Đào tạo nhân lực để bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số đang gặp nhiều thách thức

19/04/2025 06:35
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc đào tạo nguồn nhân lực cho công tác văn hóa dân tộc đóng vai trò then chốt để bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam hiện nay.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bên cạnh thời cơ, việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số cũng phải đối mặt với những thách thức. Trong đó, vấn đề xây dựng nguồn nhân lực phục vụ ngành là vô cùng quan trọng.

Nhiều thách thức đặt ra với văn hóa dân tộc thiểu số

Là người nghiên cứu về văn hóa dân tộc thiểu số, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân - Giảng viên chính Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc và có vai trò quan trọng trong chiến lược ổn định và phát triển quốc gia toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa.

Nhiều phong tục, tập quán, tiếng nói, trang phục, nhạc cụ, nghệ thuật truyền thống không còn được sử dụng và thực hành phổ biến như trước. Các nghệ nhân, trí thức - những người nắm giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đang ngày càng già đi, trong khi lớp trẻ ít mặn mà với việc tiếp nối nên dễ bị thất truyền, biến mất, nguy cơ bị đồng hóa văn hóa ngày càng hiện hữu.

Ngoài ra, những năm gần đây, ở một số địa phương đã đưa các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc để phục vụ phát triển du lịch nhưng theo hướng biểu diễn hóa, phiến diện, dẫn đến làm sai lệch, biến tướng. Một số nghề thủ công, các loại hình nghệ thuật dân gian bị bóp méo để phù hợp với thị hiếu thị trường nên mất đi giá trị nguyên bản cũng như chiều sâu tinh thần vốn có.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế nên việc đầu tư cho bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa còn hạn chế. Một số chương trình bảo tồn chưa hiệu quả do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bên (cộng đồng, cơ quan chức năng, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, các chính sách liên quan).

Đáng chú ý, nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta đang đứng trước nguy cơ mất tiếng mẹ đẻ vì ít sử dụng và trao truyền trong cộng đồng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác nghiên cứu, lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống thường nhật của đồng bào.

Cô Vân khẳng định: "Việc nhận diện rõ những thách thức này là căn cứ để xây dựng các chính sách bảo tồn, phát huy phù hợp và hiệu quả, đảm bảo văn hóa các dân tộc thiếu số ở Việt Nam được giữ gìn, hòa nhập mà không hòa tan, phát triển mà không đánh mất bản sắc.

Văn hóa vốn là một thực thể sống, luôn vận động, thích nghi và phát triển. Vì vậy, các xu hướng bảo tồn văn hóa được khuyến khích lựa chọn là: Bảo tồn “sống” (living preservation), khuyến khích cộng đồng thực hành văn hóa trong đời sống hằng ngày (ngôn ngữ, nghề truyền thống, lễ hội…), hỗ trợ người dân vừa giữ gìn vừa sáng tạo dựa trên văn hóa bản địa; Kết hợp bảo tồn và phát triển kinh tế, giáo dục, du lịch để người dân thấy được lợi ích từ việc gìn giữ bản sắc; Trao quyền cho cộng đồng và người dân phải là chủ thể trong việc bảo tồn văn hóa của chính họ.

Tìm hiểu nghề làm nhẫn bạc của người Chu ru ở Đạ  Hoai, Đơn Dương, Lâm Đồng.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân (ngoài cùng bên trái) tìm hiểu nghề làm nhẫn bạc của người Chu ru ở Đạ Huoai, Đơn Dương, Lâm Đồng. Ảnh: NVCC.

Cùng bàn luận về những vấn đề trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu - Phó Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Học viện Dân tộc cho biết: “Các phong tục, lễ hội, và nghi thức truyền thống của dân tộc thiểu số thường gắn liền với các yếu tố văn hóa tinh thần và vật chất, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, với sự du nhập của các yếu tố văn hóa hiện đại, nhiều phong tục tập quán cổ truyền đang bị bỏ quên hoặc bị biến dạng. Những giá trị tinh thần như tín ngưỡng dân gian, hình thức nghệ thuật truyền thống có thể bị thay thế bởi các yếu tố văn hóa đại chúng.

Hội nhập và hiện đại hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nhưng cũng tạo ra sự thay đổi trong cấu trúc xã hội. Không ít đồng bào dân tộc thiểu số di cư đến các thành phố lớn tìm kiếm cơ hội công việc, dẫn đến sự phân tán của cộng đồng và mất đi sự kết nối giữa các thế hệ. Điều này làm cho những giá trị văn hóa truyền thống không còn được duy trì và truyền lại trong các gia đình hoặc cộng đồng.

Ngoài ra, công nghệ và truyền thông hiện đại đã thay đổi cách con người tiếp cận và tiếp nhận thông tin. Các chương trình truyền hình, mạng xã hội, và các ứng dụng điện thoại di động, hầu hết đều sử dụng các ngôn ngữ và hình thức truyền thông toàn cầu, làm cho các yếu tố văn hóa địa phương, đặc biệt là các ngôn ngữ thiểu số, khó có thể cạnh tranh”.

Rất cần nguồn nhân lực cho công tác văn hóa dân tộc

Để bảo tồn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Việt Nam hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân khẳng định, việc đào tạo nguồn nhân lực cho công tác văn hóa dân tộc đóng vai trò then chốt.

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời là cầu nối giữa chính sách của Nhà nước với cộng đồng dân cư.

Đào tạo bài bản không chỉ giúp đội ngũ cán bộ văn hóa nâng cao năng lực chuyên môn, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững về văn hóa – xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giữ gìn sự đa dạng văn hóa – một trong những tài sản quý giá nhất của quốc gia.

Theo cô Vân, trong công tác đào tạo sinh viên ngành Văn hóa học nói chung và ngành Văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng, việc xác định rõ những gì sinh viên cần được trang bị sẽ giúp công tác đào tạo hiệu quả và sát với thực tiễn hơn.

Trước bối cảnh hội nhập toàn diện, hiện đại hóa nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, để có thể tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số một cách thực chất, hiệu quả, sinh viên phải được trang bị toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, cụ thể:

Sinh viên phải có kiến thức nền tảng và chuyên sâu về văn hóa dân tộc thiểu số, như: hiểu rõ đặc điểm văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian của từng dân tộc; nắm vững các lý thuyết văn hóa, nhân học, dân tộc học để có khả năng phân tích và lý giải các hiện tượng văn hóa tộc người; biết tường tận về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sinh viên phải có kỹ năng thực hành văn hóa và làm việc cộng đồng, như: kỹ năng sưu tầm, ghi chép, phục dựng, tổ chức hoạt động văn hóa truyền thống; kỹ năng làm việc thực tế tại cộng đồng, đặc biệt là trong môi trường đa văn hóa; kỹ năng tổ chức sự kiện, lễ hội, hoạt động giáo dục văn hóa cho thanh thiếu niên dân tộc.

Phải có phẩm chất đạo đức và tinh thần gắn bó với cộng đồng: yêu quý và tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc; có trách nhiệm xã hội, tinh thần phục vụ cộng đồng, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa; sẵn sàng làm việc trong điều kiện khó khăn, gắn bó lâu dài với địa phương.

Ngoài ra, kỹ năng sử dụng công nghệ – truyền thông hiện đại để hỗ trợ, phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống; kỹ năng hội nhập và ngoại ngữ cũng vô cùng quan trọng.

Sinh viên Khoa VHDTTS đi thực tế môn học tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).jpg
Sinh viên ngành Văn hóa dân tộc thiểu số (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) đi thực tế môn học tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Với Học viện Dân tộc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu thông tin, đơn vị là cơ sở đào tạo đại học mới được thành lập được gần 10 năm; đối tượng tuyển sinh đại học trong phạm vi toàn quốc, nhưng chủ yếu hướng đến con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Thuận lợi của Học viện Dân tộc khi tuyển sinh là chế độ chính sách dành cho con em dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số rất ít người. Hầu hết sinh viên của học viện đều thuộc diện chính sách, được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định hiện hành của Chính phủ. Những chính sách này đã giúp các gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn có thể cho con em tiếp tục học lên cao.

Bên cạnh đó, Học viện Dân tộc cũng gặp một số trở ngại vì là cơ sở giáo dục đại học còn non trẻ nên mức độ nhận diện trong hệ thống các trường đại học chưa rộng khắp. Đối tượng tuyển sinh chủ yếu hiện nay của học viện là con em đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở địa bàn khó khăn, giao thông đi lại chưa thuận lợi.

Điều kiện kinh tế chưa đảm bảo nên nhiều phụ huynh muốn cho con em đi học nhưng e ngại không lo được chi phí trong 4 năm đại học… Việc tuyển dụng con em người dân tộc thiểu số chưa có cơ chế đặc thù nên cũng khiến phụ huynh e ngại khi cho con em học bậc đại học.

Ngành Kinh tế giáo dục vùng dân tộc thiểu số mà Học viện Dân tộc đang đào tạo là ngành có thể làm việc ở nhiều vị trí việc làm khác nhau trong cả hệ thống hành chính công, lẫn khu vực tư nhân. Vùng dân tộc thiểu số là địa bàn rộng lớn, trải dài từ Bắc vào Nam, có đặc thù riêng về văn hóa, phong tục riêng biệt của 53 dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cho đến nay, các cơ sở giáo dục đại học nào đào tạo ngành đặc thù, chuyên sâu cho vùng dân tộc thiểu số không nhiều.

Được biết, năm 2025, Học viện Dân tộc đang tiếp tục mở các ngành mới như: Công tác xã hội (chuyên sâu dân tộc và tôn giáo), Văn hóa – Ngôn ngữ Việt Nam (chuyên sâu về tiếng Việt và ngôn ngữ Ê đê, Jrai, Khmer…) và Văn hóa du lịch… là những ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực của vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Betterimage.ai_1744906103475.jpeg
Giảng viên, sinh viên Học viện Dân tộc tham gia truyền thông về văn hóa dân tộc thiểu số tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền tháng 01/2025. Ảnh: NVCC.

Đầu tư thêm nguồn lực cho giáo dục, đào tạo

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng, mà còn là chiến lược quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, Việt Nam cần có những chính sách và định hướng phù hợp, kịp thời để thực hiện nhiệm vụ này một cách hiệu quả, cụ thể:

Hoàn thiện và ban hành hệ thống chính sách, pháp luật chuyên biệt mang tính thực thi cao liên quan đến bảo vệ di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số; Quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng địa phương trong việc gìn giữ văn hóa của chính họ; Tăng cường lồng ghép yếu tố văn hóa dân tộc trong các chương trình phát triển kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực văn hóa: tăng chỉ tiêu đào tạo các ngành liên quan đến văn hóa dân tộc tại các trường đại học, cao đẳng; hỗ trợ học bổng, chính sách ưu tiên cho sinh viên dân tộc thiểu số; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cán bộ văn hóa tại cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.

Khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc bảo tồn văn hóa: tạo cơ chế cho người dân địa phương trực tiếp tham gia vào các dự án bảo tồn, phục dựng văn hóa truyền thống; hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân dân gian, những người đang giữ gìn tri thức văn hóa bản địa; xây dựng các mô hình “Làng văn hóa cộng đồng” để bảo tồn, giáo dục và phát triển du lịch.

Các nghệ nhân Giẻ Triêng truyền dạy cho HS trường Nội Trú Đak K'long (huyện Đak Gray, tỉnh Kon Tum).jpg
Các nghệ nhân Giẻ Triêng truyền dạy âm nhạc truyền thống cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đak G'long, Đak Gray, Kon Tum. Ảnh: NVCC.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thu: "Việc gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc không thể chỉ dựa vào tình yêu truyền thống, mà phải có chính sách đặc biệt là giáo dục bài bản. Giáo dục là yếu tố then chốt giúp truyền đạt và gìn giữ những giá trị văn hóa cho các thế hệ sau.

Các chương trình giảng dạy trong trường học cần đưa vào nội dung giáo dục văn hóa dân tộc, giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa, lịch sử, và tầm quan trọng của việc bảo tồn. Bên cạnh đó, giáo dục ngoài nhà trường cũng cần phải được chú trọng, nhất là việc truyền đạt từ thế hệ đi trước tới thế hệ trẻ trong gia đình và cộng đồng. Việc giáo dục về văn hóa phải mang tính hệ thống, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nghiên cứu và ứng dụng.

Để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, chúng ta còn cần có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như quản lý văn hóa, nghiên cứu, và phát triển cộng đồng. Việc đào tạo bài bản sẽ giúp tạo ra những chuyên gia có khả năng xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa bền vững, đồng thời góp phần tạo ra các mô hình du lịch cộng đồng hoặc các sáng kiến văn hóa địa phương, giúp tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

Các chương trình đào tạo cũng cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa truyền thống. Việc đào tạo không chỉ nhằm mục đích giữ gìn văn hóa, mà còn phải giúp đồng bào thấy được lợi ích từ việc phát triển nền văn hóa đó trong môi trường hiện đại, từ đó tăng cường tinh thần tự hào và trách nhiệm".

Hồng Linh