Khó khăn tuyển sinh, liên thông của trường nghề sẽ được gỡ nếu chuyển về Bộ GDĐT

29/11/2024 06:20
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc thống nhất quản lý nhà nước về GDĐT đối với tất cả các cấp học, trình độ đào tạo ở nước ta là một vấn đề cấp thiết, cần có nghiên cứu để làm ngay.

Tại Thông báo số 522/TB-VPCP ngày 14/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị nêu:

Về thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, những bất cập, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc, bài học kinh nghiệm, lựa chọn phương án tốt nhất, đề xuất, kiến nghị giải pháp cụ thể, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế, từ năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên). Cũng từ đó, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh theo quy chế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp; đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc giáo dục nghề nghiệp tuyển từ năm 2017 trở đi thực hiện theo quyết định của Chính phủ. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh, đào tạo liên thông của hầu hết cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang gặp khó khăn.

Trường cao đẳng Ngô Gia tự bắc giang.jpg
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang. (Ảnh: website nhà trường).

Theo một số chuyên gia giáo dục, để khắc phục những khó khăn hiện nay, việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo sao cho đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học là vấn đề quan trọng và cần quy về một đầu mối quản lý. Cụ thể là giao việc thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều khó khăn khi giáo dục nghề nghiệp không thuộc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, kể từ khi trường cao đẳng, trung cấp nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, hệ thống giáo dục nghề nghiệp không chủ động được đầu vào và phải đối mặt với vô vàn khó khăn khác trong mỗi mùa tuyển sinh hay người học muốn liên thông lên bậc học cao hơn.

"Trước đây, giáo dục nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Nhưng kể từ khi thực hiện chủ trương tách và chuyển giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý đã dẫn đến ít nhiều những hệ lụy, khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ví dụ như: gây khó khăn cho việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; thông tin về các trường cao đẳng nghề không xuất hiện trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến cho hiệu quả tuyển sinh của trường nghề có phần bị hạn chế,...", thầy Bảo chia sẻ.

Cùng bàn về nội dung này, Tiến sĩ Phạm Hiệp - chuyên gia giáo dục chia sẻ, hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm các cấp học, trình độ đào tạo gồm: giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Một trong những vấn đề nổi cộm hiện nay là về mặt quản lý nhà nước, giáo dục nghề nghiệp (đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, còn các cấp học, trình độ đào tạo còn lại là do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Theo Điều 105, Luật Giáo dục 2019 quy định cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm.

Trong khi trước đó, tại Điểm đ, Điều 1, Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam nêu rõ: “Tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hiệp cho rằng, việc giao quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cho 2 bộ, gồm Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng thực hiện khiến cho việc liên thông giữa các trình độ đào tạo thiếu tính nhất quán.

Chỉ ra một số khó khăn mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang phải đối mặt, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, với quy định hiện hành có thể thấy rõ những vấn đề như tuyển sinh của trường nghề, đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên đại học gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, trường nghề khó tuyển sinh một phần do không có dữ liệu trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chuyển đổi kết quả đào tạo của mỗi cơ sở giáo dục đại học lại khác nhau khi xét tuyển sinh đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học,...

“Do 2 Bộ cùng quản lý nhà nước về giáo dục nên chưa tạo được tính liên thông hoàn toàn giữa các cấp học, khiến cho nhiều người thay vì đi học lên các trình độ cao hơn lại lựa chọn đi xuất khẩu lao động,... dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước”, Tiến sĩ Hiệp chia sẻ.

Cùng chia sẻ, một chuyên gia giáo dục nêu quan điểm, việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đối với tất cả các cấp học, trình độ đào tạo ở nước ta là một vấn đề cấp thiết, cần có nghiên cứu để làm ngay.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.

Theo vị này, để thống nhất quản lý nhà nước thì chủ trương cần phải chuyển phần giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý thay vì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý. Điều đó là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp “than” nhiều về những khó khăn trong quá trình tuyển sinh, liên thông giữa các bậc học với nhau.

Cần sớm giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đánh giá về tầm quan trọng của việc cần thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đối với tất cả các cấp học, trình độ đào tạo, vị chuyên gia cho biết sẽ tạo thành một thể thống nhất trong hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân và cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét, sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục dạy nghề, từ đó, giúp cho việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổng thể hơn.

“Tất cả các trường cao đẳng, trung cấp nghề phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý mới nhất thể hóa về mặt quản lý nhà nước trong giáo dục”, vị chuyên gia chia sẻ.

Mặt khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo chia sẻ quan điểm chung là việc quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo chưa hợp lý điểm nào thì cần phải điều chỉnh sao cho thống nhất, bảo đảm vận hành bộ máy, hệ thống giáo dục giáo dục quốc dân một cách đồng bộ và hiệu quả.

“Hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là các cơ quan cùng thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nên nảy sinh những vấn đề bất hợp lý.

Do đó, quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cần thiết phải có giải pháp nhằm tạo sự thống nhất. Và để thống nhất được thì nên chuyển giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo chia sẻ.

Cùng theo thầy Bảo, có nhiều thuận lợi nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý giáo dục nghề nghiệp. Ví dụ như có thể xây dựng một chiến lược phát triển nhân lực thống nhất cả nước; nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục sẽ có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả hơn.

Đồng tình với những quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, một trong những biện pháp giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khắc phục khó khăn hiện nay là các cơ sở này nên được chuyển về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Trong đó, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước đối với tất cả các cấp, trình độ đào tạo thì những quy định chính sách sẽ khớp nối giữa các bậc học, xã hội sẽ biết đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhiều hơn để lựa chọn theo học.

Hơn nữa, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý giáo dục nghề nghiệp thì có thể cân bằng được việc tuyển sinh giữa đại học và cao đẳng, phân luồng học sinh cũng sẽ thuận lợi, thực chất hơn.

Chưa kể, việc liên thông giữa các bậc học cũng sẽ thuận lợi hơn nếu như có sự thống nhất về một đầu mối quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Trong quá trình nghị sự, thảo luận khoa học, các chuyên gia đều đã đề cập đến vấn đề cần thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Thậm chí, vấn đề này đã được bàn đến ngay từ khi tách giáo dục nghề nghiệp về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Rõ ràng, trong kết luận của Thủ tướng Chính phủ về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị có nêu đến việc thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông giữa các cấp học là một tín hiệu mừng về sự thống nhất quản lý nhà nước trong hệ thống giáo dục quốc dân”, Tiến sĩ Phạm Hiệp chia sẻ.

Ngọc Mai