Sau 5 năm, ĐH Thương mại thêm 10 ngành mới, điểm chuẩn ngành hot biến động

25/01/2024 06:18
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 5 năm, Trường Đại học Thương mại mở thêm 10 ngành đào tạo mới.

Trường Đại học Thương mại là trường đại học công lập đa ngành, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, hoạt động theo cơ chế tự chủ.

Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hữu Đức; Hiệu trưởng nhà trường là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng.

Trường Đại học Thương mại có cơ sở chính tại số 79 đường Hồ Tùng Mậu, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và cơ sở Hà Nam, tại đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Hồng Phong, Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam với tổng diện tích 83.708m2

Trên website của Trường Đại học Thương mại thông tin về sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường là trường đại học công lập, tự chủ, đa ngành; có thế mạnh và uy tín cao trong đào tạo đại học, sau đại học; nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Theo số liệu từ đề án tuyển sinh qua các năm của Trường Đại học Thương mại, chỉ tiêu tuyển sinh trong vòng 5 năm qua của trường dao động khoảng trên 4000.

Cụ thể, năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4100 sinh viên. Năm 2020 là 4150 chỉ tiêu, năm 2021 là 3720 chỉ tiêu và năm 2022 là 4150 chỉ tiêu.

Năm 2023, tổng chỉ tiêu của Trường Đại học Thương mại là 4.850, tăng 700 so với năm học trước. Tại năm học này, Trường Đại học Thương mại vẫn duy trì bốn tổ hợp xét tuyển, gồm A00 (Toán, Vật lý, Hoá học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), D01 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và D07 (Toán, Hoá học, tiếng Anh), thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEFL...) còn giá trị được quy đổi theo thang điểm 10. Trong đó, tổ hợp xét tuyển D07 bắt đầu được sử dụng để xét tuyển năm 2020.

Năm tuyển sinh Tổng chỉ tiêu Phương thức xét tuyển
2019 4100

- Xét tuyển thẳng

- Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2019
2020 4150

- Xét tuyển thẳng

- Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

- Xét tuyển kết hợp những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia theo quy định của trường.
2021 3720

- Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Xét tuyển kết hợp những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia theo quy định của trường.

- Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021
2022 4150

- Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022

- Xét theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông

- Xét kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông

- Xét theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2022

- Xét kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập bậc trung học phổ thông

- Xét kết hợp giải học sinh giỏi với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông
2023 4850

- Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023

- Xét tuyển theo kết quả học tập cấp trung học phổ thông đối với thí sinh trường chuyên/trọng điểm quốc gia

- Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2023

- Xét kết hợp Chứng chỉ quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông

- Xét kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập bậc trung học phổ thông

- Xét tuyển kết hợp giải học sinh giỏi với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023

Về phương thức xét tuyển cũng có sự thay đổi theo từng năm. Cụ thể, năm 2019 trường tuyển sinh theo hai phương thức: tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2019.

Các năm sau đó, trường sử dụng thêm các phương thức xét tuyển như: Xét tuyển kết hợp những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hoặc đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia theo quy định của trường; xét theo kết quả học tập bậc trung học phổ thông; xét theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2023, Trường Đại học Thương mại lần đầu sử dụng thêm phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Cùng với đó, nhà trường vẫn duy trì 7 phương thức tương tự năm 2022 gồm: xét tuyển thẳng; xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023; xét học bạ (chỉ áp dụng với học sinh trường chuyên, đạt điểm trung bình hàng năm từ 8,5); xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy; xét tuyển kết hợp; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ.

Các ngành mới mở, ngưng tuyển sinh và tuyển sinh trở lại (hệ đại trà) từ năm 2019-2023 tại Trường Đại học Thương Mại.

Các ngành mới mở, ngưng tuyển sinh và tuyển sinh trở lại (hệ đại trà) từ năm 2019-2023 tại Trường Đại học Thương Mại.

Về sự thay đổi trong tuyển sinh các ngành (chuyên ngành) đào tạo, năm 2019, Trường Đại học Thương Mại mở tuyển sinh 2 ngành mới là: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Kiểm toán.

Năm 2020 và năm 2021, trường giữ nguyên số lượng ngành tuyển sinh như năm 2019.

Đến năm 2022, nhà trường cũng mở thêm 2 ngành mới là Marketing (chuyên ngành Marketing số) và Luật kinh tế (chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế). Cũng trong năm này, trường ngừng tuyển sinh 2 ngành: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn.

Bên cạnh đó, nhà trường mở thêm chương trình chất lượng cao các ngành: Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực doanh nghiệp, chương trình định hướng nghề nghiệp ngành Hệ thống thông tin quản lý và chương trình tích hợp chứng chỉ quốc tế ngành Kế toán (Kế toán doanh nghiệp).

Đến năm 2023, Trường Đại học Thương mại tuyển sinh trở lại với 2 ngành học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn (hệ đại trà).

Tuy nhiên, nhà trường ngưng tuyển sinh ngành Quản trị kinh doanh (tiếng Trung thương mại) dù trước đó ngành này có số lượng sinh viên nhập học luôn ở mức vượt chỉ tiêu.

Cũng trong năm học này, Trường Đại học Thương mại tuyển sinh hai ngành mới (hệ đại trà) gồm Kinh tế số (Phân tích kinh doanh trong môi trường số), Ngôn ngữ Trung Quốc (Tiếng Trung thương mại). Bên cạnh đó, trường mở thêm chương trình chất lượng cao các ngành: Quản trị khách sạn, Marketing thương mại và Kinh doanh quốc tế.

Như vậy, về tổng số lượng ngành tuyển sinh trong 3 năm (từ 2019 đến 2021), Trường Đại học Thương mại duy trì tuyển sinh 26 ngành. Năm 2022, con số này tăng lên 30 và năm 2023, trường mở rộng tuyển sinh nâng tổng số ngành lên 36.

Điểm chuẩn 4 ngành "hot" của Trường Đại học Thương mại thay đổi qua 5 năm.

Điểm chuẩn 4 ngành "hot" của Trường Đại học Thương mại thay đổi qua 5 năm.

Qua 5 năm tuyển sinh, các ngành Marketing thương mại, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế và Kinh tế quốc tế luôn nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường Đại học Thương mại.

Năm 2023, điểm chuẩn cao nhất của trường là ngành Marketing (Marketing thương mại, Marketing số) và ngành Kinh doanh quốc tế với số điểm là 27.

So với năm 2022, ngành Marketing Thương mại vẫn nằm trong top ngành có điểm cao nhất, còn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng hạ 0,2 điểm chuẩn, ngành Thương mại điện tử hạ 0,3 điểm chuẩn.

Nếu như năm tuyển sinh 2022, các ngành có điểm chuẩn thấp nhất là 25,8 điểm như ngành Kế toán (Kế toán công), Luật kinh tế, Quản trị kinh doanh (tiếng Pháp), Luật kinh tế (Luật thương mại quốc tế) và Tài chính ngân hàng (Tài chính công), thì năm học 2023 chỉ có ngành Quản trị kinh doanh (tiếng Pháp thương mại) có điểm chuẩn thấp nhất là 24,5.

Thu Trang