ĐH Công nghệ thông tin TPHCM: Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ mới đạt 30,4%

16/05/2024 06:36
Sao Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, Trường ĐH Công nghệ thông tin TPHCM có 2 giảng viên chức danh giáo sư, 5 giảng viên chức danh phó giáo sư.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua báo cáo ba công khai các năm học 2020-2021, năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023 của Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, quy mô đào tạo và tổng giảng viên của nhà trường đều có xu hướng tăng.

Anhr.jpg
Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: website nhà trường

Quy mô đào tạo tăng

Theo báo cáo ba công khai, từ năm học 2020-2021 (tổng 8.522 người) đến năm học 2022-2023 (tổng 9.196 người), quy mô đào tạo của trường tăng 674 người.

9196.png
Biểu đồ thể hiện tổng quy mô đào tạo của Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Biểu đồ: Sao Mai

Trao đổi về nội dung này, đại diện Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nguyên nhân là do hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh được giao cho trường tăng khoảng 10% (tương ứng với năng lực đào tạo của trường tăng), cùng với tỷ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học của trường hàng năm cũng tăng.

“Các ngành đào tạo mà nhà trường tuyển sinh đều là các ngành có nhu cầu nhân lực cao hiện nay. Bên cạnh đó, một số sinh viên kéo dài thời gian học tập nên cũng dẫn đến tổng quy mô đào tạo của nhà trường tăng”, vị này cho biết.

Theo báo cáo ba công khai, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo thạc sĩ của nhà trường tăng 54 chỉ tiêu (từ 336 chỉ tiêu tăng lên 390 chỉ tiêu).

Quy mô 1.PNG
Quy mô đào tạo của Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Bảng: Sao Mai

Đại diện trường chia sẻ, chỉ tiêu tuyển sinh chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ của nhà trường tăng để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là ở trình độ thạc sĩ có chuyên môn sâu và kỹ năng nghiên cứu. Đồng thời, quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ tăng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học viên. Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ của nhà trường được xác định dựa trên năng lực đào tạo của trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có liệt kê chi tiết quy mô đào tạo trình độ đại học chính quy văn bằng 1, văn bằng 2 và liên thông. Tuy nhiên trước đó, năm học 2020-2021, nhà trường không chia cụ thể quy mô đào tạo trình độ đại học chính quy văn bằng 1, văn bằng 2 và liên thông.

Lý giải vì sao năm học 2020-2021 nhà trường không chia quy mô đào tạo trình độ đại học chính quy, theo đại diện trường, năm học 2020-2021 nhà trường giữ nguyên biểu mẫu không chia quy mô mà tính tổng quy mô đào tạo trình độ đại học chính quy gồm văn bằng 1, văn bằng 2 vào với nhau. Còn năm học này, nhà trường chưa đào tạo trình độ liên thông đại học chính quy.

“Từ năm học 2021-2022, Trường Đại học Công nghệ Thông tin bắt đầu đào tạo thêm liên thông trình độ đại học chính quy. Do đó, quy mô đào tạo đại học chính quy của nhà trường được chia gồm văn bằng 1, văn bằng 2, và liên thông. Việc thống kê như vậy để biểu thị rõ ràng, dễ theo dõi hơn”, vị này cho hay.

Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ mới đạt 30,4%

Về đội ngũ giảng viên, theo báo cáo ba công khai, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, tổng số giảng viên của trường tăng hơn 60 người (tăng từ 208 người lên 273 người).

Giảng viên.PNG
Cơ cấu giảng viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) theo báo cáo 3 công khai. Bảng: Sao Mai
Budget Pie Chart (2).png
Cơ cấu tỷ lệ giảng viên theo trình độ đào tạo năm học 2022-2023 Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Chia sẻ về kinh nghiệm làm thế nào để tăng số lượng giảng viên nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo đại học, vị đại diện trường cho biết, nhà trường quan niệm rằng, nguồn nhân lực là nền tảng, yếu tố then chốt cho sự phát triển của nhà trường. Vì vậy, nhà trường đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách để thu hút, cũng như giữ chân đội ngũ giảng viên. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy và đáp ứng quy mô đào tạo của nhà trường.

Cụ thể, vị này cho rằng, năm 2021, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã ban hành Đề án tuyển dụng nhân viên trình độ tiến sĩ theo mức chi trả cam kết tại Quyết định số 96/QĐ-ĐHCNTT ngày 23/2/2021.

Thông qua Đề án tuyển dụng nhân viên trình độ tiến sĩ, đồng thời nhờ có mạng lưới các thầy, cô là chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin đã giúp nhà trường thu hút được giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước về công tác.

Bên cạnh đó, nhà trường còn triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ học phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh là viên chức nhà trường. Ngoài ra, trường triển khai chính sách thưởng nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học,… để động viên và hỗ trợ viên chức nhà trường đăng ký học lên trình độ tiến sĩ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2022-2023, số giảng viên chức danh phó giáo sư của trường giảm 1 người (từ 6 người còn 5 người).

Theo đại diện trường, với số lượng 5 giảng viên chức danh phó giáo sư hiện tại, nhà trường không gặp khó khăn gì trong công tác đào tạo sau đại học và đại học.

Bởi, số lượng giảng viên chức danh phó giáo sư của trường đã đáp ứng được tất cả các điều kiện yêu cầu cho công tác mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT về Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Còn về số lượng chức danh giáo sư, những năm gần đây, nhà trường chỉ có 1-2 giảng viên chức danh giáo sư. Đại diện trường cho biết, với số lượng giảng viên chức danh giáo sư hiện tại, nhà trường có thể đảm bảo được quy định về việc mở ngành (theo Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT); đáp ứng được công tác tuyển sinh, đào tạo và duy trì ngành.

Quy định giảng viên đáp ứng điều kiện mở ngành theo Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ như sau:

Điều 4, Thông tư số 02 quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu và ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp.

Điều 5 quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên).

Điều 6 quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên).

Liên quan đến tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định, giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ “Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin có đào tạo trình độ tiến sĩ. Năm học 2022-2023, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ của nhà trường chiếm 30,04% trên tổng giảng viên toàn trường. Trong khi đó, tỷ lệ giảng viên trình độ thạc sĩ chiếm đến 54,58% trên tổng giảng viên toàn trường. Tương tự, các năm học trước, tỷ lệ giảng viên trình độ thạc sĩ cũng chiếm phần lớn trên tổng giảng viên toàn trường (năm học 2021-2022 là 56,71%; năm học 2020-2021 là 61,06%).

Chia sẻ về tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ, đại diện trường cho hay, các ngành đào tạo của trường thuộc nhóm các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học (căn cứ vào Bảng 4. Ngành đào tạo trình độ đại học có nhu cầu cao về nhân lực thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin thuộc Phụ lục 2 về Ngành Đào tạo đặc thù ban hành kèm theo Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non). Do đó, hiện tại tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ của nhà trường đáp ứng được theo ngành đào tạo đặc thù.

Theo Bảng 4, Phụ lục 2, Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, quy định ngành đào tạo trình độ đại học có nhu cầu cao về nhân lực thuộc lĩnh vực Máy tính và công nghệ thông tin bao gồm các ngành sau:

Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật máy tính, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, và các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học khác thuộc lĩnh vực đã được phê duyệt cho phép đào tạo.

Vị này cho biết thêm, nhà trường luôn quan tâm đến vấn đề tăng cường đội ngũ giảng dạy để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng theo các quy định hiện hành. Ngoài chính sách mà nhà trường đã và đang triển khai, trường còn thừa hưởng thêm chính sách từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, thông qua Chương trình VNU350 (tuyển dụng 350 nhà khoa học), nhà trường mong muốn thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông về công tác.

Do đó, nhà trường tin tưởng trong thời gian tới sẽ đạt tỷ lệ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ như quy định tại Thông tư số 01 về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Sao Mai