Lương GV được ưu tiên xếp cao nhất, mong thầy cô sẽ sớm sống được bằng lương

12/11/2023 06:23
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất. Giáo viên sẽ sống được bằng lương, không phải làm nhiều việc tay trái, toàn tâm cống hiến cho ngành.

Câu chuyện cả nước thiếu hàng trăm nghìn giáo viên, nhiều giáo viên, nhân viên trường học bỏ việc là một câu chuyện đáng buồn trong ngành giáo dục thời gian qua.

Trong nhiều nguyên nhân, điều được nhắc đến đầu tiên chính là thu nhập giáo viên còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống, chưa tương xứng với nghề.

Hàng triệu giáo viên đã rất vui mừng và đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào việc cải cách tiền lương từ 01/7/2024 sẽ giải quyết được bài toán thu nhập đủ sống với nghề và không còn tình trạng giáo viên bỏ việc cũng như giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên để thực hiện thành công chương trình mới đang ở giai đoạn nước rút.

Giáo viên kỳ vọng lớn vào đợt cải cách tiền lương từ 01/7/2024 - Ảnh minh họa Giaoduc.net.vn

Giáo viên kỳ vọng lớn vào đợt cải cách tiền lương từ 01/7/2024 - Ảnh minh họa Giaoduc.net.vn

Quốc hội đã thông qua cải cách tiền lương từ 01/7/2024

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,33%).

Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết quyết nghị, từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở. [1]

Nghị quyết 27/NQ-TW cải cách tiền lương dự kiến thực hiện từ năm 2021 nhưng do nhiều yếu tố khách quan trong đó có dịch Covid nên chưa thể thực hiện, sau khi Quốc hội thông qua việc cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ 01/7/2024 cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong đó có sự nỗ lực vượt bậc của Chính phủ trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức.

Lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương

Giáo viên không chỉ vui mừng vì sẽ cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW từ 01/7/2024 mà còn kỳ vọng sẽ được ưu tiên xếp lương cao nhất trong đơn vị hành chính sự nghiệp công lập.

Bởi, theo Nghị quyết số 29-NQ/TW (về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế) có nêu: "lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về lương nhà giáo cho thấy sắp tới sẽ có những cải cách thiết thực, cụ thể và lương giáo viên sẽ thay đổi theo đúng tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, lương giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang, bảng lương dành cho đơn vị hành chính sự nghiệp.

Cụ thể, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, 8h00 sáng 01/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định tiền lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đồng thời, đại biểu đề nghị phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay. [2]

Và, quan trọng nhất người đứng đầu ngành Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có những phát biểu về lương giáo viên khiến hàng triệu giáo viên ấm lòng, phấn khởi.

Sáng 7/11, Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ nhóm vấn đề nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhận được nhiều câu hỏi nhất, chủ yếu về lương giáo viên.

Về chủ trương của Đảng xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối sự nghiệp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phân tích, thu nhập nhà giáo hiện nay gồm lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp. Lương nhà giáo đã cải thiện hơn trước nhưng so với tính chất đặc thù nghề nghiệp thì "vẫn còn thấp".

"Thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất", bà Trà cho hay. [3]

Như vậy, theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW.

Bên cạnh đó, cũng kỳ vọng lớn vào sự thay đổi lương, thu nhập của đội ngũ nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, gắn bó với nghề.

Dù còn nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước nhưng với phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc tăng lương cho giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất dù chưa thể giải quyết mọi vấn đề nhưng sẽ giúp giáo viên vững tâm ở lại với nghề, giúp nhà giáo tăng vị thế, giúp người giỏi có thêm động lực chọn ngành sư phạm và cũng sẽ hạn chế tình trạng giáo viên “cày” dạy thêm quá nhiều, o ép học sinh học thêm như hiện nay, giáo viên sẽ sống được bằng lương, không phải làm nhiều việc tay trái, toàn tâm cống hiến cho ngành.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quoc-hoi-quyet-nghi-thuc-hien-cai-cach-tien-luong-dieu-chinh-luong-huu-bai-bo-tat-ca-cac-co-che-thu-nhap-dac-thu-119231110113634264.htm

[2] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/can-quy-dinh-tien-luong-cua-giao-vien-o-muc-cao-nhat-trong-he-thong-thang-bac-luong-hanh-chinh-su-nghiep-119231101085045464.htm

[3] https://vnexpress.net/bo-truong-noi-vu-uu-tien-luong-nha-giao-cao-nhat-thang-bang-luong-4673788-tong-thuat.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam