Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Võ Chí Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn Thám Việt Nam, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam, giảng viên cao cấp Trường Đại học Mỏ - Địa chất vinh dự là 1 trong 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu được vinh danh năm nay.
Nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết, muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” của nước nhà
Năm 1967, sau khi tốt nghiệp phổ thông, nam sinh Võ Chí Mỹ khi ấy đã theo học hệ thạc sĩ (Magister) chuyên ngành Trắc địa mỏ tại Khoa Trắc địa mỏ và Kỹ thuật môi trường, Học viện Mỏ-Luyện kim Krakow, Cộng hòa Ba Lan (1968-1973).
Tại một số trường đại học ở Ba Lan, sau khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh có thể học theo 2 hệ: Một là, hệ kỹ sư: Thời gian đào tạo từ 3-3,5 năm, tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư. Hai là, hệ thạc sĩ: Học thẳng lên thạc sĩ, thời gian đào tạo 5-5,5 năm. Bảo vệ luận văn tốt nghiệp và được cấp bằng thạc sĩ.
Trở về nước, thầy được phân công làm giảng viên chính thức tại Khoa Trắc địa, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Từ năm 1984 đến năm 1988, thầy Mỹ làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Địa tin học tại Khoa Trắc địa mỏ và kỹ thuật môi trường, Học viện Mỏ-Luyện kim Krakow và hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ.
Với những thành tích nổi bật, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, Giáo sư Võ Chí Mỹ đã được đề nghị làm việc ở nhiều cơ quan khác nhau, kể cả lời mời ở lại nước ngoài giảng dạy.
Nhưng với tấm lòng muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”, đồng thời muốn truyền đạt những tinh hoa trong quá trình học tập, nghiên cứu tại Ba Lan cho thế hệ trẻ của nước nhà, thầy đã chọn làm giảng viên tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Suốt những năm tháng công tác trong lĩnh vực giáo dục, thầy Võ Chí Mỹ luôn dồn hết tâm huyết, chú trọng vào chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học vì sự phát triển của ngành.
Hiện tại, mặc dù Giáo sư Võ Chí Mỹ đã nghỉ hưu, Trường Đại học Mỏ - Địa chất vẫn mời thầy giảng dạy các lớp cao học và hướng dẫn luận văn thạc sĩ; giảng dạy các học phần nghiên cứu sinh và hướng dẫn luận án tiến sĩ theo chế độ giáo sư thỉnh giảng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Võ Chí Mỹ cho biết: “Công tác trắc địa - bản đồ trong mỏ khai thác khoáng sản là công việc phải thực hiện trong điều kiện rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; một sơ suất nhỏ cũng có thể làm đình trệ sản xuất, tổn thất tiền của, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người”.
Do vậy, thầy Mỹ luôn đau đáu một việc - phải làm sao nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ mới vào công tác trắc địa trong mỏ khai thác khoáng sản phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Xuất phát từ những trăn trở đó, Giáo sư Võ Chí Mỹ đã tiên phong trong việc nghiên cứu và đề xuất ứng dụng công nghệ địa không gian tiên tiến trong công nghiệp mỏ Việt Nam.
Thầy đã tiến hành nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học trên thế giới như kỹ thuật laser, công nghệ vệ tinh dẫn đường và định vị toàn cầu (GPS/GNSS), máy bay không người lái (UAV), viễn thám vệ tinh vào thăm dò, khai thác và bảo vệ môi trường mỏ. Kết quả nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật laser trong mỏ hầm lò đã được đánh giá cao và được nhận giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ (VIFOTEC). Công trình nghiên cứu này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế-kỹ thuật, giảm thời gian và công sức cho người lao động trong mỏ lộ thiên và hầm lò, nơi mà điều kiện làm việc hết sức khó khăn, nguy hiểm.
Giáo sư, Tiến sĩ Võ Chí Mỹ là một tấm gương sáng trong việc đam mê nghiên cứu khoa học. Hàng chục công trình nghiên cứu của thầy trong lĩnh vực địa không gian đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Thầy đã chủ trì nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành; đồng thời, tham gia nhiều báo cáo khoa học tại các hội nghị trong nước và quốc tế. Song song với đó, Giáo sư Võ Chí Mỹ còn là một người thầy tâm huyết với công tác đào tạo, là một người “truyền lửa” cho sinh viên theo đuổi ngành Trắc địa mỏ - một ngành học khó khăn nhưng quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của công nghiệp mỏ Việt Nam.
“Thế hệ chúng tôi ngày trước không có cơ hội chọn ngành nghề. Đất nước khi ấy đang trong giai đoạn chiến tranh, chúng tôi được cử đi học nước ngoài đã là số phận quá may mắn, nên đất nước cần ngành gì, chúng tôi học ngành ấy”.
Sau khi hoàn thành chương trình học ở Ba Lan, với mong muốn truyền đạt lại những kiến thức đã tích lũy, tôi quyết định trở về Việt Nam. Và tôi đã trở thành thầy giáo dạy đại học theo một lẽ giản đơn như vậy” - Giáo sư Võ Chí Mỹ bồi hồi nhớ lại.
Thầy Mỹ chia sẻ, thực tế lúc bấy giờ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất có nhiều ngành mà sinh viên không muốn đăng ký, vì chương trình học khó, công việc thực tế nhiều gian khổ, hiểm nguy, trách nhiệm kỹ thuật lại cao, đặc biệt đối với chuyên ngành Trắc địa mỏ.
Thế nhưng, bằng kinh nghiệm và trải nghiệm của mình, thầy Mỹ chủ trương không ngừng đổi mới mô hình và chương trình đào tạo, luôn sát sao hướng dẫn, nâng cao kỹ năng thực hành cho sinh viên.
Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp, 100% kỹ sư Trắc địa mỏ đều có việc làm không những ở các công ty khai thác mỏ, mà còn ở các ngành và đơn vị khác. Hàng chục học viên cao học, nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy đều đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các vị trí công tác sản xuất, đào tạo và nghiên cứu.
Trong nhiều năm qua, thầy luôn được đánh giá là “người truyền lửa tích cực”, là “sợi dây gắn kết” giữa bộ môn với các thế hệ sinh viên.
Tư duy phản biện, tinh thần cầu tiến là “chìa khóa” của nghiên cứu khoa học
Trao đổi với phóng viên về hành trình nghiên cứu khoa học của mình, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Võ Chí Mỹ cho biết, để làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, thì yếu tố phản biện cần được ưu tiên.
Vị giáo sư phân tích: “Nếu không có tư duy phản biện thì khoa học sẽ không thể phát triển. Sẽ không có ai phân tích, đánh giá sự đúng, sai của các vấn đề từ khoa học tự nhiên, công nghệ - kỹ thuật đến các vấn đề kinh tế - xã hội. Những người có quyền ra quyết định (decision-maker) không có cơ hội, không có thông tin để điều chỉnh”.
Là một trong những giáo sư tham gia nhiều hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ, hội đồng nghiệm thu các đề tài khoa học, thầy Võ Chí Mỹ có nhận xét rằng, hiện nay, những người làm nghiên cứu, những nhà khoa học trong nước vẫn còn ít có tư duy phản biện.
“Phải chăng người Việt thường nể nang, ngại phản biện, vì họ sợ đụng chạm, sợ nói sai, sợ cấp trên, sợ người lớn tuổi, sợ góp ý kiến trái chiều nên dù biết sai, dù biết không đạt yêu cầu, một số nhà khoa học cũng đành làm “con én lạc bầy giữa mùa đông”?” - thầy thẳng thắn đề cập.
Do vậy, vị giáo sư luôn động viên, khích lệ các sinh viên, nghiên cứu sinh suy nghĩ theo nhiều khía cạnh, phân tích, nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh ngày nay.
“Trước đây, con người đi tìm kiếm thông tin; ngày nay, thông tin đi tìm kiếm con người. Trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội như hiện nay, “bơi” trong một “biển” thông tin thật - giả lẫn lộn, tư duy phản biện hơn lúc nào hết, cho phép phân tích, đánh giá và chọn lọc thông minh. Sự phát triển và nền văn minh của một quốc gia, dân tộc chỉ còn phụ thuộc vào tư duy phản biện” - thầy nhìn nhận.
Để hỗ trợ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh mở rộng tư duy sáng tạo, đào sâu, phản biện vấn đề và hứng thú trong công việc nghiên cứu khoa học, Giáo sư Võ Chí Mỹ luôn tạo điều kiện tốt nhất để nâng đỡ thế hệ trẻ trong nước có cơ hội tiếp xúc với tri thức nước ngoài.
Không chỉ sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Ba Lan, thầy Mỹ còn thành thạo tiếng Anh và sử dụng thêm cả tiếng Nga, Pháp, Đức. Bằng thế mạnh ngoại ngữ của mình, thầy Mỹ đã có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, giúp sinh viên các trường đại học tiếp cận với nhiều mô hình và nội dung đào tạo tiến triển trên thế giới, giúp đội ngũ cán bộ và sinh viên có cơ hội nâng cao trải nghiệm và kỹ năng làm việc khoa học trong môi trường toàn cầu.
“Vì nước ta còn đang phát triển, kinh phí cho các đoàn ra nước ngoài có hạn, tôi cho rằng, rất cần tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế tại Việt Nam, với hàng trăm báo cáo quốc tế, là nguồn tài nguyên quý giá mà nhiều cán bộ, sinh viên có cơ hội tiếp cận với các kết quả nghiên cứu, các ý tưởng khoa học mà không tốn kinh phí và không cần chờ đợi điều kiện ra nước ngoài” - thầy lý giải.
Theo đó, đối với mỗi hội nghị quốc tế do vị giáo sư tổ chức với nhiều chủ đề thế giới quan tâm có thể thu hút hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nhà khoa học quốc tế. Công tác tổ chức tốt, từ nội dung chuyên môn đến hoạt động ngoại khóa, thu hút đông người, các hội nghị quốc tế không những không thiếu hụt kinh phí mà còn có thêm lãi.
Hiện nay, tuy thầy đã về hưu, nhưng bằng kinh nghiệm và lòng nhiệt huyết của mình, Nhà giáo ưu tú Võ Chí Mỹ vẫn hăng say trong việc tìm tòi những cơ hội tiếp cận tri thức mới cho thế hệ trẻ Việt Nam.
“Có thể không tiến được nữa, nhưng cố gắng đừng lùi”
Chia sẻ cảm xúc khi được vinh danh là trí thức khoa học và công nghệ 2024, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Võ Chí Mỹ cho biết: “Tôi vui, nhưng tôi cũng băn khoăn, liệu mình có tiếp tục thực sự xứng đáng với danh hiệu này không. Nỗ lực giành được danh hiệu không khó bằng giữ được nó và xứng đáng với nó”.
Ý thức được tầm quan trọng của việc “học tập suốt đời”, thầy Mỹ vẫn luôn không ngừng học hỏi thêm những kiến thức mới, công nghệ mới để bắt kịp với thời đại phát triển toàn cầu, đặc biệt, với sự ra đời của các nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, điện toán đám mây, chuỗi khối... Thầy tâm niệm, với tốc độ phát triển như vậy, nếu không học thì bản thân sẽ bị bỏ lại phía sau.
“Tôi vừa học xong một chương trình chuyển đổi số và được cấp chứng chỉ. Học phí của khóa học là 20 triệu đồng, nhưng khi thấy một ông già đầu tóc bạc phơ ngồi học với lớp thanh niên trẻ, ban tổ chức quyết định miễn học phí cho tôi. Tôi biết, tôi không tiến được nữa, nhưng tôi cố gắng để đừng lùi” - thầy Mỹ bộc bạch.
Tinh thần cầu tiến của thầy Võ Chí Mỹ là điều luôn được các đồng nghiệp trong nước, quốc tế, cũng như sinh viên, học viên của thầy ghi nhận.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Võ Chí Mỹ là tác giả của ba cuốn từ điển Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ Anh - Việt; Kỹ thuật Trắc địa - Bản đồ Quản lý đất đai Anh - Việt; từ điển Kỹ thuật mỏ Anh - Việt.
Công nghệ thay đổi liên tục và mạnh mẽ, các khái niệm và tên gọi cũng thay đổi, từ trắc địa-bản đồ sang địa tin học và ngày nay là công nghệ địa không gian. Thầy Võ Chí Mỹ vẫn luôn cập nhật, chỉnh lý biên soạn và tìm các thuật ngữ chuyên ngành chính xác, phù hợp nhất.
Việc làm từ điển kỹ thuật ở trong nước khá khó, bởi khoa học công nghệ Việt Nam đi chậm nhiều năm so với thế giới, việc chuyển ngữ các thuật ngữ khoa học thích hợp từ tiếng Anh sang tiếng Việt không dễ dàng, nên Giáo sư Võ Chí Mỹ vẫn dành rất nhiều thời gian để đọc sách chuyên môn, tra cứu nhiều nguồn từ các ngôn ngữ khác nhau, để tìm được một thuật ngữ chính xác, thuần Việt nhất, nhằm cập nhật kiến thức cho thế hệ mai sau.
Đối với thầy Mỹ, việc học thì không kể đến tuổi tác. Thầy luôn cố gắng hết sức mình, tận dụng thời gian để nghiên cứu, gắn bó và cống hiến cho ngành địa không gian nói riêng và cho sự phát triển của đất nước nói chung. Trên tinh thần cầu tiến đó, hiểu biết của thầy không chỉ giới hạn ở chuyên môn mà còn phong phú ở các khía cạnh khác như xã hội học, văn học - nghệ thuật…
“Đạt được danh hiệu không khó, làm sao để giữ vững danh hiệu đó, làm sao để xứng với nó mới là điều không dễ dàng” - Đó là những chia sẻ của Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Võ Chí Mỹ muốn nhắn nhủ tới thế hệ trẻ ngày nay, chớ nên “ngủ quên trên chiến thắng” và cũng chớ vội nản lòng. Làm việc với sự kiên trì, vì mục tiêu chính đáng, con người sẽ gặt hái được những kết quả như mình mong đợi.
Từ năm 2005, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Chí Mỹ là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn Thám Việt Nam, là Trưởng ban Hợp tác Quốc tế; hiện là Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Công nghiệp Mỏ. Giáo sư Võ Chí Mỹ còn là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Trắc địa - Bản đồ - Viễn thám Việt Nam; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Trắc địa Mỏ Thế giới ISM (International Society for Mine Surveying); Ủy viên Ban Tổ chức Hội Mỏ Thế giới IOC/WMC (World Mining Congress).
Với những cống hiến đó Giáo sư Võ Chí Mỹ đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Mỏ-Luyện kim Krakow, Hội Trắc địa Mỏ Thế giới (International Society for Mine Surveying ISM), Hội Trắc địa Thế giới (FIG).