Thay vì phải làm 4 bài thi (với kiến thức 6 môn học như hiện nay, bao gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội), từ năm 2025, thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chỉ thi 4 môn.
Trong đó, có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn do học sinh lựa chọn trong số các môn học còn lại, gồm Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Toàn bộ nội dung chương trình học và thi cử được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đề thi tốt nghiệp, đảm bảo cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Tại cuộc họp báo sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 (ngày 28/6), Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ tham mưu với Ban cán sự Đảng của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu xem xét tăng tỷ lệ xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp, trong đó vẫn đảm bảo hài hòa với quyền tự chủ của các trường đại học.
Trước thông tin trên, nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều tới công tác tuyển sinh của nhà trường.
Kỳ vọng đề thi có tính chính xác và độ phân hóa cao
Hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều thực hiện đa dạng các phương thức tuyển sinh và giảm tỉ trọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, riêng các trường đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe vẫn duy trì hình thức tuyển sinh chủ yếu bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (với khoảng trên 90% chỉ tiêu tuyển sinh).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) cho hay, tỉ trọng xét tuyển đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp rất cao - đây là một đặc thù lâu nay của khối ngành khoa học sức khỏe.
Đối với Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), trừ chỉ tiêu xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (tỉ trọng không quá 10% so với chỉ tiêu mỗi ngành), nhà trường dành toàn bộ chỉ tiêu còn lại cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, với 2 phương thức xét tuyển:
Thứ nhất, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Thứ hai, xét tuyển dựa trên điểm thi trung học phổ thông kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học).
Với định hướng khuyến khích các trường sử dụng điểm thi tốt nghiệp để tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy bày tỏ, thực tế Bộ cũng đã có những bước đi chuẩn bị nhất định để có căn cứ đưa ra đề xuất này.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng bước tăng cường sự tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời có sự chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025. Bên cạnh đó, theo đánh giá của một số địa phương đã triển khai thử nghiệm theo cấu trúc định dạng đề thi năm 2025, cho thấy đề thi có độ phân hoá và độ khó cao hơn. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo, để có cơ sở chắc chắn cho các trường xem xét điều chỉnh phương án tổ chức tuyển sinh từ năm 2025 thì vẫn cần phải dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp năm nay (dự kiến công bố kết quả thi vào ngày 17/7 tới đây).
“Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đổi mới kỳ thi tốt nghiệp theo hướng giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đảm bảo tính công bằng, khách quan. Đây cũng chính là mong muốn của các cơ sở giáo dục, đó là đảm bảo công bằng, chính xác, không quá tốn kém và thuận tiện trong quá trình triển khai trong tuyển sinh đầu vào. Do đó dựa trên kết quả thi năm nay các trường sẽ có cơ sở tốt hơn để có xem xét điều chỉnh một cách phù hợp cho sang năm”, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) nêu ý kiến.
Chia sẻ kỳ vọng về đề thi tốt nghiệp từ năm 2025, Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy mong muốn đề thi cần đảm bảo 2 yếu tố, đó là tính chính xác và độ phân hóa cao.
“Kỳ thi tốt nghiệp áp dụng cho số lượng thí sinh rất lớn (khoảng hơn 1 triệu thí sinh toàn quốc), trong khi đó yêu cầu đầu vào với một số số khối ngành, đặc biệt khối ngành khoa học sức khỏe tương đối cao. Vì vậy, đề thi cần đảm bảo được độ phân hóa, có khả năng phân loại được các nhóm thí sinh có năng lực tốt, khá, trung bình khá,... để giúp các trường tuyển sinh được đúng đối tượng”, vị Hiệu trưởng chia sẻ.
Kỳ thi chung đề, chung đợt, đảm bảo sự công bằng, khách quan
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, về mặt quy định, tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường. Tuy nhiên, thực trạng chung hiện nay là có quá nhiều phương thức xét tuyển, trong đó có nhiều phương thức không hiệu quả. Do vậy, việc định hướng các trường tập trung vào các phương thức chính, trong đó có phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp là phù hợp, đồng thời tạo được sự công bằng cho các thí sinh.
Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh hiện dành khoảng 50% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm (xét học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và khoảng 50% chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân phân tích, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, các trường đại học có quyền được tự chủ trong tuyển sinh. Trong khi đó, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trong những năm gần đây vẫn còn không ít các ý kiến khác nhau. Do vậy, cùng với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong tuyển sinh, các trường buộc phải đa dạng phương thức xét tuyển để tuyển đủ chỉ tiêu.
Dù vậy, với định hướng khuyến khích sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân vẫn bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ cao. Bởi nhìn chung, kỳ thi tốt nghiệp vẫn là một kỳ thi được được phần lớn dư luận xã hội đánh giá tốt. Kỳ thi được tổ chức với phạm vi trên toàn quốc, chung đề, chung đợt, đảm bảo sự công bằng, khách quan.
“Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh có chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khá lớn (khoảng 8000 chỉ tiêu), do đó việc có một kỳ thi chung, đảm bảo độ tin cậy để lấy làm cơ sở dữ liệu tuyển sinh đầu vào là vô cùng thuận lợi. Việc này cũng giúp thí sinh giảm bớt tốn kém, áp lực khi không phải tham gia quá nhiều kỳ thi”, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết nhà trường vẫn duy trì việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, để phù hợp với mục tiêu đào tạo, cũng như tăng tính công bằng, khách quan, nhà trường tổ chức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp với các yếu tố khác như điểm học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, các hoạt động xã hội của thí sinh, phỏng vấn,...
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 có mục đích đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; đồng thời, cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng: “Về luật, các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển sinh theo hình thức và phương thức của mình như kiểm tra đánh giá năng lực, có thể tổ chức các kỳ thi riêng, nhưng nếu cân nhắc trên nhiều phương diện thì đây (kết quả thi tốt nghiệp - PV) là một trong những nguồn có thể lấy kết quả chính, không những giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh mà chính các trường cũng không phải huy động lực lượng, nhân lực, vật tư để lo công tác tuyển sinh này”.