Phó Chủ tịch UBND Đắk Nông có nhiều dự án nghiên cứu bảo tồn giá trị văn hóa

05/09/2024 06:16
Bích Ngọc
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - TS Tôn Thị Ngọc Hạnh có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học bảo tồn văn hóa tại tỉnh Đắk Nông đồng thời xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại trường học.

Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông với nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng tầm các giá trị di sản của địa phương, đã được tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại địa phương

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, việc thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc tại tỉnh Đắk Nông còn hạn chế, bà cùng lãnh đạo tỉnh đã xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ thông qua kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo. Từ đó giúp Đắk Nông sớm trở thành địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Trong những năm qua, cùng với các cấp, các ngành địa phương, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh đã tham gia chỉ đạo, đồng hành triển khai các hoạt động thúc đẩy, giúp phong trào đổi mới sáng tạo tại tỉnh diễn ra sôi nổi hơn. Nhiều giải pháp hay, nhân tố mới, cách làm hiệu quả được nhân rộng, tạo sự lan tỏa và đi vào thực tiễn. Khả năng sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân được khơi dậy và mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xây dựng được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh trong môi trường học đường. Hệ sinh thái này có đầy đủ các thành tố cơ bản, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, gia đình, nhà trường và bản thân các em học sinh. Số lượng học sinh tham gia sân chơi sáng tạo ngày càng đông, sản phẩm dự thi ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng được nâng cao…

Nhiều ý tưởng sáng tạo của học sinh được ứng dụng ngay trong đời sống, giải quyết các bài toán thực tiễn, thời sự như: “Buồng khử khuẩn toàn thân chống dịch Covid-19”, “Thiết bị tự động gửi thông báo, xác định vị trí khi xe gặp sự cố, tai nạn”, “Từ điển Việt-M’nông, M’nông-Việt trên điện thoại hệ điều hành Android”, “Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản công viên địa chất Đắk Nông”…

ts hanh4.jpeg
Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh (áo dài xanh) trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải của Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Nông. Ảnh: website Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Không chỉ vậy, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh luôn chú trọng, khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức nhiều hội thảo khoa học, đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ; khuyến khích đa dạng hóa các nguồn đầu tư xã hội về khoa học và công nghệ, đặc biệt là từ các doanh nghiệp.

"Điều này góp phần quan trọng để các cơ sở giáo dục trong tỉnh Đắk Nông được chia sẻ những nghiên cứu mới nhất và thảo luận các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn. Qua đó thúc đẩy tinh thần sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của các nhà nghiên cứu. Đồng thời mở ra cơ hội để tỉnh Đắk Nông tìm kiếm những đối tác hợp tác trong các dự án, nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, những hoạt động này sẽ tạo ra nền tảng tốt cho việc chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài - một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo ra những bước chuyển biến, phát triển tích cực cho ngành giáo dục của tỉnh Đắk Nông", Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.

Bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của các loại hình di sản

Tại tỉnh Đắk Nông, thổ cẩm là một phần bản sắc tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số. Ðể nghề dệt thổ cẩm không bị mai một, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh đã nghiên cứu nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển, tìm hướng đi bền vững cho loại hình di sản này.

Năm 2019, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông là chủ nhiệm của đề tài khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông”. Đề tài được nghiệm thu và chuyển giao vào tháng 12/2019, được hội đồng đánh giá có tính ứng dụng cao. Đó là cơ sở để tỉnh tiếp tục phát hành sách “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông”.

Từ ứng dụng thực tiễn của đề tài, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thành công Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2019, lần thứ II năm 2021. Các địa phương được hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Đồng thời, đề tài này đã phối hợp với dự án mô hình giảm nghèo bền vững, đầu tư khung dệt và chỉ dệt cho 19 hộ nghèo dân tộc M’nông thuộc bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp; 13 hộ nghèo dân tộc Mạ tại bon Ka La Dơng, Phi Mur, Ka Nur, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong.

Tỉnh Đắk Nông đã điều tra, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào di sản cấp quốc gia. Vì vậy, nghề dệt truyền thống của người M’nông tỉnh Đắk Nông đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022.

tshanh2.jpeg
Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển, quảng bá những giá trị của nghề dệt thổ cẩm đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Ảnh: NVCC.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết, hàng năm, tỉnh Đắk Nông đã triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Điển hình như vinh danh nghệ nhân ưu tú về nghề thủ công liên quan đến nghề dệt truyền thống, hỗ trợ vốn để bà con thành lập các câu lạc bộ, hợp tác xã dệt thổ cẩm, kết nối doanh nghiệp, thành lập bon (làng) nghề truyền thống để tạo ra sản phẩm du lịch.

Cùng với đó là sản xuất các ấn phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ về thổ cẩm phục vụ du lịch trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; Phối hợp tham gia các hoạt động triển lãm, trưng bày sản phẩm thổ cẩm trong và ngoài tỉnh. Việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, kết quả của đề tài cũng là tư liệu quý để tỉnh xây dựng các chương trình, đề án, dự án có liên quan như: Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 24/9/2021 của tỉnh uỷ về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ giai đoạn 2021-2025; Đề án Bảo tồn phát huy thổ cẩm truyền thống tại các dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Nông gắn với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông; Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”…

Song song với việc bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh cũng đặt nhiều tâm huyết vào việc bảo tồn và phát triển văn hóa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.

Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh nhận định: “Văn hoá là một trong ba yếu tố cốt lõi cấu thành nên danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO, bên cạnh giá trị địa chất và đa dạng sinh học. Sự đa sắc màu về mặt văn hoá của 40 dân tộc chính là điểm khác biệt, góp phần định vị thương hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông – Xứ sở của những âm điệu".

Với vai trò là Trưởng Ban Quản lý Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh luôn chú trọng đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa trong Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và quảng bá những giá trị di sản này đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Bà đã tập trung chỉ đạo Ban Quản lý Công viên địa chất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp:

Thứ nhất, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thực hiện tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, xây dựng hồ sơ di sản trình công nhận các cấp. Phục dựng các lễ hội dân gian, tổ chức các ngày hội, chương trình tiêu biểu nhằm tạo ra sân chơi văn hóa phong phú.

Thứ hai, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng. Ngoài các lớp tập huấn được tổ chức định kỳ hàng năm cho cộng đồng địa phương, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh đã chủ trương và thực hiện ngay việc đưa các giá trị di sản, bao gồm cả di sản địa chất, văn hoá, đa dạng sinh học trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vào chương trình giáo dục địa phương, từ lớp 1 đến lớp 12.

Thứ ba, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Ngoài 41 điểm đến trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đóng vai trò là điểm đến hạt nhân, tỉnh còn chủ trương phát triển các điểm đến vệ tinh xung quanh. Đồng thời phát triển các mô hình du lịch cộng đồng để Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có thể khai thác hiệu quả thế mạnh về văn hoá.

ts hanh3.jpeg
Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh (áo dài xanh) trong gian hàng trưng bày sản phẩm sáng tạo thuộc Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20). Ảnh: NVCC.

Thứ tư, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống. Tập huấn nâng cao năng lực, phương pháp truyền dạy hát dân ca, múa truyền thống, nhạc cụ truyền thống, nghề truyền thống. Tập huấn kỹ năng phục vụ khách du lịch và các lớp tập huấn về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống…

Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Là thành viên của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và Mạng lưới Công viên địa chất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã tích cực tham gia các sự kiện do UNESCO và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ quốc tế. Đồng thời ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các công viên địa chất toàn cầu nhằm quảng bá văn hoá và xúc tiến du lịch Đắk Nông đến với thị trường quốc tế.

Nhờ những nỗ lực, ý chí, quyết tâm cao của Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh, các cấp chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông, Công viên địa chất Đắk Nông chính thức được tái công nhận danh hiệu “Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” giai đoạn 2024-2027. Sự kiện này không chỉ góp phần nâng tầm các giá trị di sản của địa phương sánh ngang với các giá trị di sản chung của nhân loại, mà còn đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nên thương hiệu để thế giới nhận diện Đắk Nông trên trường quốc tế.

Tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới

Với những đóng góp không ngừng nghỉ, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông... Đặc biệt, ngày 28/8 vừa qua, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh là một trong 135 nhà khoa học được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

"Đảng và Nhà nước ta rất đề cao, trân trọng trí thức và Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 là một trong những việc làm có ý nghĩa thiết thực, là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ nước nhà, cũng như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Được vinh danh là một trong những trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu vừa là một niềm vinh dự, niềm tự hào lớn lao, đồng thời danh hiệu cao quý này còn giúp tôi ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của bản thân, tiếp tục học tập, nghiên cứu, phát huy khả năng sáng tạo. Qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới”, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh chia sẻ.

ts hanh1.jpeg
Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông là 1 trong số 135 trí thức được tôn vinh. Ảnh: NVCC.

Những năm gần đây, các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cũng như phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ luôn được chú trọng. Tỷ lệ các nhà khoa học nữ từng bước nâng cao. Nhiều nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc làm cơ sở hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Và Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh đã minh chứng cho một nhà khoa học nữ vừa làm tốt vai trò của một trí thức khoa học, đóng góp cho xã hội, vừa là một người vợ, người mẹ chăm lo tốt cho gia đình.

"Với vai trò là một người con, người mẹ, người bà, những trách nhiệm, thiên chức đối với gia đình luôn được tôi ưu tiên. Công việc xã hội chiếm phần lớn thời gian, trí lực hằng ngày của tôi, nhưng gia đình chính là nơi tái tạo sức lao động tốt nhất.

Việc bố trí thời gian cho gia đình và xã hội với tôi không tuân theo một nguyên tắc cố hữu nào mà phụ thuộc mỗi thời điểm. Điều quan trọng nhất là cân bằng được niềm đam mê với công việc và tình cảm với gia đình, có được hai điều đó thì chúng ta sẽ hoàn thành được trách nhiệm và thiên chức của mình", Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh bày tỏ.

Hiện nay, các nữ trí thức ngày càng cống hiến nhiều công trình khoa học có giá trị về lý luận và ứng dụng thực tiễn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Để phát huy hơn nữa vai trò của nữ trí thức nói riêng và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nói chung, Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh đưa ra một số đề xuất:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với công tác bồi dưỡng trí thức. Tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp đối với trí thức khoa học và công nghệ để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với Đảng, với Tổ quốc với nhân dân, đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt trọng trách của người trí thức trong thời kỳ mới.

Thứ hai, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và các hội thành viên từ Trung ương đến địa phương cần nâng cao vai trò của các hội trí thức trong việc tập hợp, đoàn kết trí thức tham gia vào đóng góp cho quê hương, đất nước. Thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới, đa dạng hóa phương thức hoạt động, thể hiện rõ vai trò của trí thức trong việc đóng góp xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.

Thứ ba, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức. Có chế độ, chính sách, chế độ đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện để các hội trí thức thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện, giám sát xã hội.

Thứ tư, cần sớm thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; xác định rõ, phân loại các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, nhất là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm tạo điều kiện và phát huy vai trò của trí thức trong việc đóng góp hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.

Bích Ngọc