năm trở lại đây nhóm ngành 1 (Kiến trúc; Quy hoạch vùng và đô thị; Quy hoạch vùng và đô thị/chuyên ngành Thiết kế đô thị) có tổng số lượng chỉ tiêu tuyển sinh là 500 chỉ tiêu.

Nhóm ngành 3 (Thiết kế nội thất; Điêu khắc) từ năm 2020 đến năm 2023 có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 250. Riêng trong năm 2019, nhóm ngành này có 230 chỉ tiêu.

Về điểm chuẩn qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, các ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Thiết kế đồ họa, chuyên ngành Công nghệ đa phương tiện thuộc ngành Công nghệ thông tin luôn nằm trong top ngành có điểm chuẩn cao nhất.

Dưới đây là biểu đồ so sánh biến động điểm chuẩn giữa các ngành/chuyên ngành đào tạo đại học chính quy có điểm trúng tuyển cao nhất trong 5 năm trở lại đây, theo hai phương thức: phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển (đối với các ngành có môn thi năng khiếu):

đh kiến trúc.jpg

Đối với những ngành áp dụng phương thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển trên thang điểm 40, hai ngành Kiến trúc và Quy hoạch vùng và đô thị đều có điểm chuẩn cao nhất trong 5 năm qua.

Theo đó, những ngành có tổ hợp tuyển sinh V00, V01, V02 có thi môn năng khiếu: Vẽ mỹ thuật là môn thi nhân hệ số 2.

Cụ thể, ngành Kiến trúc luôn là ngành học có điểm trúng tuyển cao nhất toàn trường, dao động trong khoảng từ 26.50 đến 29.00. Ngành Quy hoạch vùng và đô thị xếp vị trí thứ hai, tăng dần hàng năm (từ 24.75 điểm vào năm 2019, đến 28 điểm trong năm 2023).

Đối với nhóm ngành tính trên thang điểm 30, chuyên ngành Công nghệ đa phương tiện thuộc ngành Công nghệ thông tin tuy mới bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021, nhưng đã nhanh chóng trở thành chuyên ngành có điểm trúng tuyển cao nhất Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong suốt 3 năm học trở lại đây.

Kế tiếp sau đó là ngành Thiết kế đồ họa (Tổ hợp H00, H02) có điểm chuẩn tăng dần qua từng năm. Riêng năm 2023, ngành này đạt điểm trúng tuyển là 24.00, đứng vị trí cao thứ hai trong những ngành xét theo thang điểm 30.

Ngoài ra, nếu chuyên ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng có điểm chuẩn nằm vị trí thấp nhất trong năm 2023 (20.01); thì vào năm học trước đó, chuyên ngành có xếp hạng điểm trúng tuyển thấp nhất lại là chuyên ngành Xây dựng công trình ngầm đô thị thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng.

Lưu Diễm