Lý do cần có nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi
Hiện cả nước mới thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non” diễn ra đầu tháng 4/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội để phê duyệt và ban hành nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao thực hiện nhiệm vụ trình Quốc hội ban hành “Nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi tại một số tỉnh, thành phố”. Nhưng tại Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII lại đưa ra chỉ tiêu đến năm 2030 “Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng trường hợp trình Quốc hội phê duyệt nghị quyết thí điểm thì ngoài các tỉnh được thực hiện thí điểm, các địa phương khác không có cơ sở pháp lý để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo theo yêu cầu của Nghị quyết 42.
Vì thế, Bộ đề xuất để có một nghị quyết là hành lang pháp lý cho tất cả các địa phương triển khai đại trà việc phổ cập cho trẻ em mẫu giáo. Thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10/2024.
Trước đó, tháng 8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo ở một số tỉnh, thành phố để lấy ý kiến đóng góp.
Theo đó, nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở vật chất trường lớp; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi, thu hút đối với giáo viên, trẻ em mẫu giáo học tại các cơ sở giáo dục mầm non trong độ tuổi 3-4 tuổi; 4-5 tuổi tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các tỉnh, thành gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Kon Tum, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bạc Liêu.
Cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên mầm non
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Phạm Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường mầm non 1-6 (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, thực tế hiện nay, tại các trường mầm non đều đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng việc thực hiện phổ cập trẻ em từ 3-5 tuổi.
Đối với trẻ 5 tuổi, việc phổ cập giáo dục là công việc được triển khai và chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, các quận huyện, các phường và các cơ sở giáo dục mầm non thành một hệ thống liên hoàn và đồng bộ.
"Tuy nhiên, để công tác phổ cập giáo dục cho trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi đạt kết quả thì cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ giáo viên mầm non. Theo đó, cần có chế độ chính sách ưu đãi để thu hút nhiều sinh viên tham gia xét tuyển vào ngành mầm non, sau đó cần có cơ chế tuyển dụng để các sinh viên ra trường muốn cống hiến cho nghề. Đặc biệt là chính sách chế độ tiền lương phù hợp để giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non yên tâm công tác”, cô Trang nhấn mạnh.
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non 1-6, giáo dục mầm non là việc tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Để thực hiện tốt việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi, cần phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện về đội ngũ và cơ sở vật chất.
Về đội ngũ, giáo viên mầm non phải được hưởng chế độ chính sách theo quy định hiện hành, có cơ chế đặc thù đối với nghề; Phụ cấp nghề đảm bảo. Hiện nay giáo viên mầm non đang hưởng phụ cấp nghề là 35%, đa số các giáo viên đều mong muốn phụ cấp tăng lên 50-70%.
Chế độ tiền lương đảm bảo cuộc sống và tương đồng với nhu cầu phát triển của xã hội nhằm tạo động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, bám nghề và không có tư tưởng bỏ nghề. Giáo viên mầm non được làm việc trong môi trường đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Đảm bảo đủ định biên giáo viên/lớp theo độ tuổi được quy định theo Điều lệ trường mầm non và theo các văn bản quy định hiện hành.
Về cơ sở vật chất, các trường mầm non phải được đầu tư hệ thống phòng học đủ diện tích đảm bảo tỉ lệ với số trẻ theo Điều lệ trường mầm non; Được trang bị đồ dùng chăm sóc bán trú đảm bảo phục vụ các hoạt động của trẻ tại trường; Đảm bảo có đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; Có hệ thống sân chơi xanh, sạch, đẹp và đồ chơi ngoài trời an toàn…
Cùng quan điểm trên, cô giáo Vũ Thị Phương – Hiệu trưởng Trường mầm non Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) cho rằng, trên thực tế, hiện nay số trẻ độ tuổi từ 3-5 tuổi của nhà trường đã huy động so với số trẻ điều tra trên địa bàn đã đạt 100%.
Với phụ huynh học sinh, vấn đề nhận thức về vai trò của bậc học mầm non đối với sự phát triển của trẻ đã thay đổi rất nhiều, do đó phụ huynh đã cho trẻ ra lớp từ độ tuổi nhỏ. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi là hoàn toàn khả thi.
“Những năm qua, các trường mầm non ở khu vực ngoại thành Hải Phòng được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại do các trường đều được gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, giáo dục mầm non có thể đáp ứng nhu cầu gửi con của nhân dân.
Đội ngũ giáo viên được bổ sung đảm bảo định biên giáo viên 2 cô/ lớp, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tuy nhiên, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi, chúng tôi kiến nghị với các cấp cần quan tâm, tổ chức tập huấn công tác điều tra, rà soát các đối tượng trẻ trong độ tuổi phổ cập; Phân bổ nguồn kinh phí nhất định phục vụ công tác điều tra, thống kê số liệu.
Các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các nhóm lớp theo danh mục đồ dùng đồ chơi của từng độ tuổi.
Đồng thời có cơ chế, chính sách đặc thù về chế độ tiền lương cho giáo viên mầm non để thu hút nguồn đào tạo giáo viên mầm non và giữ chân giáo viên đang công tác tại các nhà trường nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng đội ngũ đáp ứng yêu thực hiện phổ cập”, cô Phương mong muốn.
Dưới góc độ quản lý, bà Trần Thị Tuyết – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An (Hải Phòng) cho biết, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, trong những năm học qua, các trường trên địa bàn quận luôn tích cực, chủ động trong công tác tham mưu các cấp lãnh đạo, tạo sự đồng thuận của các bậc phụ huynh, các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất nhằm cải tạo môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học đảm bảo thẩm mỹ, thân thiện, an toàn.
Các nhà trường đã ứng dụng công nghệ số trong thực hiện trang trí môi trường đáp ứng nhu cầu hoạt động khám phá các chủ đề, cải tạo sân vườn đảm bảo đa dạng, phong phú các nội dung hoạt động ngoài trời cho trẻ, tạo môi trường để trẻ được thoả sức trải nghiệm, khám phá, nâng cao khả năng tư duy, sáng tạo cho trẻ.
Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất tại các phòng học, phòng chức năng với mô hình hiện đại, đầy đủ trang thiết bị thông minh (phòng Tin học, phòng STEAM, phòng tiếng Anh…) đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Năm học 2023-2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Kiến An đã tham mưu hỗ trợ gói trang thiết bị, đầu tư cho một số trường mầm non chưa đạt chuẩn quốc gia với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng; xây mới cơ sở 2 trường mầm non Bắc Sơn, dự kiến với số tiền đầu tư gần 15 tỷ đồng.
Để việc thực hiện phổ cập giáo dục trẻ mầm non từ 3-5 tuổi được thuận lợi, quận Kiến An tiếp tục chuẩn hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại; sử dụng công nghệ xanh, khai thác nguồn tài nguyên hiệu quả, đảm bảo trường mầm non đạt chuẩn toàn diện trên tất cả các phương diện từ cơ sở vật chất, đến chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.