Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, đề xuất bổ sung nhân viên trường học là nhà giáo

19/06/2024 06:42
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhân viên trường học luôn thiệt thòi về các chế độ lương, phụ cấp (gần như không có), thời gian làm việc, nghỉ ngơi, xét thi đua, khen thưởng,…

Lực lượng nhân viên trường học gồm: Nhân viên thư viện, thiết bị, văn thư, kế toán, y tế, giáo vụ, tư vấn học đường, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng…

Họ chính là những người thầm lặng, không có nhân viên trường học thì các cơ sở giáo dục không thể hoạt động, vận hành nhưng gần như họ luôn thiệt thòi về các chế độ lương, phụ cấp (gần như không có), thời gian làm việc, xét thi đua, khen thưởng,…

Nhiều nhân viên trường học sau nhiều năm gắn bó với nghề đã bỏ việc vì thu nhập không đủ sống, áp lực nhiều. Nhiều nhân viên trường học công tác 20 năm lương chỉ nhận lương ở mức 6-7 triệu đồng mỗi tháng. Mức này là quá thấp so với mặt bằng chung.

thinghiem-3588.jpg
Ảnh minh họa: TTXVN

Nhân viên trường học hiện nay vất vả, nhiều thiệt thòi

Nhiều nhân viên làm từ sáng đến chiều tối, ngoài công việc chuyên môn mà họ đang đảm nhận, họ phải làm các công việc dọn dẹp kho, chuẩn bị đồ dùng, tổ chức các phong trào, hỗ trợ nhà trường trong hội họp, các cuộc thi,…

Là một mắt xích quan trọng trong hệ thống giáo dục, các nhân viên trường học ngoài công việc chuyên môn còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc, thế nhưng lại có mức lương thấp nhất trong bảng lương.

Về thời gian làm việc thì họ làm theo giờ hành chính, cả thời gian nhà trường nghỉ hè, họ vẫn phải việc.

Về chế độ lương, hiện nay nhiều người đã có bằng đại học nhưng vẫn hưởng lương trung cấp, nhiều nơi không tổ chức thăng hạng cho họ, khiến họ càng khó khăn hơn.

Về phụ cấp thì gần như đa số không được hưởng phụ cấp gì khác, trong khi đó họ vẫn phải tham gia các khoản đóng góp giống giáo viên.

Khi xét thi đua, khen thưởng họ thường bị thiệt thòi hơn so với giáo viên, gần như xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến sĩ thi đua cơ sở, đề nghị khen thưởng,…rất hiếm có nhân viên trường học.

Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo, đề nghị bổ sung nhân viên trường học cũng là nhà giáo

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Nhà giáo, nhân viên trường học trên cả nước đều mong muốn có thêm chính sách phù hợp dành cho họ để họ yên tâm công tác, cống hiến.

Tuy nhiên, người viết đọc toàn văn dự thảo Luật Nhà giáo, tìm không thấy nội dung quy định, chế độ, chính sách về lực lượng nhân viên trường học, lực lượng đang chịu nhiều thiệt thòi, nghỉ việc nhiều thời gian qua.

Họ là nhân viên trường học, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và các công việc liên quan giáo dục, hỗ trợ giảng dạy,… nên người viết đề xuất các cấp các ngành nghiên cứu, xem xét cho nhân viên trường học được xem là nhà giáo và hưởng quyền lợi, chế độ như nhà giáo, đó cũng là cách để tôn vinh, giữ chân họ gắn bó với nghề. Do đó tại Điều 3 dự thảo Luật Nhà giáo, người viết góp ý được bổ sung như sau:

Điều 3. Nhà giáo

1. Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và nhân viên trường học trong cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Giáo dục) và đạt chuẩn nhà giáo theo quy định.

2. Nhà giáo giảng dạy, giáo dục và nhân viên trường học trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, dự bị đại học và các cơ sở giáo dục khác; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên.

3. Nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trình độ cao đẳng trở lên và nhà giáo làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gọi là giảng viên.

Nếu nhân viên trường học là nhà giáo sẽ được hưởng quyền lợi, chế độ gì?

Nếu bổ sung nhân viên trường học là nhà giáo thì họ sẽ được ghi nhận quá công tác, cống hiến giống như nhà giáo, nhân viên trường học sẽ được những quyền lợi và chế độ trong dự thảo như sau:

Thứ nhất, xếp ngạch lương như nhà giáo

Hiện nay, nhân viên trường học được hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập nhưng được hưởng lương theo nhiều quy định của các Bộ, ngành khác nhau như nhân viên kế toán được bổ nhiệm xếp lương theo quy định của Bộ Tài chính, nhân viên thư viện được xếp lương theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; nhân viên văn thư xếp lương theo quy định của Bộ Nội vụ...khá phức tạp.

Nếu nhân viên trường học là nhà giáo thì tất cả đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, được hưởng lương theo ngạch nhà giáo, thống nhất, dễ quản lý, thuận tiện trong việc chuyển ngạch, nâng lương,…

Thứ hai, được hưởng quyền lợi và trách nhiệm như nhà giáo

Nếu nhân viên trường học là nhà giáo thì họ sẽ hưởng các chế độ, quyền lợi, trách nhiệm giống như nhà giáo như:

Một là, được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ như nhà giáo.

Nhân viên trường học là nhà giáo cũng sẽ được hưởng quyền lợi về chính sách như tại Điều 7 dự thảo Luật Nhà giáo chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo gồm một số nội dung đáng chú ý như:

Chuẩn hoá đội ngũ nhà giáo, coi trọng nâng cao đạo đức và năng lực nghề nghiệp của nhà giáo;

Có chính sách ưu đãi để nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; chính sách thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; chính sách ưu đãi đối với nhà giáo dạy ở trường chuyên biệt, nhà giáo là người dân tộc thiểu số; chính sách thu hút nhà giáo về công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu;…

Thứ hai, được hưởng phụ cấp như nhà giáo

Nếu nhân viên trường học là nhà giáo thì sẽ được hưởng phụ cấp của nhà giáo, mức phụ cấp cho Chính phủ quy định. Nếu nhân viên trường học vẫn ở ngạch nhân viên thì khó bổ nhiệm, xếp lương theo vị trí việc làm và hưởng các khoản phụ cấp.

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 7066/BGDĐT- NGCBQLGD ngày 18/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Bộ Nội Vụ về chế độ chính sách cho nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Mức 25% là mức phụ cấp ưu đãi nghề thấp nhất mà cán bộ quản lý, giáo viên đang được hưởng và đây cũng là mức phụ cấp công vụ đối với công chức đang được hưởng.

Tuy nhiên, nếu không có quy định cụ thể, rõ ràng thì kiến nghị nhân viên trường học được hưởng phụ cấp khó thành hiện thực khi mỗi nhân viên trường học được xếp lương theo quy định nhiều Bộ, ngành khác nhau.

Thứ ba, được nghỉ hàng năm như nhà giáo

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, không chỉ nhà giáo (gồm cả người đứng đầu) và cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục sẽ được nghỉ hàng năm 8 tuần, việc nghỉ thời điểm nào sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể.

Nhân viên trường học thực hiện nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ trường học, gắn với hoạt động giáo viên và học sinh nhưng khi giáo viên nghỉ hè, học sinh nghỉ hè, nhân viên trường học bắt buộc phải vào trường thực hiện nhiệm vụ là có phần thiệt thòi cho nhân viên trường học.

Thực tế, khi hè, nhân viên trường học vẫn có một số nhiệm vụ phải thực hiện nhưng không nhiều và không cần thiết phải thực hiện giờ hành chính.

Nếu nhân viên trường học được xếp ngạch nhà giáo thì họ có thể cũng sẽ được nghỉ 8 tuần giống như nhà giáo, điều đó phần nào an ủi cho những vất vả của họ trong thời gian qua.

Thứ tư, xem xét bổ nhiệm cán bộ quản lý trường học

Thực tế, đa phần nhân viên trường học đã có trình độ đại học, có đầy đủ chứng chỉ phù hợp vị trí việc làm, nhiều người làm kế toán, văn thư hàng chục năm, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng lãnh đạo, quản lý, am hiểu chương trình,… nhưng do xếp ngạch nhân viên nên họ không có cơ hội thăng tiến, khiến họ cũng nản lòng.

Nếu họ được bổ nhiệm ngạch như nhà giáo, nếu có năng lực lãnh đạo, quản lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức,…thì có thể quy hoạch cán bộ quản lý trường học, chỉ cần bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm và chứng chỉ quản lý giáo dục là họ hoàn toàn có thể đề bạt, bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng,…

Hoặc trong Luật Nhà giáo nên có 1 chương riêng quy định về chế độ làm việc, quyền lợi, trách nhiệm của nhân viên trường học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên