Trường Đại học Vinh (tên tiếng Anh là Vinh University) có sứ mệnh là “cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt sự phát triển giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ; là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế”.
Tầm nhìn đến năm 2045, Trường Đại học Vinh định hướng trở thành đại học thông minh, xếp hạng top 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến top 1000 đại học hàng đầu thế giới.
Về lịch sử hình thành và phát triển, Trường Đại học Vinh được thành lập vào năm 1959 theo Nghị định số 375/NĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với tên gọi ban đầu là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh.
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đưa Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia.
Theo thông tin được công bố trên website, nhà trường có địa chỉ của trụ sở chính tại số 182 đường Lê Duẩn, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiền là Chủ tịch Hội đồng trường; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bằng giữ chức Hiệu trưởng nhà trường.
Những thay đổi trong phương thức tuyển sinh đáng chú ý
Về phương thức tuyển sinh, trong hai năm 2020 và 2021, nhà trường thực hiện 2 phương thức tuyển sinh là xét tuyển và kết hợp thi tuyển cùng xét tuyển.
Vào năm 2022 và 2023, nhà trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh bao gồm:
- Xét tuyển thẳng: đối với các thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường trung học phổ thông chuyên; học sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
- Xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (học bạ).
- Xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả học tập lớp 12 và 2 môn thi của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tổ hợp chính của ngành tuyển.
- Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông hoặc bài thi/môn thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết hợp với thi tuyển năng khiếu cho 2 ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất.
- Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm 2024, theo thông tin tuyển sinh đại học chính quy được công bố trên website Trường Đại học Vinh, nhà trường không áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả học tập lớp 12 và 2 môn thi của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tổ hợp chính của ngành tuyển, và giữ nguyên các phương thức xét tuyển còn lại giống như năm học trước.
STT | Phương thức tuyển sinh | Năm 2024 | Năm 2023 | Năm 2022 |
1 | Xét tuyển thẳng | x | x | x |
2 | Xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông | x | x | x |
3 | Xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông | x | x | x |
4 | Xét tuyển kết quả học tập bậc trung học phổ thông hoặc kết quả thi trung học phổ thông quốc gia và thi môn năng khiếu đối với các ngành năng khiếu | x | x | x |
5 | Xét tuyển theo kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội | x | x | x |
6 | Xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả học tập lớp 12 và 2 môn thi của kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo tổ hợp chính của ngành tuyển | x | x |
Theo tìm hiểu của phóng viên, về ngành học, 4 năm trở lại đây, Trường Đại học Vinh mở thêm nhiều ngành học mới để phục vụ nhu cầu nhân lực của xã hội.
Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Vinh, năm 2020, trường mở thêm ba ngành học mới là Thương mại điện tử, Kỹ thuật phần mềm và Du lịch.
Năm 2021, trường bắt đầu tuyển sinh ngành Khoa học dữ liệu và thống kê.
Năm 2022, trường đào tạo ngành mới là Kỹ thuật điện tử và tin học.
Năm 2023, Trường Đại học Vinh duy trì đào tạo các ngành hiện có và không mở mới thêm ngành học nào.
Năm 2024, Trường Đại học Vinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý trình độ đại học.
Biến động về chỉ tiêu và điểm chuẩn qua từng năm
Để độc giả thuận tiện theo dõi, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ tiêu của một số ngành học tiêu biểu của trường.
Qua biểu đồ trên cho thấy, năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5400 chỉ tiêu, sau đó giảm 785 chỉ tiêu vào năm 2023. Năm học 2024-2025 tới đây, Trường Đại học Vinh dự kiến tuyển sinh 5050 chỉ tiêu.
Còn về ngành học cụ thể, Kế toán, Quản trị kinh doanh và Giáo dục tiểu học là ba trong số các ngành học có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cao của trường. Năm 2022, ngành Kế toán tuyển sinh 500 chỉ tiêu, cao nhất toàn trường, tiếp theo sau đó là ngành Quản trị kinh doanh với 400 chỉ tiêu và Giáo dục tiểu học với 350 chỉ tiêu.
Năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Kế toán vẫn duy trì ở mức 500 chỉ tiêu, trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Quản trị kinh doanh giảm còn 270 chỉ tiêu. Còn ngành Giáo dục tiểu học lại tăng thêm 70 chỉ tiêu nữa so với năm trước đó, đạt 420 chỉ tiêu.
Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh và Giáo dục tiểu học theo số chỉ tiêu lần lượt là 400, 270 và 200.
Về điểm chuẩn, các ngành Sư phạm Ngữ văn, Công nghệ kỹ thuật nhiệt và Giáo dục tiểu học là các ngành có điểm chuẩn cao của trường.
Dưới đây là biểu đồ thể hiện sự biến động về điểm trúng tuyển của một số ngành học qua các năm, dựa vào kết quả xét tuyển của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên thang điểm 30.
Có thể thấy, ngành Sư phạm Ngữ văn và Giáo dục tiểu học luôn duy trì mức điểm chuẩn cao, từ 24 điểm trở lên.
Năm 2021, điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn là 24 điểm, ngành Giáo dục tiểu học đạt 26 điểm xét tuyển đầu vào. Điểm trúng tuyển của ngành Tài chính - Ngân hàng là 17 điểm, ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông là 18 điểm. Còn ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt thấp hơn, đạt 16 điểm.
Năm 2022, ngành Sư phạm Ngữ văn tăng nhẹ, đạt 26.25 điểm. Trong khi đó, ngành Giáo dục tiểu học giảm nhẹ còn 25.5 điểm. Điểm trúng tuyển của ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt lại tăng mạnh so với năm trước đó, đạt 24 điểm. Ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông và Tài chính - Ngân hàng có điểm chuẩn lần lượt là 17 và 18 điểm.
Trong năm 2023, ngành Công nghệ kỹ thuật nhiệt duy trì đà tăng lên, ở mức 26 điểm. Điểm chuẩn của ngành Giáo dục tiểu học đứng ở mức 25.65 điểm. Ngành Tài chính - Ngân hàng đạt 19 điểm. Đặc biệt, cũng trong năm 2023, ngành Sư phạm Lịch sử có điểm xét tuyển đầu vào cao nhất toàn trường, là 28.12 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn đầu vào thấp nhất năm học này là 17 điểm, thuộc về ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông cùng một số ngành học khác.
Ngoài ra, theo Đề án tuyển sinh năm 2023 của Trường Đại học Vinh, kết quả khảo sát về sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp năm 2021 của nhiều ngành học đạt tỷ lệ cao, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thống kê theo một số ngành học như sau:
Có thể thấy, ngành Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành học có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất, đạt 100%.
Các ngành học khác cũng có tỉ lệ sinh viên ra trường đạt 100% là Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Sư phạm Lịch sử, Kinh tế xây dựng, Chăn nuôi, Nông học, Quản lý văn hoá, Quản lý nhà nước, Công tác xã hội, và Quản lý đất đai.
Tiếp theo đó, ngành Công nghệ thực phẩm có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong vòng 12 tháng là 98%; tỷ lệ của ngành Quản lý giáo dục là 95%. Tỷ lệ này đạt 90% ở ngành Công nghệ thông tin và đạt 86% ở ngành Ngôn ngữ Anh.