Quản trị rủi ro đóng góp vào sự phát triển bền vững của cơ sở giáo dục đại học

12/04/2024 16:24
Thủy Uyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Phó Giáo sư Lê Văn Hảo chia sẻ, hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chưa quan tâm đến quản trị rủi ro trong hoạt động quản trị nhà trường.

Ngày 9/4, Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức Tọa đàm “Quản trị rủi ro đối với cơ sở giáo dục đại học”.

Diễn giả, khách mời đặc biệt của chương trình: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hảo, Trưởng Bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (tỉnh Bình Dương, Việt Nam) và Điều phối thảo luận: Tiến sĩ Bùi Vũ Anh, Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã cùng chia sẻ với các điểm cầu tại các cơ sở giáo dục đại học và 170 người tham dự là các nhà lãnh đạo, quản lý, giảng viên và người học của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực công và tư trên toàn quốc.

1862.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hảo, Trưởng Bộ phận Học thuật xuất sắc, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (tỉnh Bình Dương, Việt Nam) và Tiến sĩ Bùi Vũ Anh, Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Bùi Vũ Anh chia sẻ quản trị rủi ro là vấn đề mà các cơ sở giáo dục đại học còn đang để ngỏ và vấn đề này chưa có các phương pháp, kỹ thuật, cách thức để quản trị một cách hiệu quả trong các trường đại học nói riêng và cơ sở giáo dục nói chung.

Trong khi đó, quản trị rủi ro đóng góp vào sự phát triển bền vững của cơ sở giáo dục đại học và góp phần vào công tác đánh giá chất lượng và nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục cũng như chương trình đào tạo.

Tiến sĩ Bùi Vũ Anh bày tỏ mong muốn tọa đàm sẽ đặt ra những vấn đề về quản trị rủi ro cho các cán bộ quản lý, nhà lãnh đạo trong cơ sở giáo dục đại học để từ đó có thể xây dựng được những kế hoạch, quy trình kiểm soát các vấn đề rủi ro trong tương lai, hỗ trợ việc đánh giá chất lượng, nâng cao chất lượng của cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, giúp cơ sở giáo dục phát triển bền vững.

Tại Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Hảo chia sẻ, hiện nay hầu hết các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam chưa quan tâm đến quản trị rủi ro trong hoạt động quản trị nhà trường.

Các nguyên nhân được Phó Giáo sư Lê Văn Hảo nhận định gồm có: (i) Ảnh hưởng còn lại của giai đoạn “bao cấp” kéo dài; (ii) Tâm lý “lảng tránh rủi ro”, không thích đề cập đến chuyện xui xẻo; (iii) Quen với cách làm “Phản ứng” thay vì “Ứng phó” đối với rủi ro; (iv) Quan niệm chưa đầy đủ về “Rủi ro”, cho rằng rủi ro không tốt và lảng tránh; (v) Ảnh hưởng của góc tư duy “Trong cái rủi có cái may”, điều này hàm chứa sự bị động, thiếu đi sự chủ động và kỳ vọng trong cái rủi có cái may của các cơ sở giáo dục đại học.

Xuyên suốt Tọa đàm, Phó Giáo sư Lê Văn Hảo đã cùng chia sẻ và thảo luận với người tham gia Tọa đàm xoay quanh các nội dung chính: Các cách tiếp cận khác nhau về khái niệm rủi ro và quản trị rủi ro; Lý do các cơ sở giáo dục đại học cần quản trị rủi ro; Rủi ro đối với cơ sở giáo dục đại học; Đánh giá khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng, phân loại rủi ro; Các nguyên tắc của quản trị rủi ro; Quản trị rủi ro với các chỉ số cảnh báo rủi ro chính (KRIs); Quy trình quản trị rủi ro, gợi ý vận dụng vào cơ sở giáo dục.

Phó Giáo sư Lê Văn Hảo nhấn mạnh quản trị rủi ro giúp bảo vệ cơ sở giáo dục khỏi tác động của các nguy cơ, giảm thiểu thiệt hại của các bất lợi và chủ động nhận diện các cơ hội mới.

Đồng thời, quản trị rủi ro cũng góp phần bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, các quy định nội bộ, thể hiện tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, có thể phân nhóm rủi ro theo các lĩnh vực hoạt động của tổ chức để thực hiện đánh giá khả năng xảy ra và mức độ ảnh hưởng như lĩnh vực quản trị, lĩnh vực đào tạo, lĩnh vực khoa học công nghệ, lĩnh vực phục vụ cộng đồng, lĩnh vực tổ chức – nhân sự, lĩnh vực tài chính và cơ sở vật chất…

Trong suốt quá trình thực hiện quy trình quản trị rủi ro cần thường xuyên thông tin, tham vấn với các bên liên quan, thực hiện giám sát và rà soát toàn diện.

Cuối tọa đàm, Phó Giáo sư Lê Văn Hảo đã đưa ra các đề xuất về quy trình quản trị rủi ro cho các cơ sở giáo dục.

Trong đó, bước đầu tiên đó là thực hiện giao nhiệm vụ tư vấn/biên soạn chính sách quản trị rủi ro cho 1 tổ công tác (nên mời cán bộ có chuyên môn tham gia); nhiệm vụ đầu mối quản trị rủi ro cho 1 đơn vị và nhiệm vụ điều phối, đánh giá cho 1 hội đồng.

Thứ hai, tích hợp quản trị rủi ro vào chiến lược và các kế hoạch triển khai hằng năm của cơ sở giáo dục.

Thứ ba, xây dựng tài liệu/quy định về quản trị rủi ro cho cơ sở giáo dục, trong đó có các nguyên tắc quản trị rủi ro, quy trình quản trị rủi ro được lựa chọn, bộ máy quản trị rủi ro, khẩu vị và mức độ chấp nhận rủi ro cho mỗi lĩnh vực hoạt động.

Thứ tư, các đơn vị trong cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch quản trị rủi ro dựa trên quy định/nguyên tắc chung và thực hiện dưới sự giám sát của đơn vị phụ trách quản trị rủi ro.

Thứ năm, tăng cường truyền thông và tập huấn, hội thảo nội bộ để từng bước thay đổi nhận thức của các bên liên quan về quan niệm rủi ro cũng như cách tiếp cận ứng phó rủi ro của cơ sở giáo dục.

Cuối cùng đó là xem quản trị rủi ro là một phần không thể thiếu trong hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (IQA) của cơ sở giáo dục.

Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi và câu hỏi gửi tới diễn giả đến từ các Quý đại biểu tham gia trên toàn quốc.

Tọa đàm hân hạnh đón tiếp và nhận được sự tham gia trao đổi của chuyên gia là nhà lãnh đạo, quản lý cơ sở giáo dục: Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Ngọc – Nguyên Phó Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tiến sĩ Trần Viết Thiện – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Khánh Hòa, …

Quý vị tham gia có thể xem bản ghi của Tọa đàm tại: https://youtu.be/7CapX4yNgok

Các sự kiện của Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp ngày càng thu hút đông đảo người tham gia, góp phần thực hiện nhiệm vụ của Kênh trong lan tỏa văn hóa chất lượng và đồng hành cùng cộng đồng trong hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, quản trị, xếp hạng và đối sánh chất lượng giáo dục.

Để cập nhật thông tin sớm nhất về các hoạt động sắp tới của Kênh Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (UniHub) - Đại học Quốc gia Hà Nội, quý độc giả có thể theo dõi các kênh thông tin của UniHub:

Website: https://unihub.vnu.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/unihub.vnu

Zalo: https://zalo.me/g/fuzgbe936

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCn0CeQWetpd4lh-ymb_SboA

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi Tọa đàm:

Thủy Uyên