Tháng 1 năm 2023, sau đúng 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Nghị quyết 81 đã xác định mục tiêu đến năm 2030: “Phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân”.
Để tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương và mục tiêu về giáo dục đại học, Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhìn từ thực tế, có thể nói quy hoạch mạng lưới là rất cần, nhưng cần hơn vẫn là đầu tư.
Bởi vì, dù cho có sắp xếp tốt mà chi đầu tư không tương xứng, kiểu làm đường cao tốc mà ngân sách chi ra như làm đường giao thông nông thôn, thì mọi thứ cũng chẳng đi đến đâu!?
Theo Báo điện tử Chính phủ, tỉ lệ sinh viên nhập học đại học so với tổng số người trong độ tuổi học đại học, cao đẳng của Việt Nam trong năm 2021 là 35,4%, thấp hơn cả Indonesia (36,3%), Thái Lan (43,8%), Malaysia (43,1%) và tất nhiên thấp hơn gần gấp 3 lần so với Singapore (91,1%).
Như vậy, nếu chỉ đọc những thông tin theo hướng cổ vũ xuất khẩu lao động, định hướng học nghề sớm… rồi tự nhận định rằng số người học đại học ở Việt Nam quá cao là không chính xác.
Tỉ lệ sinh viên
Cũng theo Báo điện tử Chính phủ, tỉ lệ sinh viên/vạn dân có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền trong cả nước. Đông Nam Bộ là khu vực có tỉ lệ sinh viên/vạn dân cao nhất (373); tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (352). Như vậy so với con số đưa ra đến năm 2030 “Tỉ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân” thì cả 2 vùng này đều đã vượt xa.
Ngược lại, nhìn rộng ra trong cả nước thì tỉ lệ này đặc biệt rất thấp ở một số vùng như Tây Nguyên (51), Trung du miền núi phía Bắc (53).
Tính chung cho cả nước tỉ lệ sinh viên/vạn dân hiện nay là 215 - con số còn thấp so với khu vực và đến năm 2030 đạt 260 cũng là khó khăn.
Để phấn đấu “đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á” chắc chắn có nhiều việc phải làm và phải đầu tư xứng tầm chứ không thể như thực tế hiện nay.
Quy mô sinh viên, tỉ lệ dân số và trường đại học còn nhiều bất cập
Đồng bằng sông Hồng có quy mô sinh viên chiếm 39,86% tổng số sinh viên cả nước và tỉ lệ trường đại học chiếm 44,26%, trong khi dân số chiếm 23,49% dân số cả nước.
Ngược lại, Đồng bằng sông Cửu Long quy mô sinh viên chỉ chiếm 8,24% tổng số sinh viên cả nước (thấp hơn 5 lần so với Đồng bằng sông Hồng), số trường đại học chỉ chiếm 6,97% (thấp hơn 6 lần so với Đồng bằng sông Hồng); trong khi dân số chiếm đến 17,75%.
Bên cạnh đó, vùng Đông Nam Bộ có tỉ lệ sinh viên/vạn dân cao nhất; trong khi tỉ lệ trường đại học chỉ chiếm 22,95%, cũng chỉ bằng ½ so với Đồng bằng sông Hồng (44,26%).
3 số liệu này cho thấy vẫn còn nhiều bất cập trong việc phân bổ cơ sở giáo dục đại học và quy mô sinh viên theo học.
Vấn đề đầu tư
Về đầu tư, Luật Giáo dục đã khẳng định: “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”; “Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục” và “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.
Trong thực tế, chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo trong 10 năm qua chưa bao giờ đạt con số tối thiểu mà Luật Giáo dục quy định (hình dưới). Rõ ràng kì vọng sự phát triển vượt bậc giáo dục đại học Việt Nam là một thách thức rất lớn.
Ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học năm 2020 dự tính chỉ đạt 0,27% GDP và thực chi chỉ đạt 0,18% GDP và chỉ chiếm 4,6% ngân sách chi cho giáo dục. Nếu so với một số nước trên thế giới, Việt Nam có sự chênh lệch rất đáng kể (bảng sau).
Theo Ngân hàng thế giới (2020), vào năm 2015, ngân sách nhà nước trung bình cho giáo dục tại 162 quốc gia là 4,72% GDP trong khi ở Việt Nam mới chỉ đạt 4,22% GDP.
Riêng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, mức chi trung bình cho giáo dục tại các quốc gia này tương đương 5,12% GDP quốc gia, cao hơn gần 1% so với mức chi tại Việt Nam.
Ở một cách thống kê khác, nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội (hình dưới) cho thấy mức chi cho giáo dục đại học và cho sinh viên ở Việt Nam so với một số nước trong khu vực, con số còn “sốc” hơn nhiều.
Năm 2024, giáo dục đại học Việt Nam đánh dấu 30 năm xây dựng và phát triển đại học vùng và đại học quốc gia; 10 năm triển khai Nghị quyết 29 và cũng là giai đoạn nỗ lực chuyển đổi số quốc gia…
Chúng ta cần nhìn lại thật kĩ các con số đối chiếu với các mục tiêu phát triển, để suy xét lại vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan để cùng nhau kiến thiết lại cách làm mới hi vọng đưa giáo dục đại học Việt Nam vươn lên top 10 khu vực châu Á.
Còn nếu vẫn duy trì xác định mục tiêu phát triển giáo dục bằng khát vọng, còn giảm chi đầu tư là mục tiêu tiết kiệm thì khó mà mong ước điều gì cao xa.
“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” đã được khẳng định trong Nghị quyết của Đảng và đã được luật hóa.
“Đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển” đã được khẳng định tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.
Đây là 2 cơ sở để hiện thực hóa chính sách “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” như tinh thần Nghị quyết 29 được ban hành cách đây 10 năm.
Đầu tư ngân sách cho phát triển con người có trình độ cao cũng là đúng với tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.
Thiết nghĩ, đến lúc không thể chần chừ gì nữa, hãy giữ vững quyết tâm “đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" mới có thể hiện thực hóa được khát vọng hùng cường và thịnh vượng dân tộc".