Lai Châu thiếu 751 GV, huyện cần nhưng không tuyển vì có kế hoạch giảm biên chế

21/08/2024 06:33
Lương Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều giáo viên chuyển công tác, đổi công việc, nghỉ hưu trong khi thiếu nguồn tuyển là nguyên nhân khiến tỉnh Lai Châu thiếu giáo viên.

Để chuẩn bị tốt cho năm học 2024 - 2025, tỉnh Lai Châu đang khẩn trương tuyển dụng giáo viên để kịp thời bổ sung theo đúng kế hoạch và chỉ tiêu đã được giao.

Tỉnh Lai Châu thiếu 751 giáo viên so với biên chế được giao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, giáo viên xin nghỉ việc đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương thời gian qua, trong đó có tỉnh Lai Châu.

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh thiếu 751 giáo viên so với biên chế được giao. Cụ thể, mầm non thiếu 144 giáo viên, tiểu học thiếu 109 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 430 giáo viên, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên thiếu 68 giáo viên.

Theo bà Nga, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện rà soát, sắp xếp xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức theo phân cấp. Cụ thể, tổng chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên năm nay là 535 người. Trong đó, mầm non là 85 giáo viên, tiểu học là 65 giáo viên, trung học cơ sở là 317 giáo viên, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên là 68 giáo viên.

z5742005252161_b1b0f069a2e917f9faec17a5d1ac0b78.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu)

Chia sẻ về tình hình tuyển dụng giáo viên tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, ông Đoàn Văn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cho biết, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên đã có tờ trình số 674/TTr-PGD&ĐT ngày 30/7/2024 về việc đề nghị tuyển dụng giáo viên năm 2024 gửi ủy ban nhân dân huyện và phòng nội vụ.

Cụ thể, phòng giáo dục và đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân Huyện tuyển dụng 7 giáo viên Tiếng Anh (5 giáo tiểu học, 2 giáo viên trung học cơ sở). Ông Đạt cũng cho biết thêm việc tuyển dụng giáo viên khó khăn vì bộ môn Tiếng Anh không có nguồn tuyển (năm 2023 phòng đã đề nghị tuyển 7 giáo viên Tiếng Anh nhưng chỉ có 1 người đăng ký).

Tình trạng thừa thiếu giáo viên ở huyện Than Uyên diễn ra tại mọi cấp học. Hiện tại, mầm non so với định mức quy định thiếu 15 giáo viên, tuy nhiên các đơn vị vẫn đảm bảo 2 giáo viên/lớp.

Cấp tiểu học thừa thiếu giáo viên cục bộ, so với định mức thiếu giáo viên chuyên (17 giáo viên Tiếng Anh, 13 giáo viên Tin học), thừa 68 giáo viên dạy văn hóa.

Cấp trung học cơ sở: so với biên chế được giao thiếu 26 giáo viên và so với định mức quy định thiếu 62 giáo viên.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Hà Thị Thanh Mai, Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu thông tin, hiện toàn huyện còn thiếu 124 biên chế giáo viên (mầm non: 40 biên chế; tiểu học: 21 biên chế; trung học cơ sở: 63 biên chế).

Tuy nhiên, theo kế hoạch tuyển dụng viên chức năm học 2024 - 2025, huyện chỉ tuyển 75 chỉ tiêu viên chức cho ngành giáo dục. Trong đó có 71 chỉ tiêu giáo viên và 4 chỉ tiêu nhân viên kế toán.

Bà Hà Thị Thanh Mai, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nậm Nhùn. (Ảnh: NVCC)
Bà Hà Thị Thanh Mai, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nậm Nhùn. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo bà Mai, một số vị trí giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc - Mĩ thuật, Toán khó tuyển dụng. Số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển ít, có vị trí không có hồ sơ dự tuyển. Trong đó, cấp trung học cơ sở hiện nay thiếu nhiều giáo viên nhất.

Thiếu giáo viên nhưng vẫn giảm biên chế

Trưởng phòng tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu lý giải nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên là do giáo viên chuyển vùng, chuyển công tác về các địa phương miền xuôi có nhiều điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn ở Lai Châu. Ngoài ra, một số giáo viên nghỉ việc do có khả năng chuyển đổi công việc khác phù hợp hơn với điều kiện của bản thân.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cho biết, mặc dù nhiều môn học còn thiếu giáo viên nhưng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên không đề nghị tuyển thêm do kế hoạch giảm biên chế.

Cụ thể, theo Kế hoạch số 175-KH/HU ngày 27/01/2023 của Ủy ban nhân dân huyện Than Uyên về việc quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động giai đoạn 2022-2026, năm 2025 ngành giáo dục huyện giảm 33 biên chế. Năm 2026 ngành giáo dục huyện tiếp tục giảm 35 biên chế. Như vậy biên chế còn trống ở huyện tính đến 01/01/2025 là 11 biên chế.

Chia sẻ về nguyên nhân của tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở địa phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cho biết:

Đối với tình trạng thừa giáo viên (giáo viên văn hóa tiểu học): Do quan điểm chỉ đạo những năm trước ở địa phương là mở lớp đến tận thôn bản nên quy mô lớp tăng, cần tuyển giáo viên đảm bảo công tác giảng dạy.

Tuy nhiên những năm gần đây quan điểm chỉ đạo của địa phương là dồn dịch điểm trường, đưa học sinh về trung tâm học và ở bán trú (nếu đủ điều kiện), nâng cao tỷ lệ học sinh/lớp nên số lớp hằng năm giảm dẫn đến tình trạng thừa giáo viên (năm 2024 giảm 88 lớp so với năm 2015, tương đương 132 giáo viên phải giảm theo để không thừa giáo viên).

Đối với tình trạng thiếu giáo viên cấp trung học cơ sở: Từ năm 2015 đến nay địa phương tuyển dụng được 18 giáo viên, nhưng cũng có nhiều giáo viên xin thôi việc (từ 2015 đến nay: 19 giáo viên), chuyển vùng (từ 2015 đến nay: 64 giáo viên), nghỉ hưu (từ 2015 đến nay: 21 giáo viên)

Cũng theo ông Đạt, nguyên nhân giáo viên thôi việc ở các cấp học do thu nhập từ lương không đáp ứng đủ nhu cầu cuộc sống. Một số giáo viên có nguyện vọng chuyển về quê nên đăng ký tuyển dụng ở địa phương, sau khi đỗ sẽ xin thôi việc.

z5741993106424_9b679ad2bd2f790213b05399414c3aff.jpg
Ông Đoàn Văn Đạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. ( Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, bà Hà Thị Thanh Mai cho biết: “Nậm Nhùn là huyện khó khăn nên việc thu hút nguồn nhân lực về địa phương công tác là một vấn đề nan giải, nhất là giáo viên các tỉnh khác. Người tham gia dự tuyển chủ yếu là con em trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Từ năm 2023 đến nay, có trên 10 viên chức ngành giáo dục xin thôi việc. Nguyên nhân nghỉ việc do lương thấp, đời sống vật chất, tinh thần gặp nhiều khó khăn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên một số giáo viên không còn tha thiết với nghề”, bà Mai thông tin.

Một số giải pháp giải quyết vấn đề thiếu giáo viên

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương đã và đang thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo tinh thần nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, tuyển dụng, hợp đồng đào tạo đủ số lượng giáo viên thiếu so với số giáo viên được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non và giáo viên các môn học mới để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 như giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Thứ ba, tiếp tục tổ chức linh hoạt các phương án dạy học, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên gắn với tinh giản biên chế.

Thứ tư, phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND ngày 17/4/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu. Đồng thời, cử học sinh đi học các ngành đào tạo giáo viên theo quy định tại Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ.

Chia sẻ về chính sách thu hút đội ngũ nhà giáo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nga cho biết, trong những năm qua, việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới luôn được tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Nghị quyết của tỉnh về chính sách thu hút nguồn nhân lực và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho những môn học còn thiếu theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngày 13/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND về việc ban hành quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách đãi ngộ đối với viên chức ngành y tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhằm thu hút người có trình độ đại học sư phạm hệ chính quy chuyên ngành Tiếng Anh, Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học và chính sách sinh viên tốt nghiệp xuất sắc đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

IMG_3341_1719390472018.jpg
Học sinh Trường Trung học phổ thông Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu)

Trong khi đó, ông Đoàn Văn Đạt cho cho rằng để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên đã đề nghị tuyển dụng bổ sung giáo viên Tiếng Anh; tiếp tục sử dụng những giáo viên văn hóa tiểu học đã được bồi dưỡng Tiếng Anh, Tin học để thực hiện giảng dạy môn Ngoại ngữ, Tin học; tham mưu giao bổ sung nhiệm vụ cho giáo viên Tiếng Anh hiện có đến dạy ở những trường chưa có giáo viên Tiếng Anh.

Đối với tình trạng thừa giáo viên văn hóa tiểu học, huyện Than Uyên đã phân công giáo viên dôi dư tham gia dạy các lớp xóa mù chữ. Hiện huyện Than Uyên đang thực hiện mở 29 lớp xóa mù chữ, dự kiến đến năm 2025 là 30 lớp.

Cùng bàn về vấn đề này, bà Hà Thị Thanh Mai cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, ngành giáo dục huyện Nậm Nhùn đã và đang tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên; hằng năm thực hiện rà soát vị trí việc làm, xây dựng kế hoạch năm học, từ đó có phương án sắp xếp đội ngũ giáo viên các đơn vị trường; tổ chức tuyển dụng giáo viên đảm bảo quy định.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước, triển khai thực hiện hiệu quả hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 13/7/2023 của hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh..

Lương Hiền