Vừa qua, một số cán bộ đang giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh một số địa phương vi phạm bị khởi tố vì tội nhận hối lộ. Điều này càng thể hiện rõ cho quyết tâm của Đảng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ. Kể cả những người ở vị trí rất cao cũng không có ngoại lệ. Đó là minh chứng rất rõ cho việc phòng, chống tham nhũng đã lên một tầm mới, sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho hay, quy định của Đảng, của pháp luật đều thể hiện sự nghiêm minh với hành vi tiêu cực, tham nhũng. Tuy nhiên, một số cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo vẫn tham nhũng.
"Với cán bộ nhận hối lộ, tài sản kê khai như thế nào? Chi bộ có biết đảng viên có tài sản bất minh không hay biết nhưng mọi người nể nang không dám nói?. Muốn phát hiện sớm tham nhũng thì khâu quan trọng nhất vẫn là phát hiện tài sản có tăng bất thường không? Rõ ràng, chúng ta cần thêm công cụ giám sát hữu ích để việc kê khai của cán bộ phải đúng, không dám giấu giếm", Thiếu tướng Cò nêu vấn đề.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò cho rằng, để giúp phát hiện bất thường về tài sản cán bộ sớm, chi bộ nên lấy phiếu kín thăm dò tài sản của các cá nhân trong cơ quan đơn vị. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường sự giám sát, tuyên truyền, xác minh mối quan hệ của cán bộ...
"Các vụ án về tham nhũng vừa qua được khởi tố và xét xử cho thấy, nhiều cán bộ nhận hối lộ rất lớn. Chúng tôi nhiều lúc băn khoăn về việc tại sao giờ có nhiều cán bộ nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng..., khi chết có mang đi theo được đâu. Như thôn ở chỗ tôi ở vùng cao thuộc tỉnh Hà Giang, nơi đây giáp biên giới có 84 hộ, cả năm sản xuất, một hộ không làm được đến 100 triệu đồng, còn nghèo lắm...Nghe cán bộ nhận hối lộ cứ vài chục tỉ đồng, dân rất bức xúc", ông Cò chia sẻ.
Chia sẻ về nội dung trên, ông Lê Văn Cuông (Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm vừa qua của đảng ta có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt là vừa qua, một số cán bộ giữ chức vụ rất cao đương chức đã bị xử lý nghiêm khi vi phạm.
Việc này cũng mang tính răn đe, cảnh báo đối với những người có ý định vi phạm. Nếu như không thực hiện tốt quy định của pháp luật sẽ bị xử lý. Từ đó, đã tác động đến suy nghĩ của người có chức quyền, cán bộ phải đổi mới tư duy, thực hiện đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, đồng thời chống sự nhũng nhiễu.
Nếu như trước đây, có những quan điểm e dè về công tác phòng chống tham nhũng chỉ "tắm từ vai trở xuống", chưa xử lý nghiêm, rất khó "đụng chạm" nhưng trong thời gian gần đây Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực cho thấy hoạt động chống tham nhũng thực sự đã không có "vùng cấm". Điều này mang lại niềm tin cho nhân dân về quyết tâm xử lý nghiêm cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, các vụ án được xử lý nghiêm có tính răn đe rất lớn để cán bộ không dám vi phạm.
"Bên cạnh đó, tôi cũng đánh giá Ban phòng chống tham nhũng của một số địa phương hoạt động rất tích cực, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương", ông Cuông nói.
Ông Cuông cũng nhận định, Đảng ta cũng rất nhân văn đối với những cán bộ vi phạm có hành động khắc phục thiệt hại gây ra sẽ được xem xét, giảm nhẹ mức án. Từ đó, chúng ta cũng đã thu hồi được đáng kể ngân sách bị thất thoát do vi phạm của cán bộ gây ra.
"Việc tăng cường xử lý cán bộ tham nhũng, tiêu cực đã góp phần răn đe với cán bộ trong thực thi công vụ", ông Cuông chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Thuyền - Nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, việc xử lý những cán bộ lãnh đạo đang đương chức vi phạm, thể hiện tinh thần quyết tâm cao của đảng ta trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo ông Thuyền, chúng ta cũng cần phải nghiên cứu, có kẻ hở nào để cho lãnh đạo doanh nghiệp có hành vi chi phối, lũng đoạn, hối lộ cho quan chức dễ dàng như vậy.
"Rõ ràng, qua các vụ án được khởi tố, xét xử, chúng ta càng thấy vai trò của công tác cán bộ. Khi cán bộ tham nhũng được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, họ sẽ quy hoạch, đào tạo cán bộ quanh họ tạo thành lợi ích nhóm", ông Thuyền nêu.
Đề xuất giải pháp để việc giám sát tài sản của cán bộ hiệu quả hơn, ông Thuyền cho rằng, trong việc kê khai tài sản của cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, người thân của họ cũng cần thực hiện việc kê khai để cơ quan chức năng giám sát.
"Để thuận lợi cho hoạt động xác minh tài sản, bên cạnh việc thực hiện nghiêm theo quy định là niêm yết công khai tại trụ sở, hoặc tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ sắp được bổ nhiệm, chúng ta cần thực hiện công khai tại địa phương cán bộ sinh sống.
Người dân họ hiểu rõ nhất về quan hệ, tài sản, gia đình của cán bộ như nào, nên nhận xét, đánh giá về việc kê khai tài sản của cán bộ là khách quan.
Theo tôi, việc kê khai tài sản cá nhân như đất đai vào mã số định danh sẽ hợp lý, hay như việc người mua hàng với số tiền lớn sẽ phải chứng minh khoản tiền đó từ đâu có. Cần thực hiện tổng thể các giải pháp đề kiểm soát hiệu quả tài sản của cán bộ. Từ đó, giúp phát hiện sớm cán bộ tham nhũng", ông Thuyền nói.