Ngày 7/6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quyết định về danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học, với hàng chục ngành học được thí điểm.
Đối với trình độ đại học, ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Thiết kế đô thị thuộc lĩnh vực Kiến trúc và xây dựng hiện đang là các ngành thu hút được nhiều sự quan tâm, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đang diễn ra một cách nhanh chóng.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội để lắng nghe những chia sẻ về việc ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản và ngành Thiết kế đô thị thuộc danh mục các ngành thí điểm.
Rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đô thị bền vững
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi cho biết, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trải qua gần 70 năm kinh nghiệm đào tạo trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, kiến trúc. Với tâm thế đó, nhà trường luôn sẵn sàng đón nhận sự tin tưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề xuất là trường trọng điểm quốc gia lĩnh vực Kiến trúc và xây dựng.
Nhà trường rất vui mừng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học theo Quyết định 1596/QĐ-BGDĐT.
Trong thời gian tới, nhà trường mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành thường xuyên các ngành đào tạo mới, nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học có thể mở rộng thêm các ngành đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và tiệm cận các chương trình đào tạo trong khu vực và quốc tế.
Với kinh nghiệm đào tạo trong hơn nửa thế kỷ qua về kinh tế xây dựng, quản lý kinh tế, quản lý đô thị, quy hoạch vùng và đô thị, quản lý phát triển không gian đô thị, giao thông đô thị, kỹ thuật hạ tầng đô thị, quản lý bất động sản,…, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội luôn mong muốn được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao là cơ sở giáo dục đại học đào tạo thí điểm ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, và ngành Thiết kế đô thị. Việc đào tạo hai ngành này có thuận lợi là kế thừa kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo các ngành/chuyên ngành nêu trên.
Đánh giá về sự cần thiết của việc đào tạo ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi nêu ra 2 lý do:
Thứ nhất, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chỉ tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa chiếm khoảng 45%. Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. [1]
Đồng thời, xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.
Qua đó cho thấy, quá trình phát triển đô thị hóa tại nước ta đang diễn ra rất nhanh chóng và rất cần sự định hướng quản lý và phát triển đô thị theo hướng bền vững; phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị tri thức, đô thị năng lượng thấp; phát triển đô thị phù hợp với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, việc nâng cao năng lực quản trị của các chính quyền đô thị, tăng cường khả năng quản trị thông qua công nghệ tin học, xây dựng chính quyền đô thị điện tử, coi trọng nguồn lực từ đất đai cho đầu tư phát triển đô thị cũng là một vấn đề cần được chú trọng.
Thứ hai, để phát triển đô thị một cách bền vững cần thiết phải quan tâm đến quản lý bất động sản, xây dựng cơ chế rõ ràng, giúp đánh giá giá trị đất đai, bất động sản công khai, minh bạch và quản lý hiệu quả. Qua đó giúp thị trường bất động sản phát triển theo cơ chế thị trường.
Đối với ngành Thiết kế đô thị, thầy Thi nhận định, đây là ngành nghệ thuật và khoa học kiến tạo không gian đô thị phù hợp với quy luật vận động, nhu cầu, chuyển hóa của xã hội đô thị, là sự gắn kết giữa hình thể không gian đô thị và sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong môi trường đô thị.
Kiến trúc sư thiết kế đô thị là một nghề nghiệp có phạm vi hoạt động rộng, phong phú và đa dạng và có vị trí rất quan trọng, rất cần thiết trong sự nghiệp xây dựng đô thị, phát triển đất nước. Thị trường lao động hiện đang có nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng của kiến trúc sư thiết kế đô thị, nhà đô thị học để làm việc trong các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn thiết kế quy hoạch, kiến trúc và quản lý đô thị bền vững.
Từ các yêu cầu thực tế về phát triển đô thị cho thấy việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng công tác quản lý, phát triển, thiết kế đô thị, phát triển bất động sản đang được xã hội rất quan tâm. Vì vậy, việc tổ chức đào tạo thí điểm trình độ đại học ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Thiết kế đô thị là hết sức cần thiết và cấp bách.
Nhiều thuận lợi khi được đào tạo thí điểm ngành học mới
Theo thầy Thi, các kiến thức của ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, Thiết kế đô thị đã được lồng ghép ở một số ngành/chuyên ngành truyền thống của trường.
Từ năm 1967, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã đào tạo ngành Quy hoạch vùng và đô thị. Năm 2001, trường đã mở chuyên ngành đào tạo Kinh tế và quản lý đô thị, sau đó mở chuyên ngành Kinh tế và quản lý bất động sản, chuyên ngành Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị nằm trong ngành Quản lý xây dựng.
Kiến thức ngành Thiết kế đô thị đã và đang được lồng ghép đào tạo thông qua các kiến thức giảng dạy trong chương trình đào tạo Quy hoạch vùng và đô thị; Mỹ thuật đô thị; Kiến trúc; Kiến trúc cảnh quan; Quản lý hạ tầng, đất đai đô thị; Kỹ thuật môi trường,…
Như vậy, mặc dù chưa chính thức mở ngành hai ngành học này nhưng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã mở các chuyên ngành, học phần có liên quan để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị và bất động sản từ khá sớm, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại nước ta.
Các ngành gần đã thu hút được rất nhiều sinh viên tham gia học tập, cung cấp ra ngoài thị trường lao động và phục vụ xã hội hàng ngàn kỹ sư, kiến trúc sư có năng lực chuyên môn cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi khẳng định: "Với kinh nghiệm về đào tạo và đội ngũ giảng viên tâm huyết, yêu nghề, có trình độ cao, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có đầy đủ nguồn lực trong công tác đào tạo các lĩnh vực ngành/chuyên ngành có liên quan đến ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Thiết kế đô thị. Việc đào tạo các chuyên ngành rất thuận lợi, không có khó khăn gì đối với công tác đào tạo của nhà trường".
Thầy Thi bày tỏ, chắc chắn khi ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Thiết kế đô thị được đào tạo là ngành chính thức, có mã ngành riêng thì việc đào tạo sẽ càng thuận lợi hơn, cũng như sẽ mang lại lợi ích cho người học về cơ hội nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo ngành cũng sẽ cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp sử dụng lao động và xã hội một nguồn nhân lực chất lượng cao, với chuyên môn sâu về công tác quản lý phát triển đô thị và bất động sản, thiết kế đô thị.
Nhà trường sẽ đầu tư các nguồn lực để đảm bảo đào tạo ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Thiết kế đô thị có chất lượng tốt nhất. Theo đó, với đội ngũ hơn 200 giảng viên có chuyên môn gần và hàng trăm giảng viên có chuyên môn liên ngành gần, kết hợp với cơ sở vật chất tốt như hệ thống giảng đường, hội trường, phòng học thực hành đồ án, xưởng học mô hình,… sẽ là cơ hội cho công tác đào tạo ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Thiết kế đô thị hiệu quả và chất lượng.
Mặt khác, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội hiện đang có nhiều đối tác hỗ trợ, liên kết đào tạo bên ngoài là các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Đây luôn là động lực để trường tập trung nguồn lực đào tạo được tốt hơn nữa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thi cho rằng, việc đào tạo ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản, ngành Thiết kế đô thị sẽ không phải là khó khăn với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đồng thời cũng không gây ra quá nhiều khó khăn đối với những cơ sở giáo dục đại học đang có thế mạnh về đào tạo lĩnh vực, ngành này.
Hai ngành học này có cơ hội việc làm rộng mở, phù hợp với xu hướng của xã hội. Chắc chắn rằng khi sinh viên học ngành Quản lý phát triển đô thị và bất động sản sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm trong các doanh nghiệp đầu tư bất động sản; các doanh nghiệp tư vấn thiết kế quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị, mỹ thuật đô thị, thi công xây dựng phát triển đô thị; các cơ sở đào tạo, các viện nghiên cứu và nhất là cơ hội việc làm trong công tác quản lý nhà nước từ cấp phường/xã, quận/huyện và tỉnh/thành trong cả nước.
Với ngành Thiết kế đô thị, sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc tại các công ty, doanh nghiệp tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế, các ban quản lý dự án, các cơ quan quản lý nhà nước về đô thị, các viện nghiên cứu hoặc các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học,...
Tài liệu tham khảo:
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1.