Cô giáo Vĩnh Phúc và hành trình 17 năm gắn bó với công tác giáo dục trẻ tự kỷ

02/04/2025 08:38
Hồng Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Bằng tình yêu thương và trách nhiệm với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà đã đưa hàng nghìn trẻ em mắc chứng tự kỷ... hoà nhập cộng đồng.

Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ 2/4 là dịp để cộng đồng nhìn lại những nỗ lực trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng trẻ tự kỷ, giúp các em có cơ hội hòa nhập và phát triển. Tại Việt Nam, ngành Giáo dục đặc biệt vẫn còn nhiều thách thức, song cũng có không ít người tận tâm, kiên trì theo đuổi và cống hiến cho lĩnh vực này.

Nhân ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với cô Nguyễn Thị Việt Hà, sinh năm 1986, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc hiện là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (tỉnh Vĩnh Phúc). Người đã có 17 năm gắn bó với trẻ tự kỷ.

Lý do theo học ngành Giáo dục đặc biệt

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo thuần nông, cô Nguyễn Thị Việt Hà chứng kiến nhiều trẻ em đến tuổi đi học nhưng không được đến trường. Thay vào đó, các em thu mình trong nhà, ít giao tiếp, thậm chí có em lang thang khắp nơi mà không ý thức được nguy hiểm xung quanh.

Tìm hiểu nguyên nhân, cô Hà nhận ra đó là những biểu hiện của chứng tự kỷ, rối loạn tâm thần, chậm phát triển trí tuệ… Tại địa phương lúc bấy giờ không có trường lớp dành cho trẻ đặc biệt, ngay cả gia đình các em cũng không hiểu rõ về tình trạng của con mình. Thậm chí, nhiều em bị bạn bè xa lánh, hàng xóm kỳ thị.

Trăn trở trước thực trạng ấy, cô Việt Hà quyết định theo học ngành Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Ban đầu, lựa chọn này của nữ giáo viên vấp phải sự phản đối từ gia đình, bạn bè, bởi khi đó, giáo dục đặc biệt vẫn là một lĩnh vực xa lạ.

29.png
Cô Nguyễn Thị Việt Hà hiện là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: NVCC

Cô Hà kể lại: “Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2010, tôi làm việc tại một lớp dạy trẻ tự kỷ ở Hà Nội. Trong số học sinh khi đó, có một nhóm trẻ đến từ Vĩnh Phúc, quê hương của tôi. Dù chỉ được học 1-2 tiếng mỗi ngày, phụ huynh vẫn kiên trì đưa con vượt hàng chục cây số lên Hà Nội, bất kể mưa nắng.

Tôi tìm hiểu và được biết ở Vĩnh Phúc chưa có một trường lớp nào dạy trẻ đặc biệt. Xót xa trước nỗi vất vả của cha mẹ và mong muốn giúp đỡ các em nhỏ thiếu may mắn, tôi đã trăn trở rất nhiều việc ở lại Hà Nội làm việc hay trở về quê hương giúp đỡ các em. Ở Hà Nội, tôi có nhiều cơ hội việc làm còn nếu trở về quê hương mở lớp, nguồn kinh phí eo hẹp cùng việc thiếu thốn cơ sở vật chất khiến tôi lo lắng liệu mình có đủ sức duy trì lâu dài hay không.

Song, tôi nhớ lại lời dạy của thầy giáo “niềm hạnh phúc nhất của những người trong ngành Giáo dục đặc biệt này chính là việc được chia sẻ giúp đỡ những số phận quanh ta”. Hơn nữa, ở Vĩnh Phúc, có người phải đưa con xuống Hà Nội, có người tìm giáo viên ở tận Hải Dương, Hải Phòng để cho con đi học. Điều đó tiếp thêm nhiệt huyết và động lực để tôi theo đuổi nghề đã chọn và quyết tâm trở về quê hương giúp trẻ em tự kỷ”.

Về Vĩnh Phúc, cô giáo Hà thuê một căn phòng nhỏ làm nơi dạy trẻ. Với hơn 2 triệu đồng tiết kiệm cùng sự hỗ trợ từ gia đình, cô mua bàn ghế nhựa, đồ chơi cho các em. Ban đầu, lớp học chỉ có cô và 4 học sinh mắc hội chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ. Nhờ sự hướng dẫn của cô Hà, học sinh tiến bộ rõ rệt, phụ huynh tìm đến ngày càng đông. Đồng thời, thấy được ý nghĩa công việc của nữ giáo viên, nhiều người dân và phụ huynh sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ cô các vật dụng trong lớp.

Trước nhu cầu và mong muốn can thiệp sớm để tăng cơ hội hòa nhập cho trẻ ngày càng lớn, năm 2012, Trung tâm can thiệp sớm Khai Trí do cô Nguyễn Thị Việt Hà thành lập. Trung tâm tiếp nhận dạy và chăm sóc trẻ mắc các dạng tật như tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính, rối loạn ngôn ngữ, Down, tăng động giảm chú ý (ADHD)... Bên cạnh đó, cô giáo Việt Hà hướng đến giúp các em có một nghề phù hợp để nuôi sống bản thân. Năm 2016, trung tâm đổi tên thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí.

Đến nay, trung tâm có 10 cơ sở, hiện đang hỗ trợ hơn 300 trẻ theo học và can thiệp. Từ khi thành lập năm 2011, trung tâm đã giúp hàng nghìn trẻ đặc biệt can thiệp thành công, từng bước hòa nhập với bạn bè và cộng đồng.

Nặng lòng với nghề nuôi dạy trẻ đặc biệt

Cô giáo Việt Hà tâm sự: “Rào cản lớn nhất của tôi những ngày đầu làm việc với các em nhỏ mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, trẻ chậm nói... là khó khăn trong giao tiếp và xây dựng niềm tin với các em. Mỗi trẻ đều có những biểu hiện khác nhau. Nhiều em khi mới đến lớp thường la hét, chạy nhảy không kiểm soát, không phản ứng với lời nói,... Chuyện bị học sinh cắn, đánh, ném đồ vật,… xảy ra là hết sức bình thường với một cô giáo dạy trẻ đặc biệt.

Tôi nhớ như in ngày đầu tiên đi dạy, tôi gặp một bé gái mắc chứng tự kỷ. Em tiến lại gần chào nhưng bất ngờ tát tôi bốn cái liên tiếp. Lúc đó, tôi thực sự sốc, tủi thân và đã khóc rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp, giáo viên cần có giáo án cụ thể, chi tiết về nội dung. Quan trọng hơn, mỗi giáo viên cần quan sát kỹ từng học sinh để nắm bắt sở thích, thói quen, điểm mạnh và hạn chế của mỗi em, từ đó áp dụng phương pháp phù hợp, giúp trẻ hứng thú với việc học. Dù được đào tạo bài bản, song khi tiếp xúc trực tiếp với nhiều trẻ, tôi vẫn gặp không ít khó khăn.

Có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi và chán nản nhưng khi nhìn những ánh mắt ngây thơ, non nớt của học sinh tôi thấy mình cần cố gắng nỗ lực hơn nữa, không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ, người bạn của các con”.

3.png
Các em nhỏ tham gia hoạt động giáo dục tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập khai trí. Ảnh: NVCC

Theo cô Hà, để có thể dạy trẻ tự kỷ tốt, giáo viên còn phải thường xuyên tìm kiếm tài liệu, tham khảo các phương pháp dạy mới của nước ngoài để đưa phương án học tập tốt nhất cho các em. Nữ giáo viên kiên nhẫn quan sát, áp dụng phương pháp linh hoạt như sử dụng hình ảnh, cử chỉ, đồ chơi trực quan để giúp học sinh tiếp nhận bài học dễ dàng hơn. Quan trọng hơn, cô Hà tạo dựng một môi trường an toàn, khích lệ từng thay đổi nhỏ nhất của trẻ.

Nữ giáo viên sinh năm 1986 chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất của các giáo viên lựa chọn gắn bó với những học sinh đặc biệt là chứng kiến các bé thay đổi dần dần, từ việc học cách giao tiếp, tự quản lý cảm xúc, đến việc tham gia vào các hoạt động nhóm một cách tích cực hơn. Một số em đã biết bày tỏ cảm xúc hoặc yêu cầu những gì mình cần, dù đó là những bước nhỏ.

Tôi nhớ có hôm, phụ huynh khoe con mình nói được 2 từ “vui quá” mà tôi vui mừng đến phát khóc. Hay có nhiều em vừa ra trung tâm đã có sự hòa nhập tốt, có học sinh còn đạt thành tích học tập, làm cán bộ lớp. Những tiến bộ của các bé là minh chứng cho sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của cả cô giáo và học sinh, khiến tôi càng thêm yêu nghề và cảm thấy công sức của mình thật sự có ý nghĩa.

Hơn nữa, các bé bày tỏ tình cảm với cô theo những cách rất riêng, dù không phải lúc nào cũng bằng lời nói. Có em nắm chặt tay cô khi cảm thấy an toàn, có em nhìn cô với ánh trìu mến khi cần sự an ủi. Một số bé thể hiện sự gắn kết bằng những hành động nhỏ như giúp cô giáo sắp xếp đồ chơi hay đơn giản là ngồi cạnh cô dù không được yêu cầu”.

Là điểm tựa của nhiều hoàn cảnh đặc biệt

Với những em có hoàn cảnh đặc biệt, cô Hà sẵn sàng hỗ trợ một phần học phí và chi phí sinh hoạt, giúp các em tiếp tục hành trình học tập mà không bị gián đoạn. Đặc biệt, có 9 em nhỏ có hoàn cảnh éo le đã được cô Việt Hà hỗ trợ hoàn toàn chi phí học tập và chăm sóc tại trung tâm. Hiện tại, các em đều đã hòa nhập xã hội và có cuộc sống như những bạn bè đồng trang lứa khác.

Trong số những em nhỏ được cô Hà hỗ trợ, nữ giáo viên nhớ nhất một học sinh sinh năm 2012. Khi mới đến trung tâm, em gần như không giao tiếp, không phản ứng với những người xung quanh. Mỗi khi cô gọi tên, em chỉ im lặng hoặc lặng lẽ rời đi khiến cô giáo trở nên bối rối khi tiếp cận em.

Tuy nhiên, cô Hà không bỏ cuộc, cô kiên nhẫn tạo ra những cơ hội giao tiếp nhỏ với em, từ cùng nhau vẽ tranh, chơi xếp hình hay đơn giản là ngồi bên cạnh mà không yêu cầu em phải nói chuyện. Suốt nhiều tháng, học sinh vẫn giữ khoảng cách, cho đến một ngày, em chủ động bước tới, chỉ tay vào bức tranh đang vẽ. Dù không nói gì nhưng từ ánh mắt lấp lánh của em, nữ giáo viên biết em đang muốn chia sẻ một điều đặc biệt. Từ đó, học sinh dần cởi mở hơn, bắt đầu giao tiếp qua hình ảnh, cử chỉ rồi sau đó nói được những từ đơn giản.

“Khoảnh khắc em chủ động tiếp cận tôi là một dấu mốc đáng nhớ, nhắc nhở tôi rằng mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng riêng, chỉ cần chúng ta kiên trì đồng hành”, cô Hà bày tỏ.

Hiện nay, giáo viên sinh năm 1986 còn là thành viên tích cực của Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam với các hoạt động đánh giá sàng lọc, đánh giá chuyên sâu, tư vấn phụ huynh, lập chương trình can thiệp cho trẻ, hướng dẫn phụ huynh, giáo viên trong công tác chăm sóc, giúp đỡ trẻ theo các mức độ khác nhau...

Theo cô Việt Hà, trẻ mắc chứng tự kỷ được can thiệp sớm trong thời gian vàng (từ 20 đến 36 tháng tuổi) trẻ sẽ học tập các kỹ năng cơ bản nhanh hơn và hoàn toàn hòa nhập với cộng đồng.

Nỗi trăn trở lớn nhất của người giáo viên tâm huyết này là nhiều phụ huynh vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về chứng tự kỷ ở trẻ. Không ít cha mẹ, vì tâm lý sĩ diện đã từ chối chấp nhận thực tế dù con có biểu hiện rõ ràng, dẫn đến việc can thiệp chậm trễ, khiến tình trạng của trẻ ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Có nhiều trường hợp phụ huynh đưa con đến trung tâm kiểm tra, được xác định mắc chứng tự kỷ và cần can thiệp sớm, nhưng ban đầu lại phản đối quyết liệt. Có gia đình còn đưa trẻ về, vài tháng sau mới quay lại nhờ hỗ trợ. Lúc này, tình trạng của trẻ đã nặng hơn, khiến quá trình can thiệp trở nên khó khăn hơn", nữ giáo viên nhớ lại.

Dự kiến thời gian tới, cô Hà sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương mở lớp tập huấn, hướng dẫn phụ huynh cách nhận biết sớm trẻ tự kỷ để có biện pháp can thiệp phù hợp, giúp trẻ tiến bộ từng ngày và hòa nhập cộng đồng.

Một số thành tích của cô Nguyễn Thị Việt Hà đối với lĩnh vực giáo dục trẻ đặc biệt:

Năm 2018, nữ giáo viên vinh dự được nhận quà của Phó Chủ tịch nước vì thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật.

Được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật năm học 2017-2018.

Được trao tặng bằng khen của Uỷ ban Trung ương Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ năm 2018.

Được trao tặng bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020.

Hồng Mai