Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3: Nhà giáo vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên

09/08/2024 06:46
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu được luật hóa và được các cấp có thẩm quyền thông qua, nhà giáo sẽ được giữ lại phụ cấp thâm niên, ghi nhận sự cống hiến của nhà giáo cả nước.

Vấn đề nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên được cán bộ quản lý, nhà giáo cả nước đặc biệt quan tâm, nhiều ý kiến nêu rằng nên giữ phụ cấp thâm niên để ghi nhận thời gian giảng dạy, cống hiến nhằm giúp giáo viên có động lực gắn bó lâu dài với nghề.

Trước đây, theo dự kiến của các cấp có thẩm quyền từ ngày 01/7/2024, sẽ thực hiện lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27-NQ/TW, khi đó sẽ gộp, bãi bỏ nhiều loại phụ cấp, trong đó sẽ bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo, khi đó nhiều người, nhất là những giáo viên công tác lâu năm băn khoăn.

gdvn-Lã Tiến.jpg
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Dự kiến năm 2026, sẽ tiếp tục thực hiện lương theo vị trí việc làm

Bộ Chính trị có ban hành Kết luận 83-KL/TW năm 2024. Trong đó, có đưa ra các nội dung liên quan việc thực hiện bảng lương mới theo Nghị quyết 27 như sau:

Việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện; đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng thời, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.

Như vậy, việc thực hiện 5 bảng lương mới và 9 chế độ phụ cấp mới với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ chưa thực hiện.

Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3, nhà giáo sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên

Tại khoản 1, 2 Điều 40 dự thảo Luật Nhà giáo lần 2 trước đây, dự kiến về Chính sách tiền lương đối với nhà giáo như sau:

1. Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).

2. Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Dự thảo này quy định khá chung chung chưa làm rõ chi tiết mức lương và phụ cấp nhà giáo.

Tại dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất (lần 3) đã quy định rõ hơn về chế độ cho nhà giáo.

Tại Điều 43. Tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo

1. Nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được hưởng lương và phụ cấp như sau:

a) Lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;

b) Phụ cấp thâm niên;

c) Phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề;

d) Phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, tại dự thảo mới nhất, đã dự kiến nhà giáo vẫn được hưởng lương theo bảng lương được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các khoản phụ cấp khác.

Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng được đưa vào trong dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất là nhà giáo sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên.

Đây có thể là một tin rất vui với những nhà giáo cả nước, nếu được luật hóa và được các cấp có thẩm quyền thông qua, nhà giáo sẽ được giữ lại phụ cấp này, ghi nhận thời gian công tác, cống hiến của nhà giáo cả nước.

Bên cạnh đó tại dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất, nhà giáo còn được hưởng các chính sách hỗ trợ theo dự kiến tại Điều 44. Chính sách hỗ trợ nhà giáo

1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.

2. Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà ở, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.

3. Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ nhà giáo.

4. Khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách đặc thù hỗ trợ nhà giáo.

Nếu thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và nhà giáo sẽ vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên sẽ thực hiện được mục tiêu lương nhà giáo ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp trong thời gian sắp tới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Tuy nhiên, khi thực hiện lương nhà giáo, mong các cấp có thẩm quyền nghiên cứu sớm trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, giảm chênh lệch giữa nhà giáo lâu năm và nhà giáo mới nhận công tác hay nhà giáo làm việc hiệu quả và chưa hiệu quả, để kích thích nhà giáo có động lực phấn đấu, cố gắng làm việc hiệu quả, chất lượng.

Tài liệu tham khảo:

Tham khảo dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 TẠI ĐÂY

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam