Rất cần một Nghị quyết riêng về GDĐH để dẫn dắt tự chủ được thực chất, hiệu quả

07/09/2024 06:24
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Tự chủ giáo dục đại học đòi hỏi mỗi cơ sở giáo dục phải thích nghi và liên tục có chiến lược phát triển phù hợp để đảm bảo cơ chế vận hành.

Tự chủ đại học được ví như một cuộc cách mạng đối với giáo dục đại học. Đến nay, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức của xã hội lẫn công tác tổ chức thực hiện.

Những giá trị mà tự chủ mang lại là sức mạnh giúp các cơ sở giáo dục đại học nước ta phát huy nội lực và khả năng sáng tạo mạnh mẽ, tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Song, tự chủ đại học hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Cơ chế mở so với giáo dục truyền thống

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, cơ chế tự chủ đại học là cơ chế giúp các trường tự chủ phát triển trên nhiều phương diện, đây là cơ chế mở so với giáo dục truyền thống.

Cơ chế tự chủ giúp các trường tự chủ mở rộng quy mô đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực và đặc biệt ở cơ chế tự chủ đòi hỏi cơ sở giáo dục phải đảm bảo vận hành, các đơn vị liên quan tự chịu trách nhiệm trong việc đề xuất đầu tư trang thiết bị, lựa chọn nâng cấp, đầu tư có chọn lọc, trọng tâm và có trách nhiệm trong công tác bảo quản cơ sở vật chất.

Đồng thời cơ chế tự chủ giúp mở rộng cơ chế khoán chi một số hoạt động cho các đơn vị đào tạo, dịch vụ trong trường từ đó thành lập các mô hình hoạt động tự chủ (công ty, đơn vị tự chủ thuộc trường) nâng cao chất lượng dịch vụ tại trường, gắn liền công tác giáo dục tại cơ sở với dịch vụ đối với người học.

Ngoài ra, cơ chế tự chủ giúp nhà trường thực hiện đề án trả lương theo vị trí việc làm, trả lương theo công việc, nhiệm vụ được giao từ đó nâng cao năng suất làm việc, phát huy tối đa tinh thần làm việc, học tập và tự chủ sáng tạo.

Đặc biệt, với cơ chế tự chủ, nhà trường có thể chủ động cân đối thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người học như hỗ trợ học bổng khuyến học, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp,… nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất với người học khi tham gia học tập, nghiên cứu và phát huy tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức cho biết, có thể nói rằng trong ba trụ cột chính của tự chủ đại học là tự chủ chuyên môn học thuật, tự chủ tổ chức nhân sự và tự chủ tài chính thì tự chủ chuyên môn học thuật đã gặt hái được nhiều thành công nhất.

Các trường tự chủ trong tuyển sinh, mở ngành, chương trình đào tạo, liên kết đào tạo,... Sau khi đủ điều kiện theo quy định và hướng dẫn của Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các trường đã tự chủ mở ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Bởi lẽ, sự thay đổi nhanh chóng của xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến sự xuất hiện của những ngành nghề mới, chẳng hạn thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo,.... Cùng với đó là sự suy giảm nhu cầu xã hội của một số ngành nghề.

Với sứ mạng của mình, các trường đại học cần phải nhanh chóng chuyển đổi ngành nghề đào tạo cũng như phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo, điều này chỉ có thể thích ứng nhanh nếu các trường được tự chủ. Thực tế đã chứng minh rằng tự chủ đã giúp các trường rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Quá trình nào cũng có hai mặt

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn cho hay, quá trình nào cũng có hai mặt, với tự chủ giáo dục đại học, cơ chế đòi hỏi mỗi cơ sở giáo dục phải thích nghi và liên tục có chiến lược phát triển phù hợp để đảm bảo cơ chế vận hành.

Thứ nhất, tự chủ tài chính, đòi hỏi cần có chính sách, truyền thông việc thu hút nguồn tài trợ từ bên ngoài và từ các dịch vụ, khoa học và công nghệ. Việc nguồn thu chủ yếu từ học phí, kèm theo quy định không tăng học phí trong 3 năm đòi hỏi cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối đầu tư và tái tạo đầu tư trong vòng 3,5 – 4 năm (1 khóa).

Cùng với đó, việc nguồn thu chủ yếu từ học phí khiến các trường tự chủ có mức học phí nhỉnh hơn so các trường có hỗ trợ từ ngân sách nhà trường, điều này cũng gây khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Thứ hai, tự chủ về nhân sự cho phép các trường tự quyết định về số lượng và chất lượng cán bộ, giảng viên. Tuy nhiên, điều này gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giảng viên, cân đối giữa chuyên môn và kinh nghiệm.

Thứ ba, cơ chế tự chủ cho phép các trường thực hiện tự chủ tuy nhiên chưa có cơ chế bảo vệ các trường, bảo vệ cán bộ thực hiện tự chủ. Bên cạnh việc nhiều văn bản quy định pháp luật chồng chéo, các khâu kiểm tra và tổ chức kiểm tra còn cồng kềnh dẫn đến rất nhiều khó khăn trong công tác triển khai tự chủ.

Tóm lại, cơ chế tự chủ đòi hỏi các trường phải xác định rõ ràng mục tiêu phát triển, lộ trình chiến lược và các kế hoạch tài chính dài hạn. Đồng thời có những chính sách, quy chế thực hiện tự chủ bám sát và tuân thủ quy định pháp luật.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Website nhà trường
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Website nhà trường

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Viết Báu, đúng là quá trình nào cũng có hai mặt. Sự mở rộng quyền tự chủ trong đó có tự chủ chuyên môn học thuật đã cho phép các trường tự chủ mở ngành đào tạo.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những văn bản quy định điều kiện mở ngành với những tiêu chí rõ ràng, hợp lý. Tuy nhiên, nhiều ngành được mở với những điều kiện tuy đủ về số lượng nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề phải bàn cãi.

Việc khảo sát nhu cầu xã hội có một số nơi, một số ngành chưa được cẩn trọng. Điều này dẫn đến có những ngành không tuyển được hoặc có những ngành tuyển được nhưng chất lượng đầu vào thấp.

Bên cạnh đó, các trường tự chủ quyết định chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực đào tạo nên số chỉ tiêu tăng, dẫn đến không chỉ phải giảm chất lượng đầu vào, nhất là các trường ở top dưới. Để bảo đảm nguồn tài chính cho nhà trường, các trường này vẫn phải chấp nhận giảm chất lượng để giữ hoặc tăng quy mô đào tạo, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực.

Để quá trình tự chủ được thực chất, hiệu quả

Thầy Báu thông tin thêm, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng có những đặc thù riêng.

Giáo dục đại học để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Sản phẩm của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng không thể đánh giá chính xác trong giai đoạn trước mắt mà đó là cả một quá trình.

Quá trình tự chủ đại học sẽ khác với quá trình tự chủ của một doanh nghiệp. Giáo dục đại học còn có tính dự đoán, tính khai phóng, đổi mới, sáng tạo,... nên tính tự chủ phải càng được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, rất cần một Nghị quyết riêng về giáo dục đại học để dẫn dắt quá trình tự chủ được thực chất, hiệu quả.

Trước hết, tự chủ đại học cần phải được xác định chủ yếu là tự chủ chuyên môn học thuật, tổ chức nhân sự. Nhà nước cần có trách nhiệm nhất định về mặt bảo đảm tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học thông qua hình thức đặt hàng trên cơ sở năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.

Điều này không chỉ tạo sự cạnh tranh lành mạnh để vươn lên của các trường đại học mà còn tạo cơ hội học tập cho người học. Đồng thời, cần phải có thêm những chính sách để các trường được tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo mà trước hết là chất lượng đội ngũ.

Bên cạnh đó, việc không được tăng học phí trong những năm học gần đây cũng khiến các trường đại học tự chủ gặp khó. Vì vậy, cần có thêm những chính sách để các trường được tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo mà trước hết là chất lượng đội ngũ.

Cùng với đó, cần có các chính sách bảo đảm chất lượng đào tạo một cách khoa học, công khai, minh bạch để tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học đều đáp ứng chuẩn đầu ra. Thắt chặt đầu ra theo hướng như vậy sẽ đồng nghĩa với việc tạo sự phân luồng cho học sinh vào đại học hoặc vào các trường cao đẳng nghề theo đúng khả năng, sở trường của các em.

Thứ hai, Nghị quyết (nếu có) và các văn bản pháp luật cũng cần quy định rõ nhà nước quản lý bằng việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về tài chính của các cơ sở giáo dục đại học. Không nên can thiệp quá sâu vào việc sử dụng tài chính của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là nguồn tài chính không do ngân sách cấp.

Đối với nguồn tài chính do nhà nước bảo đảm, nguồn này phải được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào cho đến đầu ra. Tuy nhiên, đối với nguồn tự chủ phải để cho các trường được chủ động trong việc sử dụng nguồn tài chính vào công việc của nhà trường. Có như vậy các trường mới có thể chủ động kế hoạch hoạt động của mình.

Thứ ba, để tự chủ thực sự thì cần trao quyền tự chủ hơn nữa cho nhà trường thông qua hội đồng trường, cơ quan quản lý trực tiếp nên phân cấp nhiều hơn nữa cho hội đồng trường.

Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi Luật đã quy định thành phần mời trong hội đồng trường là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp. Nếu cần có thể nâng cao vai trò của người đại diện cơ quan quản lý, chẳng hạn Nghị quyết của Hội đồng trường chỉ thông qua khi có sự thống nhất trên 50% thành viên Hội đồng trường trong đó có sự thống nhất của đại diện cơ quan quản lý.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, nếu có Nghị quyết riêng thì cần nhấn mạnh về các chính sách, chế độ bảo vệ trường, bảo vệ cán bộ, người lao động và người học để đơn vị tự chủ chủ động thực hiện cơ chế, tập trung phát triển theo chiến lược đã đề ra dài hạn.

Thu Trang