Đề xuất Bộ GD&ĐT được quyền bổ nhiệm nhân sự theo ngành dọc

05/03/2024 06:36
Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Điều mà các nhà hoạch định đường lối cần xem xét là liệu có nên “đổi mới toàn diện, triệt để cách thức quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo”?

Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 19/10/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến:

“Ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: Một là giáo viên, hai là tài chính. Cả hai điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn đi kiến nghị, đề xuất”.

Chuyện ngành giáo dục không nắm “tài chính” đã được đề cập trong trong hai phần của bài viết “Bức tranh ngân sách giáo dục qua các con số”. [1], [2].

Bài viết này sẽ đề cập đến vấn đề thứ hai là giáo viên.

Phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã được báo Quân đội Nhân dân (qdnd.vn) bình luận như sau:

“Khi là “vai vế” người phải đi kiến nghị, đề xuất thì luôn ở vị thế “lép vế”. Đó là cái khó, thậm chí phải nói là “rất khó” đối với ngành giáo dục”. [3]

Quản lý con người tại bất kỳ đâu cũng là câu chuyện dài không có hồi kết. Tuyển chọn, bồi dưỡng, đề bạt nhân sự, gọi chung là quản lý nhân sự trong hệ thống chính trị nước ta cũng vậy, điều này có thể thấy qua hoạt động quản lý nhân sự tại một số bộ, ngành, đơn vị.

1-3311_LaTien.jpg
Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Thứ nhất, quản lý nhân sự tại Bộ Tài chính:

Ngày 28/6/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế - Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1001/QĐ-TCT về “Quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các chức danh Lãnh đạo cấp Đội và tương đương ở Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế các tỉnh, thành phố”.

Nhận xét: Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính trực tiếp quản lý nhân sự đến cấp đội trong các chi cục thuế trực thuộc cục Thuế cấp tỉnh.

Thứ hai, quản lý nhân sự tại Bộ Công thương:

Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương đưa thông tin:

“Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương, đồng chí Trần Văn Toàn, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương, thời hạn giữ chức vụ là 5 năm kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2023”. [4]

Nhận xét: Bộ trưởng Bộ Công thương quản lý nhân sự đến cấp tương đương cấp sở trực thuộc các tỉnh.

Thứ ba, quản lý nhân sự tại Bộ Công an:

Khoản 3, 4 Điều 26, Luật Công an Nhân dân 2018 (Luật số: 37/2018/QH14) quy định:

“Bộ trưởng Bộ Công an quyết định nâng lương cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng; quy định việc phong, thăng, nâng lương các cấp bậc hàm, bổ nhiệm các chức vụ, chức danh còn lại trong Công an nhân dân.

Người có thẩm quyền phong, thăng cấp bậc hàm nào thì có thẩm quyền giáng, tước cấp bậc hàm đó;...”.

Nhận xét: Bộ trưởng Bộ Công an quản lý tất cả các chức danh trong Công an Nhân dân từ trung ương xuống đến phường/xã trừ hai cấp hàm Đại tướng và Thượng tướng.

Thứ tư, quản lý nhân sự tại Tòa án Nhân dân tối cao:

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đưa tin: “Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Chánh án TAND tỉnh Bình Định”. [5]

Nhận xét: Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao được quyền quản lý cán bộ đến cấp tỉnh.

Các ví dụ nêu trên cho thấy không ít bộ, ngành được toàn quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, quản lý nhân sự từ trung ương xuống địa phương, thậm chí Bộ Tài chính còn quản lý nhân sự xuống tận cấp đội thuộc các chi cục thuế, trực thuộc cục thuế cấp tỉnh.

Những ví dụ nêu trên dẫn đến hai câu hỏi:

Thứ nhất: vì sao ngành giáo dục lại không được “nắm” tài chính và nhà giáo?

Thứ hai: có cần phải thay đổi phương thức quản lý nhà nước về giáo dục như hiện nay?

Về vấn đề thứ nhất:

Việc tách hai “thứ” là tài chính và nhà giáo khỏi sự quản lý của ngành Giáo dục như hiện nay cần được xem lại.

Trạng thái “ôm rơm nặng bụng” hoặc “quyền rơm vạ đá” của ngành giáo dục đã được đề cập trong nhiều bài báo và câu chuyện ngành giáo dục “chỉ với tư cách là người luôn đi kiến nghị, đề xuất” gây nhiều trăn trở.

Cùng điểm lại vấn đề quản lý nhà nước về giáo dục như hiện nay đang được quy định ra sao?

Năm 1998, văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về giáo dục là Luật Giáo dục số 11/1998/QH10 được ban hành, luật này có một dòng quy định:

“Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương theo quy định của Chính phủ”.

Năm 2005, Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã giao cho chính quyền địa phương nhiều nhiệm vụ hơn:

“Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương”.

Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP “Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục” (Nghị định 115). Nghị định này trao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh 15 nhiệm vụ - cũng là 15 quyền.

Tại Điều 6, Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định về "Trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”, Chính phủ đã trao cho chính quyền địa phương 15 “quyền”, trong đó có ba quyền:

- Quyết định biên chế công chức của cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh trong tổng số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao;

- Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Chỉ đạo thực hiện việc sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo quy định...

Quản lý giáo dục và đào tạo tựu trung lại chỉ bao gồm hai mảng: quản lý con người và tài chính. Về con người có nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên phục vụ và học sinh, sinh viên. Về tài chính bao gồm lương, phụ cấp cho viên chức, công chức, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy,...

Chính sách lương, phụ cấp hiện không bảo đảm cuộc sống cho nhà giáo, các quy định khắt khe về chuyên môn, nghiệp vụ, thi đua, khen thưởng, thăng hạng chức danh,... khiến một bộ phận thầy cô giáo bỏ nghề, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. [6]

Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam từng có bài viết:

“Nhiều ý kiến cho rằng, việc thí sinh chỉ cần 3 điểm/môn là đỗ ngành sư phạm là điều không thể chấp nhận. Đây chính là thảm họa của ngành giáo dục”. [7]

Báo Tuoitre.vn trong bài “Thanh Hóa thiếu trên 6.800 giáo viên, chỉ 44,8% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn” đăng ngày 12/7/2023 cho biết:

“Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại tất cả cấp học ở Thanh Hóa, đặc biệt là thiếu giáo viên các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật”. [8]

Thanh Hóa là tỉnh có số dân đông nhất trong các tỉnh và diện tích đứng thứ 5 Việt Nam (không tính hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

Báo Dantri.com.vn số ra ngày 3/9/2023 viết: “Y dược khó tuyển sinh, người học sư phạm giảm gần một nửa”. [9]

Báo điện tử Daibieunhandan.vn số ra ngày 31/12/2022 cho biết:

“Ngành giáo dục đã phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc”. [10]

Các dẫn chứng nêu trên cho thấy thiếu ngân sách, thiếu giáo viên là hai sự thực mà cả hệ thống và người dân đều biết, liệu có thể khẳng định hai sự “thiếu” này không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?

Một kết quả nghiên cứu đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính cho biết:

“Trong năm 2016, ngân sách nhà nước phân bổ cho giáo dục đào tạo và dạy nghề là 195,6 nghìn tỷ đồng (trong đó 34,6 nghìn tỷ từ nguồn ngân sách trung ương (NSTW) và 161 nghìn tỷ từ nguồn ngân sách địa phương (NSĐP)). Đến năm 2020, chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề là 257,6 nghìn tỷ đồng (trong đó 30,2 nghìn tỷ lấy từ nguồn NSTW và 228,5 nghìn tỷ từ nguồn NSĐP)”. [11]

Không khó để tính ra năm 2016 chính quyền địa phương quản 82,31% ngân sách giáo dục, còn năm 2020 thì tỷ lệ này lên tới 88,70%.

Mặt khác, địa phương quản tiền nên chi nhiều hay ít do địa phương quyết, xưa nay chưa thấy tỉnh nào bị nêu đích danh vì chi cho giáo dục và đào tạo dưới 20%, cũng chưa thấy tỉnh nào bị phê bình vì để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên thế nên chuyện “hòa cả làng” là điều có thể.

Vấn đề là khi “hòa cả làng” trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” trong cung cách quản lý giáo dục thì thiệt hại sẽ đổ vào đầu ai?

Với bất kỳ lĩnh vực nào thì “tiền và người” cũng vẫn là hai yếu tố quyết định, với hoạt động giáo dục và đào tạo, cả hai “thứ” này đều không do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Vấn đề thứ hai, để thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, người viết cho rằng nên xem xét các trụ cột sau:

Thứ nhất, về đường lối vĩ mô:

Không có gì phải nói nhiều về các chủ trương đường lối vĩ mô đối với giáo dục bởi các nghị quyết, các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là Nghị quyết 29-NQ/TW và Luật Giáo dục 2019.

Những năm gần đây Quốc hội quyết định dự toán ngân sách quốc gia chi cho giáo dục và đào tạo không đạt 20% thì ngành giáo dục và các bộ ngành khác đều phải tuân thủ, ở tầm vĩ mô điều này cần phải làm rõ.

Thứ hai, về thực hiện chủ trương, chính sách:

Điều mà các nhà hoạch định chính sách cần xem xét là liệu có nên “đổi mới toàn diện, triệt để cách thức quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo”?

Đây chính là nút thắt suốt hàng chục năm chưa được gỡ hoặc chưa ai muốn gỡ!

Nghị quyết là chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước nhưng thực tế tỷ lệ này chỉ vào khoảng 16% theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Chủ trương là lương nhà giáo phải được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp nhưng hơn 10 năm tính từ khi ra đời Nghị quyết 29-NQ/TW vẫn chưa được thực hiện,...

Cuộc đổi mới giáo dục lần thứ 4 năm 2013 – thực ra phải đến năm 2018 mới chính thức thực hiện lại chỉ động chạm đến nội dung, chương trình, sách giáo khoa mà không đụng đến hai vấn đề cốt lõi là triết lý giáo dục Việt Nam và quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Nếu một tiến trình “đổi mới toàn diện, triệt để cách thức quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo” được thực hiện thì phải bắt đầu từ đâu và làm thế nào?

Xin nêu một số kiến nghị:

Thứ nhất, cần sớm ban hành một Nghị quyết tương tự như Nghị quyết 29-NQ/TW với hai nội dung, một là xây dựng triết lý giáo dục của Việt Nam, hai là cải cách triệt để phương thức quản lý giáo dục. Sớm hoàn thành dự thảo và ban hành Luật Nhà giáo.

Thứ hai, chấm dứt ngay tình trạng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo không đảm bảo tối thiểu 20%.

Thứ ba, hiện nay, Luật Nhà giáo đang trong quá trình xây dựng, vấn đề về quản lý nhà giáo cần có sự xem xét. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định lại chức năng quản lý nhà nước về giáo dục.

Trong số 15 nhiệm vụ theo Nghị định 127, cần chuyển một số nhiệm vụ về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chẳng hạn Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện 12 nhiệm vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ngoài những nhiệm vụ hiện nay sẽ đảm nhận một số nhiệm vụ được chuyển từ Ủy ban Nhân dân sang gồm:

- Quản lý và phân bổ ngân sách nhà nước về giáo dục cho các đơn vị trong ngành.

- Căn cứ vào quy định biên chế công chức, viên chức của Chính phủ, quản lý toàn bộ đội ngũ nhà giáo, nhân viên phục vụ và cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục;

- Ban hành quy chế quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện.

- Tham khảo ý kiến chính quyền địa phương trong việc sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với đội ngũ công chức, viên chức và người lao động tại các cơ sở giáo dục.

Thứ tư, làm rõ các chính sách 2 (Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo) và chính sách 5 (Quản lý nhà nước về nhà giáo) trong dự thảo Luật Nhà giáo theo hướng quản lý theo ngành dọc thống nhất từ trung ương xuống địa phương.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/buc-tranh-ngan-sach-giao-duc-qua-nhung-con-so-1-post240816.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/buc-tranh-ngan-sach-giao-duc-qua-nhung-con-so-2-post240824.gd

[3] https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-thau-hieu-noi-lo-chung-cua-nha-giao-740400

[4] https://dms.gov.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/cong-bo-quyet-%C4%91inh-bo-nhiem-cuc-truong-cuc-qltt-tinh-hai-duong-%C4%91oi-voi-%C4%91ong-chi-tran-van-toan-58012-2.html

[5] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/bo-nhiem-tham-phan-cao-cap-chanh-toa-kinh-te-tand-cap-cao-giu-chuc-chanh-an-tand-tinh-119231228161320576.htm

[6] https://tuoitre.vn/thieu-tren-118-000-giao-vien-hon-9-000-nguoi-bo-nghe-20230818125029201.htm

[7] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/dau-vao-su-pham-thap-chat-luong-giao-duc-se-ve-dau-658693.vov

[8] https://tuoitre.vn/thanh-hoa-thieu-tren-6-800-giao-vien-chi-44-8-giao-vien-tieng-anh-dat-chuan-20230712085128949.htm

[9] https://dantri.com.vn/giao-duc/y-duoc-kho-tuyen-sinh-nguoi-hoc-su-pham-giam-gan-mot-nua-20230903161725467.htm

[10] https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/buc-tranh-giao-duc-nam-2022-qua-nhieu-su-kien-nong-i313134/

[11] https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM268994

Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách – Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)