Học ngành Dinh dưỡng cơ hội việc làm khá rộng mở ở cả khu vực công và tư

16/07/2024 06:19
Lương Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tốt nghiệp ngành Dinh dưỡng có thể làm chuyên gia tư vấn, chăm sóc sức khỏe cộng đồng hoặc làm việc tại các bệnh viện về dinh dưỡng lâm sàng.

Ngành Dinh dưỡng trang bị cho sinh viên các kiến thức về vai trò, chức năng cũng như sự thiết yếu của yếu tố dinh dưỡng đối với sức khỏe con người. Đồng thời, sinh viên cũng được học về quá trình vận hành hấp thụ - chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Từ những kiến thức đó, cử nhân ngành Dinh dưỡng có thể đưa ra các tư vấn, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng bệnh nhân.

Chương trình đào tạo ngành Dinh dưỡng ở các cơ sở giáo dục đại học

Trường Đại học Y tế công cộng bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Dinh dưỡng từ năm 2017. Đây là một trong những cơ sở đào tạo ngành Dinh dưỡng đầu tiên ở nước ta. Đến nay, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo 7 khóa với khoảng 500 sinh viên, trong đó có 3 khóa đã tốt nghiệp.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, Giảng viên cao cấp bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Khoa Sức khỏe môi trường và nghề nghiệp cho biết: Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2022 đã đề cập đến mục tiêu và giải pháp “Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác dinh dưỡng, đánh giá và cập nhật chương trình đào tạo về dinh dưỡng trong trường y; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực về dinh dưỡng bậc đại học và sau đại học”. Vì vậy phát triển nguồn nhân lực là ưu tiên hàng đầu nhằm triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc và chất lượng giống nòi ở Việt Nam.

ẢNH 1. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng.JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo cô Hà, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Dinh dưỡng hoàn toàn có thể trở thành các chuyên gia dinh dưỡng hành nghề một cách bài bản trong lĩnh vực dinh dưỡng, khoa học thực phẩm và an toàn thực phẩm.

Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của Trường Đại học Y tế công cộng chú trọng 3 nhóm kiến thức và kỹ năng chính gồm dinh dưỡng lâm sàng, dinh dưỡng cộng đồng và an toàn thực phẩm. Đồng thời sinh viên sau khi tốt nghiệp còn có các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giao tiếp khi làm việc với người bệnh và cộng đồng.

Do chương trình hướng tới rèn luyện tay nghề cho sinh viên nên nhà trường chú trọng hoạt động thực hành, thực tế. Sinh viên được đi thực tập chuyên ngành khoảng 6 tháng chia làm 2 đợt tại các khoa Dinh dưỡng của nhiều bệnh viện uy tín như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương…

Cô Hà thông tin thêm, nhà trường cũng mới rà soát và cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng được 35 quy trình kỹ thuật về dinh dưỡng trong bệnh viện mới được Bộ Y tế ban hành năm 2023. Trong năm 2023, chương trình đã kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được công nhận đạt chuẩn với tỷ lệ các tiêu chí đạt cao (92%).

Với Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm vào năm 2018 với gần 40 sinh viên trúng tuyển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đến nay ngành này đã có 2 khóa sinh viên tốt nghiệp, và khóa tuyển sinh năm 2020 đang làm thủ tục chuẩn bị tốt nghiệp vào tháng 8 năm 2024.

Cũng theo cô Nguyệt, sinh viên học ngành Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm sẽ được trang bị kiến thức về lĩnh vực khoa học thực phẩm và rèn luyện kỹ năng thực hành trong lĩnh vực phân tích thực phẩm, chế biến thực phẩm và lên kế hoạch dinh dưỡng để có thể áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế.

ẢNH 2 ẢNH 2. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.JPG..JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó ngành học này còn liên quan đến sự phát triển của công nghệ thực phẩm, giúp sinh viên hiểu biết về các phương pháp chế biến thực phẩm và phát triển được các sản phẩm thực phẩm mới theo hướng giữ được dưỡng chất, từ đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Sinh viên được khuyến khích và trang bị kỹ năng nghiên cứu để theo đuổi các dự án nghiên cứu về dinh dưỡng và khoa học thực phẩm tại các bệnh viện, các trung tâm sức khỏe cộng đồng.

Đặc biệt, chương trình đào tạo còn chú trọng rèn luyện kỹ năng giao tiếp và tâm lý học hành vi do làm việc với bệnh nhân và cộng đồng. Sinh viên sẽ có cơ hội phát triển kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp thông qua việc tư vấn về dinh dưỡng, hiểu được các hành vi và biết cách hướng đối tượng để thay đổi hành vi sức khỏe.

“Số lượng thí sinh của trường tăng dần qua các năm và tăng đột biến vào khóa tuyển sinh năm 2023 với 95 sinh viên trúng tuyển nhập học. Dự kiến mùa tuyển sinh năm 2024 cũng tăng về số lượng và kèm theo đó là cải thiện đáng kể về chất lượng đầu vào của sinh viên. Từ đó tiến tới cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của lĩnh vực này cho xã hội.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm có kiến thức rộng về dinh dưỡng, từ cơ bản đến nâng cao, hiểu rõ về bản chất và vai trò của chế độ ăn trong việc duy trì và cải thiện sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt thông tin.

z5343404052973_39a361af7042cc519ff3e8d47fc6aca0-1024x768.jpg
Hội nghị sinh viên ngành Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm năm 2024 của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường)

Cơ hội việc làm đa dạng nhưng cũng nhiều thách thức

Chia sẻ về cơ hội việc làm của cử nhân ngành Dinh dưỡng hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà cho hay, học ngành Dinh dưỡng ra trường các bạn có thể làm công tác chuyên môn tại các khoa dinh dưỡng trong bệnh viện, các khoa dinh dưỡng và an toàn thực phẩm tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, các trung tâm y tế huyện hoặc các trường học với vai trò chuyên gia về dinh dưỡng. Đồng thời, nếu các em có mong muốn trở thành nhà nghiên cứu dinh dưỡng cũng có thể làm việc tại các trường đại học về khoa học sức khỏe, các viện nghiên cứu.

Ngoài ra sau tốt nghiệp, cử nhân ngành Dinh dưỡng cũng có thể làm việc tại các tổ chức về dinh dưỡng, y tế công cộng hoặc các công ty kinh doanh thực phẩm, dinh dưỡng…

“Trong những năm qua, việc tuyển sinh ngành Dinh dưỡng của Trường Đại học Y tế công cộng có một số thuận lợi bởi sự đầu tư đồng bộ vào chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và cơ sở thực hành phục vụ giảng dạy.

Vị trí việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cũng đã được khẳng định trong hệ thống các văn bản quy định của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, đồng thời cơ hội việc làm khá rộng mở trong khu vực tư nhân. Cơ hội học tập nâng cao trình độ ở các bậc học cao hơn trong nước và quốc tế cũng rất thuận lợi”, cô Hà nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho rằng: Hiện nay, cơ hội việc làm ngành Dinh dưỡng đang rộng mở, vấn đề sức khỏe con người ngày càng được quan tâm. Nhiều đơn vị đang cần tuyển dụng cử nhân ngành Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm để phụ trách các công tác chế biến, an toàn thực phẩm; đảm bảo chế độ ăn cho người bệnh… Mức lương đối với ngành Dinh dưỡng và Khoa học thực phẩm tại các đơn vị cũng khá hợp lý.

Với các kiến thức về thức dinh dưỡng, sinh viên tốt nghiệp ngành học này có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến thực phẩm, chuyên gia dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, huấn luyện thể hình,… Ngoài ra có thể đóng góp cho xã hội thông qua việc giáo dục cung cấp kiến thức về dinh dưỡng và thực phẩm, giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Tuy nhiên, theo cô Nguyệt, ngành học này thường xuyên phải đối mặt với những thách thức từ cuộc sống, từ việc nghiên cứu về thực phẩm mới đến việc giải quyết vấn đề dinh dưỡng toàn cầu. Điều đó đòi hỏi sinh viên phải không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng của bản thân.

Anh Phan Minh Đức, cựu sinh ngành Dinh dưỡng, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Sinh viên ngành Dinh dưỡng không chỉ học về dinh dưỡng cơ bản mà còn học về dinh dưỡng lâm sàng. Để học được dinh dưỡng lâm sàng, trước hết sinh viên cần nắm bắt những kiến thức cơ bản về cơ thể người sau đó đến các kiến thức nâng cao về dinh dưỡng phục vụ cho người bệnh.

Cũng theo anh Đức cơ hội việc làm của ngành này rất đa dạng theo hai hướng dinh dưỡng cộng đồng và dinh dưỡng lâm sàng/điều trị. Với dinh dưỡng cộng đồng, các bạn có thể làm những công việc liên quan đến tư vấn chế độ dinh dưỡng cho vận động viên thể hình, vận động viên các bộ môn thể thao (cách tăng cân, giảm cân, tăng cơ, giảm mỡ…). Tuy nhiên mảng này ở Việt Nam chưa được đầu tư chuyên nghiệp như nước ngoài.

Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể làm công việc liên quan đến chăm sóc sức khỏe học đường, tư vấn cá nhân, cải thiện sức khỏe, truyền thông trên các trang mạng xã hội về dinh dưỡng, trung tâm y tế, tư vấn bán các sản phẩm dinh dưỡng (sữa, thực phẩm chức năng…).

ẢNH 3.Phan Minh Đức, cựu sinh ngành Dinh dưỡng, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.jpg
Anh Phan Minh Đức, cựu sinh ngành Dinh dưỡng, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Với dinh dưỡng lâm sàng/điều trị, theo anh Đức, tốt nghiệp các bạn có thể làm việc ở các bệnh viện, phòng khám. Với hướng đi này, người làm ngành Dinh dưỡng cần tập trung cho người có bệnh lý trung bình/nặng. Ngoài ra các bạn cũng sẽ có nhiều cơ hội được làm nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, ý thức chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng của người dân đã nâng cao nên nhiều người cũng chú trọng đến chế độ dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, ngành Dinh dưỡng so với các ngành khác (điều dưỡng, bác sĩ, dược sĩ...) là ngành rất mới nên trước đây ngành này thường được các bác sĩ hoặc điều dưỡng kiêm nhiệm. Do đó, cử nhân ngành Dinh dưỡng bị cạnh tranh khá nhiều so với các ngành khác nếu làm việc ở bệnh viện.

Anh Đức cũng chỉ ra một thách thức khác với hướng làm việc ở mảng cộng đồng. Theo đó, hiện tại có nhiều cá nhân tự nhận là chuyên gia dinh dưỡng mà không được đào tạo qua trường lớp bài bản. Chính những chuyên gia tự phong này cũng làm ảnh hưởng tới những người được đào tạo chính quy.

Trong khi đó, chị Ma Ngọc Yến, cựu sinh viên ngành Dinh dưỡng Trường Đại học Y Hà Nội, hiện đang công tác tại khoa Dinh dưỡng và tiết chế – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, học ngành Dinh dưỡng, các bạn sẽ học được rất nhiều kiến thức, có cơ hội thực hành ở các cơ sở y tế như các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh/thành phố, các phòng khám dinh dưỡng và Viện dinh dưỡng Quốc gia.

IMG_3750.JPG
Chị Ma Ngọc Yến, cựu sinh viên ngành Dinh dưỡng Trường Đại học Y Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

“Khi học về dinh dưỡng, các bạn sẽ hiểu đúng về chất dinh dưỡng có trong từng loại thực phẩm. Từ đó có thể xây dựng được chế độ ăn lành mạnh trước hết là cho chính bản thân và gia đình, sau đó sẽ là mọi người xung quanh.

Đồng thời, học về dinh dưỡng cũng sẽ giúp các bạn hiểu sâu về bệnh học dinh dưỡng lâm sàng. Những kiến thức này sẽ giúp các bạn biết cách xây dựng chế độ ăn phòng chống cũng như điều trị các bệnh lý như: đái tháo đường, bệnh về gan, tăng huyết áp, hoặc nhiều bệnh mãn tính khác. Học về dinh dưỡng cũng giúp các bạn có nền tảng kiến thức vững chắc để nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.

Đặc biệt, ngành Dinh dưỡng cũng rất quan trọng trong việc chăm sóc và giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe. Nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý người bệnh sẽ dễ dàng phục hồi hơn. Tuy nhiên, để có thể phát triển trong ngành này mỗi người cần không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân”, chị Yến bày tỏ.

Lương Hiền