Quy định hiện nay, số lượng phó hiệu trưởng tại các đơn vị sự nghiệp trong đó có các trường mầm non, phổ thông tất cả đều không quá 2 phó hiệu trưởng để giúp việc cho hiệu trưởng điều hành công việc, quản lý trường.
Tuy nhiên, quy định chung tất cả các trường đều không quá 2 phó hiệu trưởng, không phân biệt số lượng giáo viên, số lượng lớp, số lượng học sinh,...còn nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều kiến nghị sửa đổi quy định này theo hướng cụ thể hơn, gắn với số lượng nhân sự, số lớp, cơ sở vật chất,…
Quy định số lượng phó hiệu trưởng hiện nay tại các trường mầm, phổ thông
Trước khi có Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu lực từ 01/12/2020, đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, 2 văn bản quy phạm pháp luật liên quan là Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Trong 2 văn bản nêu trên, số lượng cấp phó của các trường được quy định theo quy mô trường gắn với đặc thù vùng, miền. Trong đó, số lượng cấp phó thấp nhất là 1 người (với các trường có quy mô số lớp nhỏ) và cao nhất là 3 người (với các trường có quy mô số lớp lớn). Các quy định nêu trên về cơ bản được địa phương thực hiện ổn định và đánh giá là phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục.
Với cấp tiểu học: Trường tiểu học có từ 28 lớp trở lên ở khu vực trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí 2 phó hiệu trưởng. Trường tiểu học có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng. Trường tiểu học có từ 5 điểm trường trở lên ngoài điểm trường chính thì được bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng.
Với cấp trung học cơ sở: Trường trung học cơ sở có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật cấp THCS được bố trí 2 phó hiệu trưởng. Trường trung học cơ sở có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng.
Với cấp trung học phổ thông: Trường trung học phổ thông có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và trường trung học phổ thông chuyên được bố trí 3 phó hiệu trưởng. Trường trung học phổ thông có từ 18 đến 27 lớp đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 10 đến 18 lớp đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 2 phó hiệu trưởng. Trường trung học phổ thông có từ 17 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 9 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng.
Hiện nay, tại điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 120/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/12/2020 quy định về khung số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được bố trí không quá 02 cấp phó.”
Về mặt chuyên ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cụ thể hóa quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP về số lượng cấp phó theo quy định tại Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, 2 Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.
Theo đó, tại 2 Thông tư trên đều hướng dẫn về số lượng phó hiệu trưởng: “Số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập”.
Theo đó, hiện nay tất các các trường mầm non, phổ thông không phân biệt số lượng giáo viên, số lượng lớp, số lượng điểm trường,...đều quy định tối đa không được quá 2 cấp phó.
Theo tìm hiểu của người viết, hiện nay tại nhiều địa phương đang thực hiện các quy trình bổ nhiệm thêm các phó hiệu trưởng (ở các nơi có số lượng 1 phó hiệu trưởng) và giảm số lượng phó hiệu trưởng (ở các nơi có số lượng 3 phó hiệu trưởng).
Sẽ sửa đổi quy định về số lượng phó hiệu trưởng thời gian tới?
Quy định mỗi trường mầm non, phổ thông được bổ nhiệm không quá 2 phó hiệu trưởng còn nhiều bất cập như:
Trường mầm non, đôi khi chỉ có 5-6 lớp với 10 giáo viên nhưng có thể bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng.
Các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có nơi chỉ với số lượng 10 lớp và nơi 50-60 lớp, công việc phó hiệu trưởng vất vả khác nhau nhưng cùng bố trí 2 phó hiệu trưởng.
Các nơi có ít lớp nhưng có 2 phó hiệu trưởng, mặc định 1 phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn thì rất vất vả vì phân công chuyên môn, hồ sơ sổ sách, chất lượng,….còn 1 người phụ trách phong trào, cơ sở vật chất thì công việc khá thảnh thơi, nhàn hạ và hầu như không chịu trách nhiệm gì.
Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến bổ sung cấp phó
Theo đó, cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 120/2020 quy định về thành lập, tổ chức, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc tất cả các trường học trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không phân biệt trường, số lớp đều chỉ có 2 cấp phó là chưa phù hợp với thực tiễn.
Trả lời nội dung này, Bộ Nội vụ cho biết, để triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW/2017, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị trước khi ban hành các quy định liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trong đó, quy định số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm quản lý chặt chẽ số lượng cấp phó.
Tuy nhiên, theo kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương về số lượng cấp phó đối với một số tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất đặc thù (trong đó có lĩnh vực giáo dục phổ thông công lập) và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì nghiên cứu, sửa đổi quy định về số lượng cấp phó, trong đó có sửa đổi tiêu chí xác định số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 120/2020.
Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định số 120/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập để trình Chính phủ ban hành. [1]
Người viết cho rằng tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả công việc là chủ trương đúng đắn, một cơ sở giáo dục dưới 30 lớp mà đến 2 cấp phó là có phần dư thừa, chồng chéo quản lý, người viết cho rằng các cấp các ngành nên nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng trường mầm non bố trí 1 phó hiệu trưởng, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dưới 28 lớp bố trí 1 phó hiệu trưởng, trên 28 lớp bố trí tối đa không quá 2 phó hiệu trưởng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/thoi-su/bo-noi-vu-tra-loi-kien-nghi-ve-dieu-chinh-vi-tri-viec-lam-y-te-hoc-duong
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.