Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa: "Tố cáo NCS 9 năm do thù hằn cá nhân"

09/05/2012 06:08
Bích Thảo - Kim Ngân
(GDVN) - Liên quan tới việc ông Phạm Xuân Khánh bị tố làm nghiên cứu sinh 9 năm tại Viện đào tạo sau đại học (ĐH Bách Khoa), Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa khẳng định, trường không hề sai quy chế đào tạo tiến sĩ.
Thực hư chuyện NCS 9 năm

Gần đây báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được đơn thư tố cáo của độc giả về sai quy chế trong việc cấp bằng Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Phạm Xuân Khánh của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, nghiên cứu sinh Phạm Xuân Khánh đang là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Ông Khánh chính thức được nhận làm nghiên cứu sinh (NCS) Khoa Kĩ thuật điện tử khóa 2003 – KTT ngày 10/9/2003. 


Thông báo trên wesite của trường ĐH Bách Khoa, ngày 16/2/2012, NCS Phạm Xuân Khánh bảo vệ tiến sĩ
Thông báo trên wesite của trường ĐH Bách Khoa, ngày 16/2/2012, NCS Phạm Xuân Khánh bảo vệ tiến sĩ

Ông Khánh bảo vệ đề tài mã số 62.52.70.01 mang tên “Thiết kế và chế tạo bộ điều khiển thông minh trên cơ sở lý thuyết điều khiển thích nghi và lý thuyết điều khiển mở ứng dụng trong công nghiệp”, thuộc hệ đào tạo không tập trung với thời gian 4 năm.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10 /2009/TT-BGDĐT ngày 07/5 /2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ trong điểm 7 điều 23: “Thời gian tối đa cho phép trình luận án để bảo vệ là 7 năm (84 tháng) kể từ ngày có quyết định công nhận nghiên cứu sinh. Quá thời gian này, nghiên cứu sinh không được bảo vệ luận án và các kết quả học tập thuộc chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ không được bảo lưu”. 
Tuy nhiên đến tận ngày 16/2/2012 (sau 8 năm, 5 tháng) NCS Phạm Xuân Khánh mới chính thức bảo vệ luận án Tiến sĩ. Điều này đã gây ra một số nghi vấn sai sót trong quy trình đào tạo Tiến sĩ của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Liệu có hay không NCS 9 năm vẫn được bảo vệ Luận án Tiến sĩ? Để làm rõ vấn đề này chúng tôi đã đến làm việc với lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. 
Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa khẳng định “không hề sai quy chế”

GS.TS Nguyễn Trọng Giảng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Chúng tôi làm hoàn toàn theo nguyên tắc, không hề sai quy chế. Làm gì có chuyện NCS trong vòng 9 năm”.


Ông Nguyễn Trọng Giảng Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa khẳng định không sai quy chế
Ông Nguyễn Trọng Giảng Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa khẳng định không sai quy chế

Giải thích cho trường hợp của ông Phạm Xuân Khánh khóa 2003-2007, bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp Trường ngày 16/02/2012 là đúng nguyên tắc, Phó viện trưởng Viện Đào tạo sau Đại Học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) - ông Nguyễn Đắc Trung nói: “NCS Phạm Xuân Khánh được Trường ĐHBK Hà Nội công nhận là NCS theo hệ không tập trung với thời gian đào tạo 4 năm theo quyết định số 1627/QĐ-ĐHBK-SĐH của Hiệu trưởng ngày 10/09/2003.
Hết 4 năm nhưng NCS Phạm Xuân Khánh chưa hoàn thành Luận án Tiến sĩ, NCS đã nộp đơn xin gia hạn thời gian học tập nghiên cứu và được Trường ĐHBK Hà Nội chấp nhận cho gia hạn đến hết tháng 5 năm 2008. Hết thời gian gia hạn, NCS đã hoàn thành chương trình đào tạo theo yêu cầu, nhưng vẫn chưa thực hiện xong phần nghiên cứu trong khuôn khổ Luận án Tiến sĩ nên Trường ĐHBK Hà Nội đã có quyết định trả NCS về cơ quan cũ.

Quyết định công nhận Nghiên cứu sinh
Quyết định công nhận Nghiên cứu sinh

Sau khi trả về cơ quan, NCS đã tiếp tục tự nghiên cứu, hoàn thành Luận án Tiến sĩ và nộp đơn, hồ sơ xin bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp Bộ môn vào ngày 15/08/2010.

Trường ĐHBK Hà Nội đã ra quyết định số 4047/QĐ-ĐHBK-SĐH ngày 30/11/2010 cho phép NCS được bảo vệ Luận án Tiến sĩ trước hội đồng cấp Bộ môn.

Sau khi bảo vệ Luận án ở cấp Bộ môn, NCS chỉnh sửa Luận án theo yêu cầu của hội đồng và nộp Luận án. Trường ĐHBK Hà Nội đã tiến hành lấy ý kiến của các phản biện độc lập và khi đã hoàn tất các thủ tục, Hiệu trưởng đã ra quyết định số 3958/QĐ-ĐHBK-SĐH ngày 28/12/2011 về việc thành lập hội đồng cấp Trường đánh giá Luận án của NCS Phạm Xuân Khánh.

Ngày 16/02/2012, NCS NCS Phạm Xuân Khánh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp Trường. Như vậy, thời gian từ khi có quyết định công nhận NCS đến khi trình Luận án lên cấp cơ sở của đồng chí Khánh là trong vòng 84 tháng, đúng theo quy định".
Ngoài ra, GS. Nguyễn Trọng Giảng cũng tái khẳng định: “Việc NCS Phạm Xuân Khánh xin bảo vệ Luận án Tiến sĩ hoàn toàn đúng theo quy định hiện hành trong vòng 7 năm”.

Vu cáo đồng nghiệp vì hằn thù cá nhân?

Ông Giảng còn cho biết thêm: “Nhà trường đã xác định được người tố cáo đồng chí Khánh làm sai quy định là ai. Chúng tôi biết rằng đó chỉ là hằn thù cá nhân, nói xấu, hạ danh dự của nhau”.

Theo Viện phó Nguyễn Đắc Trung, người tố cáo luận án Tiến sĩ này từng là thầy của ông Phạm Xuân Khánh. Do ghen ghét thành tích và mối hằn thù cá nhân nên đã liên tục làm đơn vu khống ông Khánh làm sai quy định.
Ông Trung nói: “Nếu người tố cáo mà biết rằng mình nói đúng sự thật thì không có gì phải giấu, không dám công khai tên tuổi của mình. Việc dùng thư nặc danh để tố cáo người khác chỉ khi chính người tố cáo không đành hoàng”.


Ông Nguyễn Đắc Trung Viện Phó Viện Đào tạo sau đại học
Ông Nguyễn Đắc Trung Viện Phó Viện Đào tạo sau đại học


Trước đó với mail giấu tên, người tố cáo này cũng đã có gửi thư lên Bộ GD&ĐT. Ngay sau đó, ngày 28/3/2012, Vụ Giáo dục Đại học đã cử cán bộ xuống trường để xác minh vụ việc. 

Tuy nhiên, Vụ Giáo dục Đại học có kết luận như thế nào về NCS Phạm Xuân Khánh, các quy trình đào tạo Tiến sĩ của Trường ĐH Bách Khoa có tuân thủ theo quy chế đạo tạo Tiến sĩ hay không? Tại sao thời gian trình luận án Tiến sĩ cấp Bộ môn là ngày 15/8/2010 nhưng đến tận ngày 16/2/2012, NCS Phạm Xuân Khánh mới bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ? Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Bích Thảo - Kim Ngân