Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, tính tới 4/2024, cả nước vẫn thiếu hơn 113.000 giáo viên ở các cấp học. Dự báo đến năm học 2024-2025, cấp tiểu học còn thiếu 6.621 giáo viên Tin học và 5.780 giáo viên Ngoại ngữ. Ở cấp trung học cơ sở, môn Công nghệ thiếu 11.598 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên thiếu 2.366 giáo viên, môn Nghệ thuật thiếu 4.321 giáo viên.
Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với một số địa phương để tìm hiểu về tình hình tuyển dụng giáo viên năm học 2024-2025. Rất nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Lai Châu, Bình Định… phản ánh tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở tất cả các cấp học.
Mặc dù tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở tất cả các cấp học nhưng không ít cử nhân sư phạm vẫn rơi vào tình trạng chật vật tìm kiếm việc làm hoặc phải làm trái ngành chờ cơ hội.
Chật vật thi viên chức mãi không đỗ, làm trái ngành để chờ cơ hội
Dù đã trải qua 2 lần nộp hồ sơ thi viên chức giáo viên, chị Nguyễn Thị Mai (tên nhân vật đã được thay đổi) - cựu sinh viên ngành Sư phạm Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vẫn không nhận được kết quả bản thân mong muốn.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, chị Mai cho hay: “Lần đầu tiên, tôi nộp hồ sơ đầy đủ nhưng do thiếu thông tin về thời hạn đóng lệ phí nên đã bỏ lỡ cơ hội. Lần thứ hai, tôi thi ở quận Bắc Từ Liêm, kỳ thi này có hai vòng, bao gồm tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành. Phòng tôi thi năm đó chọn 2 người trong số 40 người dự thi. Mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng số lượng chỉ tiêu quá ít trong khi số người dự thi lại rất đông khiến tỷ lệ cạnh tranh cực kỳ gay gắt”, chị Mai chia sẻ.
Theo chị Mai, vì quá yêu nghề giáo nên bản thân chị vẫn quyết định theo đuổi nghề đến cùng dù gặp nhiều chông gai và đứng giữa áp lực về việc làm trong thời điểm chờ đợt thi tuyển viên chức.
“Rất may mắn là nhà tôi ở Đông Anh, Hà Nội nên tôi vẫn sống cùng gia đình và không phải chi trả các chi phí như phòng trọ, điện nước, dịch vụ, ăn uống và chi phí phát sinh khác. Do đó, tôi vẫn chấp nhận dạy hợp đồng cho một trường trung học cơ sở với mức lương vỏn vẹn 35.000 đồng/45 phút tương đương với 1 tiết học.
Làm giáo viên hợp đồng bị thiệt thòi không chỉ về lương mà còn về chế độ đãi ngộ. Đơn giản như làm bao nhiêu tiết học thì nhận về bấy nhiêu. Ngoài ra, giáo viên dạy hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội, nghỉ hè không lương, có thể bị chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào sau khi trường đủ giáo viên. Thông thường giáo viên hợp đồng dạy thay vị trí của giáo viên cơ hữu đang trong quá trình nghỉ thai sản hoặc mới nghỉ hưu nhưng chưa tuyển được viên chức", chị Mai tâm sự.
Sau khoảng 5 năm vật lộn với công việc dạy hợp đồng và dạy thêm ở trung tâm, hiện mỗi tháng, chị Mai nhận khoảng hơn 4 triệu đồng cho cả hai nơi dạy. Với mức thu nhập này, nếu không nhận được sự hỗ trợ kinh tế từ phía gia đình, chị Mai cho rằng, khó cử nhân nào mới ra trường bám trụ lại với nghề giáo được vì lương thấp.
“Công việc dạy học đòi hỏi sự yêu nghề, yêu học sinh của các thầy cô. Ngoài thời gian dạy trên lớp, tôi còn phải soạn giáo án, chuẩn bị cho buổi học ngày hôm sau, chưa kể nhiều thầy cô làm chủ nhiệm lớp còn phải chăm lo đến cả tình hình hoạt động của lớp, nắm bắt được lực học của từng em, các khoản chi tiết quỹ lớp… rất vất vả.
Trong khi đó, một người học xong trung học phổ thông đi làm công nhân có thể nhận mức lương và chế độ tốt hơn giáo viên hợp đồng. Công nhân sau khi kết thúc giờ làm thì công việc đã hoàn thành, không áp lực như làm giáo viên", chị Mai tâm sự.
Tuy nhiên, chị Mai vẫn quyết tâm thi viên chức cho đến khi đỗ.
“Tôi vẫn thường xuyên theo dõi lịch thi viên chức đăng công khai ở các trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, dù có phải thi thêm bao nhiêu lần, tôi vẫn không hối hận vì đã theo đuổi nghề này”, chị Mai bày tỏ nguyện vọng.
Trong khi đó, Phạm Sinh Côn (sinh năm 2002, quê ở Nam Định) vừa hoàn thành 4 năm học ngành Sư phạm Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Côn vô cùng lo lắng vì để tìm được công việc đúng chuyên ngành khi vừa ra trường là điều không hề đơn giản. Hiện Côn đang nhận dạy gia sư cho một bạn học sinh lớp 9 và làm công việc hành chính nhân sự cho một công ty tư nhân để trang trải cuộc sống, chờ cơ hội theo nghề.
Côn cho biết, hiện bản thân anh chi tiêu hết gần 7 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm chi phí thuê phòng trọ, điện, nước (2 triệu đồng), chi phí ăn uống (3 triệu đồng), chi phí mua sắm đồ (1 triệu đồng), chi phí xăng xe đi lại khoảng 500 nghìn đồng, chưa kể chi phí mừng đám cưới (nếu có).
“Tôi nghĩ rằng đây là mức chi tiêu trung bình của các bạn cử nhân mới ra trường. Nếu để so sánh với mức lương giáo viên cơ bản thì không đủ chi trả chi phí đắt đỏ ở Thủ đô. Đó cũng là một trong những rào cản lớn nhất khiến cử nhân sư phạm đắn đo có nên tiếp tục theo đuổi hay dừng lại để chuyển sang một công việc khác có mức thu nhập ổn định hơn”, Côn tâm sự.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Côn cho biết, bản thân sẽ không về quê thi viên chức giáo viên vì dù thiếu giáo viên, việc thi viên chức chưa bao giờ dễ dàng, số lượng chỉ tiêu ở các trường rất ít.
"Đó là lý đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa tìm được công việc như mong muốn và vẫn đang trau dồi bản thân để chờ đợi cơ hội tiếp theo. Nhu cầu tuyển dụng giáo viên dạy môn Hóa học ngày càng giảm do số lượng học sinh phổ thông chọn môn này giảm. Điều này đã dẫn đến chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm Hóa học giảm mạnh. Chính vì thế, cơ hội tìm kiếm việc làm của người học sau tốt nghiệp cũng khó khăn hơn. Bên cạnh đó mức lương chưa cao cũng khiến nhiều bạn trẻ khó trụ lại với nghề”, Côn bày tỏ.
Cũng theo cựu sinh viên ngành Sư phạm Hóa học, một số người bạn của anh đã tìm được công việc ổn định tại các trường học, phần lớn là trường tư, trong khi một số khác phải làm thêm hoặc chuyển sang ngành khác để trang trải chi phí hàng tháng ở Thủ đô.
Trong khi đó, anh Phạm Văn Đại (sinh năm 1997, quê Bắc Giang) tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ: “Tôi trân trọng và ngưỡng mộ những bạn sinh viên có thể làm giáo viên sau khi tốt nghiệp vì họ phải thực sự yêu nghề mới có thể tận tuỵ và theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên, với bản thân tôi, công việc này không đủ giúp tôi trang trải cuộc sống xa nhà nên nó cũng là một rào cản khá lớn trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ”, Đại tâm sự.
Mặc dù không gắn bó với nghề giáo nhưng Đại cho biết bản thân chưa từng hối hận khi quyết định học ngành Sư phạm Sinh học. Bởi môi trường học tập đã giúp bản thân anh phát triển nhiều kỹ năng mềm cần thiết phục vụ cho công việc sau này.
“Những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm từ hoạt động công tác xã hội trong suốt thời gian học đại học đã tạo nền tảng vững chắc cho hành trình sau này của tôi. Các bạn sinh viên sư phạm nên trau dồi bản thân ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường để dần thích nghi với yêu cầu của thị trường, dù các bạn có muốn theo nghề giáo hay không”, cựu sinh viên ngành sư phạm nhắn nhủ.
Cần quy hoạch tổng thể và có chiến lược phát triển giáo dục rõ ràng
Ông Nguyễn Thế Lâm - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định cho biết, tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn chủ yếu nằm ở cấp mầm non.
Theo ông Lâm, trong số giáo viên nghỉ việc những năm gần đây trên địa bàn Thành phố Nam Định thì giáo viên mầm non chiếm tỷ lệ cao nhất. Nghề giáo viên mầm non ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập thấp nhất trong các cấp học, trong khi giáo viên chịu áp lực cao nhất, thời gian làm việc dài.
“Nhìn vào thực tế, chúng ta có thể thấy công nhân làm việc tại các tỉnh có khu công nghiệp lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh… cũng có mức thu nhập cao hơn. Đó là thực trạng khiến giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều”, ông Lâm nhận định.
Bên cạnh đó, ở các cấp học khác tình trạng thừa thiếu giáo viên vẫn còn xuất hiện. Nhiều môn học mới, môn học tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông mới thiếu giáo viên. Trong khi đó, có những môn lại thừa giáo viên.
Theo ông Lâm, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa giáo viên ở một số bộ môn và thiếu giáo viên ở các bộ môn khác là do quy hoạch và phân bổ nguồn lực giáo dục chưa hợp lý. Ở nhiều vùng nông thôn và miền núi, số lượng học sinh không ổn định dẫn đến khó khăn trong việc tính toán số lượng giáo viên cần thiết. Ngược lại, tại các thành phố lớn, số lượng học sinh tăng cao nhưng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng kịp thời.
Ông Lâm chỉ ra rằng, tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp phần lớn là do sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu thị trường lao động trong ngành giáo dục. Các trường đại học và cao đẳng sư phạm chưa kịp thích nghi với sự thay đổi này, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đào tạo và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
“Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng cần có quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển ngành giáo dục rõ ràng, đặc biệt là trong việc phân bổ nguồn lực và đào tạo giáo viên. Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích giáo viên đến làm việc tại các vùng khó khăn và nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường sư phạm để sinh viên ra trường có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động”, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Nam Định nhận định.
Trong khi đó, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết trên địa bàn tỉnh đã kiểm soát ổn định tình hình thiếu giáo viên. Tỉnh Bắc Giang đã thực hiện các chính sách tuyên truyền, vận động học sinh theo học sư phạm và nâng cao trình độ cho giáo viên đã công tác.
Ông Sơn cho biết, trong kỳ thi tuyển dụng viên chức gần đây, số lượng người dự thi nhiều hơn số chỉ tiêu biên chế đặt ra, cho thấy sự hấp dẫn của ngành giáo dục tại Bắc Giang. Tuy nhiên, số người nộp hồ sơ thi công chức càng đông thì tỷ lệ chọi càng cao và không phải bất cứ ai cũng có thể trúng tuyển. Đó cũng là một trong những nguyên do khiến không ít sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm đúng ngành.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã triển khai chính sách đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở các vùng xa trung tâm, đảm bảo không gặp khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên cho các vùng khó khăn. Ông Sơn nhấn mạnh, việc duy trì sự cân đối giữa số lượng giáo viên và nhu cầu thực tế là một bài toán không dễ dàng, đòi hỏi sự đồng bộ trong quy hoạch nguồn nhân lực giáo dục.
“Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các chính sách hiện tại và sẵn sàng tiếp thu ý kiến từ các cơ quan Trung ương để triển khai những giải pháp tốt nhất cho giáo dục địa phương”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang bày tỏ.